Thưa ông, được biết thời gian qua KTNN đã tích cực tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp 2013), xin ông vui lòng cho biết những nội dung chính về kế hoạch, định hướng của ngành trong công tác này?
- Để thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội về triển khai thi hành Hiến pháp 2013, ngày 20/01/2014 KTNN đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-KTNN về việc triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trước đó, KTNN cũng đã ban hành Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017, trong đó Kế hoạch của năm 2014 cũng nêu rõ nhiệm vụ triển khai thi hành Hiến pháp.
Với tinh thần triển khai thi hành Hiến pháp phải kịp thời, đồng bộ, thống nhất, toàn diện, hiệu quả và tiết kiệm, Kế hoạch của KTNN đã xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong ngành. Theo Kế hoạch, 3 nhiệm vụ được quan tâm triển khai đồng thời, gồm: Tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của Hiến pháp đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động của ngành; Xây dựng Dự án Luật KTNN (sửa đổi); Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của KTNN để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi cho phù hợp.
Vụ Pháp chế KTNN - được giao nhiệm vụ đầu mối, chủ trì theo dõi - đã chủ động xây dựng kế hoạch hướng dẫn, triển khai thực hiện các hoạt động ở 100 các đơn vị; tích cực thường xuyên đôn đốc các đơn vị trực thuộc KTNN thực hiện kế hoạch; kịp thời cung cấp tài liệu, bố trí báo cáo viên giới thiệu nội dung Hiến pháp tại hội nghị và định kỳ báo cáo lãnh đạo KTNN về kết quả thực hiện kế hoạch. Về kinh phí tổ chức triển khai, Vụ Pháp chế đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng KTNN lập và thực hiện dự toán trình lãnh đạo KTNN bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả nhất.
Kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên đến nay đã đạt được ra sao, thưa ông?
- Về tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của Hiến pháp, toàn ngành đã triển khai đồng bộ, với các hình thức đa dạng và phong phú. Cụ thể, đã tổ chức 2 hội nghị trực tuyến toàn ngành và một số hội nghị tại các KTNN chuyên ngành và khu vực; qua đó, toàn thể công chức, viên chức và người lao động của KTNN đã được phổ biến, giới thiệu về Hiến pháp 2013. Các hội nghị trên đều có sự tham gia của các báo cáo viên, tuyên truyền viên có trình độ và trực tiếp tham gia Ban soạn thảo Dự thảo Hiến pháp năm 1992 sửa đổi.
Bên cạnh đó, hàng nghìn tài liệu tuyên truyền đã được phát hành đến tận tay từng công chức, viên chức và người lao động của ngành để làm tài liệu nghiên cứu, học tập; trên các phương tiện thông tin, truyền thông của ngành cũng được đẩy mạnh việc tuyên truyền về nội dung Hiến pháp, đặc biệt là những nội dung hiến định về KTNN.
Có thể nói, các hoạt động trên đã giúp toàn thể công chức, viên chức và người lao động của ngành nâng cao nhận thức hiểu biết về Hiến pháp, ý thức trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, nắm được mục đích, yêu cầu, tầm quan trọng của Hiến pháp; góp phần bảo đảm việc tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp trong tổ chức và hoạt động của KTNN. Qua đó, đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, nâng cao trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu về hiến định của KTNN.
Về xây dựng Dự án Luật KTNN (sửa đổi), Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã tích cực triển khai trên cơ sở bám sát các Nghị quyết liên quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tờ trình và Kế hoạch của ngành. Đến nay, Dự thảo Luật đã từng bước hoàn thiện qua hàng chục lần tiếp thu, chỉnh sửa sau khi tổ chức các cuộc họp triển khai, tọa đàm trực tuyến toàn ngành và gửi xin ý kiến các đồng chí lãnh đạo KTNN. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo định hướng của Tổng Kiểm toán Nhà nước tại cuộc họp Thường trực Ban soạn thảo Luật đầu tháng 3 vừa qua, đến nay Dự án Luật đã được hoàn thiện thêm một bước; các tài liệu, hồ sơ Dự án đã được dự thảo, gồm: Dự thảo Tờ trình, dự thảo Báo cáo thuyết minh và dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của Dự án. Kết cấu của Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) hiện tại gồm 78 điều chia thành 9 chương, tăng 01 chương và 02 điều so với Luật hiện hành.
Hiện nay, Dự thảo Luật đang tiếp tục được tập trung hoàn thiện nhằm bảo đảm kịp tiến độ dự kiến. Cụ thể, Dự thảo Luật sẽ tiếp tục được đưa ra lấy ý kiến thông qua 2 hội thảo dự kiến tổ chức trong tháng 5/2014 và gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương; gửi xin ý kiến Chính phủ vào tháng 6; trình thẩm tra trong tháng 7 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước tháng 9/2014.
Việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của ngành để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi cho phù hợp với Hiến pháp 2013 đã được KTNN tích cực triển khai kể từ khi triển khai thi hành Hiến pháp 2013. Đối với văn bản ngoài ngành, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung đối với Luật NSNN và Luật Tổ chức Quốc hội. Thời gian tới sẽ kiến nghị sửa đổi đối với một số luật liên quan khác, như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi)...
Đối với văn bản trong ngành, ngày 27/02/2014, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ký Quyết định số 185/QĐ-KTNN ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2014. Theo đó, KTNN sẽ xây dựng, ban hành 7 văn bản, như: Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN, Hệ thống chuẩn mực KTNN, Quy trình kiểm toán hoạt động của KTNN...
Xin ông cho biết định hướng triển khai nhiệm vụ này của ngành trong năm nay và năm tiếp theo để việc hiến định nhanh chóng phát huy hiệu lực đối với hoạt động của KTNN?
- Căn cứ 3 nhiệm vụ đã nói trên, những định hướng chính trong triển khai thi hành Hiến pháp 2013 của KTNN trong thời gian tới bao gồm: Thứ nhất, để bảo đảm việc tôn trọng và chấp hành thực hiện Hiến pháp, thời gian tới sẽ tiếp tục tích cực thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp (tập trung nhiều hơn việc phổ biến, tuyên truyền Hiến pháp thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông). Thứ hai, hoàn thiện Dự án Luật KTNN sửa đổi trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2014; tiếp thu chỉnh sửa và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2015; tuyên truyền phổ biến Luật KTNN sau khi được Quốc hội thông qua. Thứ ba, tiếp tục kiến nghị sửa các luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; rà soát sửa đổi hệ thống văn bản trong ngành.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
Theo Báo Kiểm toán số 15/2014