Một ngày “tắm nắng”cùng các kiểm toán viên ở Bàu Vá

Tiết trời giữa tháng 5 oi ả không cản trở được quyết tâm của chúng tôi đến với tỉnh Thừa Thiên-Huế để thu thập thông tin, phản ánh về hoạt động của các kiểm toán viên (KTV) KTNN khu vực II đang thực hiện cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước năm 2013, lồng ghép kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012-2013 tại địa phương. Theo chân những KTV cùng sinh hoạt và làm việc, chúng tôi càng “thấm” những khó khăn, vất vả và sự hy sinh của những người làm nghề kiểm toán.


Nghề lắm gian lao

Khi chúng tôi đặt chân đến Huế cũng là thời điểm mà Đoàn KTNN khu vực II thực hiện nhiệm vụ cuộc kiểm toán trên bước vào giai đoạn “nước rút”. Bày tỏ nguyện vọng được tham gia vào đoàn công tác của một tổ kiểm toán đang kiểm toán tại hiện trường, ông Nguyễn Văn Lân - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực II, Trưởng đoàn kiểm toán đã bố trí để chúng tôi nhập cuộc cùng Tổ kiểm toán Đầu tư xây dựng cơ bản số 3 tại Ban Đầu tư và Xây dựng dự án tỉnh Thừa Thiên - Huế.
 
Khởi hành xuống hiện trường khi nắng vừa lên, đồng chí Trưởng đoàn cùng các thành viên Tổ kiểm toán và chúng tôi cùng lên chiếc xe “chuyên dụng” tiến vào Dự án hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Bàu Vá trên con đường mờ mịt bụi. Vừa đi, Trưởng đoàn Nguyễn Văn Lân vừa trao đổi với chúng tôi về mục tiêu của cuộc kiểm toán này nhằm xác định tính đúng đắn, trung thực, hợp lý của Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2013 của tỉnh; đánh giá tính tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước tại địa phương. Đồng thời đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp bình ổn kinh tế vĩ mô. Qua kiểm toán nhằm kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước tại địa phương. Nếu phát hiện sai phạm, KTNN sẽ xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Khi đoàn chúng tôi đến khu vực Dự án, cái nắng bắt đầu gay gắt hơn. Hơi nóng tỏa ra từ gạch đá, xi măng trên công trường đẩy nhiệt độ lên tới gần 40oC, song môi trường này là hết sức bình thường với các KTV - những con người đã từng là “bạn” với gió sương, mưa nắng thất thường, chạy đua với thời gian, miệt mài dồn hết tâm huyết vào công việc để hoàn thành nhiệm vụ. Suốt ngày hôm đó, chúng tôi tranh thủ chụp ảnh làm việc tại hiện trường của các KTV mà không nỡ phỏng vấn một ai bởi mọi người lúc nào cũng tất bật, mồ hôi ướt đẫm, những gương mặt sạm đen vì nắng. KTV Ngô Thanh An nói vui: “Ở đây người ta đoán thời gian công tác qua màu da. Anh nào da đen sạm thì thâm niên hơn. Anh nào mặt còn trắng trẻo thì chắc chắn là “tân binh”!
 
Cả đoàn tạm nghỉ ăn trưa tại nhà ăn lúc 1 giờ chiều. Gọi là “nhà” nhưng thực chất là khu lán trại được đóng bằng những tấm ván, lợp tôn, điện nước đều hạn chế. Nhanh tay xới cơm, KTV Văn Tất Lợi chia sẻ: “Giờ giấc ăn uống của KTV khi đi hiện trường thường tuỳ thuộc vào công việc. Hôm nay vẫn còn sớm, nhiều hôm gần hết giờ chiều anh em mới được ăn cơm trưa!”.
 
Nhanh chóng, không kề cà, bữa cơm vừa kết thúc, mọi người lại bắt tay ngay vào công việc dưới cái nắng như thiêu, như đốt... Theo lời của các KTV trong đoàn, điều kiện làm việc này chưa “ăn thua” gì so với những lần đi kiểm toán ở các huyện miền núi. Có những địa phương, KTV phải đi thuyền hoặc bè mất 3 tiếng đồng hồ mới đến được các thôn bản, thậm chí có khi phải dùng xích cuốn vào lốp xe máy để băng qua những con đường núi trơn trượt, dựng đứng giữa một bên là núi cao còn bên kia vực sâu hiểm trở…
 
Vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ
Chia tay với Tổ kiểm toán Đầu tư xây dựng cơ bản số 3, chúng tôi tranh thủ gặp mặt một số KTV khác trong Đoàn và càng thấm thía hơn trước những lời tâm sự, chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình kiểm toán. KTV Trần Mạnh Hải nói: “Những người làm nghề kiểm toán phải thật sự yêu nghề thì mới bám trụ được. Bởi KTV phải chịu nhiều thiệt thòi như xa gia đình, phương tiện thiếu thốn, áp lực về công việc lớn. Có nhiều đêm KTV gần như phải thức trắng để lập Báo cáo kiểm toán cho kịp tiến độ... Tuy khó khăn, vất vả, nhưng bù lại công việc này mang đến nhiều niềm vui, được cùng đồng chí, đồng nghiệp sớm tối có nhau, được đi nhiều nơi, được trải nghiệm nhiều điều thú vị trong công việc và cuộc sống”.
 
Còn KTV Phan Bá Thi tâm sự: Nội dung, mục tiêu của kiểm toán ngân sách địa phương năm 2013 rất đa dạng và phong phú. Ngoài việc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước còn lồng ghép kiểm toán một số chuyên đề khác. Cũng với khoảng thời gian dành cho cuộc kiểm toán như các năm trước, số lượng các tổ kiểm toán được bố trí không nhiều hơn, trong khi nhiều hồ sơ, mẫu biểu mới được ban hành khiến sự tiếp cận của KTV còn chưa được nhuần nhuyễn... Khối lượng công việc lớn hơn đòi hỏi lãnh đạo Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng và các thành viên trong tổ phải gồng mình chạy đua với thời gian, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ với kết quả cao nhất. Những phát hiện, kiến nghị tài chính của Đoàn kiểm toán đã góp phần tăng thu, giảm chi cho ngân sách, đồng thời Đoàn kiểm toán còn tham gia nhiều ý kiến tư vấn hữu ích cho các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác quản lý, điều hành ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước.
 
Nữ KTV trẻ Đăng Thị Giang cho biết: “Kỷ luật của Đoàn kiểm toán rất nghiêm. Khi đi công tác, KTV thường ví mình như người lính trong quân ngũ, giờ đi làm, giờ ăn uống, nghỉ ngơi phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Nhưng chính những chuyến đi như thế đã giúp mỗi KTV tích lũy thêm kinh nghiệm về nghề nghiệp, những trải nghiệm thực tế và càng thêm trân trọng, yêu nghề hơn”.
 
Tạm biệt Đoàn kiểm toán, tuy chưa được cùng đến những điểm vùng cao, những sườn dốc cheo leo như câu chuyện các KTV đã kể, nhưng chúng tôi đã cảm nhận khá sâu sắc những khó khăn, vất vả mà mỗi KTV thường ngày phải vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

Theo Báo Kiểm toán số 22/2014