Cần thiết 1 cuộc kiểm toán song hành
Trận động đất 8 độ richter ngày 12/5/2008 tại tỉnh Tứ Xuyên là trận động đất mạnh và thảm khốc nhất ở Trung Quốc kể từ sau thảm họa Đường Sơn đại địa chấn năm 1976. Tháng 7/2008, CNAO bắt đầu tham gia xem xét công tác chuẩn bị cho kế hoạch tái thiết của các Bộ trước khi bắt tay vào kiểm toán toàn bộ quá trình thu thập, phân phối, phân bổ và sử dụng nguồn vốn cho công cuộc phục hồi và tái thiết sau động đất.
Trong “Kế hoạch Phát triển công việc kiểm toán giai đoạn 2008-2012”, CNAO đã đề xuất triển khai kiểm toán song hành đối với các dự án đầu tư “siêu lớn”, các chương trình quốc gia mang tính cấp thiết hay liên quan đến các biện pháp chính sách quốc gia quan trọng. Theo chủ trương này, một cuộc kiểm toán song hành là cần thiết cho Chương trình tái thiết sau động đất Tứ Xuyên. Đây là một chương trình kéo dài trong 3 năm, huy động khối lượng vốn “khổng lồ” khoảng 1.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 158,7 tỷ USD) cho hơn 200.000 dự án xây dựng.
Một cuộc kiểm toán song hành thường kéo dài vài năm. Khác với các cuộc kiểm toán truyền thống, kiểm toán song hành thực hiện kiểm toán ở cả 3 giai đoạn: tiền chương trình, trong chương trình và sau chương trình. Kế hoạch kiểm toán song hành được phát triển qua nhiều giai đoạn với các mục tiêu và ưu tiên khác nhau trong từng giai đoạn. Các hạng mục kiểm toán không thể xác định ngay từ đầu mà phải xây dựng hàng năm theo quá trình thực hiện dự án. Kiểm toán song hành còn đòi hỏi các cuộc kiểm toán tại chỗ và báo cáo kiểm toán phải tuân thủ một khung thời gian nghiêm ngặt.Các kết quả kiểm toán của kiểm toán song hành được vận dụng một cách linh hoạt. Cụ thể, trong quá trình kiểm toán song hành, CNAO sẽ dựa vào các kết quả kiểm toán để đưa ra đề xuất, kiến nghị và giám sát việc thực hiện kiến nghị một cách kịp thời trong suốt tiến độ của dự án. Riêng đối với Chương trình tái thiết, CNAO đã áp dụng một số cách thức sáng tạo, chẳng hạn kết hợp kiểm toán song hành chương trình với kiểm toán theo thông thường việc thực hiện ngân sách và trách nhiệm giải trình của cán bộ Đảng, Chính phủ.
Thu hồi gần 2 tỷ USD thất thoát
Qua kiểm toán, CNAO đã chỉ ra một số vấn đề nảy sinh từ áp lực thời gian, sự sơ sài trong công tác chuẩn bị và thiếu thốn đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật cho Chương trình tái thiết. Trước tiên, kế hoạch lập ra cho các dự án đã không phù hợp với tình hình thực tế. Thiệt hại của động đất cho đập thủy điện ở huyện An, Tứ Xuyên đã bị ước tính không chính xác khiến Chính phủ phân bổ thừa 15,54 tỷ Nhân dân tệ cho công trình này. Ngoài ra, việc quản lý và sử dụng nguồn vốn cho dự án không đủ nghiêm ngặt. Chẳng hạn Tập đoàn đầu tư ở thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên đã tự ý chuyển 0,14 tỷ Nhân dân tệ được phân bổ cho việc phục hồi và tái xây dựng Đại lộ Vĩnh An sang xây dựng một khu vực mới phía nam thành phố. Bên cạnh đó, vấn đề tuân thủ quy trình cũng phải xem xét lại. Dự án xây dựng Đường cao tốc Ying-Wen ở tỉnh Tứ Xuyên đã bắt đầu từ tháng 5/2009, song tại thời điểm kiểm toán, dự án vẫn chưa được thông qua chính thức. Ngoài ra, một số dự án đã đầu tư và quản lý không đúng tiêu chuẩn. Kiểm toán cho thấy diện tích khu vực xây dựng các tòa nhà trường học và sân vận động của Trường trung học cơ sở huyện Văn, tỉnh Cam Túc là 43.900 m2 trong khi quy định chỉ là 24.400 m2.
Trong 3 năm triển khai, cuộc kiểm toán song hành đã đưa ra 4.377 báo cáo kiểm toán, liên tục kêu gọi các Bộ sửa đổi kế hoạch, chính sách, sắp xếp và phân bổ ngân sách hợp lý. Tổng cộng có 19.640 ý kiến kiểm toán và kiến nghị kiểm toán đã được đưa ra với mục đích yêu cầu các Bộ xây dựng và sửa đổi 2.700 nội quy và quy định, cải thiện công tác quản lý của 4.000 dự án, phát hiện sử dụng sai hơn 10 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1,58 tỷ USD), giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng của hơn 3.800 dự án. Tổng cộng có 12,391 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 1,967 tỷ USD) thất thoát đã được thu hồi thông qua kiểm toán. Hàng chục trường hợp cá nhân gian lận, tham nhũng đã bị tố cáo lên các cơ quan điều tra, bị kết tội và bị công bố ra công chúng.
Cuộc kiểm toán song hành đối với Chương trình tái thiết sau động đất đã đem lại nhiều tác động tích cực, song vẫn phải đề cập đến những thách thức mà CNAO gặp phải trong quá trình thực hiện. Nguồn nhân lực của CNAO vẫn còn có những hạn chế nhất định cả về số lượng lẫn trình độ, trong khi một cuộc kiểm toán song hành đòi hỏi sự tham gia của số lượng lớn các kiểm toán viên, đòi hỏi tính độc lập và năng lực chuyên môn cao đối với mỗi kiểm toán viên tham gia. Để giải quyết một phần vấn đề thiếu hụt nhân lực, CNAO đã huy động sự tham gia của các công ty kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ vào quá trình kiểm toán.Ngoài ra, cho đến thời điểm báo cáo, vẫn chưa có quy chế và quy định nào tiêu chuẩn hóa các quy trình, nội dung, ưu tiên và thủ tục cho các cuộc kiểm toán song hành.Cho đến nay, CNAO vẫn chỉ triển khai các cuộc kiểm toán song hành dựa trên kinh nghiệm và thông lệ qua nhiều năm.
Hiện nay ở Trung Quốc, 20 các cuộc kiểm toán là kiểm toán doanh thu và chi phí tài chính, còn 80 là kiểm toán hoạt động. Kiểm toán song hành hiện là dạng cao nhất và tốt nhất về kiểm toán hoạt động ở quốc gia này./.
Theo Báo Kiểm toán số 43/2013