I, Kiểm toán nội bộ -hàng rào phòng thủ của các đơn vị
Theo IIA, Viện Kiểm toán Nội bộ: KTNB “là hoạt động đánh giá và tư vấn độc lập trong nội bộ tổ chức, được thiết kế nhằm cải tiến và làm tăng giá trị cho các hoạt động của tổ chức đó. Giúp tổ chức đạt được các mục tiêu bằng việc đánh giá và cải tiến một cách hệ thống và chuẩn tắc tính hiệu lực của quy trình quản trị, kiểm soát và quản lý rủi ro.” (IIA là tổ chức nghề nghiệp dành cho kiểm toán viên nội bộ thành lập năm 1941 có trụ sở chính tại Hoa Kỳ và hơn 122.000 hội viên trên toàn cầu.). Từ khái niệm trên cho thấy điểm khác biệt giữa KTNB với kiểm toán độc lập, kiểm toán Nhà nước đó là mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể kiểm toán, với loại hình kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập có sự tách biệt tương đối rõ ràng giữa chủ thể và khách thể kiểm toán, với loại hình KTNB thì sự tách biệt là không có, bộ phận kiểm toán nội bộ là bộ phận nằm chính trong cơ cấu tổ chức của đơn vị khách thể kiểm toán. Khái niệm cũng nhấn mạnh vai trò, tác dụng của KTNB đối với hoạt động của đơn vị; giúp “bảo vệ giá trị cho tổ chức”, KTNB giữ vai trò “quan sát viên độc lập” nhằm đảm bảo hoạt động của tổ chức tuân thủ các quy định pháp luật quốc gia, quy định, quy tắc của tổ chức; KTNB là người “giám sát, bảo trì, nâng cấp hệ thống kiểm soát nội bộ” trong vai trò đảm bảo hiệu quả kinh doanh và xây dựng các thủ tục kiểm soát cần thiết. KTNB là công cụ giúp phát hiện và cải tiến những điểm yếu của hệ thống quản lý của tổ chức. Đối với các doanh nghiệp, KTNB có thể hỗ trợ ban giám đốc và hội đồng quản trị có thể kiểm soát hoạt động và quản lý rủi ro tốt hơn mọi khi quy mô và độ phức tạp của doanh nghiệp vượt quá tầm kiểm soát của họ.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu, các nhà quản lý trên thế giới đã đánh giá lại các mô hình và thấy được vai trò của kiểm toán rủi ro cũng như KTNB càng ngày càng tăng. Trong những năm gần đây, nhất là ở các nước phương Tây, vai trò kiểm toán nội bộ càng ngày trở nên quan trọng. Các công ty chủ động hơn trong việc xác định rủi ro, nhất là rủi ro trọng yếu, đồng thời họ cũng đang xây dựng các phương pháp, chương trình, cách thức tiếp cận kiểm toán có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vai trò của KTNB còn rất mờ nhạt. Đây không là vấn đề riêng tại Việt Nam, mà hầu hết các nước đang phát triển, ưu tiên hàng đầu vẫn là mục tiêu tăng trưởng là lợi nhuận. Các vấn đề liên quan đến quản trị rủi ro và kiểm toán nội bộ chưa được chú trọng một cách đầy đủ. Điều này cần được cải thiện trong tương lai.
II, KTNB đã được nhìn nhận đúng giá trị, vai trò?
Tại Việt Nam khái niệm KTNB vẫn còn mờ nhạt, điều này một phần do hệ thống quản lý vẫn còn chưa đồng bộ, cập nhật theo tình hình mới. Hiện nay, lĩnh vực kiểm toán nội bộ được hướng dẫn, chỉ đạo là quyết định 832/TC/QĐ/CĐKT năm 1997 có hiệu lực từ 1/1/1998, bên cạnh đó cũng có một số văn bản nêu đến hoạt động KTNB, tuy nhiên góc độ tiếp cận chưa chính xác, ví dụ Luật Doanh nghiệp có đề cập đến KTNB là bộ phận đồng nhất với ban kiểm soát, hoặc có văn bản quy định của Ngân hàng Nhà nước quy định các ngân hàng, tổ chức tín dụng, bảo hiểm cần thiết lập bộ phận KTNB, tuy nhiên đây lại là quy định mang tính ngành nghề, lĩnh vực chưa phải là quy định chung cho tất các đơn vị.
Với hai loại hình kiểm toán là Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập gần đây được quan tâm phát triển thì loại hình KTNB chưa được quan tâm thích đáng. Quốc hội đã xây dựng và ban hành Luật kiểm toán độc lập, Luật Kiểm toán Nhà nước nhưng văn bản quy định về KTNB vẫn sử dụng Quyết định 832/TC/QĐ/CĐKT ban hành năm 1997, quy định này không còn phù hợp với điều kiện hiện nay. Có quy định về thi và cấp chứng chỉ kiểm toán viên cho hai loại hình kiểm toán là Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập nhưng chưa có quy định, hướng dẫn liên quan đến KTNB, do vậy vị trí, vai trò của kiểm toán viên nội bộ chưa được đề cao. Với loại hình kiểm toán kiểm toán độc lập có Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề (VACPA) là tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng riêng loại hình KTNB vẫn bị buông lỏng, chưa có một tổ chức, hiệp hội nghề tập hợp nhằm quản lý, đào tạo và kiểm tra chất lượng.
Lĩnh vực kiểm toán nội bộ chưa thu hút được nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Đi kèm với nguồn nhân lực chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp thì nội dung kiểm toán cụ thể là chương trình kiểm toán mẫu áp dụng cho loại hình KTNB chưa được ban hành, do vậy để kiểm toán các đơn vị phải tự xây dựng, do vậy rất khó để đánh giá, kiểm soát chất lượng.
Nguyên nhân của những hiện tượng trên có thể kể đến những khía cạnh sau: Do lịch sử phát triển của ngành kiểm toán nói chung và kiểm toán nội bộ nói riêng, có thể nói khái niệm kiểm toán còn tương đối “mới mẻ” trong nền kinh tế của nước ta. Trên thực tế đi vào hoạt động bộ phận này chưa thực sự phát huy hiệu quả và dần bị thay thế bởi loại hình KTNB. Do nhận thức chưa đầy đủ, tại các đơn vị vẫn chưa hiểu hết về vai trò vị trí cũng như nội dung của loại kiểm toán nội bộ. Còn thiếu cơ sở lý luận về hoạt động KTNB, hiện nay hệ thống lý luận về KTNB tại Việt Nam còn thiếu rất nhiều và chưa cập nhật theo những nội dung mới của thực tiễn.
III, Sự thay đổi cần thiết
Thiết lập bộ phận KTNB là xu hướng tất yếu và là nhu cầu khách quan tại mỗi đơn vị (xuất phát từ thực tế hoạt động của các doanh nghiệp trước những biến động của nền kinh tế hay sức ép từ các nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu doanh nghiệp cần phải có “hàng phòng thủ” chắc chắn…), tuy nhiên cần làm thế nào để phát huy hiệu quả của bộ phận này. Để làm được điều này cần có sự thay đổi căn bản nhận thức từ cấp quản lý vĩ mô (Nhà nước) đến những nhà quản trị đơn vị. Cụ thể như sau:
* Quản lý của Nhà nước:
- Để tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động KTNB Nhà nước cần xây dựng và ban hành những quy định cho hoạt động KTNB kiểm bộ phù hợp với điều kiện mới với nội dung hướng dẫn các đơn vị thiết lập bộ phận KTNB.
- Từ mô hình Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam VACPA cho thấy sự cần thiết phải tổ chức, thiết lập hiệp hội nghề cho loại hình KTNB. Chức năng chủ yếu của hiệp hội là hướng dẫn, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, kiểm tra giám sát chất lượng KTNB. Với điều kiện thực tế hoạt động hiện nay của KTNB Việt Nam có thể thiết lập một chi hội nằm trong tổ chức quản lý của VACPA. Với vị trí là một bộ phận, chi hội KTNB có thể trực tiếp được quản lý, hướng dẫn, giám sát VACPA, đồng thời chi hội cũng sẽ có những điều lệ hoạt động riêng phù hợp với đặc điểm của loại hình KTNB.
- Song song với những hoạt động về tổ chức thì nâng cao khả năng chuyên môn và tính chuyên nghiệp cho các kiểm toán viên nội bộ là hết sức cần thiết. Không thể phủ nhận những hoạt động của kiểm toán viên nội bộ tại các đơn vị khi nỗ lực cố gắng đáp ứng yêu cầu công việc, tuy nhiên để đánh giá mức độ đáp ứng với nhu cầu đòi hỏi thì việc thi và cấp chứng chỉ kiểm toán viên nội bộ là hết sức cần thiết. Hiện nay, chứng chỉ kiểm toán viên nội bộ CIA đã được một số tổ chức nước ngoài đào tạo, sát hạch và cấp tại Việt Nam, đây là một tín hiệu đáng mừng bởi đã có những quan tâm đúng hướng để nâng cao chất lượng cho đội ngũ kiểm toán viên nội bộ.
* Đối với các đơn vị (các nhà quản trị):
- Yếu tố hàng đầu cần được cải thiện nhằm nâng cao chất lượng hoạt động KTNB đó là các nhà quản trị cần có nhận thức đúng đắn về lợi ích, vị trí, vai trò của kiểm toán nội bộ. Đối với một số doanh nghiệp lớn như Bảo Việt yếu tố này được thể hiện rõ ràng khi hoạt động KTNB được đầu tư bài bản khi doanh nghiệp nhận thấy vai trò của KTNB gắn kết với hoạt động của đơn vị. Cần có sự thay đổi nhận thức từ sự “đối phó” với quy định của Nhà nước chuyển sang sự “chủ động” thiết lập để tận, dụng khai thác những lợi ích của hàng rào phòng thủ này.
- Cần có sự đầu tư thích đáng mang tính “dài hơi” cho bộ phận KTNB: Như đã nêu ở trên việc thiết lập bộ phận KTNB không thể là sự đối phó hay thậm tệ hơn là phong trào mà đầu tiên phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của đơn vị. Tuy nhiên thực tế cho thấy khai thác bộ phận này như thế nào cho hiệu quả thật không đơn giản, rất nhiều đơn vị sau khi thiết lập đã phải xóa bỏ bộ phận này vì không tìm thấy giá trị thực sự. Do vậy, tiếp sau sự thay đổi về nhận thức các nhà quản trị cần có một chiến lược từ việc khảo sát, thiết kế, triển khai tổ chức, vận hành bộ phận KTNB, đây thực sự là công việc không đơn giản nhưng lại là vấn đề hết sức quan trọng.
Hoạt động KTNB tại Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn mới phát triển, hệ thống quản lý chưa đồng bộ, chất lượng hoạt động còn thấp chưa tương xứng với yêu cầu. Do vậy, khai thác hiệu quả bộ phận KTNB là vấn đề cần được quan tâm một cách thích đáng từ góc độ quản lý Nhà nước và từ các nhà quản trị doanh nghiệp
TÀI LIỆU THAM KHẢO:1. Nguyễn Thị Phương Hoa (2011), Hệ thống kiểm soát nội bộ trong các tập đoàn kinh tế, Tạp chí kiểm toán số 8
2. Kiểm toán nội bộ - Nghề bảo vệ giá trị doanh nghiệp, [tintuc.hocmai.vn]
3. Phan Trung Kiên (2011), Kiểm toán lý thuyết và thực hành, NXB Tài chính./.
Theo Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán số 79 (Tháng 5/2014)