Trong Báo cáo kiểm toán mới nhất, Tổng Kiểm toán Nhà nước Kenya Edward Ouko đã chỉ trích Ủy ban Thủy lợi Quốc gia Kenya (NIB) về những bất cập trong quản lý tài chính, dẫn tới việc không thể giải trình khoảng 20 tỷ Shilling (tương đương khoảng 200 triệu USD) ngân sách chi cho các chương trình, dự án của Chính phủ Kenya.
Gian lận sổ sách thực hiện nhiều dự án “ma”
Được thành lập năm 1966, NIB giữ vai trò như một tổng công ty nhà nước, có trách nhiệm xây dựng, kiểm soát và nâng cấp hệ thống thủy lợi quốc gia. NIB quản lý các chương trình thủy lợi tại nhiều tỉnh như: Mwea, Perkerra, Tana, Ahero, West Kano, Bunyala, Bura…, đồng thời vận hành một số nhà máy lúa gạo tại một số hạt tại Kenya. NIB được Chính phủ Kenya giao thực hiện Đề án An ninh lương thực Galana-Kulalu tại các hạt Tana và Kilifi, nhằm đảm bảo tưới tiêu cho khoảng 1 triệu mẫu đất canh tác trong vòng 5 năm. Với chiến lược an ninh lương thực này, Chính phủ của Tổng thống đương nhiệm Uhuru Kenyatta do Liên minh Jubilee cầm quyền kỳ vọng sẽ sản xuất 2,76 triệu bao lúa mạch vào cuối năm nay.
Theo Báo cáo của KTNN Kenya, trong giai đoạn 3 năm từ 2015 đến 2017, NIB đã không tuân thủ theo các yêu cầu về mua sắm, cố ý đẩy giá cao, gian lận sổ sách tài chính và thực hiện nhiều dự án “ma”, gây thất thoát hàng tỷ Shilling. Trọng tâm của cuộc kiểm toán lần này là Chương trình Thủy lợi Galana-Kulalu, nằm trong Đề án An ninh lương thực Galana-Kulalu do Tổng thống Uhuru Kenyatta khởi động vào tháng 01/2014.
Ngoài ra, NIB đã thuê 20.000 mẫu đất trong vòng 5 năm kể từ năm 2014 song trên thực tế, mới chỉ có 10.000 mẫu được sử dụng và NIB đã không thể giải trình lý do vì sao lại thuê gấp đôi số mẫu đất cần dùng. Không chỉ vậy, NIB còn bị chỉ trích về việc thuê đất từ Tổng công ty Phát triển nông nghiệp Kenya với mức giá lạm phát lên tới 3.000 Shilling/mẫu/tháng, trong khi đó, giá thuê cho cùng mảnh đất tương tự chỉ ở mức 200 - 300 Shilling/mẫu. Điều đó có nghĩa là NIB đã chi dùng tới 3,6 tỷ Shilling cho tiền thuê đất này trong vòng 5 năm, một thỏa thuận tiêu tốn tới 360 triệu Shilling tiền nộp thuế của người dân.
Bên cạnh đó, bản Báo cáo cũng dấy lên những lo ngại xung quanh 21 dự án thủy lợi khởi xướng từ năm 2012 cho đến nay vẫn chưa được hoàn thành và NIB đề xuất bổ sung thêm 15 tỷ Shilling để hoàn thành. Tên của 21 dự án này được nêu rõ trong bản Báo cáo của KTNN Kenya. Liên quan đến vấn đề này, các kiểm toán viên cho biết, hầu như không thể chắc chắn được liệu các dự án này có được hoàn thành trong tương lai gần hay không và liệu các chi phí bổ sung cần thiết (nếu có) để hoàn thành các dự án này có trở thành các khoản lỗ mà NIB phải gánh chịu hay không nếu các dự án không được hoàn thành. NIB hiện vẫn chưa đưa ra được giải thích hợp lý nào.
Hàng loạt dự án vướng sai phạm, chưa được hoàn thành
Một số dự án cũng nằm trong tầm ngắm của KTNN Kenya bao gồm Dự án Đập thủy lợi Thiba với giá trị khoảng 20 tỷ Shilling do Tổng thống Uhuru phát động ngày 23/11/2017 tại hạt Kirinyaga nhằm tăng gấp đôi sản lượng lúa gạo hằng năm. Liên quan đến Dự án này, NIB hiện không thể giải trình 375 triệu Shilling tiền bồi thường cho các chủ đất để thực hiện thi công đập. Theo Báo cáo, 68 triệu Shilling mà NIB đã sử dụng cho công tác thi công các công trình có thể đã “bốc hơi” bởi các kiểm toán viên hầu như không tìm thấy các tài liệu hỗ trợ để thẩm tra khoản ngân sách này.
Trong bản Báo cáo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Edward Ouko cũng liệt kê hàng loạt chương trình, dự án nhỏ lẻ khác do NIB quản lý và thực hiện với hàng loạt sai phạm liên quan đến sổ sách, chứng từ hỗ trợ, công tác đấu thầu mua sắm, lập và thực hiện nghiên cứu khả thi, chậm trễ trong triển khai và hoàn thiện…
Vụ bê bối của NIB có thể là một trở ngại lớn cho nỗ lực ổn định an ninh lương thực - một trong những mục tiêu nghị sự của Tổng thống Uhuru Kenyatta kể từ khi tái đắc cử vào năm 2017. Tổng thống Uhuru Kenyatta đã từng được tán dương mạnh mẽ với các chính sách đầu tư vào an ninh lương thực, thúc đẩy tinh thần kinh doanh và đổi mới, tinh thần công khai, minh bạch của Chính phủ, nổi bật nhất là việc công khai tình hình ngân sách và đề nghị người dân cho ý kiến thông qua mạng xã hội vào năm 2011.
Song Chính phủ của Tổng thống Uhuru Kenyatta cũng liên tục vướng vào những cáo buộc tham nhũng. Theo báo cáo về chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế được công bố năm 2016, Kenya xếp thứ 145/176 quốc gia được xếp hạng. Tổ chức này cho rằng, các cơ quan chống tham nhũng của Kenya không có năng lực và hoạt động không hiệu quả, dẫn đến việc các cá nhân có hành vi tham nhũng không bị trừng phạt.
(Theo Star Kenya và Business Daily)
(Báo Kiểm toán số 50/2018)