Đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền, tài sản Nhà nước khi tiến hành các cuộc kiểm toán



I. Kết quả bước đầu và những hạn chế

         
KTNN đã tiến hành nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội

Những năm gần đây, KTNN đã tiến hành nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội. Với mong muốn đạt kết quả kiểm toán tốt, có nhiều kiến nghị hữu ích cho công tác quản lý, điều hành, ngành đã từng bước gắn chặt và áp dụng sâu rộng loại hình kiểm toán hoạt động (KTHĐ). Các nội dung KTHĐ bước đầu đã có kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.

Đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong một cuộc kiểm toán về bản chất là áp dụng loại hình KTHĐ trong cuộc kiểm toán đó. KTHĐ có thể được tiến hành trong toàn bộ khu vực công, các góc độ xem xét và các đối tượng kiểm toán của kiểm toán hoạt động bao gồm những vấn đề lớn mang tính quốc gia, bao trùm nhiều bộ, ngành, địa phương hoặc có thể là từng cơ quan riêng lẻ cũng như từng chương trình, dự án của Nhà nước hoặc từng cơ quan Nhà nước. Như vậy mọi vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách tiền, tài sản Nhà nước và các nguồn lực công đều có thể  tiến hành KTHĐ từ việc quản lý, sử dụng ngân sách tiền và tài sản Nhà nước của một đơn vị hành chính Nhà nước, một đơn vị sự nghiệp công lập, một doanh nghiệp, một tổ chức tín dụng...  Hay nhỏ hơn là một hợp đồng kinh tế thậm chí một nghiệp vụ kinh tế hoặc một qui định của một đơn vị cụ thể về quản lý tài sản công, nguồn lực công và có thể là những vấn đề lớn như một chính sách của Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ) để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng hoặc bảo đảm an sinh xã hội mà chính sách đó tiêu tốn một lượng kinh phí hoặc sử dụng tài sản Nhà nước, nguồn lực công hay một chính sách, một qui định do một Bộ, ngành, một địa phương ban hành đều có thể tiến hành KTHĐ. Hay nói một cách khác, bất cứ một cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước nào cũng có thể áp dụng loại hình KTHĐ.
 
Những năm gần đây, KTNN đã tiến hành nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội. Với mong muốn đạt kết quả kiểm toán tốt, có nhiều kiến nghị hữu ích cho công tác quản lý, điều hành, ngành đã từng bước gắn chặt và áp dụng sâu rộng loại hình KTHĐ. Thực tiễn thời gian qua cho thấy việc lựa chọn chủ đề kiểm toán, lập kế hoạch kiểm toán năm đã hướng vào các lĩnh vực Quốc hội, Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý giám sát, kiểm tra và lĩnh vực mà dư luận xã hội cho rằng còn nhiều vấn đề bất cập; các kế hoạch kiểm toán đã đề cập rõ đến việc đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong các cuộc kiểm toán chuyên đề và đã có những chỉ dẫn đáng kể về KTHĐ thông qua việc xây dựng đề cương, hướng dẫn kiểm toán… Các nội dung KTHĐ bước đầu đã có kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu sau:
 
Một là, nhận thức của đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên về KTHĐ còn hạn chế cả về lý luận cũng như kinh nghiệm thực tiễn, như: nhận thức thế nào là KTHĐ; KTHĐ có thể thực hiện ở đâu với những cuộc kiểm toán nào, làm thế nào để lựa chọn chủ đề kiểm toán; xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm toán, xác lập và phát triển tiêu chí kiểm toán như thế nào là phù hợp và hiệu quả; việc tính toán cân đối giữa năng lực của kiểm toán viên, khả năng thực hiện thành công chủ đề kiểm toán, chi phí bỏ ra cho cuộc kiểm toán với kết quả của cuộc kiểm toán và việc giải quyết các mục tiêu đặt ra cho cuộc kiểm toán nhất là những mục tiêu liên quan đến kỳ vọng của Chính phủ, Quốc hội và nhân dân.
 
Hai là, trình độ của cán bộ, kiểm toán viên và năng lực chuyên môn về KTHĐ, nhất là của trưởng, phó đoàn, tổ trưởng tổ kiểm toán còn hạn chế. Hiểu biết về KTHĐ chưa thấu đáo. Hiểu biết về KTHĐ không đơn thuần là hiểu khái niệm, bản chất của KTHĐ mà phải hiểu nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức KTHĐ, đặc biệt là hiểu để thực hiện KTHĐ phù hợp với điều kiện Việt Nam. NSNN lồng ghép, tổ chức mô hình Nhà nước theo kiểu đơn nhất làm cho việc tổ chức KTHĐ của KTNN Việt Nam khác biệt đáng kể so với Kiểm toán quốc gia Vương quốc Anh (NAO), Canada, CHLB Đức...; đặc thù này của Việt Nam dẫn đến cần cân nhắc kỹ khi quyết định kiểm toán lồng ghép với kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ hay tiến hành KTHĐ một cách độc lập.
 
Năng lực chuyên môn, kỹ năng kiểm toán của kiểm toán viên cũng còn hạn chế để xác định nội dung kiểm toán cụ thể, chi tiết; nguồn cung cấp hồ sơ, tài liệu, số liệu để thu thập bằng chứng kiểm toán; xây dựng và phát triển tiêu chí đánh giá cho từng nội dung kiểm toán cụ thể, chi tiết; kỹ năng phân tích, tổng hợp, kỹ năng lựa chọn và áp dụng phương pháp kiểm toán phù hợp; kỹ năng tổng hợp, viết báo cáo kiểm toán.
 
Ba là, các quy định, hướng dẫn do KTNN ban hành chưa đủ để thực hiện KTHĐ có hiệu quả. Cụ thể: KTNN chưa ban hành được chuẩn mực cũng như qui trình kiểm toán riêng áp dụng cho một cuộc KTHĐ; chưa có qui định, hướng dẫn cụ thể về lựa chọn chủ đề kiểm toán; về hướng dẫn xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi và phương pháp kiểm toán khi thực hiện lập kế hoạch kiểm toán chiến lược cũng như kế hoạch kiểm toán cho một cuộc KTHĐ. Đặc biệt là chưa có hướng dẫn việc xây dựng và áp dụng các tiêu chí kiểm toán từ khâu lập kế hoạch kiểm toán đến khâu thực hiện kiểm toán; chưa có hướng dẫn riêng về cách xác định và áp dụng các phương pháp kiểm toán, chưa có hướng dẫn rõ kiểm toán viên phải xác định nơi thu thập, nội dung, thủ tục, kỹ năng thu thập, khả năng thu thập hồ sơ, tài liệu, bằng chứng kiểm toán từ đầu cuộc KTHĐ để bảo đảm tính khả thi, tính toán và cân đối được chi phí phải bỏ ra; quá trình kiểm toán hầu như chưa có hỗ trợ của các chuyên gia đối với các lĩnh vực chuyên sâu; .

II. Những giải pháp để nâng cao chất lượng
 
         
Tập huấn, trao đổi kinh nghiệm công tác chuyên môn cho các KTV ở KTNN khu vực VII

Từ việc đánh giá hạn chế và nguyên nhân dẫn đến hạn chế, chúng tôi cho rằng, để thực hiện tốt việc đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền, tài sản Nhà nước và các nguồn lực công trong các cuộc kiểm toán, chúng ta cần phải thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:
 
Một là, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên (KTV) về kiểm toán hoạt động (KTHĐ) và nhận thức về việc thực hiện kiểm toán như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất; đổi mới cách nghĩ, cách tư duy về KTHĐ.

Việc thực hiện KTHĐ là khó nhưng không phải không làm được; cần đơn giản trong cách nghĩ cách làm, để đi vào thực tiễn không gượng ép, cần xác định chủ đề phù hợp; xác định nội dung đánh giá cần quan tâm tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực; xác lập được tiêu chí đánh giá hợp lý, khách quan và khả thi để thu thập được bằng chứng kiểm toán so sánh được với tiêu chí đánh giá nhằm có được phát hiện kiểm toán; xác định và lựa chọn được phương pháp đúng đắn để thực hiện kiểm toán...; bên cạnh đó phải đơn giản những vấn đề không cấp thiết như việc cố gắng gắn khái niệm KTHĐ để đánh giá tính kinh tế riêng, tính hiệu quả riêng, tính hiệu lực riêng dẫn đến nhiều khi khiên cưỡng và khó thực hiện trong thực tiễn do 3 “tính” này thường gắn bó hữu cơ với nhau và không có ranh giới rõ rệt.
 
Hai là, linh hoạt trong phương thức tổ chức kiểm toán.

Ngoài việc tăng cường các cuộc kiểm toán chuyên đề gắn với KTHĐ và các cuộc KTHĐ độc lập thì khi tiến hành kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước bất cứ ở đâu xuất hiện những yếu tố đủ để đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực thì cần xác định nội dung và thực hiện KTHĐ. Tuy nhiên, không nhất thiết gò ép bất cứ cuộc kiểm toán nào cũng phải bắt buộc thực hiện và đánh giá được cả 3 tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực mà điều kiện hoàn cảnh thực tế cho phép tiến hành đánh giá được đến đâu thì thực hiện đến đó miễn là khai thác hết tiềm năng, lợi thế và năng lực của KTV.
 
Ba là, các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực phải chủ động đưa việc đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực vào thực tiễn hoạt động kiểm toán.

Đó là chủ động chỉ đạo các đoàn kiểm toán đưa KTHĐ vào từng cuộc kiểm toán một cách cụ thể như: Cân nhắc đặc thù của từng cuộc kiểm toán mà lựa chọn nội dung KTHĐ và đặc biệt là phải đưa nội dung đó vào kế hoạch kiểm toán. Xây dựng tiêu chí đánh giá, xác định phương pháp kiểm toán và hướng dẫn cách áp dụng phương pháp kiểm toán cụ thể, chi tiết trong kế hoạch kiểm toán và chỉnh sửa, bổ sung kịp thời trong quá trình kiểm toán. Yêu cầu các KTV, các tổ kiểm toán phải quyết tâm thực hiện các nội dung về KTHĐ đã đưa vào kế hoạch kiểm toán.
 
Bốn là, xây dựng, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển KTHĐ.

KTHĐ đòi hỏi cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của KTV. Một KTV KTHĐ cần có trình độ học vấn tốt và có kinh nghiệm trong công việc điều tra/đánh giá. Các đặc điểm cá nhân (khả năng phân tích, tính sáng tạo, khả năng lĩnh hội, kỹ năng về xã hội, đức tính chính trực, óc phán đoán, sức chịu đựng, kỹ năng viết và nói v.v.) cũng rất quan trọng. Để trở thành một KTV, tổ trưởng hoặc trưởng đoàn KTHĐ, cần phải đạt một số yêu cầu nhất định. Vì vậy, KTNN phải đẩy mạnh việc đào tạo và bồi dưỡng KTV một cách liên tục cả ở trong và ngoài nước, cả lý luận và thực tiễn kiểm toán; tổ chức hội thảo để trao đổi học tập kinh nghiệm KTHĐ; tuyển dụng cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn ở các lĩnh vực khác nhau liên quan đến các lĩnh vực có thể tiến hành KTHĐ và bồi dưỡng thêm về kiến thức KTHĐ cho KTV.
 
Năm là, xây dựng các chuẩn mực, hướng dẫn riêng cho KTHĐ.

Trước hết, các chuẩn mực và hướng dẫn riêng này phải phù hợp với thông lệ quốc tế, tuân thủ pháp luật Việt Nam và bao quát các đặc thù của KTHĐ. Do đó cần chú ý xây dựng và ban hành các hướng dẫn cụ thể như xây dựng và ban hành hướng dẫn khung cho KTHĐ (lựa chọn chủ đề, lập kế hoạch kiểm toán...); xây dựng và ban hành sổ tay KTHĐ...
 
Sáu là, xây dựng hệ thống dữ liệu và tăng cường các mối quan hệ.

Cần chú trọng xây dựng hệ thống dữ liệu cung cấp thông tin cho hoạt động kiểm toán nói chung và cho KTHĐ nói riêng; tăng cường mối quan hệ với các cơ quan bên ngoài. Đặc biệt là phải thiết lập tốt mối quan hệ với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý, các cơ quan, đơn vị được kiểm toán để tạo ra môi trường thông tin phục vụ kiểm toán hoạt động./.

Theo Báo Kiểm toán số 9 - 10/2014