Tạm dừng mua sắm, thuê mới tài sản từ ngày 1/1/2025
Về công tác quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) của các bộ, ngành được sắp xếp, công văn của Bộ Tài chính nêu rõ, các bộ, ngành thuộc diện sắp xếp có trách nhiệm kiểm kê, phân loại đối với tài sản (TS) thuộc quyền quản lý, sử dụng của cơ quan theo nhóm: TS của cơ quan, đơn vị (bao gồm cả TS đang sử dụng để cho thuê, liên doanh, liên kết, khai thác); TS phát hiện thừa/thiếu qua kiểm kê; TS không phải của cơ quan (TS nhận giữ hộ, TS mượn, TS thuê của tổ chức, cá nhân khác…).
Việc kiểm kê, phân loại TS phải hoàn thành xong trước ngày 1/1/2025; cập nhật biến động đến khi đề án/phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy được phê duyệt. Tạm dừng việc mua sắm, thuê mới TS từ ngày 1/1/2025 cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, trừ trường hợp đã thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu và trường hợp thực sự cần thiết khác do cơ quan, người có thẩm quyền quyết định mua sắm, thuê TS quyết định.
Trên cơ sở kết quả kiểm kê, phân loại TS, bộ, ngành thuộc diện sắp xếp có trách nhiệm: Xử lý TS phát hiện thừa/thiếu qua kiểm kê; trả lại TS cho tổ chức, cá nhân khác đối với TS giữ hộ, mượn; chấm dứt việc thuê TS (nếu được sự thống nhất của bên cho thuê và việc chấm dứt thuê không làm ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan, đơn vị); bảo vệ, bảo quản TS của bộ, ngành tránh để mất mát, thất thoát TS.
Đối với TS của bộ, ngành (bao gồm cả TS phát hiện thừa qua kiểm kê) và TS thuê của tổ chức, cá nhân khác mà không chấm dứt việc thuê, tương ứng với từng hình thức sắp xếp, công văn của Bộ Tài chính cũng đưa ra hướng dẫn việc quản lý, xử lý TS cho từng trường hợp cụ thể: Trường hợp hợp nhất các bộ, ngành hoặc hợp nhất các bộ, ngành và chuyển một số chức năng, nhiệm vụ cho bộ, ngành khác; trường hợp thay đổi cơ quan quản lý cấp trên; trường hợp kết thúc hoạt động và chuyển chức năng, nhiệm vụ sang cho một cơ quan, đơn vị khác và trường hợp kết thúc hoạt động, chuyển chức năng, nhiệm vụ sang cho nhiều bộ, ngành khác.
Cơ quan nhận bàn giao nguồn tài chính được hình thành từ công nợ thì có trách nhiệm nhận nợ
Công văn của Bộ Tài chính cũng đưa ra quy định cụ thể đối với việc bàn giao, tiếp nhận các nguồn tài chính (TC) nhà nước.
Theo đó, việc bàn giao, tiếp nhận các nguồn TC nhà nước (kinh phí từ phí được khấu trừ, để lại theo pháp luật phí, lệ phí; các khoản thu khác của đơn vị theo quy định của pháp luật; Quỹ trích lập theo cơ chế tài chính…), công nợ (các khoản còn phải trả cho tổ chức, cá nhân khác) của các bộ, ngành thuộc diện sắp xếp theo nguyên tắc thực hiện kiểm kê, đối chiếu giá trị trên sổ sách, số dư… đảm bảo khớp đúng; lập báo cáo kiểm kê. Trường hợp có chênh lệch phải xử lý chênh lệch trước khi bàn giao, đồng thời đảm bảo các hoạt động thông suốt ngay sau khi sắp xếp.
Bộ, cơ quan sau sắp xếp có trách nhiệm bố trí, sử dụng theo đúng quy định. Trường hợp dôi dư, lập phương án để trình cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định.
Việc bàn giao các nguồn TC, công nợ cần thảo luận thống nhất theo nguyên tắc cơ quan nhận bàn giao nguồn TC được hình thành từ công nợ thì có trách nhiệm nhận nợ.
Căn cứ các nguồn TC đã được bàn giao, tiếp nhận, bộ, ngành sau sắp xếp có trách nhiệm mở sổ sách theo dõi, quản lý theo quy định.
Thực hiện quyết toán NSNN năm 2024 đối với phần tiếp nhận theo phương án hợp nhất, chia tách
Bàn giao nguyên trạng hồ sơ, chứng từ liên quan tới NSNN năm 2024 cho các bộ, cơ quan sau sắp xếp
Về việc bàn giao, tiếp nhận công tác quản lý NSNN, công văn quy định cụ thể. Về quyết toán NSNN năm 2023, các bộ, ngành thuộc diện sắp xếp tiếp tục tiếp tục thực hiện quyết toán theo đúng quy định của Luật NSNN và pháp luật có liên quan.
Đối với năm 2024, các bộ, ngành thực hiện khóa sổ cuối năm theo quy định, chịu trách nhiệm toàn diện đối với công tác thanh tra, kiểm tra liên quan tới việc thực hiện dự toán năm 2024 và bàn giao nguyên trạng hồ sơ, chứng từ liên quan tới NSNN năm 2024 cho các bộ, cơ quan sau sắp xếp để thực hiện quyết toán NSNN năm 2024 theo quy định đối với phần tiếp nhận theo phương án hợp nhất, chia tách đã thống nhất.
Về dự toán NSNN năm 2025, các bộ, ngành trong phạm vi dự toán NSNN năm 2025 đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao, thực hiện phân bổ và giao dự toán đến các bộ, ngành sử dụng NSNN thuộc và trực thuộc để thực hiện các nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật NSNN và pháp luật có liên quan.
Sau khi được đơn vị dự toán cấp I phân bổ, giao kinh phí NSNN, các đơn vị tổ chức thực hiện theo quy định, trong đó đảm bảo các khoản chi cho con người; hạn chế tối đa việc phân bổ, thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên còn lại trừ các trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách phải thực hiện để bảo đảm các nhiệm vụ chính trị quan trọng được giao.
Vào thời điểm thực hiện sắp xếp, căn cứ mô hình sắp xếp tổ chức bộ máy chính thức đã được cấp có thẩm quyền quyết định, các bộ, ngành thuộc diện sắp xếp thống nhất phương án bàn giao, tiếp nhận dự toán NSNN năm 2025 (gồm dự toán cả năm 2025; kinh phí đã chi từ đầu năm 2025 đến thời điểm thực hiện sắp xếp và dự toán chi NSNN 2025 còn lại), chi tiết từng bộ phận chức năng theo phương án hợp nhất, chia tách.
Các bộ, ngành thuộc diện được sắp xếp lại thực hiện giao nguyên trạng công việc, hồ sơ, chứng từ đối với các nhiệm vụ thuộc dự toán năm 2025 đã và đang thực hiện theo phương án đã thống nhất cho các bộ, cơ quan sau sắp xếp.
Các bộ, ngành sau sắp xếp xác định lại dự toán thu, chi NSNN năm 2025, bao gồm dự toán đã được giao đầu năm 2025 trừ đi phần dự toán đã thống nhất chuyển cho các bộ, ngành khác (bao gồm số đã chi và số còn lại đến thời điểm thực hiện sắp xếp), cộng với phần dự toán tiếp nhận từ các bộ, ngành được sắp xếp lại (bao gồm số đã chi và số còn lại đến thời điểm thực hiện sắp xếp).
Bộ, ngành sau sắp xếp báo cáo Bộ Tài chính các nội dung điều chỉnh dự toán nêu trên và điều chỉnh dự toán chi đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh dự toán NSNN năm 2025 theo quy định tại Luật NSNN./.
PV