Đánh giá giá trị và lợi ích thông qua khung đánh giá hoạt động của Kiểm toán Nhà nước

(kiemtoannn.gov.vn) - Tại Hội nghị Thượng đỉnh INCOSAI lần thứ hai mươi tổ chức tại Johannesburg (Nam Phi), cộng đồng các quốc gia thuộc INTOSAI đã thông qua Bộ chuẩn mực kiểm toán hoàn chỉnh của các cơ quan kiểm toán tối cao (ISSAI) với mong muốn hoà hợp và tăng cường hoạt động kiểm toán trên toàn thế giới. Từ nhận thức rằng sự quan tâm của các bên liên quan trong và ngoài cơ quan kiểm toán tối cao ngày càng tăng cũng như các SAI đang mở rộng một loạt các hoạt động kiểm toán, INTOSAI đã nhìn thấy yêu cầu phải tăng thêm giá trị và lợi ích từ các SAI.

Nhóm làm việc về giá trị và lợi ích của SAI (WGVBS) đã soạn Bản dự thảo của ISSAI 2: Giá trị và lợi ích của các cơ quan kiểm toán tối cao - làm nên sự thay đổi trong cuộc sống của người dân. Dự thảo đã được gửi đến các nước trong cộng đồng INTOSAI để lấy ý kiến đóng góp. Dự thảo ISSAI 2 hướng dẫn các SAI cách thức hành động cho phù hợp với cộng đồng thông qua:

* Tăng cường trách nhiệm giải trình, tính chính trực và minh bạch của Chính phủ và các cơ quan công quyền;

* Tiếp tục hoạt động một cách phù hợp với người dân và các bên liên quan;

* Trở thành các tổ chức hình mẫu đó là lãnh đạo bằng hành động

Tại Johannesburg, WGVBS cũng được giao nhiệm vụ xây dựng Khung đánh giá hoạt động để đánh giá một cách khách quan hoạt động cũng như năng lực của SAI trên cơ sở các ISSAI và các bộ thông lệ quốc tế tốt đã ban hành. Một nhóm nòng cốt cũng đã được thành lập dưới sự điều phối của Ban thư ký phối hợp các nhà tài trợ của INTOSAI thuộc Chương trình phát triển sáng kiến của INTOSAI (IDI). Nhóm nòng cốt sẽ sử dụng những tư vấn mang tính kỹ thuật từ một nhóm tham vấn, bao gồm cả các SAI, các nhóm làm việc theo vùng, các cơ quan phát triển và các tổ chức xã hội dân sự. Hơn nữa, Uỷ ban xây dựng năng lực của INTOSAI, Uỷ ban thường trực của Ban hợp tác các nhà tài trợ của INTOSAI và các uỷ ban khác thuộc INTOSAI cũng tham gia vào các giai đoạn khác nhau của quá trình soạn thảo. 

Tại sao SAI cần xây dựng khung đánh giá hoạt động và SAI sẽ thực hiện như thế nào?

Việc sử dụng khung đánh giá hoạt động sẽ giúp SAI xác định được những điểm mạnh và yếu của mình dựa trên những chuẩn mực và thực hành tốt đã được INTOSAI ban hành. Có thể tiến hành đánh giá vì những mục đích khác nhau như: cung cấp dữ liệu đầu vào cho hệ thống quản lý hoạt động nội bộ của SAI hoặc để chứng minh cho các bên liên quan, bao gồm các nhà tài trợ, rằng hoạt động đang cải tiến theo thời gian.

Khung đánh giá hoạt động của SAI là công cụ đem đến lợi ích chung mang tính toàn cầu và các SAI có thể dùng nó nếu như nó giúp các SAI đạt được các mục tiêu của họ. Người đứng đầu SAI sẽ chịu trách nhiệm trong việc quyết định (1) liệu có thực hiện việc đánh giá bằng khung đánh giá hoạt động và làm gì với kết quả thu được và (2) mục đích và mục tiêu của việc đánh giá. Thời gian và tần suất thực hiện phụ thuộc vào nội dung và mục đích đánh giá và các SAI cần tiến hành đánh giá khi họ liên kết một cách tốt nhất các kế hoạch chiến lược với các chu kỳ phát triển.

Để đánh giá sẽ cần làm rõ việc thực hiện như thế nào và ai sẽ thực hiện. Có thể xét đến các mô hình như: Tự đánh giá, đánh giá chéo hay đánh giá từ bên ngoài. Ví dụ, tự đánh giá có thể có giá trị hơn khi hướng đến mục đích quản trị nội bộ, trong khi đánh giá chéo và đánh giá từ bên ngoài có thể sẽ là nguồn thông tin tin cậy hơn trong đối thoại với các bên liên quan, hoặc để cung cấp cái nhìn tổng thể về hoạt động của SAI so với trong khu vực.

Nội dung Khung đánh giá hoạt động của SAI

Thống nhất với các ý tưởng và nhiệm vụ của WGVBS, khung đánh giá hoạt động của SAI tập trung phân tích các ảnh hưởng của SAI đến xã hội - nói cách khác là giá trị và lợi ích của SAI. Khung đánh giá hoạt động của SAI bao gồm một bộ các chỉ số đo lường và hướng dẫn phân tích hoạt động về mặt chất. Hoạt động được đánh giá bằng 24 chỉ số chia làm 7 lĩnh vực. Tất cả các chỉ số đều bao hàm các quy định và thủ tục theo luật định và thực tiễn hoạt động. Sau đó, trong báo cáo tình hình hoạt động sẽ phân tích mối quan hệ giữa các lĩnh vực với các nhân tố ngoại cảnh, ví dụ: bối cảnh đất nước và kinh tế, chính trị, có thể ảnh hưởng hay cản trở hoạt động của SAI. Bảy yếu tố trình bày trong sơ đồ 1 cung cấp một bức tranh toàn cảnh, cấp cao về hoạt động của SAI.


Mỗi lĩnh vực bao hàm ít nhất một chỉ số dùng để đánh giá cho cả bốn khía cạnh. Một số chỉ số chứa đựng các tiêu chí khác nhau. Đặc biệt, hai lĩnh vực A (Lập báo cáo của SAI) và D (Các chuẩn mực và phương pháp luận kiểm toán) được chú trọng vì các lĩnh vực này tập trung vào hoạt động và tác động chính của SAI. Khi lập báo cáo hoạt động của SAI cần xem xét đến sự kết nối giữa chất lượng và số lượng của hoạt động kiểm toán cũng như việc sử dụng kết quả kiểm toán.

Tất cả các lĩnh vực, trừ lĩnh vực B, chịu sự kiểm soát trực tiếp từ SAI đều có tác động tập trung vào hai yếu tố đó là tính độc lập theo luật cũng như trong thực tiễn và bộ máy điều hành theo quy định của pháp luậtcủa SAI. Dù cho những nhân tố này nằm ngoài sự kiểm soát trưc tiếp từ SAI nhưng SAi vẫn có thể tác động đến chúng ở một mức nhất định trong dài hạn. Đối với SAI, tính độc lập rất quan trọng để có được sự tin cậy và có đóng góp cho xã hội. Bởi vậy, sẽ tính cả các chỉ số trong lĩnh vực này dù cho SAI không kiểm soát được toàn bộ các chỉ số này.

Khung đánh giá hoạt động của SAI liên quan trực tiếp đến dự thảo ISSAI 2: Giá trị và lợi ích của các SAI- làm nên sự thay đổi trong cuộc sống của người dân,bằng việc cung cấp một công cụ để đánh giá và cũng bằng chính cơ cấu và nội dung của nó. Khung đánh giá hoạt động giúp SAI hiểu rõ hơn công việc của mình trong việc đẩy mạnh giải trình trách nhiệm, tính chính trực và minh bạch của Chính phủ bằng cải tiến hoạt động kiểm toán, duy trì mối liên hệ thích hợp với người dân và các bên liên quan thông qua báo cáo và đối thoại, trở thành tổ chức hình mẫu về các quy trình chiến lược, quản lý, nguồn nhân lực và lãnh đạo.

Phương hướng xây dựng khung đánh giá hoạt động của SAI

Bản dự thảo đầu tiên về khung đánh giá hoạt động của SAI đã được thử nghiệm ở ba SAI khác nhau về quy mô, trình độ phát triển và địa vị pháp lý (trực thuộc Quốc hội, Uỷ ban kiểm toán và Toà thẩm kế). Cùng với các ý kiến góp ý đa dạng từ các nhóm tham vấn và các bên liên quan khác, kết quả các cuộc thử nghiệm cho phép nhóm nòng cốt xác định những chồng chéo cũng như các vấn đề cần hoàn thiện. Các cuộc thử nghiệm cùng với các ý kiến đóng góp có tác dụng trong việc chỉ ra những điểm mạnh của khung đánh giá, đặc biệt trong việc khẳng định tính phù hợp và khả năng ứng dụng của các chỉ số, giá trị của các kết quả và tính khả thi trên tổng thể của việc đánh giá cũng như báo cáo hoạt động.

Tháng 01/2013, nhóm nòng cốt đã gặp nhau lần thứ ba để thảo luận sâu rộng hơn về các nhận xét này và hoàn thiện hơn các lĩnh vực, các chỉ số, các khía cạnh và các tiêu chuẩn trong khung đánh giá hoạt động của SAI. Nhóm nòng cốt sẽ chính thức đưa ra bản dự thảo về khung đánh giá vào tháng 7 và trình bày tại Đại hội INTOSAI tại Trung Quốc vào tháng 10/2013. Bản dự thảo công khai sẽ mở rộng việc lấy ý kiến tham vấn và thử nghiệm trong giai đoạn 2013 - 2015. Sau đó sẽ tổng hợp lại và trình thông qua tại đại hội INTOSAI năm 2016.

Một chiến lược gối đầu để thực hiện khung đánh giá hoạt động của SAI đang được xây dựng. Chiến lược nhằm phát triển mạng lưới các chuyên gia trong vùng về khung đánh giá hoạt động của SAI và xây dựng năng lực trong các tổ chức vùng thuộc INTOSAI để hỗ trợ việc đánh giá theo khung đánh giá hoạt động. Để đạt được điều này, Ban thư ký các nhà tài trợ của INTOSAI sẽ là đối tác với các vùng để tổ chức các khoá đào tạo ở tất cả các vùng trong hai năm 2013 và 2014. Thông tin chi tiết về khung đánh giá hoạt động của SAI và tổng quan về các khoá đào tạo đã và sẽ diễn ra hiện có trên website của IDI: http://www.idi.no/artikkel.aspx?MId1=102&AId=704.

Song song với chiến lược này, giai đoạn thử nghiệm thứ hai sẽ bắt đầu vào năm 2013 được thực hiện ở các SAI  trên toàn thế giới và khác nhau về mô hình cũng như trình độ phát triển. Có thể thấy trước rằng Ban thư ký các nhà tài trợ của INTOSAI sẽ hỗ trợ để đảm bảo chất lượng cho các cuộc thử nghiệm và giúp đỡ tạo điều kiện cho việc bắt đầu thực hiện các khung đánh giá hoạt động của SAI. Các SAI quan tâm đến việc tham gia vào giai đoạn thử nghiệm lần 2 có thể liên lạc với IDI tại website: http://www.idi.no/artikkel.aspx?MId1=102&AId=704.

Theo Tạp chí NCKHKT số 77 (Tháng 3/2014)