Hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư xây dựng kịp thời
Thời gian qua, Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo KTNN luôn quan tâm, chú trọng công tác phát triển ứng dụng CNTT vào mọi hoạt động của KTNN, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Ngành.
KTNN đã ban hành một số nghị quyết, chỉ thị, đề án, chiến lược... quan trọng để định hướng và làm cơ sở phát triển ứng dụng CNTT tại KTNN, như: Đề án Tổng thể phát triển CNTT của KTNN giai đoạn 2015-2020; Chỉ thị số 735/CT-KTNN ngày 09/4/2018 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động của KTNN; Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 90-NQ/ĐU ngày 19/02/2021 của Đảng ủy KTNN về “Lãnh đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động của ngành (trong đó việc tăng cường ứng dụng CNTT là cơ bản) giai đoạn 2020-2025”; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 về phát triển CNTT và công nghệ cao thuộc Kế hoạch thực hiện hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; Kiến trúc cơ sở dữ liệu KTNN...
Nhờ đó, hạ tầng CNTT của KTNN được đầu tư xây dựng kịp thời, định kỳ khoảng từ 2-3 năm đều được nâng cấp, bổ sung các thiết bị để đảm bảo về hạ tầng phục vụ việc triển khai các ứng dụng và dịch vụ trên môi trường mạng; công tác đảm bảo an toàn thông tin được chú trọng; hoạt động ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo điều hành đã phát huy hiệu quả; việc xử lý văn bản, công tác điều hành tác nghiệp được thực hiện thông qua môi trường mạng, hướng đến văn phòng không giấy tờ.
Các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán cũng đã và đang được tích cực triển khai, hỗ trợ tốt công tác kiểm soát và quản lý hoạt động kiểm toán; công tác lập Kế hoạch kiểm toán; theo dõi tiến độ, tổng hợp kết quả và theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán; hỗ trợ kiểm toán viên thực hiện kỹ thuật kiểm toán các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, doanh nghiệp, ngân hàng… Đồng thời, KTNN đã triển khai tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu giữa các phần mềm nội bộ thông qua trục tích hợp và quản lý đăng nhập một lần để đảm bảo tính thống nhất, tập trung giữa các phần mềm trong toàn Ngành.
Đến nay, các nội dung xây dựng hạ tầng CNTT đã cơ bản hoàn thành; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng,gồm: 16 điểm cầu, kết nối 13 KTNN khu vực với KTNN Trung ương phục vụ cho các buổi hội nghị giao ban, học tập, trao đổi chuyên môn trực tuyến của KTNN. Đặc biệt, KTNN đã xây dựng và đưa vào sử dụng Thư viện KTNN với sự đầu tư kỹ lưỡng về cơ sở vật chất và các đầu sách phục vụ trực tiếp cho hoạt động chuyên môn, nghiên cứu khoa học của KTNN.
Ngoài ra, KTNN đã xây dựng trên 30 phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành nội bộ và hỗ trợ hoạt động kiểm toán (bao gồm: Cổng thông tin điện tử của KTNN và các cổng thành phần, 14 phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán; 13 phần mềm phục vụ quản lý điều hành và phần mềm hỗ trợ quản trị, vận hành CNTT...)
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin,hướng đến “kiểm toán số”
Những kết quả bước đầu là minh chứng cho thấy KTNN đã và đang từng bước phát huy tính chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả trong mọi hoạt động. Tuy nhiên, mục tiêu hiện đại hóa mọi hoạt động, đặc biệt là hoạt động kiểm toán để góp phần thúc đẩy nền kinh tế số phát triển và thích ứng linh hoạt hơn với quá trình chuyển đổi số đòi hỏi toàn Ngành phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa.
Lãnh đạo KTNN từng nhấn mạnh: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. So với yêu cầu, so với bạn bè trong khu vực, chúng ta còn khoảng cách khá lớn, do đó cần phải tăng tốc để thu hẹp khoảng cách này.
Trong giai đoạn tới, để thực hiện chuyển đổi số trong KTNN, hướng đến “kiểm toán số” và đạt mục tiêu trong “Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030” và “Chiến lược phát triển và Kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Trung tâm Tin học (KTNN) cho biết, đơn vị sẽ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nền tảng kết nối và chia sẻ dữ liệu đảm bảo tính sẵn sàng cao của hệ thống; từng bước nâng cấp, chuyển đổi sang nền tảng điện toán đám mây nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu hạ tầng, tạo nền tảng để áp dụng các công nghệ số vào hoạt động của KTNN.
Cùng với đó, xây dựng hạ tầng dữ liệu, trong đó tập trung triển khai hệ thống định danh, xác thực điện tử và cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung phục vụ trao đổi, tích hợp dữ liệu; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu điện tử với các đơn vị được kiểm toán. Xây dựng Hệ thống thông tin quản lý đối tượng kiểm toán, các CSDL tập trung, như: Các CSDL chuyên ngành, CSDL tri thức kiểm toán, CSDL hồ sơ kiểm toán điện tử... từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau phục vụ cho việc ứng dụng các kỹ thuật phân tích dữ liệu lớn hỗ trợ hoạt động kiểm toán. Hướng đến CSDL tập trung, nhất quán, tăng cường khả năng chia sẻ, liên thông và đảm bảo khả năng thích ứng với các thay đổi của công nghệ số.
Đặc biệt, Trung tâm Tin học sẽ phát triển ứng dụng dựa trên các phương pháp của khoa học dữ liệu, công nghệ phân tích dữ liệu lớn, tổng hợp, đa chiều, các kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên, khai phá văn bản hỗ trợ công tác kiểm toán. Phát triển ứng dụng hỗ trợ tự động hóa; tiếp tục kế thừa, phát triển, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác chỉ đạo điều hành và quản lý các hoạt động của KTNN, hình thành hệ thống thông tin quản lý, hoạt động kiểm toán theo hướng tập trung...
Dù hành trình chuyển đổi số của KTNN vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước nhưng những kết quả bước đầu là minh chứng cho thấy KTNN đã và đang từng bước phát huy tính chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả trong mọi hoạt động của Ngành./.
Năm 2022, KTNN đã ứng dụng CNTT để triển khai thí điểm cuộc kiểm toán từ xa đối với Tập đoàn Bưu chính viễn thông thông qua việc kết nối, trao đổi dữ liệu số. Cùng với đó, KTNN đã triển khai một số cuộc kiểm toán CNTT như: Kiểm toán hệ thống CNTT tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; kiểm toán việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm CNTT, các hoạt động thuê dịch vụ CNTT giai đoạn 2020-2022 tại 4 Bộ, 1 Ngân hàng và 2 địa phương. |
Lê Hoà