Những lưu ý khi kiểm soát chất lượng kiểm toán tổng hợp thu ngân sách tại cơ quan thuế địa phương

(sav.gov.vn) - Kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) là hoạt động mang tính bắt buộc, có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao giá trị các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Hoạt động kiểm toán đang dần được dịch chuyển từ kiểm toán tài chính và tuân thủ sang kiểm toán hoạt động, do đó, KSCLKT cũng cần phải được đánh giá và tiếp cận ở góc độ mới để phù hợp với phương pháp và loại hình kiểm toán.

Các bước và nội dung kiểm soát chất lượng kiểm toán

Hiện nay, hoạt động KSCLKT được thực hiện từ giai đoạn thu thập thông tin, tài liệu lập kế hoạch kiểm toán (KHKT) của Đoàn kiểm toán đến giai đoạn thực hiện kiểm toán, lập, gửi dự thảo báo cáo kiểm toán (BCKT) và kiểm soát hồ sơ sau phát hành BCKT.

Đối với kiểm toán thu ngân sách địa phương, trong giai đoạn thu thập thông tin, tài liệu để lập KHKT, hoạt động KSLCKT sẽ tập trung vào một số điểm sau: Thu thập đầy đủ các thông tin về quyết toán thu ngân sách; Xác định mục tiêu, trọng yếu kiểm toán; Phân tích rủi ro, nhất là với các rủi ro xác định là ở mức độ cao được đưa thành trọng tâm, trọng yếu kiểm toán; Xác định đầy đủ nội dung kiểm toán và bám sát các nội dung theo đề cương kiểm toán của Ngành; Đánh giá mức độ tin cậy của số liệu; Thông tin đánh giá, phân tích hệ thống kiểm soát nội bộ…

Thực tế cho thấy, vướng mắc đặt ra trong quá trình khảo sát, thu thập thông tin tài liệu là việc xác định số liệu chỉ mang tính tương đối, nhất là với những cuộc kiểm toán diễn ra khi địa phương chưa hoàn thiện công tác quyết toán; số liệu các địa phương cung cấp cho Đoàn kiểm toán còn phải điều chỉnh nhiều lần. Do đó, có những trường hợp khi thu thập thông tin, có nội dung là trọng yếu và rủi ro lớn nhưng khi thực hiện kiểm toán lại không phải trọng yếu…

Đối với giai đoạn thực hiện kiểm toán, việc KSCLKT được thực hiện theo 5 phương pháp: Giám sát trên nhật ký online; kiểm soát trực tiếp Đoàn kiểm toán; kiểm soát đột xuất Đoàn kiểm toán; kiểm soát Kiểm toán trưởng; kiểm soát hồ sơ sau. Trong đó, giám sát trên nhật ký online được thực hiện với các thành viên Tổ kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán về việc ghi chép đầy đủ nhật ký nội dung theo kế hoạch kiểm toán được phân công, ghi tài liệu kiểm tra nghiên cứu trong ngày đính kèm bằng chứng với các kết quả phát hiện kiểm toán. Tổ KSCLKT sẽ gửi phiếu trao đổi cho các Đoàn kiểm toán khi xét thấy có những nội dung cần trao đổi, làm rõ.

Khi kiểm soát trực tiếp Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm soát tập trung vào nội dung mà Tổ kiểm toán phát hiện sai sót để kiểm tra về bằng chứng kiểm toán, kết quả truy thu theo chế độ nhà nước; hồ sơ, mẫu biểu; số lượng chọn mẫu; việc tuân thủ quy chế hoạt động của Đoàn kiểm toán; đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên. Phương thức kiểm soát đột xuất Đoàn kiểm toán cũng được thực hiện theo các nội dung kiểm soát trực tiếp, đồng thời khi nghi ngờ có sai phạm, Tổ kiểm soát có thể yêu cầu Tổ kiểm toán giải trình ngay và cung cấp tài liệu để thực hiện kiểm tra lại…

Đối với phương pháp kiểm soát hồ sơ sau, Tổ kiểm soát sẽ kiểm tra toàn bộ hồ sơ kiểm toán từ khâu lập kế hoạch tổng quát đến khâu thực hiện, họp thông qua dự thảo với đơn vị kiểm toán, lập dự thảo BCKT, tổ chức xét duyệt, thông qua và phát hành BCKT. Mục đích của khâu kiểm soát này là để so sánh, soát xét lại các kết quả kiểm toán có đúng quy định và có được tổng hợp đầy đủ lên BCKT không.

Đối với kiểm soát Kiểm toán trưởng, Tổ kiểm soát có thể vận dụng các phương pháp như: Kiểm soát trực tiếp, kiểm soát đột xuất. Tuy nhiên, nội dung kiểm soát đi sâu vào công tác điều hành, quản lý của Kiểm toán trưởng, cụ thể như: Việc thành lập Tổ KSCLKT theo các đoàn kiểm toán; chất lượng hoạt động của các tổ (kiểm soát đột xuất, xuống trực tiếp các tổ kiểm toán để làm việc, kết quả kiểm soát, hồ sơ kiểm soát).

Tăng cường kiểm soát hoạt động của các Tổ kiểm toán tại cơ quan thuế

Thực tiễn công tác KSCLKT thời gian qua cho thấy, để nâng cao chất lượng kiểm toán, các Tổ kiểm soát cần tập trung vào việc Tổ kiểm toán phân tích, đánh giá công tác lập và giao dự toán thu ngân sách; tài liệu mà Tổ kiểm toán đã thu thập liên quan đến kết quả thực hiện dự toán thu ngân sách ở các lĩnh vực và theo sắc thuế, phí, lệ phí; việc Tổ kiểm toán xác định nguyên nhân đạt, không đạt dự toán có thuyết phục và đủ căn cứ bằng chứng không?

Các Tổ kiểm soát cần đánh giá việc Tổ kiểm toán xác định số thu nội địa theo các lĩnh vực và theo sắc thuế, phí, đối chiếu số liệu báo cáo quyết toán thu ngân sách nhà nước với số liệu của Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước và Sở Tài chính. Khi kiểm soát, cần lưu ý một số chỉ tiêu mà Tổ kiểm toán đã đánh giá, như: Thu từ kinh tế quốc doanh, thu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu ngoài quốc doanh, phí, lệ phí, thu khác ngân sách khớp với báo cáo thu của cơ quan thuế địa phương; xem xét việc đối chiếu với các báo cáo chi tiết và các báo cáo tổng hợp thu để xác định tính chính xác của số thu ngân sách theo từng chỉ tiêu và tổng số thu nội địa do ngành thuế quản lý; số nợ đọng thuế cuối năm…

Cùng với đó, Tổ KSCLKT phải kiểm soát bằng chứng kiểm toán mà Tổ kiểm toán thu thập liên quan đến công tác kiểm tra việc chấp hành chính sách, chế độ và Luật Thuế trong thực hiện miễn giảm thuế, khoanh nợ, xoá nợ, thực hiện trình tự, thủ tục giải quyết miễn, giảm, hoàn thuế giá trị gia tăng và hoàn thuế khác. Số mẫu chọn phải đảm bảo đúng và có gửi phiếu yêu cầu cung cấp tài liệu cho đơn vị, cần thiết sẽ thực hiện xem lại các mẫu mà Tổ kiểm toán đã chọn để có đánh giá trong quá trình kiểm soát.

Ngoài ra, Tổ KSCLKT thực hiện kiểm soát các nội dung đánh giá liên quan đến việc xử lý các khoản phạt, tịch thu, các khoản tạm thu, tạm giữ...; kiểm soát việc đánh giá lập dự toán hoàn thuế và quy trình hoàn thuế của cơ quan thuế. Đối với nội dung kiểm toán công tác quản lý thu theo quy trình, Tổ kiểm soát lưu ý đến việc thu thập bằng chứng của Tổ kiểm toán liên quan đến quản lý đăng ký mã số thuế, thông tin người nộp thuế và kê khai thuế; miễn, giảm thuế, gia hạn, hoàn thuế, xác định tiền chậm nộp thuế; kiểm tra, thanh tra thuế; chống thất thu ngân sách nhà nước của cơ quan thuế; quản lý nợ thuế và tiền phạt; xử lý thu hồi nợ đọng thuế của cơ quan thuế./.

Theo Báo Kiểm toán số 10/2024