KTNN Vương quốc Anh kiểm toán Chương trình triển khai chính sách nông nghiệp chung

Tháng 12/2015, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Vương quốc Anh đã công bố báo cáo kiểm toán đối với Chương trình triển khai chính sách nông nghiệp chung. Theo đó, KTNN Vương quốc Anh đã chỉ ra rằng sự phối hợp không hiệu quả giữa các cơ quan phụ trách thực hiện Chương trình triển khai chính sách nông nghiệp chung đã làm giảm khả năng cung cấp dịch vụ thanh toán cho nông dân.

 
Chính sách nông nghiệp chung là một khung chính sách của Liên minh châu Âu về các khoản trợ cấp và các dự án phát triển nông nghiệp và được Liên minh châu Âu xem xét và sửa đổi 7 năm một lần. Các quy định hiện nay có hiệu lực từ năm 2014 và được kỳ vọng sẽ kéo dài đến năm 2020. Chương trình triển khai chính sách nông nghiệp chung tại Vương quốc Anh là một nỗ lực chung giữa Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn, Cơ quan Thanh toán Nông nghiệp, Cơ quan Kỹ thuật số Chính phủ (GDS) - một đơn vị của văn phòng Nội các và các cơ quan khác, nhằm xây dựng một hệ thống và các quy trình hỗ trợ thực hiện các chính sách nông nghiệp chung tại nước Anh. Chương trình được xây dựng năm 2012 với mục tiêu giải quyết những thất bại trong việc thực hiện chính sách nông nghiệp chung trước đây và để thích ứng với tính phức tạp ngày càng tăng của các chính sách nông nghiệp mới.

Tại Vương quốc Anh, Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn chịu trách nhiệm tổng thể đối với việc thực hiện các chính sách nông nghiệp chung. Cơ quan này sử dụng khoảng 1,8 tỷ pound, tương đương 59 tỉ đồng mỗi năm cho nông dân và chủ đất của nước Anh theo hai phương thức: Hỗ trợ trực tiếp cho nông dân thông qua phương thức thanh toán cơ bản (BPS); Cung cấp kinh phí cho các chương trình phát triển nông nghiệp, đơn cử như “Chương trình quản lý môi trường” trước đây mà hiện nay là “Chương trình quản lý nông thôn”.

Thông qua cuộc kiểm toán, KTNN Vương quốc Anh đã phát hiện những vấn đề:

Tầm nhìn và thiết kế ban đầu của Chương trình hạn hẹp, tập trung vào mua sắm hệ thống công nghệ thông tin và không lập kế hoạch chuyển đổi tổ chức rộng hơn khi cần thiết. Chương trình không có tầm nhìn rõ ràng ngay từ khi triển khai xây dựng và cũng không có một lộ trình cụ thể về việc các bên tham gia sẽ thực hiện.

Có sự khác nhau trong định hướng chiến lược và kỳ vọng giữa Văn phòng Nội các, Bộ, Cơ quan thanh toán nông nghiệp và các thành viên khác. Ưu tiên của Cơ quan thanh toán nông nghiệp là thanh toán cho nông dân một cách chính xác, đúng hạn và giảm thiểu các rủi ro bị phạt. Trong khi đó, ưu tiên của Bộ là đạt được các kết quả đầu ra về môi trường và xây dựng quan hệ với các khách hàng. Văn phòng Nội các lại có mục đích khuyến khích cải tiến, giảm thiểu chi phí và phát triển hoạt động đào tạo trong Chính phủ như một phần của chiến lược số của Chính phủ nhằm xây dựng dịch vụ số dựa trên nhu cầu của những người sử dụng. Các mục tiêu khác nhau của các bên tham gia Chương trình không được giải quyết và gây ra tình trạng chia rẽ, trì trệ ngay từ khi triển khai Chương trình.

Chương trình đã bị trì hoãn bởi thay đổi thường xuyên lãnh đạo. Chỉ trong vòng một năm, Chương trình đã thay đổi đến 04 Lãnh đạo, mỗi người lại áp đặt một phong cách lãnh đạo và những ưu tiên riêng khi triển khai. Những thay đổi thường xuyên đó gây ra tình trạng bất ổn và tâm lý hoang mang trong đội ngũ nhân viên. Chủ đầu tư không được đào tạo chính quy và không phải tất cả đều có kinh nghiệm triển khai các dự án với quy mô và độ phức tạp tương tự của Chương trình.

Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn đã thất bại trong việc ngăn chặn các thái độ làm việc không hiệu quả trong quan hệ công việc và những thái độ bất hợp lý ở các lãnh đạo cấp cao trong nhiều giai đoạn của 03 năm triển khai Chương trình. GDS không hỗ trợ cho Bộ khi cần thiết.

GDS cam kết sẽ cắt giảm kinh phí tổng thể, cải thiện khả năng cung cấp dịch vụ và tăng cường năng lực số của Bộ để hỗ trợ việc ra quyết định phê duyệt đối với các trường hợp kinh doanh và việc áp dụng các phương pháp tiếp cận mới đối với Bộ. Theo đó, cuộc kiểm toán đã phát hiện: Dự toán cắt giảm kinh phí do không được GDS cung cấp; Bản đánh giá khả năng cung cấp dịch vụ của Bộ không được cải thiện; Các hỗ trợ của GDS cho Bộ được báo cáo là chắp vá, không liên tục và không đầy đủ.

Bộ mong muốn những người sử dụng có thể đăng ký sử dụng hệ thống bảo hiểm nhận dạng của Chính phủ -hệ thống xác minh từ tháng 10/2014. Mặc dù những người đăng ký xác minh đã đề nghị Bộ rằng họ cần những phương pháp thanh toán thay thế để có thể truy cập vào hệ thống nhưng cho đến tháng 10/2014, Bộ vẫn chưa cung cấp đầy đủ hệ thống xác minh cho nông dân và không bổ sung bất kỳ một phương pháp nào khác. Do đó, phần lớn khách hàng đăng ký sử dụng các quy trình hiện có của Cơ quan Thanh toán Nông nghiệp được hỗ trợ bởi các trung tâm hỗ trợ tại chỗ và đường dây tư vấn.

Thông tin quản lý và công tác đảm bảo không hoàn thiện và không nhất quán hạn chế công tác giám sát tiến độ và quản lý rủi ro. Bộ không công nhận và không phản hồi một cách nhất quán và minh bạch đối với các phát hiện bởi các đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo bên ngoài. Ngoài ra, các cảnh báo về những sai sót tiềm tàng đã bị lờ đi hoặc không được xử lý thích hợp, hoặc không có một kế hoạch hợp lý nào được xây dựng. Những vấn đề này đã dần được cải thiện vào đầu năm 2015 nhưng tính nhất quán và liên tục của thông tin quản lý vẫn là một vấn đề tồn tại trong quá trình thực hiện Chương trình.

Trước sự thất bại của hệ thống thanh toán cũ, hệ thống đăng ký trực tuyến đã được hủy bỏ và thay thế bằng phần mềm “kỹ thuật số hỗ trợ bằng giấy” cho năm 2015. Đây là một sự thay đổi nhanh chóng và hiệu quả cho Chương trình, và dường như đã giúp tăng số lượng nông dân nhận được khoản thanh toán theo phương pháp thanh toán cơ bản (BPS) vào tháng 12/2015.

Tuy nhiên, Kiểm toán nhà nước Vương quốc Anh đã phát hiện rằng, việc tập trung xử lý các vấn đề tức thời đã làm chệch hướng sự quan tâm, từ mục tiêu lâu dài là cải thiện dịch vụ cho người nông dân sang giảm nhẹ những hình phạt của Liên minh châu Âu và đạt những lợi ích mà họ mong muốn như giải quyết vấn đề về số liệu đất đai là nguyên nhân dẫn đến những hình phạt hiện nay họ phải chịu.

Qua cuộc kiểm toán, KTNN Vương quốc Anh cũng nêu ra những kiến nghị:

Bộ cần đảm bảo tập trung vào các ưu tiên dài hạn nhằm tăng cường hiệu quả và giảm thiểu các khoản phạt trong năm 2016 và các năm tiếp theo. Bộ cần làm rõ các lợi ích mà Chương trình mang lại, cách thức giám sát kết quả của Chương trình.

Bộ và Cơ quan Thanh toán Nông nghiệp cần đảm bảo các khoản thanh toán được chính xác. Việc nhập dữ liệu thủ công dễ gây ra sai sót. Mặc dù Bộ đang nỗ lực để kiểm soát việc này nhưng cần đảm bảo kiểm tra chặt chẽ và cần xây dựng đầy đủ các biện pháp liên quan. Bộ cũng cần định lượng các rủi ro về tính không chính xác xảy ra và không cho phép thanh toán trong tháng 12 và tháng 01/2016 vì điều này sẽ dẫn đến tính không chính xác trong thanh toán và các khoản phạt liên quan.

Bộ cần duy trì bộ phận lãnh đạo có năng lực và thống nhất cho Chương trình. Để đạt được những lợi ích lâu dài và đảm bảo tất cả mọi người làm việc cho Chương trình đang hướng đến cùng một mục tiêu, Bộ cần xây dựng một tầm nhìn rõ ràng và lường trước các thay đổi trong tương lai. Bộ cũng đảm bảo rằng lãnh đạo Chương trình có kinh nghiệm phù hợp và được đào tạo để đảm nhiệm các vai trò tương ứng.

Bộ cần đa dạng hóa các kênh thanh toán nhằm đáp ứng nhu cầu và sự đa dạng của khách hàng. Ý tưởng cung cấp ứng dụng đăng ký trực tuyến dành cho tất cả mọi người đã dẫn đến thất bại trong việc đáp ứng từng cấp độ hiểu biết kỹ thuật số khác nhau của khách hàng và các cấp độ phức tạp khác nhau trong từng đơn yêu cầu thanh toán của khách hàng.

Phản ứng trước báo cáo của KTNN Vương quốc Anh, các đơn vị tham gia Chương trình chấp nhận và cam kết sẽ triển khai các biện pháp theo các kiến nghị kiểm toán trong thời gian tới./.

Nguyễn Thị Bé Ngọc – Vụ Hợp tác quốc tế

(Nguồn: Trang thông tin điện tử của KTNN Anh:https://www.nao.org.uk/)