Cuộc kiểm toán phát hiện hãng này đã không báo cáo lên NHTSA về hơn 1.700 trường hợp thương vong và tử vong trong các vụ tai nạn kể từ năm 2003 có liên quan đến các dòng xe của hãng. Căn cứ vào kết quả kiểm toán, NHTSA đã yêu cầu chi nhánh Honda tại Mỹ giải trình việc không tuân thủ các quy định của Luật Liên bang về báo cáo các trường hợp tử vong và thương tích lên NHTSA. Vụ việc này đã khiến Honda phải gánh khoản tiền phạt lên đến 70 triệu USD tại thị trường Mỹ. NHTSA cũng yêu cầu Honda thực hiện cam kết giám sát sự cố an toàn. Theo đó, trong vòng 1 năm kể từ khi cam kết có hiệu lực từ đầu năm 2015, Honda phải nộp báo cáo định kỳ 60 ngày lên NHTSA để cơ quan này cập nhật việc lập và thực hiện các quy trình giám sát mới của hãng; đồng thời, gửi cho NHTSA những thông tin về các sự cố trước đó để NHTSA cập nhật dữ liệu cảnh báo sớm, cùng các báo cáo thương vong, tử vong chưa được thực hiện. Honda cũng phải cung cấp các báo cáo này cho hãng kiểm toán và gửi kết quả lên NHTSA vào cuối năm nay.
Gần đây, Honda và nhà cung cấp Takata đang trở thành trung tâm các cuộc điều tra lỗi túi khí xe hơi. Trong năm 2014, số lượng xe thu hồi của Honda trên toàn cầu lên tới 8,9 triệu xe.
Trước sự cố lỗi túi khí mà Takata sản xuất khiến Honda phải thu hồi hàng triệu ôtô này, Honda vừa qua đã quyết định điều chỉnh giảm lợi nhuận tài khóa. Lợi nhuận ròng của hãng trong năm tài khóa kết thúc cuối tháng 3/2015 chỉ đạt 493 tỷ Yên (4 tỷ USD), giảm 14,1 so với năm tài khóa trước và thấp hơn so với mức dự báo 522,7 tỷ Yên.
Mặc dù những cuộc thu hồi do lỗi trên sản phẩm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng trên thị trường toàn cầu, song các hãng xe đều chấp nhận các hậu quả đi kèm, đồng thời cam kết đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng xe, qua đó lấy lại lòng tin nơi người tiêu dùng.
Theo Báo Kiểm toán số 32/2015