Công cuộc cải cách chưa đạt kết quả như mong đợi
Theo Báo cáo, Việt Nam đã trải qua những cuộc đổi mới mạnh mẽ nhất trong lich sử phát triển kinh tế. Sau hai mươi năm phát triển nhanh nhờ vào việc khai thác tiềm năng kinh tế, công nghiệp tự nhiên và khả năng sáng tạo của người dân, Việt Nam đã chuyển đổi từ một nền sản xuất nông nghiệp chủ yếu tự cung tự cấp thành một nền kinh tế hướng ngoại hơn, kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định với tốc độ trung bình đạt 7,3 (từ 1991 đến 2012), chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ tiếp theo sẽ là một quá trình chuyển đổi khó khăn hơn nhiều để Việt Nam vươn lên thuộc nhóm nước có mức thu nhập trên trung bình và thậm chí ở nhóm nước phát triển.
TS. Nguyễn Đình Cung - Quyền Viện trưởng CIEM, nhấn mạnh: Việt Nam đang ở ngã tư của quá trình phát triển đất nước khi đã đi qua giai đoạn phát triển nhanh nhờ sự năng động. Hiện nay, Nhà nước đóng vai trò chủ yếu cung cấp các dịch vụ công, tuy nhiên nhiều dịch vụ công đang bị hạn chế bởi nạn tham nhũng và những khoản thanh toán không minh bạch… TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, thực chất công cuộc cải cách của Việt Nam giai đoạn vừa qua chưa hoàn toàn đạt được kết quả như mong muốn và còn rất nhiều việc phải làm.
Cải cách kiểm toán đối với DNNN
Trước thực trạng đó, bản báo cáo của CIEM đã chỉ ra những việc mà Chính phủ Việt Nam cần phải cải cách để đạt được những mục tiêu phát triển trong hai thập kỷ tới. Trong đó, đáng chú ý là báo cáo đã đưa công cụ nhằm giúp tạo được sự nhận biết tốt hơn về các yếu tố đan xen lẫn nhau của chương trình cải cách để thông qua đó tập trung hơn vào những gì các cấp chính quyền cần phải làm và theo trình tự như thế nào. Một trong hai công cụ đó là Thẻ điểm cân bằng (BS) gồm 4 phương diện là lĩnh vực tài chính, khách hàng, quy trình công việc và học hỏi, tăng trưởng.
Theo đó, Thẻ BS dành cho Chính phủ Việt Nam đến năm 2020 đặt ra một số mục tiêu, nổi bật như: Có một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng ổn định, bền vững và phù hợp với tốc độ tăng thu từ thuế của Chính phủ, ngân sách được cân đối ở tất cả các cấp; chú trọng vào cung cấp các dịch vụ công một cách hiệu quả và hiệu lực hơn, được giám sát tốt, minh bạch hơn để giảm tham nhũng; Quy trình làm việc với bộ máy Chính phủ gọn nhẹ nhưng hiệu quả với trách nhiệm hoạch định chính sách rõ ràng; Cán bộ công chức được tuyển chọn theo các tiêu chuẩn rõ ràng và minh bạch...
Trong báo cáo của mình, ông Grayson Clarke - Trưởng Nhóm tư vấn quốc tế, phân tích sâu hơn về việc áp dụng Thẻ BS làm sao để đạt hiệu quả cao nhất, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến cải cách DNNN. Nếu không có sự thay đổi trong tiến trình cải cách các DNNN thì sẽ xuất hiện nguy cơ lớn đối với tài chính công, làm giảm sự phát triển của khu vực tư nhân, tiêu tốn nguồn vốn và nguồn lực… Trong cải cách DNNN thì cải cách kiểm toán đối với DNNN là điểm khởi đầu trong phương diện cải cách kinh tế vĩ mô và tài chính. Theo đó, cải cách kiểm toán đối với DNNN cần có một Uỷ ban đứng đầu với các đại diện từ Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, KTNN và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các Bộ quan trọng khác có thể có các vị trí quan sát viên, nhưng không được tác động vào phạm vi và quá trình thực hiện của chương trình kiểm toán một cách trái pháp luật. Ủy ban này cần tìm kiếm nguồn hỗ trợ tài chính từ các nhà tài trợ đa phương hay song phương để sử dụng các công ty kiểm toán quốc tế. Tuy nhiên, chỉ nên coi nguồn hỗ trợ như “vốn mồi” chứ không phải là nguồn tài chính chủ yếu.Đặc biệt, cần huy động vốn từ nguồn thuế của các Tập đoàn kinh tế Nhà nước làm vốn đối ứng ban đầu để nhận tài trợ quốc tế. Nhóm các Tập đoàn này sẽ được kiểm toán đầu tiên trên cơ sở tổng doanh thu (đề xuất là 70) và lợi nhuận (30).
Ông Paul Collins - Chuyên gia khác trong Nhóm tư vấn cũng đưa ra khuyến nghị: “Nên mời các công ty kiểm toán quốc tế đấu thầu công việc này, ít nhất phải có 4 đến 6 công ty tham gia kiểm toán các Tập đoàn kinh tế Nhà nước. Sau khi đã được chọn, các công ty kiểm toán sẽ hình thành Ủy ban riêng của họ để phối hợp với Ủy ban cải cách DNNN của Chính phủ. Việc đó sẽ giúp đảm bảo cách tiếp cận chung và các tiêu chuẩn kiểm toán, xác định các vấn đề chung và đồng thuận về các giải pháp liên quan”.
PGS.TS Lê Xuân Bá - Nguyên Viện trưởng CIEM chia sẻ, cách đây vài năm, CIEM đã đưa ra đề xuất thành lập Ủy ban Kiểm toán DNNN để kiểm toán các Tập đoàn kinh tế Nhà nước. Cũng theo ông Bá, quá trình kiểm toán nên được chia làm hai pha: kiểm toán các chức năng nhiệm vụ của các trụ sở chính/công ty mẹ và một số công ty con quan trọng/địa phương (pha 1) và phần lớn các công ty con/địa phương (pha 2). Mục đích của việc phân chia này là để điều chỉnh quy mô, cách tiếp cận và thời gian kiểm toán. Mỗi Tập đoàn kinh tế sẽ có báo cáo kết quả kiểm toán riêng sau mỗi pha. Ngoài ra cũng cần có các báo cáo trung gian để tóm tắt các phát hiện chung sau pha 1 và báo cáo cuối cùng sau pha 2. Cả hai loại báo cáo này đều được công bố.
Trong báo cáo lần này, CIEM tiếp tục đề cập đến việc thành lập Ủy ban Kiểm toán DNNN, thông qua một Nghị định chung quy định về các cuộc kiểm toán (cuối năm nay hoặc đầu năm tới), trong đó dự kiến kết thúc các cuộc kiểm toán cuối cùng (pha 2) vào giữa năm 2016./.
Theo Báo Kiểm toán số 44/2013