Ngày 14/3 vừa qua, Tòa Thẩm kế châu Âu (ECA) đã lên tiếng chỉ trích tính kém hiệu quả của khoản hỗ trợ mà Liên minh châu Âu (EU) dành cho Thổ Nhĩ Kỳ trong tiến trình hiện đại hóa quản trị công nhằm chuẩn bị cho sự gia nhập EU.
Nhận định của ECA là một phần trong Báo cáo kiểm toán toàn diện nhằm đánh giá hiệu quả các khoản hỗ trợ của khối. Trên thực tế, EU đã chi ra một khoản ngân sách lớn cho tiến trình chuẩn bị gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ, gồm khoảng 6,7 tỷ Euro cho giai đoạn 2007-2017 và dự kiến 1,9 tỷ Euro cho giai đoạn 2018-2020. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng được hưởng lợi từ các khoản vay khác của Ngân hàng Đầu tư châu Âu lên tới 2,3 tỷ Euro năm 2015 hay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu. Trong số gần 9 tỷ Euro hỗ trợ này, có tới 3,8 tỷ Euro dành cho các lĩnh vực ưu tiên cần được cải cách là luật pháp, quản trị công và nguồn nhân lực (bao gồm giáo dục, việc làm và các chính sách xã hội). Các kiểm toán viên nhấn mạnh rằng, các khoản hỗ trợ đã không đáp ứng được một số nhu cầu cơ bản ở Thổ Nhĩ Kỳ như: tính độc lập, công bằng của hệ thống tư pháp, chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức, tự do báo chí, ngăn ngừa xung đột lợi ích, tăng cường vai trò của kiểm toán bên ngoài và xã hội dân sự.
Bên cạnh đó, ECA cũng nhận định, ở một số lĩnh vực như: hải quan, việc làm và thuế, hỗ trợ của khối đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ điều chỉnh tuân thủ theo luật pháp EU. Tuy nhiên, các kiểm toán viên cảnh báo rằng, những kết quả này không bền vững và có nguy cơ đi ngược lại chính sách cải tổ. ECA cũng chỉ trích sự chậm trễ trong việc thực hiện các chương trình dự án của các cơ quan chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và năng lực quản trị yếu kém tại các Bộ, ngành nước này. Những phát hiện của ECA sẽ được đưa vào cuộc đánh giá giữa kỳ của Ủy ban châu Âu đối với các khoản hỗ trợ, cũng như trong việc thiết kế các chương trình hỗ trợ trong tương lai.
Trước đó, các nghị sỹ Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên đã nhất trí giảm 105 triệu Euro trong Quỹ Hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và tạm dừng khoản bổ sung trị giá 70 triệu Euro đã thông báo trước đó. Trong một tuyên bố, các nghị sỹ cho biết, tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ rất đáng báo động và quyết định trên là một thông điệp rõ ràng thể hiện sự lo ngại trong cách xử lý các vấn đề nội bộ của chính quyền TP. Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ). Các nỗ lực gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị đóng băng khi nhiều nhà lãnh đạo EU chỉ trích các chính sách cứng rắn của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan từ sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống bất thành hồi tháng 7/2016 khiến 264 người thiệt mạng và gần 2.000 người bị thương.
(Theo EU Observer và Public Finance)
(Báo Kiểm toán số 12/2018)