...Kiểm toán Nhà nước (KTNN) là một cơ quan rất mới trong lịch sử Vương quốc Campuchia. Mặc dù Luật kiểm toán được ban hành năm 2000, nhưng mãi đến năm 2002, KTNN mới lần đầu tiên thực hiện kiểm toán và đã được Chính phủ Hoàng gia hỗ trợ hoạt động, các đối tác phát triển hỗ trợ kỹ năng. Tuy nhiên, các bộ, cơ quan và đơn vị được kiểm toán nói chung cũng như nhân dân am hiểu về vai trò và nhiệm vụ của KTNN còn rất mơ hồ và không đầy đủ.
Luật Kiểm toán ban hành tháng 3 năm 2000 cho quyền KTNN tiến hành các loại kiểm toán đối với các đơn vị công lập bao gồm kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán thực hiện. Kiểm toán tài chính đánh giá tính chính xác và minh bạch của các báo cáo kế toán mà cơ quan Chính phủ Hoàng gia sử dụng và các báo cáo tài chính của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách. Kiểm toán tuân thủ đánh giá xem các quỹ có được sử dụng với mục đích và tuân theo các quy định và luật pháp liên quan hay không. Kiểm toán thực hiện phân tích hiệu quả chi phí (tính kinh tế), hiệu quả hoạt động, và hiệu quả tổng thể của các chương trình chính phủ nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, cơ cấu kiểm toán tổng hợp đòi hỏi cả ba loại kiểm toán (kiểm toán tài chính, tuân thủ và thực hiện) phải phối hợp đưa ra cái nhìn tổng thể về quản lý tài chính công. KTNN thường tiến hành kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ nhằm mục đích đảm bảo các khoản thu chi được thực hiện hợp lý, tuân theo luật tài chính, luật ngân sách và các quy định hiện hành khác và đưa ra kiến nghị về báo cáo tài chính. Các cuộc kiểm toán được tiến hành theo các chuẩn mực kiểm toán được công nhận rộng rãi, trong đó các khái niệm và quy tắc tuân theo các chuẩn mực kiểm toán của INTOSAI và ASOSAI. Các chuẩn mực kiểm toán của Chính phủ Hoàng gia đang trong giai đoạn phát triển nên đã đưa ra nhiều văn bản nhằm thích ứng điều kiện thực tế của Campuchia. KTNN tính đến nay đã hoạt động được 8 năm và đạt được các thành tựu to lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ Quốc hội và Chính phủ Hoàng gia Campuchia đẩy mạnh tính hiệu quả, trách nhiệm giải trình, tính trong sạch và độ tin cậy của quản lý tài chính công. Theo quy định của Luật kiểm toán, KTNN thực hiện kiểm toán nhằm kiểm tra việc sử dụng ngân sách có tuân thủ các quy định của pháp luật hay không và đưa ra ý kiến, kiến nghị hằng năm về Báo cáo quyết toán Ngân sách Nhà nước. Bộ Tài chính và Kinh tế là một đơn vị được kiểm toán chủ chốt có nhiệm vụ chuẩn bị báo cáo quyết toán ngân sách hằng năm để kiểm toán. Tùy theo sự phê duyệt của Ban kiểm soát tài chính của Bộ Tài chính và Kinh tế do Bộ trưởng giao (Điều 64 của Luật về Hệ thống tài chính công), Bộ Tài chính và Kinh tế có nhiệm vụ quản lý mua sắm công và hướng dẫn việc thực hiện. Các bộ, cơ quan, đơn vị công lập, các cơ quan cấp dưới và các doanh nghiệp sẽ tuân theo pháp luật và các quy định khác về mua sắm công (Điều 70 của Luật Hệ thống tài chính công). Việc thực hiện các nguồn thu và chi sẽ tuân theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Tài chính và Kinh tế (Điều 84 của Luật Hệ thống tài chính công). Thông qua các cuộc kiểm toán KTNN đã phát hiện đã phát hiện các sai phạm và bất hợp lý của các quỹ công. Đồng thời KTNN đưa ra các kiến nghị cho các cơ quan công lập về làm thế nào để tăng cường hệ thống quản lý tài chính. Các kiến nghị của KTNN được trình cho cả Bộ Tài chính và Kinh tế và các bộ, các cơ quan cấp Quốc gia và cấp dưới được kiểm toán. Theo các kiến nghị của KTNN, hầu hết các đơn vị được kiểm toán đã chú ý nâng cao hệ thống hoạt động và quản lý tài chính và đã có các thay đổi tích cực ở một số lĩnh vực chính như: Đẩy mạnh giải ngân từ Bộ Tài chính và Kinh tế để thanh toán các khoản như lương, thanh toán cho các nhà cung cấp, Tăng cường quản lý chi phí cho các hoạt động ưu tiên, Tăng cường thực hiện đúng các thủ tục mua sắm công, v.v... Các cơ quan bộ, các văn phòng công quyền cấp tỉnh và thành phố và đơn vị hành chính địa phương dần dần tiến bộ dựa theo các gợi ý và kiến nghị của KTNN./.
Seng Ronn - Phó Tổng Kiểm toán
Quốc gia Vương quốc Căm pu chia