Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Cao Tấn Khổng nhấn mạnh: Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm qua hoạt động kiểm toán qua hoạt động Chương trình MTQG Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Chương trình). Hội thảo được tổ chức với mục đích trao đổi những thuận lợi, khó khăn, bất cập trong quản lý triển khai Chương trình; đánh giá việc tuân thủ pháp luật và hiệu quả đầu tư; đánh giá mức độ đạt được các điểm nút, điểm chuẩn, nhất là công tác phân bổ và quản lý ngân sách; một số hạn chế, sai sót sảy ra trong quá trình thực hiện Chương trình.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tham luận, trao đổi ý kiến và thảo luận về những kết quả đạt được của chương trình, theo đó, bộ máy chỉ đạo, điều hành Chương trình ở Trung ương, địa phương được thành lập đã tổ chức thực hiện và phối hợp với HĐND các tỉnh giám sát, kiểm tra công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn Chương trình; phạm vi Chương trình được mở rộng ưu tiên cho các vùng có khó khăn về nguồn nước; phối hợp lồng ghép các nguồn vốn đầu tư; chấp hành trình tự thủ tục đầu tư theo các quy định hiện hành; công tác truyền thông và vệ sinh môi trường được coi trọng.
Công trình thiết kế phù hợp, được khai thác, quản lý vận hành theo quy trình, chất lượng nước đáp ứng được tiêu chuẩn của Bộ Y tế; mức giá dịch vụ cung cấp nước hợp lý tạo nguồn thu ổn định đảm bảo khấu hao, bù đắp được chi phí hoạt động; mô hình người quản lý đầu tư cũng là người khai thác sử dụng và mô hình cho doanh nghiệp cùng đầu tư vốn và quản lý vận hành sau đầu tư rất hiệu quả; các công trình nhà vệ sinh trường học đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh môi trường. Những kết quả này đã góp phần cải thiện và nâng cao điều kiện sống và sức khoẻ cho nhân dân.
Tổng hợp kết quả kiểm toán cho thấy, số lượng đơn vị được kiểm toán năm sau cao hơn năm trước, nếu ở năm đầu tiên chỉ tiến hành kiểm toán tại 9 tỉnh, thì đến năm 2012, số lượng các tỉnh đã tăng lên con số 21. Mặc dù số lượng các tỉnh được kiểm toán tăng, nhưng mức độ sai phạm lại ít đi thể hiện ở các con số: Năm 2008 số kinh phí phải thu hồi là 0,94%, đến năm 2012 số kinh phí phải thu hồi giảm xuống còn 0,66%. Điều này cho thấy, công tác kiểm toán đã góp phần vào việc hạn chế, ngăn ngừa những sai phạm xảy ra trong quá trình thực hiện dự án, góp phần nâng cao tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong việc sử dụng vốn NSNN nói chung và của nhà tài trợ nói riêng.
Bên cạnh đó, một số tồn tại, bất cập về cơ chế chính sách cũng được thảo luận chi tiết tại Hội thảo. Theo phần lớn đại biểu, nguồn vốn đầu tư cho Chương trình chưa đáp ứng được nhu cầu; các Bộ, ngành, tỉnh chưa kịp thời sửa đổi bổ sung các nội dung, định mức chi phí cho phù hợp với thực tế; chậm ban hành một số cơ chế, chính sách như: khung giá nước sạch nông thôn, cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào thị trường nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chưa xây dựng hoàn chỉnh quy chế quản lý vận hành công trình sau đầu tư; vệ sinh môi trường làng nghề chưa được quan tâm đúng mức. Công tác lập, thẩm tra thiết kế - dự toán, thi công, giám sát, nghiệm thu thanh toán còn một số hạn chế, thiếu sót; tiến độ thực hiện một số công trình chưa đạt yêu cầu; hồ sơ quyết toán được lập, phê duyệt chưa đúng thời gian quy định. Ngoài những chủ quan còn một số yếu tố khách quan ảnh hưởng đến Chương trình như: Giá cả vật tư, nhân công có nhiều biến động, các văn bản chính sách hướng dẫn thay đổi nhiều.
Kết luận Hội thảo, Phó Tổng KTNN Cao Tấn Khổng khẳng định: Kết quả của Hội thảo là rất lớn, qua công tác kiểm toán Chương trình đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm về: Công tác chỉ đạo điều hành; phương án, định mức phân bổ và lồng ghép nguồn kinh phí; kinh nghiệm thực hiện các dự án, hạn chế những sai sót, làm giảm thất thoát, lãng phí; công tác truyền thông; công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện Chương trình; một số đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là cơ chế phân bổ và sớm giao dự toán nguồn kinh phí Chương trình đảm bảo công tác giải ngân, thanh quyết toán theo niên độ, đề nghị các địa phương báo cáo Kiểm toán Nhà nước tổng hợp kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đã đánh giá cao ý kiến phổ biến chính sách phòng chống gian lận của Chính phủ Australia do đại diện nhà tài trợ trình bày, đồng thời đề nghị KTNN chuyên ngành V tổ chức cho các công chức, kiểm toán viên nghiên cứu, thảo luận về những tham luận, ý kiến đã trình bày trong Hội thảo để nâng cao trình độ, kỹ năng kiểm toán Chương trình MTQG Nước sạch và Vệ sinh môi trường những năm tới.
Thay mặt Lãnh đạo KTNN, đồng chí Phó Tổng KTNN đánh giá cao đóng góp của Ban tổ chức; các tỉnh, thành phố; đại biểu đã dành thời gian tham gia và chia sẻ kinh nghiệm và mong rằng tiếp tục được sự cộng tác và ủng hộ của các tỉnh, thành phố; nhà tài trợ trong thời gian tới, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán Chương trình trong những năm tiếp theo.