Một số vấn đề cần lưu ý khi kiểm toán hoạt động dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp tại các bộ, ngành

(kiemtoannn.gov.vn) - Hoạt động dịch vụ công là những hoạt động phục vụ nhu cầu thiết yếu của xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng do nhà nước trực tiếp đảm nhận hay ủy quyền và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân thực hiện. Có thể thấy rằng khái niệm dịch vụ công cho dù được tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau, chúng đều có tính chất chung là nhằm phục vụ cho nhu cầu và lợi ích chung thiết yếu của xã hội. Ngay cả khi nhà nước chuyển giao một phần việc cung ứng dịch vụ công cho khu vực tư nhân thì nhà nước vẫn có vai trò điều tiết nhằm đảm bảo sự công bằng trong phân phối các dịch vụ này và khắc phục các bất cập của thị trường.

Dựa vào tính chất và tác dụng của dịch vụ được cung ứng thì dịch vụ công bao gồm: Dịch vụ hành chính công; Dịch vụ sự nghiệp công và Dịch vụ công ích, trong đó Dịch vụ sự nghiệp công bao gồm: các hoạt động cung cấp phúc lợi xã hội thiết yếu cho người dân như: văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, thể dục thể thao, an sinh xã hội… xu hướng chung hiện nay là nhà nước chỉ thực hiện những dịch vụ nào mà xã hội không thể làm được hoặc không muốn làm, nên nhà nước đã chuyển giao một phần việc cung ứng loại dịch vụ này cho khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội.
 
Việc kiểm toán hoạt động dịch vụ là một nội dung quan trọng trong báo cáo kiểm toán tại đơn vị sự nghiệp của bộ, ngành. Đơn vị sự nghiệp ra đời đã cho thấy nhiều điểm tích cực trong việc cung cấp các dịch vụ cho xã hội, tuy nhiên thực tiễn cũng cho thấy còn nhiều vấn đề cần phải xem xét, bổ sung để hoạt động cung ứng dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp tại các bộ, ngành ngày càng tốt hơn. Vì vậy, khi thực hiện kiểm toán hoạt động dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp tại các bộ, ngành cần lưu ý một số nội dung sau:
 
- Xác định mức độ tự chủ chưa phù hợp nên hoạt động dịch vụ không có hiệu quả gây lãng phí ngân sách nhà nước: việc lập và xét duyệt đề án tự chủ tài chính tại nhiều đơn vị chưa tính toán, xác định đầy đủ các nguồn thu và nhiệm vụ chi, đặc biệt là nguồn thu từ hoạt động dịch vụ dẫn đến xác định mức độ tự đảm bảo kinh phí của đơn vị chưa hợp lý gây lãng phí ngân sách, hầu hết các đơn vị được giao quyền tự chủ tài chính nhưng hàng năm vẫn cấp tăng kinh phí chi thường xuyên trong khi đơn vị có nguồn thu tại đơn vị lớn, đủ trang trải chi phí tăng thêm. Thực tế tại nhiều bộ, ngành mức độ tự chủ của các đơn vị đều cao hơn so với mức độ tự chủ tính theo dự toán giao, một số đơn vị mức độ tự chủ thực tế cao hơn nhiều so với dự toán, điều này dẫn đến các đơn vị phát triển hoạt động dịch vụ không có định hướng, các điều kiện pháp lý cần thiết không được chuẩn bị đầy đủ, nên hoạt động không hiệu quả, không cân đối được thu chi, không bảo toàn được tài sản nhà nước.    
 
- Các đơn vị sự nghiệp theo quy định phải xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ, tuy nhiên Quy chế chi tiêu nội bộ phần lớn còn nhiều điểm quy định không rõ ràng, chưa bao quát hết nguồn thu, nhiệm vụ chi, quy định phân phối thu nhập chưa gắn với hiệu quả và chất lượng công việc; chưa có quy định về quản lý, sử dụng tài sản công tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, chưa xây dựng định mức tiêu hao vật tư hóa chất, nhân công, khấu hao tài sản cố định, tiêu thức phân bổ công cụ, dụng cụ phù hợp với thời gian sử dụng làm cơ sở kiểm tra, giám sát và xác định chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ và chưa ban hành khung bảng giá dịch vụ làm cơ sở ký kết hợp đồng, quản lý và thanh lý hợp đồng.
 
- Một số đơn vị nguồn thu từ hoạt động dịch vụ lại coi như khoản thu phí, lệ phí và bổ sung nguồn kinh phí để sử dụng, không thực hiện hạch toán riêng để có căn cứ kê khai nộp thuế theo quy định; đối với chi phí còn nhiều đơn vị không hạch toán riêng, rõ ràng, minh bạch kết quả hoạt động dịch vụ, do các khoản chi phí hạch toán lẫn trong chi phí hoạt động thường xuyên của đơn vị và một số khoản chi phí chưa tính hoặc không có khả năng tính đúng, tính đủ, do đó không có căn cứ để xác định đúng số thuế phải nộp theo quy định.
 
- Những kết quả thực hiện chủ trương xã hội hoá cung ứng dịch vụ của đơn vị sự nghiệp trong những năm qua là quá chậm, tự phát, chưa đạt được như mục tiêu đề ra. Vì mục đích lợi nhuận, tư nhân tham gia hoạt động dịch vụ luôn có xu hướng đẩy giá dịch vụ lên cao, đi kèm với đó là việc xác định giá, cước, phí dịch vụ một cách khá tuỳ tiện và cơ chế tài chính, thu chi thiếu minh bạch, ảnh hưởng tiêu cực đến những người hưởng dịch vụ, nhiều dịch vụ còn mang tính tự phát, thiếu điều tra, khảo sát kỹ lưỡng, thiếu chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo chất lượng dịch vụ, dẫn đến tình trạng một số cơ sở không duy trì được quy mô ban đầu, thậm chí phải giải thể. Đây là những biểu hiện của tình trạng “thương mại hoá” các dịch vụ công đã bị phê phán gay gắt trong nhiều năm qua.
 
-  Môi trường pháp lý cho việc xã hội hoá và quản lý các hoạt động cung ứng dịch vụ còn nhiều hạn chế, điều ấy gây ra “khoảng trống pháp lý” và sự không đồng đều của hoạt động xã hội hoá giữa các lĩnh vực khác nhau. Một số chính sách xã hội hoá chưa quy định rành mạch về sở hữu của các cơ sở ngoài công lập, chưa phân biệt rõ sự khác biệt giữa các hoạt động có bản chất lợi nhuận và phi lợi nhuận. Trong việc thực hiện chính sách phí và lệ phí, vừa có tình trạng chưa thu đúng, thu đủ, lại vừa có tình trạng tự đặt ra những khoản thu ngoài quy định, lạm thu, cơ chế sử dụng không minh bạch, không hiệu quả, gây bất bình trong dư luận xã hội.
 
- Hoạt động liên doanh liên kết, góp vốn để cung cấp dịch vụ trong các đơn vị sự nghiệp diễn ra khá phổ biến, tuy nhiên bộ, ngành chủ quản chưa có sự chỉ đạo hướng dẫn thống nhất về quản lý chuyên môn, quản lý tài chính, buông lỏng quản lý, chạy theo số lượng, lạm dụng kỹ thuật để tăng thu, một số đơn vị giao cho công đoàn quản lý hoặc giao khoán cho tổ chức, cá nhân bên ngoài tổ chức kinh doanh, nên có tình trạng tài sản đưa vào sử dụng không được kiểm định chất lượng, thiếu căn cứ xác định giá trị tài sản, xác định tỷ lệ phân chia lãi cho các bên không hợp lý, chưa tính toán đầy đủ đến lợi ích của người sử dụng dịch vụ, từ đó dẫn đến phân phối không có cơ sở, bị lợi dụng để thu lời từ người sử dụng dịch vụ, mức thu dịch vụ áp dụng không hợp lý, trong khi hầu hết các loại hình dịch vụ có tính chất đặc thù, người được cung cấp dịch vụ không có nhiều lựa chọn nhưng bộ, ngành chủ quản chưa có sự quản lý về giá, chưa kiểm soát việc xác định mức thu như thế nào là phù hợp, đảm bảo đủ bù đắp chi phí và có tích luỹ hợp lý, đồng thời chưa bảo vệ quyền lợi cho cho người sử dụng dịch vụ. Nhiều đơn vị giao khoán cho cá nhân hoặc nhóm người không qua đấu thầu với mức thu khoán thấp từ nhiều năm không điều chỉnh, do đó vừa có tình trạng thất thu cho cơ sở và cả Nhà nước do không kê khai nộp thuế đầy đủ, vừa ảnh hưởng đến lợi ích của người sử dụng dịch vụ. Ở một số đơn vị còn khuyến khích chi thưởng cho các tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức hoạt động dịch vụ không đúng quy định, tạo cơ chế không minh bạch trong triển khai thực hiện.
 
Việc quản lý góp vốn liên doanh của các đơn vị cũng rất hạn chế và lỏng lẻo, có những đơn vị thực hiện góp vốn liên doanh trên 51 vốn điều lệ, có quyền chi phối hoạt động song kinh doanh lỗ kéo dài, vượt quá cả phần vốn góp, trong khi quản trị chi phí yếu kém, mất cân đối thu - chi, làm thất thoát và không bảo toàn được tài sản nhà nước.
 
Từ những tồn tại, bất cập nêu trên, hoạt động kiểm toán tại các đơn vị này cần đưa ra được các giải pháp để cải tiến hoạt động dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp theo hướng:

Một là, cần hoàn thiện cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập bằng việc tăng cường phân cấp và thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các đơn vị cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính theo hướng mở hơn trên cơ sở có tính đến đặc điểm từng loại hình đơn vị, khả năng và nhu cầu thị trường, trình độ quản lý; minh bạch hóa các hoạt động liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công lập; khắc phục tình trạng công - tư lẫn lộn.
 
Hai là, nhà nước cần tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các hoạt động sự nghiệp công cơ bản và cơ cấu lại chi thường xuyên đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ công theo hướng đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị sư nghiệp được Nhà nước giao nhiệm vụ theo số lượng, chất lượng hoạt động ở các địa bàn vùng núi, vùng xa, hải đảo, vùng dân tộc ít người trong các lĩnh vực sự nghiệp công; chuyển từ giao dự toán cho các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công như hiện nay sang thực hiện phương thức đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp không phân biệt cơ sở công lập, ngoài công lập nhằm tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh, bảo đảm phát triển bình đẳng giữa các đơn vị công lập và ngoài công lập.
 
Ba là, hoàn thiện cơ chế đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công theo hướng ban hành hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn của từng loại hình dịch vụ công. Đổi mới cơ chế tính giá đặt hàng sản phẩm, dịch vụ công; Nhà nước quy định giá hoặc khung giá sản phẩm, dịch vụ đối với các loại dịch vụ cơ bản có vai trò thiết yếu đối với xã hội; từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý trong giá dịch vụ sự nghiệp phù hợp với thị trường và khả năng của NSNN; xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ; thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách xã hội, các đối tượng nghèo để được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu với chất lượng cao hơn; đảm bảo lợi ích của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
 
Bốn là, đổi mới cơ chế tài chính đối với nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ công có khả năng xã hội hoá cao, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động (các trường đại học, bệnh viện…) theo hướng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính, tài sản khi cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu của xã hội, được quyết định thu giá dịch vụ trên cơ sở khung giá tính đủ các chi phí hợp lý, đúng pháp luật do cấp có thẩm quyền ban hành; được Nhà nước giao vốn, xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp; được quyền huy động vốn, sử dụng vốn, tài sản gắn với nhiệm vụ được giao theo quy định để mở rộng việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, tự quyết định số người làm việc và trả lương trên cơ sở thang bảng lương của Nhà nước và hiệu quả, chất lượng công việc.  
 
Năm là, nhà nước khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công mua dịch vụ công từ khu vực tư nhân đối với các dịch vụ mà tư nhân có thể làm tốt và giảm được số người làm dịch vụ trong cơ quan nhà nước, như bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, các phương tiện tin học, đáp ứng nhu cầu về phương tiện đi lại, làm vệ sinh và công việc phục vụ trong cơ quan…
 
Sáu là, hoàn thiện hơn các công cụ quản lý và vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công nhằm cung cấp tốt hơn cho mọi tầng lớp nhân dân, phát huy các yếu tố tích cực, hạn chế các mặt trái của cơ chế thị trường. Ban hành tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp cung cấp cho xã hội, hệ thống các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành và chất lượng thực hiện nhiệm vụ được giao.
 
Và cuối cùng, vấn  đề then chốt trong hạch toán là phải tính đúng, tính đủ; điều này liên quan trực tiếp đến các vấn đề học phí, viện phí và các loại phí dịch vụ công khác, thực chất là vấn đề giá của dịch vụ công. Nhà nước có thể can thiệp trong hai trường hợp: một là, khi giá dịch vụ tính ra cao hơn mặt bằng giá chung, Nhà nước dùng phần vốn đã hỗ trợ cho cơ sở (như: nhà cửa, đất đai...) để tính giảm bớt giá đầu vào và giữ mặt bằng giá ở mức hợp lý; hai là, với các trường hợp cần thực hiện chính sách công bằng xã hội, không nên bắt các cơ sở phải miễn, giảm phí, gây thất thu và không công bằng giữa các cơ sở. Nhà nước nên thành lập quỹ riêng để giải quyết, không để các cơ sở chịu thiệt./.
                                                              
Theo Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán số 71 (T9/2013)