Kiểm toán nội bộ (KTNB) Trung Quốc ra đời sau khi Quốc gia này thực hiện chính sách cải cách cơ cấu kinh tế (1983). Vượt qua khỏi những khó khăn ban đầu, kiểm toán nội bộ Trung Quốc đã có những bước phát triển nhanh, mạnh và vững chắc, là công cụ kiểm tra, kiểm soát không thể thiếu được của các doanh nghiệp trong cơ chế kinh tế thị trường hội nhập hiện nay.
1. Về hệ thống chính sách KTNB của Trung quốc
Nhà nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa được thành lập từ năm 1949, một thời gian khá dài Quốc gia này đã thực hiện hệ thống kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Tất cả các hoạt động trong nền kinh tế quốc dân đều do Nhà nước quản lý và kiểm soát trực tiếp. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp thiếu động lực và sức ép hoạt động nên không có nhu cầu thiết lập hệ thống KTNB. Sau khi tiến hành công cuộc cải cách cơ cấu kinh tế (1979), vào khoảng năm 1983, KTNB ở Trung Quốc mới được thành lập cùng với việc thiết lập hệ thống kiểm toán trên toàn quốc dưới sức ép của chính sách cải tổ và mở cửa. Có thể thấy rõ điều này qua một số mốc quan trọng về chính sách phát triển kiểm toán nói chung và KTNB nói riêng ở Trung Quốc như sau:
- Tháng 8/1983, Hội đồng Nhà nước và Chính phủ Trung Quốc đã phê chuẩn và ban hành: “Yêu cầu đối với các hướng dẫn về một số vấn đề liên quan tới nhiệm vụ kiểm toán của Văn phòng kiểm toán Quốc gia nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa”. Yêu cầu này đòi hỏi thực hiện KTNB thông qua việc thiết lập các bộ phận KTNB trong các cơ quan có trách nhiệm lãnh đạo các công ty con của họ (có thể hiểu như Công ty mẹ); trong các công ty con; các doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa và thậm chí cả ở các xí nghiệp.
- Tháng 8/1985, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ban hành “Quy định tạm thời về kiểm toán” cũng quy định rằng chức năng KTNB cần được thiết lập trong các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp vừa và lớn.
- Ngay sau đó, tháng 12/1985, Văn phòng kiểm toán Quốc gia nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (CNAO) đã ban hành “Một số quy chế về KTNB”. Đây có thể coi là điều luật đầu tiên về KTNB ở Trung Quốc.
- Tháng 11/1988, “Điều lệ kiểm toán của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa” được ban hành đã xác định về nguyên tắc việc thiết lập, các trách nhiệm của bộ phận KTNB và mối quan hệ giữa KTNB với các cơ quan kiểm toán Nhà nước. Thực hiện nội dung này, tháng 6/1989, CNAO đã công bố “Những quy định của CNAO về KTNB”. Quy định này đã xác định: việc thành lập, các mối quan hệ phụ trợ, các nhiệm vụ, yêu cầu, chức năng KTNB, các nguyên tắc đạo đức của KTNB và trách nhiệm pháp lý của KTNB... một cách rõ ràng.
- Sau này, Luật kiểm toán Trung Quốc (1994) đã khẳng định vị trí rõ ràng của KTNB và “Qui chế KTNB” do CNAO ban hành năm 1995 đã tạo bước tiến cho KTNB Trung Quốc theo hướng phát triển của lĩnh vực này trên thế giới.
Cùng với hệ thống văn bản pháp lý vĩ mô, các nhà lý luận và chuyên gia thực hành KTNB Trung Quốc cũng đã thực hiện nhiều nghiên cứu tổng quát cả về lý thuyết và việc thực hành KTNB nhằm làm rõ: Vị trí, chức năng và vai trò của KTNB; Việc thực hiện KTNB; Những nội dung và mô hình của hệ thống kiểm soát nội bộ; Các chuẩn mực KTNB; Tiêu chuẩn hóa các hoạt động KTNB...
Hiệp hội KTNB Trung Quốc cũng đã biên tập và xuất bản hàng loạt tài liệu về KTNB mang tính chất kinh điển về chuyên ngành này như: Giới thiệu về KTNB; Thực hành KTNB; Cẩm nang KTNB; Thực hành KTNB cho các doanh nghiệp kinh doanh...
2. Thực tiễn triển khai hoạt động kiểm toán nội bộ tại Trung Quốc
Có thể phân tích hoạt động KTNB ở Trung Quốc theo hai giai đoạn:
(1) Giai đoạn từ năm 1983 - 1993:
Năm 1983, Văn phòng kiểm toán Nhà nước Trung Quốc (CNAO) được thành lập. Ngay tháng 8/1983 và một số năm sau đó, với việc ban hành các văn bản pháp lý về KTNB đã nêu trên đây, Chính phủ Trung Quốc và CNAO yêu cầu thực hiện KTNB thông qua việc thành lập bộ phận này ở các tập đoàn công ty, các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn và một số các doanh nghiệp đặc thù khác sử dụng vốn nhà nước. Mục đích chủ yếu của việc thiết lập hệ thống KTNB tại các doanh nghiệp trên vào lúc này nhằm phục vụ cho sự “giám sát của kiểm toán nhà nước” của Chính phủ. Chính vì thế, KTNB ở Trung Quốc xuất hiện gần như cùng lúc với kiểm toán nhà nước hiện đại. Do đó, nhiệm vụ chủ yếu của KTNB thời kỳ này là kiểm toán các khoản doanh thu và chi phí tài chính để kiểm soát và ngăn ngừa những thất thoát và lãng phí ở các doanh nghiệp, đồng thời khắc phục những kẽ hở về quản lý doanh nghiệp trong luật kinh tế – tài chính và thể chế của Nhà nước.
Với xuất phát điểm này, khác với lịch sử KTNB trên thế giới, việc thiết lập các bộ phận KTNB tại Trung Quốc có sự khởi đầu rõ ràng do sức ép từ “cách ứng xử Nhà nước”. Có thể coi đây là hạn chế do điều kiện lịch sử cụ thể đã mang lại những thiếu hụt tiềm tàng cho sự hình thành và phát triển KTNB hiện đại ở Trung Quốc. Những thiếu hụt này được thể hiện: Hệ thống KTNB ở Trung Quốc thời kỳ này đã thiếu đi nền móng cơ bản của nó là phải xuất phát từ nhận thức của các nhà quản trị doanh nghiệp về vai trò của KTNB với những nhu cầu tiềm ẩn trong việc quản lí doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được chỉ định thực hiện KTNB trên đây lại có mức độ cạnh tranh thấp (hầu hết là các doanh nghiệp nhà nước quan trọng, trong đó có một số hoạt động độc quyền) nên ý nghĩa của KTNB càng không rõ ràng.
Tình huống này đã tạo ra một hệ quả tiếp theo là sự thiếu hiểu biết về KTNB. Một số người cho rằng: KTNB trong các doanh nghiệp nhà nước là sự mở rộng của kiểm toán Nhà nước. Một số khác lại coi nhiệm vụ chính của KTNB là tăng cường sự giám sát của Nhà nước về quản lý tài chính và hệ thống kế toán. Các nhà quản lý doanh nghiệp hình thành thái độ “nhìn và chờ”... Tất cả những yếu tố này đã cản trở khá lớn cho sự phát triển của KTNB tại Trung Quốc.
(2) Giai đoạn từ năm 1994 đến nay: vào thời điểm này, cuộc cải tổ cơ cấu kinh tế ở Trung Quốc thực sự đi vào chiều sâu đòi hỏi việc hoàn thiện về hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong bối cảnh đó, sự chuyển biến về KTNB ở Trung Quốc được đánh dấu bằng “Luật kiểm toán nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa” ban hành vào năm 1994 trên cơ sở sửa đổi và hoàn chỉnh “Điều lệ kiểm toán Trung Hoa” năm 1988. Trong luật này, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra định nghĩa về KTNB và chính thức xác định địa vị pháp lý độc lập của KTNB. Theo đó, năm 1995, CNAO đã ban hành “Qui chế KTNB” tạo ra những nguyên tắc, qui định... đặc thù cho KTNB phù hợp với xu hướng phát triển của KTNB trên thế giới. Song hành với sự hoàn thiện chính sách, pháp luật Nhà nước, việc đẩy mạnh công cuộc cải cách hệ thống cơ cấu kinh tế đòi hỏi các doanh nghiệp Trung Quốc khẩn trương hơn nữa trong việc chuyển đổi thành các tổ chức kinh tế độc lập do các chủ doanh nghiệp điều hành, kiểm soát và chịu trách nhiệm duy nhất cho các kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được trao quyền tự chủ cao hơn đồng thời phải chịu sức ép bứt phá nhanh hơn theo xu hướng thị trường. Việc thiết lập cơ chế kinh tế thị trường - xã hội với sự phân biệt giữa quyền sở hữu và quyền điều hành, quá trình sản xuất và các hoạt động kinh doanh, chức năng quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp... ngày càng rõ ràng và đa dạng, dẫn đến việc quản lý các hoạt động và các lợi ích kinh tế cũng được quan tâm ngày càng nhiều hơn.
Tất cả những yếu tố này kết hợp với áp lực cạnh tranh thị trường đã thay đổi và khuyến khích nhận thức của các doanh nghiệp và tạo ra động lực thúc đẩy họ phải nắm bắt việc quản lý và nâng cao hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp. KTNB bắt đầu được các nhà quản lý doanh nghiệp nhìn nhận đúng với bản chất vốn có của nó. Bên cạnh đó, ngay từ giữa thập niên 1980, một số doanh nghiệp Trung Quốc có trình độ cao hơn tương đối đã từng bước xem xét, tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong nhận thức và thiết lập hệ thống KTNB. Thực tiễn khả quan ở các doanh nghiệp này cũng như thành quả quản lý vững chắc của nhiều công ty nước ngoài có mặt ngày càng nhiều tại Trung Quốc là những bằng chứng sống động cuốn hút sự quan tâm đến KTNB của các chủ doanh nghiệp.
Những yếu tố nêu trên đã cung cấp cơ hội thuận lợi cho sự phát triển của KTNB Trung Quốc. Lĩnh vực KTNB mở rộng từ kiểm toán tài chính đơn thuần trước đây sang việc đánh giá các lợi ích kinh tế và hệ thống quản lý trên cơ sở kiểm toán tài chính. Ngay sau đó, trọng tâm KTNB ở Trung Quốc nhanh chóng chuyển sang kiểm toán hoạt động để hỗ trợ thiết thực và hiệu quả cho các doanh nghiệp. Trong vài năm gần đây, cùng với sự lớn mạnh của hệ thống doanh nghiệp hiện đại, sự ra đời và phát triển của kỹ thuật kiểm toán sử dụng hệ thống xử lý điện tử dữ liệu (EDF) đã mở ra cho KTNB Trung Quốc những nội dung mới: Đánh giá môi trường kiểm soát; Tham gia tích cực vào việc phân tích rủi ro của các hoạt động; Xem xét chức năng tổ chức trong các công ty hợp nhất với nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau...
3. Kết luận
Rõ ràng là, thoát khỏi những khó khăn ban đầu, KTNB Trung Quốc đã chuyển sang hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển của KTNB trên thế giới. Hiệp hội kiểm toán nội bộ Trung Quốc được thành lập vào năm 1987 và 10 năm sau, tháng 10/1997, Hiệp hội này gia nhập IIA với tư cách một thành viên chính. Nhờ vậy, trong khoảng thời gian không dài, đến nay, KTNB Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ với việc thiết lập bộ phận này trong hàng trăm ngàn cơ quan, doanh nghiệp Trung Quốc, vượt hơn nhiều so với 228.000 kiểm toán viên nội bộ tại 87.000 đơn vị vào cuối năm 1994, đầu năm 1995. Hoạt động KTNB ở các đơn vị nói trên đã có đóng góp lớn vào việc đảm bảo sự tuân thủ luật kinh tế - tài chính Nhà nước Trung Quốc cũng như cải tiến hiệu quả hoạt động và lợi ích kinh tế của bản thân các tổ chức đó. KTNB đã và đang đóng vai trò ngày càng lớn trong việc giám sát vi mô và quản lỹ vĩ mô cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường xã hội Trung quốc.
Đánh giá thực trạng hoạt động KTNB ở Việt Nam trong bài “Cần thực hiện KTNB ở các doanh nghiệp vận tải” (Tạp chí Khoa học GTVT số 9 - 12/2005), tác giả đã cho rằng: Hoạt động này ở nước ta hiện khá chậm, yếu và chưa được quan tâm đúng mức. Có thể chúng ta chỉ tiếp cận về mặt học thuật và kinh nghiệm của các quốc gia phát triển mạnh về KTNB mà không thể có sự so sánh do nhiều khác biệt về điều kiện kinh tế - xã hội cũng như nguồn gốc ra đời KTNB. Tuy nhiên khi đánh giá về hoạt động KTNB tại Trung Quốc - quốc gia láng giềng có nhiều điểm tương đồng về đặc điểm, lịch sử kinh tế xã hội với nước ta - chúng ta thấy: Mặc dù sự xuất hiện của KTNB Trung Quốc cũng chịu một số thiếu hụt cơ bản do điều kiện cụ thể mang lại tương tự Việt Nam, song họ đã thoát ra khỏi những vướng mắc, những rào cản ban đầu khá nhanh và tiếp tục phát triển vững vàng. Nếu xét sau cùng một khoảng thời gian thì KTNB ở Trung quốc vào những năm 1992 (sau 9 năm KTNB hiện đại xuất hiện tại đây) vượt xa hơn chúng ta hiện nay khá nhiều.
Để có thể phát triển lý luận và sử dụng công cụ KTNB trong thực tiễn quản lí doanh nghiệp, chúng ta cần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện cho hoạt động này ở Việt Nam, từ việc tiếp thu lý thuyết và kinh nghiệm tổ chức KTNB hiện đại đến việc hoàn thiện hệ thống chính sách, văn bản pháp lý mà trước hết là nhận thức và sự quan tâm cả từ phía Nhà nước và đặc biệt là bản thân các cơ quan, doanh nghiệp. Vào thời điểm này, một số ngân hàng mạnh trong hệ thống các ngân hàng Trung ương Việt Nam đang bắt tay vào việc xây dựng bộ máy KTNB với sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài. Hy vọng rằng, đây là một điểm sáng khởi đầu cho tiến trình phát triển KTNB trước mắt chúng ta. /.
Tài liệu tham khảo:
1. Bao Guoming (1997), “The developing trend and prospects of internal auditing”, Managerial Auditing Journal, 12 (4,5), pp. 243-246.
2. Cai Chuanbing (1997), “Internal audit under the socialist market economy system”, Managerial Auditing Journal, 12 (4,5), pp. 210-213.
3.Tommie Singleton and Dale L.Flesher (2003), “A 25-year retrospective on the IIA’s SAC projects”, Managerial Auditing Journal, 18 (1), pp. 39-53.
4.Wang Xiangdong (1997), “Development trends and future prospects of internal audit”, Managerial Auditing Journal, 12 (4,5), pp. 200-204.