Vị trí, chức năng
Văn phòng Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Đoàn thể là đơn vị cấp vụ trực thuộc Kiểm toán nhà nước, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước (Ban cán sự đảng) và Ban Chấp hành Đảng bộ Kiểm toán nhà nước (Đảng ủy); có chức năng tham mưu, giúp việc cho Ban cán sự đảng và Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy; phối hợp, giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các tổ chức đoàn thể trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Tham mưu, giúp việc Ban cán sự đảng
a) Tham mưu, giúp Ban cán sự đảng xây dựng Quy chế làm việc và duy trì hoạt động theo Quy chế làm việc của Ban cán sự đảng; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Ban cán sự đảng; phân công nhiệm vụ các đồng chí ủy viên Ban cán sự đảng.
b) Là đầu mối giúp Ban cán sự đảng giữ mối quan hệ, phối hợp công tác với: các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, các cơ quan thuộc diện phối hợp công tác với Ban cán sự đảng, cán bộ các ban đảng Trung ương được phân công theo dõi Kiểm toán nhà nước và phối hợp với Đảng ủy để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao và xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
c) Tham mưu, giúp Ban cán sự đảng trong công tác quán triệt và tổ chức thực hiện Cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
d) Tham mưu Ban cán sự đảng trong việc cụ thể hóa đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước thành các chương trình, kế hoạch, nghị quyết, chỉ thị, quy định... của Ban cán sự đảng để thực hiện tại Kiểm toán nhà nước; theo dõi, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện.
e) Tham mưu, giúp Ban cán sự đảng trong việc xác định phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, mục tiêu, kế hoạch dài hạn, trung hạn, hằng năm và các đề án, dự án quan trọng của Kiểm toán nhà nước.
f) Tham mưu Ban cán sự đảng trong việc xác định những định hướng chính trong dự án luật, pháp lệnh, các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng mà Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm trong soạn thảo hoặc ban hành theo thẩm quyền; những nội dung quan trọng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị theo quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
g) Tham mưu, giúp Ban cán sự đảng thực hiện công tác tổ chức, cán bộ thuộc thẩm quyền của Ban cán sự đảng: các đề án về kiện toàn tổ chức bộ máy; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và chế độ, chính sách... đối với cán bộ theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ. Thẩm định, báo cáo Ban cán sự đảng để cho ý kiến đối với phương án nhân sự là trưởng, phó các tổ chức đoàn thể.
h) Tham mưu, giúp Ban cán sự đảng thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo công tác kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng tại Kiểm toán nhà nước; thực hiện nhiệm vụ tổng hợp, đôn đốc, theo dõi và là đầu mối phối hợp giữa Ban cán sự đảng với Đảng ủy và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc liên quan trong thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo công tác kiểm tra.
i) Tham mưu, giúp Ban cán sự đảng xây dựng văn bản tham gia, đóng góp ý kiến theo yêu cầu, đề nghị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và của các cơ quan Trung ương.
j) Tham mưu, giúp Ban cán sự đảng xây dựng báo cáo đánh giá, kiểm điểm tự phê bình và phê bình định kỳ, đột xuất của Ban cán sự đảng; tham mưu tổ chức hội nghị kiểm điểm và thực hiện gửi hồ sơ kiểm điểm của tập thể, cá nhân Ban cán sự đảng theo quy định.
k) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung, chương trình, tài liệu họp thường kỳ, đột xuất của Ban cán sự đảng; làm thư ký, ghi biên bản, dự thảo và thông báo kết luận; đôn đốc, theo dõi tình hình triển khai thực hiện.
l) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung, chương trình, tài liệu giúp Ban cán sự đảng khi làm việc với các đoàn công tác, kiểm tra, giám sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các cơ quan Trung ương đối với Ban cán sự đảng.
m) Tổng hợp, xây dựng báo cáo chuyên đề, báo cáo định kỳ, đột xuất của Ban cán sự đảng theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và theo đề nghị của các ban đảng Trung ương, các cơ quan phối hợp công tác với Ban cán sự đảng.
n) Thực hiện công tác văn thư, lưu trữ và quản lý, sử dụng con dấu của Ban cán sự đảng theo quy định của Đảng.
2. Tham mưu, giúp việc Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy
2.1. Trực tiếp tham mưu, giúp Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy
a) Tham mưu giúp Đảng ủy xây dựng Quy chế làm việc; duy trì hoạt động theo Quy chế làm việc của Đảng ủy.
b) Tham mưu giúp Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác hằng năm và nhiệm kỳ; phân công nhiệm vụ các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ; xử lý, cung cấp thông tin phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy.
c) Là đầu mối duy trì mối quan hệ công tác với Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; duy trì mối quan hệ công tác với Ban cán sự đảng, lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, cấp uỷ, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước và các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao và xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
d) Thực hiện công tác quản lý đảng viên; công tác quản lý, cập nhật, khai thác, lưu trữ hồ sơ, dữ liệu đảng viên.
e) Thực hiện quản lý tài chính, tài sản của Đảng ủy; bảo đảm điều kiện làm việc, phục vụ hoạt động của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy và các ban tham mưu của Đảng ủy.
f) Hướng dẫn việc tổ chức đại hội Đảng các cấp; chủ trì, phối hợp với các ban tham mưu của Đảng ủy chuẩn bị nội dung, chương trình, tài liệu phục vụ cho Đại hội đại biểu Đảng bộ Kiểm toán nhà nước; xây dựng Nghị quyết Đại hội, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội.
g) Tổng hợp, xây dựng các báo cáo công tác định kỳ hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và hàng năm của Đảng ủy; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cấp ủy cấp trên và các ban đảng Trung ương.
h) Hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ công tác đảng, quản lý tài chính đảng, văn thư, lưu trữ đối với các tổ chức đảng trực thuộc; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy viên các cấp.
i) Thực hiện công tác văn thư, lưu trữ và quản lý, sử dụng con dấu của Đảng ủy theo quy định của Đảng.
2.2. Phối hợp với các ban tham mưu của Đảng ủy, các tổ chức đảng liên quan tham mưu, đề xuất và thực hiện các nhiệm vụ:
a) Chủ trì, phối hợp với các ban tham mưu của Đảng ủy và cấp ủy liên quan xây dựng các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch, quy định và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy để triển khai thực hiện; theo dõi, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện.
b) Phối hợp với các ban tham mưu của Đảng ủy giúp Ban Thường vụ Đảng ủy chỉ đạo các đảng ủy, chi ủy trực thuộc lãnh đạo thực hiện công tác chính trị, tư tưởng; tuyên truyền giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tổ chức phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị cho đảng viên, công chức, viên chức và người lao động.
c) Phối hợp với các ban tham mưu của Đảng ủy tham mưu cho Đảng ủy đề ra các giải pháp xây dựng, củng cố tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh; theo dõi tình hình hoạt động của các chi bộ, đảng bộ trực thuộc; hướng dẫn kiểm điểm, đánh giá, xếp loại và thẩm định kết quả đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên, công tác thi đua khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên.
d) Phối hợp với các ban tham mưu của Đảng uỷ và các đơn vị liên quan tham mưu giúp Đảng ủy thực hiện tốt công tác phát triển đảng, thẩm định hồ sơ, thủ tục kết nạp đảng viên mới, xét công nhận đảng viên chính thức; phát thẻ và quản lý thẻ đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng.
e) Chủ trì hoặc phối hợp với các ban tham mưu của Đảng ủy và cấp ủy liên quan chuẩn bị nội dung, chương trình, tài liệu họp thường kỳ, đột xuất của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy; làm thư ký, ghi biên bản, dự thảo và thông báo kết luận của Ban Thường vụ; đôn đốc, theo dõi việc triển khai thực hiện.
f) Chủ trì, phối hợp với các ban tham mưu của Đảng ủy và cấp ủy liên quan chuẩn bị nội dung, chương trình, tài liệu giúp Đảng ủy khi làm việc với các đoàn công tác, kiểm tra, giám sát đối với Đảng bộ Kiểm toán nhà nước.
g) Phối hợp với Ban Tổ chức Đảng ủy và các đơn vị liên quan tham mưu công tác bảo vệ chính trị nội bộ; tham mưu kết luận tiêu chuẩn chính trị; tham mưu, tổng hợp ý kiến nhận xét của Ban Thường vụ Đảng ủy đối với cán bộ được bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển thuộc diện Ban Thường vụ Đảng ủy quản lý; công tác quy hoạch cấp ủy các cấp của Đảng bộ Kiểm toán nhà nước theo quy định của Đảng; công tác kiện toàn cấp ủy, ủy ban Kiểm tra Đảng ủy các cấp trong Đảng bộ. Thẩm định, báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy về phương án nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các tổ chức đoàn thể.
h) Phối hợp với ủy ban kiểm tra Đảng ủy giúp Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy lãnh đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng trong Đảng bộ Kiểm toán nhà nước.
i) Phối hợp với Ban Tuyên giáo Đảng ủy thực hiện công tác thông tin, tuyến truyền hoạt động của Đảng ủy và việc triển khai, học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kết luận của cấp ủy cấp trên, của Ban cán sự đảng và Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy; theo dõi, tổng hợp việc biên soạn lịch sử Đảng bộ Kiểm toán nhà nước.
j) Phối hợp với Ban Dân vận Đảng ủy và các tổ chức, đơn vị liên quan tham mưu cho Đảng ủy trong công tác lãnh đạo xây dựng các tổ chức đoàn thể hoạt động đúng pháp luật và điều lệ của tổ chức, tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao và xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh; đôn đốc, theo dõi, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kết luận của Ban cán sự đảng và Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy; định kỳ hàng năm Ban Thường vụ nghe báo cáo để lãnh đạo, chỉ đạo về hoạt động của các tổ chức đoàn thể.
k) Phối hợp với các ban tham mưu của Đảng ủy, các đơn vị liên quan tham mưu cho Đảng ủy lãnh đạo thực hiện Quy chế dân chủ cở sở.
l) Phối hợp với các ban tham mưu của Đảng ủy thẩm định tờ trình của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các tổ chức đoàn thể khi có yêu cầu.
3. Phối hợp, giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các tổ chức đoàn thể
a) Phối hợp với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các tổ chức đoàn thể:
- Xây dựng và duy trì Quy chế làm việc; xây dựng và tổ chức thực hiện chưong trình, kế hoạch công tác tháng, quý, hàng năm và nhiệm kỳ;
- Tổ chức công tác thông tin, báo cáo phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ các tổ chức đoàn thể. Theo dõi, đôn đốc các tổ chức đoàn thể cơ sở thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định;
- Chuẩn bị nội dung, chương trình, tài liệu phục vụ hội nghị định kỳ, đột xuất của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các tổ chức đoàn thể; phối hợp thông báo các kết luận, nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các tổ chức đoàn thể đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để thực hiện và đôn đốc, theo dõi tình hình triển khai thực hiện;
- Phối hợp với Ban Thường vụ Công đoàn Kiểm toán nhà nước và các đơn vị có liên quan chuẩn bị nội dung, chương trình, tài liệu Hội nghị dân chủ Cơ quan Kiểm toán nhà nước;
- Nghiên cứu, tổng hợp tình hình hội viên; tham gia xây dựng các văn bản và đề án của các tổ chức đoàn thể;
- Theo dõi, đánh giá, tổng hợp tình hình hoạt động và việc thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các tổ chức đoàn thể của các đơn vị cơ sở;
- Trong công tác chỉ đạo kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, quyết định, các chuyên đề công tác của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các tổ chức đoàn thể.
b) Giúp các tổ chức đoàn thể trong công tác quản lý và sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật; thực hiện công tác văn thư, lưu trữ.
c) Phối hợp thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Đảng ủy yêu cầu.
4. Xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho công chức và người lao động trong đơn vị và tổ chức thực hiện.
5. Quản lý công chức và người lao động của đơn vị theo quy định của Nhà nước và phân cấp của Kiểm toán nhà nước; quản lý các trang thiết bị của đơn vị; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về công tác thi đua khen thưởng, kỷ luật, văn thư, lưu trữ, tuyên truyền, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị theo quy định của Đảng và của Kiểm toán nhà nước; định kỳ, đột xuất báo cáo Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước kết quả công tác của đơn vị.
Thực hiện các nhiệm vụ khác được Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy và Tổng Kiểm toán nhà nước giao.