KNH là bệnh viện công lớn nhất ở Kenya và là bệnh viện Trung ương duy nhất cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế chuyên sâu như xạ trị, phẫu thuật tim, phẫu thuật thần kinh, chạy thận nhân tạo và cấy ghép thận, phẫu thuật tái tạo và chỉnh hình thẩm mỹ, điều trị bỏng và một số dịch vụ chuyên sâu khác.
Cuộc kiểm toán nhằm mục đích đánh giá hiệu quả hoạt động của Bệnh viện từ tháng 7/2004-10/2012 với vai trò là một bệnh viện Trung ương tiếp nhận bệnh nhân từ các bệnh viện tuyến dưới lên điều trị bằng các dịch vụ y tế chuyên sâu. Kết quả kiểm toán cho thấy, tại tất cả các khoa điều trị chuyên sâu đều có tình trạng trì hoãn điều trị khiến bệnh nhân phải chờ đợi dài ngày. Điều này đã gây hậu quả nặng nề như kéo dài đau đớn, gia tăng lo lắng cho người bệnh, tăng rủi ro thất bại của việc điều trị muộn và tăng chi phí điều trị. Đó là chưa kể đến tác dụng phụ có thể xảy ra đối với một số liệu pháp điều trị nghiêm ngặt phải thực hiện do trì hoãn phác đồ điều trị.
Dữ liệu cho thấy, bệnh nhân tại Trung tâm Điều trị Ung thư phải chờ trung bình hơn 2 tháng mới được gặp bác sĩ chuyên khoa. Những người đăng ký các liệu trình xạ trị phải chờ 4 tháng để bắt đầu liệu trình đầu tiên, đối với hóa học trị liệu phải chờ 1,5 tháng. Các bệnh nhân chữa trị theo liệu pháp phóng xạ phải chờ đợi trung bình 5 tháng trước khi được tiếp cận dịch vụ điều trị lần đầu.
Còn theo báo cáo của Khoa Tim mạch, bệnh nhân ở đây phải chờ trung bình 34 ngày để được nhận tư vấn lần đầu từ bác sĩ chuyên khoa và 3,5 tháng để được một ủy ban đa ngành đề xuất phương thức điều trị. Ngoài ra, các bệnh nhân còn phải chờ trung bình 7 tháng trước khi được chuyển vào khu riêng để chuẩn bị phẫu thuật tim và ở lại khu này trong vòng 3 tuần trước ca phẫu thuật.
Tại Khoa Thận, trên thực tế, hầu hết các bệnh nhân chỉ được lọc máu 1 lần 1 tuần trong 4 giờ đồng hồ, thậm chí một số ca 2 tuần mới được lọc máu 1 lần, trong khi mục tiêu của Bệnh viện đặt ra là ít nhất 8 giờ mỗi tuần. Khuyến cáo quốc tế đưa ra mức tối thiểu là 4 giờ lọc máu mỗi lần và 3 lần mỗi tuần.
Nguyên nhân trì hoãn các dịch vụ chuyên sâu chủ yếu là do thiếu thốn về cả số lượng và chủng loại thiết bị y tế cũng như thiếu đội ngũ bác sĩ chuyên khoa để đáp ứng nhu cầu của một số lượng lớn bệnh nhân đến điều trị. Số lượng bệnh nhân quá tải đến Bệnh viện KNH xuất phát từ bất cập trong hoạt động của hệ thống chuyển viện quốc gia.Tính trung bình, Bệnh viện KNH tiếp nhận hơn 2.000 bệnh nhân nội trú và 1.500 bệnh nhân ngoại trú mỗi ngày.Ít nhất 60 các bệnh nhân này mắc các bệnh thông thường trong khi chức năng chính của Bệnh viện là cung cấp các dịch vụ y tế chuyên sâu. Thực trạng này là do các bệnh viện tuyến dưới còn hạn chế về năng lực nên đa số bệnh nhân đã chuyển lên bệnh viện Trung ương để khám chữa bệnh.
Các thiết bị y tế chuyên sâu ở Bệnh viện KNH khá ít và hầu hết đã cũ. Khoa Thận chỉ có 14/23 số máy cần thiết để dùng cho việc lọc máu và chỉ 8/14 số đó trong trạng thái tốt tại thời điểm kiểm toán. Tương tự, Trung tâm Điều trị Ung thư chỉ có 2 máy xạ trị, trong đó có 1 máy đã sử dụng 28 năm và thường xuyên hỏng hóc. Tình trạng thiếu giường bệnh cũng đáng lo ngại khi sức chứa thiết kế của Bệnh viện là 1.410 giường, song tại thời điểm kiểm toán, có tất cả 1.876 giường bệnh nhưng vẫn không đủ cho toàn bộ số bệnh nhân nằm viện.
Số lượng bác sĩ và chuyên gia ở các khoa chuyên sâu của Bệnh viện quá ít so với số bệnh nhân. Trung tâm Điều trị Ung thư chỉ có 4 bác sĩ chuyên khoa ung thư trong khi khoa tiếp nhận 50-60 bệnh nhân mỗi tuần. Bệnh viện cũng không đáp ứng được tỷ lệ 1:1 giữa y tá và bệnh nhân theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho các dịch vụ chăm sóc chuyên sâu. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng chậm trễ trong điều trị ở trên còn có thể kể đến: Hệ thống thông tin quản lý yếu kém, thiếu các tiêu chuẩn và hướng dẫn cho hoạt động của bệnh viện và thiếu chính sách về mua sắm, bảo dưỡng và thay thế tài sản.
Thiếu nguồn lực tài chính được cho là nguyên nhân sâu xa dẫn đến suy giảm chất lượng nguồn nhân lực và hạn chế khả năng mua sắm, bảo dưỡng thiết bị y tế tại Bệnh viện KNH. Hằng năm, nguồn thu của KNH chủ yếu từ tài trợ của Chính phủ (chiếm hơn 60), còn lại là nguồn thu phí từ bệnh nhân theo chương trình chia sẻ chi phí và thi thoảng có nguồn từ các đối tác nước ngoài. Trong giai đoạn 2005-2009, số tiền phân bổ thực tế từ ngân sách Nhà nước cho Bệnh viện thấp hơn 16,84 mức tổng thu mà Bệnh viện ước tính. Ngoài ra, tổng thu phí theo chương trình chia sẻ chi phí đạt dưới mức dự toán 27. Bệnh viện giải thích rằng nguyên nhân sụt giảm doanh thu trên là do bệnh nhân không trả đủ phí dịch vụ. Số tiền mà bệnh nhân còn nợ Bệnh viện tại thời điểm ngày 30/6/2009 lên đến 1.446 tỷ KSh (tương đương 16,96 tỷ USD) mà 86 trong số đó là nhóm bệnh nhân thuộc diện nghèo (theo phân loại của Bệnh viện). Văn phòng Tổng Kiểm toán cho rằng, việc thiếu văn bản quy định chính sách kiểm soát tín dụng đã dẫn đến hoạt động kiểm soát tín dụng lỏng lẻo nêu trên.
Ngoài ra, mảng khám chữa bệnh theo phương thức “dịch vụ” (phí khám chữa bệnh do bệnh nhân chi trả toàn bộ) cũng không đạt được doanh thu như kỳ vọng với mức thâm hụt tài chính 35 triệu KSh (tương đương 4,12 triệu USD) trong năm tài chính 2004/2005 và lỗ 66,1 triệu KSh (tương đương 0,78 triệu USD) năm 2008/2009.
Theo Báo Kiểm toán số 41/2013