Cơ chế cũ nhiều bất cập
Theo Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường giai đoạn 2009 - 2011, về cơ bản các đơn vị được kiểm toán đã chấp hành chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường (BVMT). Tuy nhiên, vấn đề tồn tại là một số địa phương đã không thực hiện đúng quy định, như: chưa giao kế hoạch thu phí không đúng quy định, không giao đơn vị tổ chức thực hiện thu phí và hướng dẫn quản lý thu, sử dụng số thu được để lại không đúng quy định. Cùng với đó, bên cạnh việc một số địa phương chưa nộp kịp thời phí BVMT vào NSNN, chưa thực hiện ghi thu - ghi chi NSNN kinh phí sự nghiệp môi trường theo quy định thì có địa phương chưa quản lý được số thu phí vệ sinh môi trường, phí BVMT không thực hiện nộp NSNN rồi chuyển về Quỹ BVMT theo quy định mà chuyển thẳng về Quỹ BVMT. Nhưng đáng chú ý hơn cả là nhiều địa phương còn thất thu phí BVMT. Ví dụ, tại tỉnh Sóc Trăng, 4 huyện được kiểm toán chưa thực hiện thu phí BVMT đối với nước thải trên địa bàn. Tại tỉnh Bắc Ninh, phí BVMT đối với nước thải công nghiệp chưa thu được bị tồn đọng đến tháng 5/2012 là 2,265 tỷ đồng. Tại tỉnh Nghệ An, số phí tồn hàng năm so với số phải thu đã ra thông báo năm 2010 là 220 triệu đồng, năm 2011 là 126 triệu đồng. Đặc biệt, theo số liệu thống kê, vào thời điểm kiểm toán TP.Vinh có hơn 9.000 đơn vị, cơ quan, trạm, trại đóng trên địa bàn, nhưng mới lập bộ thu phí VSMT của 883 đơn vị; một số địa bàn của TP.Vinh đã ký cam kết thực hiện ủy nhiệm thu phí nhưng không sử dụng hóa đơn theo quy định dẫn đến thất thu cho ngân sách hàng năm khoảng 5 tỷ đồng. Còn tại TP.HCM, Chi cục BVMT đã để nợ đọng phí BVMT đối với nước thải công nghiệp, lũy kế từ năm 2004 đến cuối năm 2011 là 5,466 tỷ đồng...
Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện các đối tượng phải đóng phí nước thải công nghiệp được quy định tại Nghị định 67/2003/NĐ-CP đến thời điểm kiểm toán đã rất lạc hậu, do chưa quy định đối với một số đối tượng có lượng nước thải lớn, có hàm lượng các chất ô nhiễm trong nước thải cao như bệnh viện, trung tâm y tế, dịch vụ rửa xe, nhà hàng, khách sạn, cơ sở nấu ăn, siêu thị...
Để điều chỉnh, KTNN kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tham mưu với Chính phủ bổ sung đối tượng phải đóng phí BVMT đối với nước thải công nghiệp. Đồng thời, mức thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp tính theo từng chất gây ô nhiễm được quy định từ năm 2003 đến nay cũng đã rất lạc hậu, cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp.
Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ ra quy định về thu phí BVMT đối với hoạt động khai thác khoáng sản hướng dẫn việc xác định số lượng khoáng sản khai thác để xác định số phí BVMT phải nộp tại khoản 2, Mục I của Thông tư số 67/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính là không rõ ràng, dẫn đến việc áp dụng cách tính tại các đối tượng nộp phí khác nhau. Theo đó, số phí BVMT phải nộp được tính trên cơ sở xác định sản lượng bằng m3 nguyên khai theo cách xác định trữ lượng mỏ, không xác định theo số m3 rời đối với sản lượng khoáng sản khai thác thực tế tại mỏ hoặc không phải là sản lượng khai thác tại mỏ mà là sản lượng được vận chuyển đi tiêu thụ, thực tế sử dụng cho sản xuất... KTNN đã kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 67/2008/TT-BTC theo hướng quy định rõ cách tính phí BVMT tại các đối tượng nộp phí khác nhau.
Cụ thể hóa cách tính phí, đối tượng nộp phí
Tích cực khắc phục các bất cập nêu trên, năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2013/NĐ-CP về phí BVMT đối với nước thải, có hiệu lực từ ngày 01/7/2013 (thay thế cho các Nghị định: số 67/2003/NĐ-CP; số 04/2007/NĐ-CP; số 26/2010/NĐ-CP về phí BVMT đối với nước thải).
Trong Nghị định 25/2013/NĐ-CP, Chính phủ quy định mức thu BVMT đối với nước thải sinh hoạt được tính theo tỷ lệ trên giá bán của 1 m3 nước sạch, nhưng tối đa không quá 10 giá bán nước sạch chưa bao gồm thuế Giá trị gia tăng. Đối với nước thải sinh hoạt thải ra từ các tổ chức, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng (trừ hộ gia đình ở những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch) thì HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức phí áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình sử dụng nước, tương ứng với số phí trung bình một người sử dụng nước từ hệ thống nước sạch phải nộp tại địa phương.
Đối với nước thải không chứa kim loại nặng, tổng mức phí mà các tổ chức, cá nhân phải nộp gồm mức phí cố định của Bộ Tài chính và Bộ TN&MT (tối đa không quá 2,5 triệu đồng) và phí của tổng lượng nước thải, hàm lượng 2 chất gây ô nhiễm (COD - nhu cầu ôxy hóa học; TSS - chất rắn lơ lửng) với mức tối thiểu là 1.000đ/kg và mức tối đa là 3.200đ/kg. Đối với nước thải chứa kim loại nặng, cơ sở tính phí cũng như nước thải không chứa kim loại nặng, nhưng còn cộng thêm phí tính theo khối lượng nước thải chứa kim loại nặng của các cơ sở sản xuất, chế biến trong Danh mục lĩnh vực, ngành sản xuất có nước thải chứa kim loại nặng do Bộ TN&MT ban hành.
Khoản phí BVMT đối với nước thải thuộc NSNN, sau khi thu được chia 2 phần. Một phần được để lại cho đơn vị trực tiếp thu để trang trải cho việc thu phí; chi phí cho đánh giá, lấy mẫu phân tích nước thải phục vụ cho việc thẩm định phí, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với nước thải công nghiệp. Phần còn lại được nộp toàn bộ vào ngân sách địa phương để sử dụng cho công tác BVMT, bổ sung vốn hoạt động cho Quỹ BVMT của địa phương để sử dụng cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường từ nước thải, cũng như tổ chức các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường nước.
Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư 04/2012/TT-BTNMT về tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng tính đến thời điểm kiểm toán lại chưa có văn bản sửa đổi, bổ sung danh mục một số chất thải có khả năng gây ô nhiễm cao để thu phí nước thải. Khắc phục một phần hạn chế này, ngay sau khi Nghị định số 25/2013/NĐ-CP được ban hành, Bộ TN&MT đã đưa ra Danh mục lĩnh vực, ngành sản xuất, chế biến có nước thải chứa kim loại nặng phải tính phí BVMT đối với nước thải tại Thông tư số 06/2013/TT-BTNMT, có hiệu lực từ ngày 01/7/2013, trong đó có các ngành: thuộc da; nhuộm vải, sợi; hóa chất; khai thác than, khoáng sản kim loại, chế biến kim loại; cơ khí, luyện kim; tái chế kim loại, chất thải luyện kim; sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử; phá dỡ tàu cũ.../.
Theo Báo Kiểm toán số 41/2014