‘Kiểm toán trách nhiệm kinh tế và vai trò của Cơ quan kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng’ - bài học từ Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc

(kiemtoannn.gov.vn) – Kiểm toán Quốc gia (KTQG) Trung quốc được đánh giá là cơ quan kiểm toán có thế mạnh về kiểm toán trách nhiệm kinh tế; Kiểm toán phát hiện nhằm phòng, chống tham nhũng. Trong lịch sử hơn 30 năm hình thành và phát triển, KTQG Trung Quốc đã tích lũy được nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực này. Mới đây, trong một hội thảo đồng tổ chức giữa KTNN Việt Nam và KTQG Trung Quốc với chủ đề “Kiểm toán trách nhiệm kinh tế và vai trò của Cơ quan kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng”, các chuyên gia của KTQG Trung Quốc đã chia sẻ những bài học, kinh nghiệm về kiểm toán trách nhiệm kinh tế và vai trò của cơ quan KTNN trong phòng, chống tham nhũng.


Kiểm toán trách nhiệm kinh tế: Cần các giải pháp tổng thế
 
Kiểm toán trách nhiệm kinh tế là hoạt động của cơ quan kiểm toán tiến hành giám sát, đánh giá, thẩm định trách nhiệm kinh tế của người phụ trách doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần Nhà nước giữ phần vốn chi phối và những người phụ trách chính trong cơ quan Chính phủ và các ban, ngành. Như vậy, không giống với các loại hình kiểm toán khác, lấy “đơn vị” làm đối tượng kiểm toán, đối tượng kiểm toán trách nhiệm kinh tế chủ yếu là “con người”. Vì vậy, kiểm toán trách nhiệm kinh tế có mục tiêu, phạm vi, mô hình tổ chức quản lí, phương pháp, đánh giá và kết quả vận dụng…khác với các loại hình kiểm toán thông thường.
 
Ông Tôn Hiểu Nham - Vụ trưởng Vụ Kiểm toán trách nhiệm kinh tế, KTQG Trung Quốc chia sẻ, kể từ năm 1999 KTQG Trung Quốc đã chính thức triển khai công tác kiểm toán trách nhiệm kinh tế. Thời điểm đó, chính quyền các cấp của Trung Quốc đã xây dựng cơ cấu và cơ chế quản lí tổ chức tương ứng. Theo đó, các Bộ, ngành trong bộ máy chính quyền Trung Quốc có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các vấn đề vi phạm kỉ luật pháp luật nghiêm trọng do kiểm toán chuyển sang trên cơ sở pháp luật; Tiến hành điều tra các vấn đề có tính xu hướng, phổ biến và điển hình do kết quả kiểm toán phản ánh.
 
Các Bộ, ngành có trách nhiệm đưa kiểm toán trách nhiệm kinh tế vào hệ thống giám sát quản lí cán bộ; Căn cứ vào kết quả kiểm toán đưa ra hình thức xử lí đối với cán bộ lãnh đạo và các nhân viên hữu quan; Đưa báo cáo kết quả kiểm toán trách nhiệm kinh tế vào hồ sơ cá nhân cán bộ lãnh đạo, làm căn cứ quan trọng để sát hạch, miễn bổ nhiệm, thưởng phạt; Tiến hành nghiên cứu các vấn đề có tính trào lưu, phổ biến và tính điển hình trên cơ sở kết quả kiểm toán…
 
Bà Lưu Tiểu  Lệ, Hàm Vụ trưởng Vụ Kiểm toán Doanh nghiệp của KTQG Trung Quốc cho biết, hiện nay kiểm toán trách nhiệm kinh tế là một trong những nhiệm vụ công tác chính của tổ chức kiểm toán nội bộ và KTQG Trung Quốc. Số lượng cuộc kiểm toán trách nhiệm kinh tế bình quân chiếm khoảng 40 số lượng cuộc kiểm toán. Về lượng, chiếm trên 45 toàn bộ lượng công tác kiểm toán. Theo thống kê, từ năm 2008 trở lại đây, cơ quan kiểm toán các cấp của Trung Quốc đã tiến hành kiểm toán 220.000 lượt cán bộ lãnh đạo, trong đó: Hơn 160 lượt lãnh đạo cấp tỉnh, 4600 lượt lãnh đạo cấp chánh văn phòng địa phương, hơn 50.000 lượt lãnh đạo cấp huyện, 170.000 lượt cấp xã phường. Cơ quan kiểm toán không ngừng tiến hành kiểm toán trách nhiệm kinh tế của người lãnh đạo doanh nghiệp trung ương và cán bộ lãnh đạo đảng, chính quyền cấp tỉnh. Trong 5 năm gần đây, cơ bản kiểm toán luân phiên một lượt đối với 31 tỉnh thành (khu tự trị, thành phố trực thuộc), 53 doanh nghiệp nhà nước do trung ương quản lí. Qua kiểm toán,  đã có hơn 2580 người bị chuyển sang toàn án, viện kiểm sát xử lí. Căn cứ vào kết quả kiểm toán, các bộ ngành hữu quan đã tiến hành xử phạt đối với 890 cán bộ phụ trách chủ chốt. “Có thể nói rằng, kiểm toán trách nhiệm kinh tế đang phát huy vai trò không thể thay thế trong lĩnh vực tăng cường vai trò giám sát, kiểm soát đối với việc vận hành quyền lực, thúc đẩy xử lí, phòng chống tham nhũng, thúc đẩy hoàn thiện quản lí Nhà nước”- bà Lưu Tiểu  Lệ khẳng định.
 

Đúc kết những kinh nghiệm trong hoạt động kiểm toán trách nhiệm kinh tế của KTQG Trung Quốc, ông Tôn Hiểu Nham cho rằng, trước tiên, để triển khai công tác kiểm toán trách nhiệm kinh tế thì cần phải có sự chỉ đạo và ủng hộ mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ. Thứ hai - cần phải xây dựng, kiện toàn cơ cấu quản lí, tổ chức, vận hành hoạt động kiểm toán trách nhiệm kinh tế từ Trung ương tới địa phương. Thứ ba - phải kết hợp chặt chẽ kiểm toán trách nhiệm kinh tế với kiểm toán chuyên ngành. Bên cạnh đó phải không ngừng đổi mới và cải tiến phương thức và phương thức kiểm toán trách nhiệm kinh tế, kết hợp giữa kiểm toán trong thời gian đương nhiệm và rời nhiệm. Thứ tư - cần phải xây dựng, kiện toàn cơ chế sử dụng kết quả kiểm toán.Thực tế cho thấy, áp dụng đầy đủ kết quả kiểm toán trách nhiệm kinh tế là biện pháp quan trọng để phòng, chống đề bạt các cán bộ yếu kém vào các vị trí quan trọng. Thứ năm, cần phải chuẩn hóa khung pháp lí của kiểm toán trách nhiệm kinh tế.

    
Trao đổi về lĩnh vực này, ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng Thanh tra Chính phủ Việt Nam cho rằng, thực trạng chế độ trách nhiệm kinh tế ở Việt Nam hiện nay còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, hoàn thiện. Trong hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật chỉ xác định được trách nhiệm kinh tế của tổ chức, các trách nhiệm kinh tế của cá nhân rất ít được chú ý. Ngoại trừ người phạm tội bị xử lý hình sự phải bồi thường một phần thiệt hại do hành vi phạm tội theo phán quyết của tòa án. Luật Cán bộ, Công chức không chế tài việc bồi thường vật chất đối với thiệt hại kinh tế do hành vi thực hành công vụ mà cán bộ, công chức gây ra, trường hợp này cán bộ, công chức chỉ phải chịu trách nhiệm kỷ luật. Luật Lao động, luật Viên chức chỉ quy định người lao động, viên chức phải bồi thường vật chất đối với thiệt hại về kinh tế do hoạt động của viên chức, người lao động gây ra. Luật Phòng, chống tham nhũng, luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có một số quy định nhằm cá thể hóa trách nhiệm bồi thường vất chất, nhưng việc thực hiện vẫn còn rất hạn chế.
 

Đồng ý kiến với ông Phí Ngọc Tuyển, đại diện của KTNN chuyên ngành VI – KTNN Việt Nam cho biết, một trong những nguyên nhân hạn chế đến hoạt động của KTNN trong kiểm toán đánh giá trách nhiệm kinh tế của lãnh đạo DNNN là hệ thống các chỉ tiêu và tiêu chí để đánh giá trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo DNNN còn chưa rõ ràng, đầy đủ; Chế tài xử lý còn nhẹ, chưa có sức thuyết phục. Luật Kiểm toán Nhà nước và các văn bản hướng dẫn còn chưa quy định cụ thể kiểm toán đánh giá trách nhiệm kinh tế của cán bộ lãnh đạo DNNN; Chưa có quy trình và đề cương hướng dẫn kiểm toán đối với kiểm toán đánh giá trách nhiệm kinh tế trong lĩnh vực DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Nâng cao vai trò kiểm toán trong phòng, chống tham nhũng

Đại diện của KTQG Trung Quốc cho biết, năm 2014, KTQG Trung Quốc đã chuyển hơn 800 vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng lên tòa án và cơ quan giám sát, kiểm tra, kỉ luật. Cơ quan kiểm toán trên toàn quốc đã chuyển 3000 vụ vi phạm kỉ luật pháp luật nghiêm trọng, liên quan đến 7000 người đến các cơ quan hữu quan để điều tra hàng loạt các vụ án tham nhũng vô cùng lớn.
 
Phân tích các vụ án tham nhũng do KTQG Trung Quốc phát hiện, có những đặc điểm chủ yếu sau: Vi phạm tập trung phần lớn ở các đơn vị, ngành nắm giữ dự án, có quyền xem xét phê chuẩn vốn, có quyền phân phối nguồn vốn và các quyết sách, đặc biệt tại các khâu thẩm định phê chuẩn chuyển nhượng tài sản nguồn vốn quốc doanh, các dự án lớn tiến hành bao thầu, thẩm định phê chuẩn cho vay tín dụng..; Cách thức làm phần lớn là thông qua phương thức đăng kí vốn giả, dự án giả, hợp đồng giả và hóa đơn giả, phủ một lớp áo khoác hợp pháp che đậy các hành vi phạm pháp luật; Thủ đoạn phạm tội phức tạp tinh vi, các hành vi phạm tội hối lộ và nhận hối lộ thường thông qua hình thức giao dịch tiền mặt, nhiều đối tượng phạm tội thông qua các kênh tài chính tiện lợi như ngân hàng mạng, để rút ruột các nguồn vốn dự án…
 
Để có thể phát hiện và điều tra ra những vấn đề tham nhũng, KTQG Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp hiệu quả như: Tăng cường ý thức trách nhiệm, bồi dưỡng và vận dụng phương pháp tư duy kiểm toán hệ thống và khoa học; Xác định trọng yếu kiểm toán trên cơ sở toàn diện và xây dựng  mô hình tổ chức kiểm toán phù hợp, có sự hỗ trợ bổ sung chuyên môn của các thành viên trong đoàn kiểm toán; Công khai minh bạch kết quả kiểm toán, chú trọng các kênh thông tin từ phía người dân để phát hiện manh mối; Chú trọng chữa trị “cả gốc lẫn ngọn”, thúc đẩy giải quyết các vấn đề thể chế và cơ chế; Cải tiến phương pháp kiểm toán, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; Tăng cường phối hợp với các cơ quan chấp pháp khác, xây dựng cơ chế liên kết phối hợp có sức mạnh và hiệu quả.
 
Chia sẻ về “Công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam”¬, ông Vũ Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN Việt Nam cho biết, từ quy định pháp lý về trách nhiệm của KTNN trong phòng, chống tham nhũng và kết quả hoạt động kiểm toán thời gian qua cho thấy những giá trị và lợi ích của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, đại diện Vụ Tổng hợp cũng thừa nhận, hoạt động của KTNN trong việc phát hiện hành vi tham nhũng còn nhiều hạn chế do: Đặc thù hoạt động, phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ của KTNN; Trình độ tác nghiệp và trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong việc phát hiện hành vi tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán; Quy định của pháp luật liên quan tới việc phát hiện, phối hợp xử lý tham nhũng còn nhiều bất cập...

Bàn về các giải pháp nâng cao hiệu quả phát hiện các hành vi tham nhũng trong hoạt động kiểm toán, đại diện của Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng – KTNN Việt Nam đưa ra quan điểm, trước tiên KTNN cần nghiên cứu và đề xuất cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ cho hoạt động phòng, chống tham nhũng của KTNN. KTNN cần tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm toán một cách toàn diện trên 03 mặt: Năng lực, hiệu lực và hiệu quả kiểm toán;  Trang bị cho Kiểm toán viên kiến thức chuyên sâu về pháp luật hình sự, kỹ năng nghiệp vụ điều tra, phát hiện hành vi tham nhũng, bồi dưỡng nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Tăng cường phối hợp giữa KTNN với các cơ quan liên quan đến phòng, chống tham nhũng. KTNN cần nghiên cứu đề xuất với cấp có thẩm quyền triển khai kiểm toán trách nhiệm kinh tế của cán bộ lãnh đạo trong nhiệm kỳ công tác, trước mắt có thể quy định lồng ghép đánh giá trách nhiệm kinh tế trong các báo cáo kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động. Tăng cường công khai kết quả kiểm toán cũng được coi là một giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện các hành vi tham nhũng trong hoạt động kiểm toán./.

Ngọc Bích tổng thuật.