Phát huy vai trò của KTNN trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí
(sav.gov.vn) - Trong suốt quá trình phát triển gần 30 năm qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) ngày càng khẳng định vai trò là một trong những công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Khẳng định công cụ hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Có thể thấy, từ khi thành lập đến nay, KTNN đã triển khai thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng đã đề ra, qua đó đã thể hiện vai trò quan trọng của KTNN trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước. Điều này được thể hiện rõ qua những con số “biết nói”. Tổng hợp kết quả kiểm toán từ khi thành lập đến nay, KTNN đã phát hiện và kiến nghị trên 722.290 tỷ đồng (trong đó từ năm 2011 đến nay là 634.008 tỷ đồng), trong đó tăng thu, giảm chi NSNN chiếm tỷ trọng trên 40% tổng kiến nghị kiểm toán. Bên cạnh đó, KTNN đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 2.181 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp quy định của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.
Bên cạnh đó, để tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các cơ quan, đơn vị, KTNN đã tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đôn đốc thu hồi nhanh chóng, dứt điểm tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2011-2023, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 634.008 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 270.161 tỷ đồng, kiến nghị khác 363.847 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán của KTNN đã được các đơn vị được kiểm toán, các đơn vị có liên quan phối hợp triển khai theo dõi và thực hiện kịp thời; trong đó kiến nghị về xử lý tài chính của KTNN được các đơn vị thực hiện khoảng 75% trong năm liền kề và tiếp tục được thực hiện trong các năm tiếp theo (lũy kế sau 5 năm, bình quân kết quả thực hiện kiến nghị đạt trên 90%).
Việc công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN cũng được quan tâm và thực hiện định kỳ, có định hướng đã tạo được dư luận tốt trong xã hội; thông qua các hình thức công khai đa dạng như: họp báo, đăng trên báo, tạp chí, website của KTNN… đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp các thông tin cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Mặt khác, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã chủ động phối hợp tốt với các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng do KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý thông qua hoạt động kiểm toán.
Bên cạnh đó, với trách nhiệm là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đã tích cực phối hợp, tham gia với các cơ quan có liên quan trong việc chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tiêu cực; chủ động đôn đốc đối với cấp ủy, tổ chức đảng được phân công phụ trách báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ngoài ra, hàng năm, Tổng Kiểm toán nhà nước đều gửi Báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán cho các đồng chí Bí thư tỉnh, thành phố, Bộ trưởng các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, người đứng đầu đơn vị được kiểm toán và các cơ quan liên quan để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán và tăng cường phối hợp trong công tác. KTNN cũng đã in nhiều ấn phẩm, chuyên đề gửi các đại biểu Quốc hội làm tài liệu phục vụ các kỳ họp Quốc hội; ký Quy chế phối hợp công tác/thỏa thuận hợp tác với 21 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cơ quan báo chí Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đã rà soát, bổ sung nội dung công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế tiêu cực trong Quy chế phối hợp công tác của KTNN với các cơ quan có liên quan để phối hợp thực hiện. Qua đó, sự phối hợp giữa KTNN với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương, đơn vị được kiểm toán trong hoạt động kiểm toán ngày càng chặt chẽ và hiệu quả góp phần ngăn ngừa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Không chỉ chú trọng đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN còn đặc biệt lưu ý đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ chính nội bộ Ngành. Theo đó, trong quá trình kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước đã thường xuyên chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán. Đồng thời, yêu cầu các Đoàn kiểm toán phải tổ chức thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, đảm bảo tính đúng đắn của các kết luận, kiến nghị kiểm toán; trường hợp phát hiện các vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước để chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc kiểm toán.
Tiếp tục phát huy vai trò là “thanh bảo kiếm” sắc bén trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Để tiếp tục kiện toàn, khẳng định vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và sự kỳ vọng của nhân dân, trong thời gian tới, KTNN sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp.
Trước hết, tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với định hướng phát triển và hoạt động của KTNN trong thời gian tới, trong đó chú trọng đến việc nâng cao vai trò của KTNN trong việc phòng ngừa tham nhũng, lãng phí và tiêu cực trong việc quản lý tài chính công, tài sản công.
Trong hoạt động kiểm toán, KTNN sẽ tập trung kiểm toán vào những lĩnh vực nhạy cảm, có hiện tượng tiêu cực mà xã hội quan tâm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí như: quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, hệ thống định mức, đơn giá xây dựng cơ bản, các dự án giao thông, thủy lợi…; phát hiện kịp thời các dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, lãng phí để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan chức năng thực hiện điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, tập trung kiểm toán đánh giá hiệu lực, hiệu quả cơ chế, chính sách; chú trọng phát hiện các bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật, những “điểm nghẽn”, rào cản ảnh hưởng đến động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững để kiến nghị với Đảng, nhà nước hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật đảm bảo chặt chẽ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật.
Bên cạnh đó, KTNN sẽ tăng cường và đa dạng hóa các hình thức công khai kết quả kiểm toán theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, KTNN sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí nhằm nâng cao tính hiệu lực của các kiến nghị kiểm toán, góp phần chấn chỉnh các hạn chế, tồn tại trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt, KTNN sẽ tiếp tục quán triệt, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành KTNN theo tinh thần Quy định số 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán./.