Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung, đối tượng và phạm vi thực hiện KSCLKT, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ký Quyết định số 395/QĐ-KTNN ngày 12/3/2014 về việc ban hành Quy trình KSCLKT của KTNN. Tiếp đó, Chuẩn mực kiểm toán số 40 - KSCLKT và một số văn bản hướng dẫn cũng được ban hành càng cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực của KTNN trong việc hướng tới mục đích nâng cao chất lượng KSCLKT và chất lượng hoạt động kiểm toán.
Theo các đơn vị trong ngành, trên thực tế, hoạt động KSCLKT bước đầu đã tác động tích cực đến hoạt động kiểm toán, kịp thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình tác nghiệp (từ khâu khảo sát lập Kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán đến khâu cuối cùng soát xét, thẩm tra và hoàn thiện Báo cáo kiểm toán); giảm được những thiếu sót, bất cập trong Hồ sơ kiểm toán, Kế hoạch kiểm toán chính thức, Báo cáo kiểm toán, đẩy nhanh thời gian hoàn chỉnh Hồ sơ kiểm toán, phát hành Báo cáo kiểm toán. Hơn nữa, thông qua hoạt động kiểm soát nhật ký điện tử, các cán bộ thực hiện công tác kiểm tra, KSCLKT có thể cập nhật tình hình kiểm toán của các kiểm toán viên (KTV), kịp thời chỉ ra các sai sót để KTV chỉnh sửa và hoàn thiện công tác kiểm toán.
Báo cáo kết quả sau hơn 1 năm thực hiện đổi mới của ngành trong công tác KSCLKT kể từ khi có Quyết định số 395/QĐ-KTNN, lãnh đạo KTNN khu vực X cho biết, công tác KSCLKT đã được đơn vị thực hiện đối với tất cả các Đoàn kiểm toán, mang lại những chuyển biến đáng ghi nhận. Từ đầu năm 2015, đơn vị đã chỉ đạo các phòng rà soát lại những văn bản đã ban hành để sửa đổi, hướng dẫn cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Phòng Tổng hợp phối hợp với Ban Chỉ đạo kiểm toán xây dựng đề cương mẫu hướng dẫn công tác kiểm tra đối chiếu, cách thức và quy trình thẩm tra dự toán quyết toán tại các huyện và các đơn vị dự toán.
Một bài học kinh nghiệm đáng lưu ý là KTNN khu vực X đã ban hành các văn bản quy định về quản lý hoạt động kiểm toán đối với các Đoàn, Tổ kiểm toán. Trong đó quy định rõ trách nhiệm và vai trò của Tổ trưởng, Trưởng đoàn kiểm toán, của Phòng Tổng hợp, gắn trách nhiệm bộ phận KSCLKT với Đoàn kiểm toán trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán; trình Kiểm toán trưởng phê duyệt kế hoạch KSCLKT, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Tổ kiểm soát.
Bên cạnh những kết quả tích cực, các đơn vị đã chỉ ra một số hạn chế, bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện công tác KSCLKT, đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục, tháo gỡ. Nhiều KTNN chuyên ngành, khu vực có chung kiến nghị cần phân định rõ ràng hơn nữa chức năng, nhiệm vụ KSCLKT giữa Vụ Chế độ và KSCLKT, Tổ KSCLKT của đơn vị chủ trì, Kiểm toán trưởng và Đoàn kiểm toán tránh chồng chéo, trùng lặp về nội dung, phương pháp, cách thức triển khai. Bên cạnh đó, việc quy định thời gian đơn vị phải ký gửi Báo cáo KSCLKT trình lãnh đạo KTNN phụ trách, đồng thời gửi Vụ Chế độ và KSCLKT để kiểm tra, đánh giá là 10 ngày sau khi kết thúc kiểm toán là chưa hợp lý, và thực tế các đơn vị thường lập và gửi chậm so với thời gian quy định, lý do là thời điểm này Đoàn kiểm toán chưa lập xong Dự thảo Báo cáo kiểm toán (theo quy định là 15 ngày).
Theo KTNN khu vực VIII cần thiết phải ban hành các mẫu Quyết định thành lập Tổ KSCLKT, Kế hoạch KSCLKT, Báo cáo KSCLKT tháng, Báo cáo KSCLKT để áp dụng thống nhất trong toàn ngành. Hiện Quy chế KSCLKT chỉ mới hướng dẫn lập Kế hoạch kiểm soát và Báo cáo kiểm soát cho giai đoạn thực hiện kiểm toán, chưa hướng dẫn giai đoạn trước và sau thực hiện kiểm toán. Theo KTNN khu vực X, phạm vi và giới hạn KSCLKT là toàn bộ hoạt động tổ chức, thực hiện cuộc kiểm toán trong các giai đoạn kiểm toán (từ khi triển khai khảo sát đến thời điểm kết thúc, lập Báo cáo kiểm toán của Đoàn kiểm toán).
Đại diện KTNN chuyên ngành VI cho rằng, cần có sự nghiên cứu để thay đổi biện pháp kiểm soát cho phù hợp với đặc thù từng cuộc kiểm toán, từng Tổ kiểm toán, từng đối tượng kiểm toán để nâng cao hiệu quả kiểm soát, tránh kiểm soát mang tính thủ tục, hình thức.
Đề xuất của lãnh đạo KTNN khu vực IX nêu rõ, KTNN tổ chức các lớp tập huấn, trao đổi, tọa đàm về KSCLKT để mỗi KTV hiểu rõ, hiểu đúng hơn về tầm quan trọng của công tác KSCLKT và nội dung của Quy chế KSCLKT được ban hành kèm theo Quyết định số 395/QĐ-KTNN. Sau mỗi cuộc kiểm toán, cần có cuộc họp đánh giá, rút kinh nghiệm hoạt động kiểm soát, đánh giá việc tiếp thu, bổ sung, khắc phục những hạn chế của Đoàn kiểm toán được Tổ kiểm soát nêu ra trong Báo cáo KSCLKT. Việc phối hợp giữa các bộ phận KSCLKT và các KTV, Tổ kiểm toán, Đoàn kiểm toán cần linh hoạt hơn nữa, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả trong việc phối hợp tiếp thu và giải trình các ý kiến kiểm soát. Đồng thời, cần tăng cường nhân sự có kinh nghiệm kiểm toán cho các Phòng Tổng hợp để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát. Duy trì cán bộ thực hiện nhiệm vụ KSCLKT ít nhất tại 2 cuộc kiểm soát liên tục nhằm tạo điều kiện để hoàn thiện kỹ năng và có nhận thức đầy đủ về phương pháp, nội dung và cách thức thực hiện kiểm soát.
Các Tổ trưởng Tổ kiểm toán chỉ nên dành khoảng 60 thời gian kiểm toán để trực tiếp thực hiện các nội dung kiểm toán, thời gian còn lại là để kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các thành viên thực hiện nhiệm vụ - KTNN khu vực XII đề nghị.
Hơn nữa, nhiều KTNN chuyên ngành, khu vực đồng quan điểm: Vụ Chế độ và KSCLKT nên tổng kết kinh nghiệm trong công tác KSCLKT trong đó nêu rõ những tồn tại, thiếu sót từ khâu lập Kế hoạch kiểm toán của Đoàn kiểm toán đến khi phát hành Báo cáo kiểm toán làm cơ sở cho các đơn vị tham khảo, học tập kinh nghiệm KSCLKT để vận dụng tại từng đơn vị.
Theo Báo Kiểm toán số 43/2015