Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng 21/6/2017, tại Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) với 460 đại biểu quốc hội tán thành, chiếm tỷ lệ 93,69% tổng số đại biểu quốc hội. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.

 
Trước khi Quốc hội biểu quyết, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường ngày 29/5/2017 về Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo luật.
 
Khái niệm tài sản công quy định tại Dự thảo luật đã được chỉnh lý thống nhất về các đặc trưng cơ bản như khái niệm tài sản công tại Luật Kiểm toán nhà nước, nhưng quy định cụ thể hơn các nhóm tài sản để phục vụ việc xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng tài sản theo kết cấu tại Dự thảo luật. Khái niệm tài sản công cũng được được rà soát cho phù hợp với Luật doanh nghiệp, Luật giao thông đường bộ...
 
UBTVQH cũng đã giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý về: Áp dụng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các luật có liên quan và Điều ước quốc tế; Giám sát cộng đồng đối với tài sản công; Các hành vi bị cấm; Xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; Các nội dung liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan Nhà nước đối với tài sản công; Nhiệm vụ của cơ quan quản lý tài sản công; Đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước.
 
Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) gồm 10 chương, 134 điều, quy định về: Quản lý nhà nước đối với tài sản công; Chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Đối với tài sản công là tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật có liên quan.
 
Theo quy định của Luật, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.
 
Luật cũng quy định cụ thể 7 nhóm tài sản công như: Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam...; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật...; tài sản công tại DN; tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước...
 
Ngọc Bích