KTNN Malaysia (NAD) ngày 19/02 vừa qua đã phát hành bản Báo cáo kiểm toán cuối cùng liên quan đến các cáo buộc sai phạm tại Bộ Quốc phòng nước này, trong đó chỉ trích nặng nề sự thiếu trách nhiệm và quan liêu của một số quan chức Chính phủ trong các dự án xây dựng, khiến Chính phủ Malaysia phải gánh chịu khoản thiệt hại hơn nửa tỷ Ringgit.
Thất thoát từ các thỏa thuận hoán đổi đất công
Báo cáo của NAD cho biết, nhiều công trình xây dựng của Bộ Quốc phòng được hoàn thành với chất lượng thấp, không đạt yêu cầu. 16 dự án xây dựng được kiểm toán lần này thuộc Hải quân Hoàng gia và Không quân Hoàng gia Malaysia, chiếm diện tích khoảng gần 3.000 mẫu đất có giá trị hàng tỷ Ringgit. Có tới hơn một nửa phần diện tích được trao cho một DN tư nhân để thực hiện thi công mà không thông qua mở thầu công khai và các dự án này đều được thực hiện mà không có kế hoạch chi tiết.
Ngoài ra, Báo cáo cũng đề cập đến việc 4 căn cứ quân sự của Bộ Quốc phòng Malaysia được đặt tại Hutan Melintang (Perak), Segamat và Paloh (Johor) và Bera (Pahang) đã được di chuyển cho mục đích tăng cường hỗ trợ chính trị ở một số khu vực này. Những căn cứ mới này được tạo ra thông qua các thỏa thuận hoán đổi đất có giá trị khoảng gần 5 tỷ USD. Cơ quan kiểm toán chỉ trích Bộ Quốc phòng Malaysia đã quá lạm quyền trong vấn đề di dời căn cứ này, khiến Bộ phải gánh chịu khoản thiệt hại hơn 500 triệu Ringgit (khoảng 123 triệu USD) từ việc hoán đổi các lô đất.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia cho rằng, nếu các giao dịch hoán đổi đất này được thực hiện theo đúng lộ trình và các nhà thầu xây dựng được lựa chọn hợp lý thì Bộ Quốc phòng Malaysia đã không mất quá nhiều tiền như vậy. NAD chỉ trích Bộ Quốc phòng nước này về sự thiếu minh bạch trong công tác quản lý và sử dụng đất công. Những người bị buộc tội có liên quan là các sĩ quan cao cấp của Bộ. Một vài trong số họ là các tướng lĩnh đã nghỉ hưu. Tổng Kiểm toán cho biết: “Thật đáng buồn khi sự tuân lệnh của họ là dành cho các mục đích chính trị nhiều hơn cho mục tiêu phát triển quân đội của Chính phủ”.
Thách thức giảm nợ công và vực dậy nền kinh tế
Cuộc kiểm toán của NAD được thực hiện trong bối cảnh Chính phủ Malaysia đang vật lộn để trả các khoản nợ công. Theo số liệu của Bộ Tài chính Malaysia, tổng nợ Chính phủ của Malaysia đã lên tới hơn 1.000 tỷ Ringgit, tương đương 80% GDP, đứng thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á, sau Singapore. Vì vậy, giảm gánh nặng nợ công và vực dậy nền kinh tế đang trong thời kỳ khó khăn được xem là một trong những thách thức lớn của Chính phủ Malaysia.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết, để giảm khoản nợ công khổng lồ này, Chính phủ Malaysia đã triển khai nhiều biện pháp tiết kiệm, tăng thu ngân sách như: đưa ra các biểu thuế mới, giảm cổ phần trong các công ty nhà nước hoặc các công ty cổ phần có vốn nhà nước, cắt giảm các dự án công không quan trọng, bán đất để gây quỹ trả nợ. Các bộ trưởng của Malaysia đã nhất trí đồng loạt cắt 10% lương trong khi chính quyền mới cũng xem xét hủy một số dự án để giảm chi tiêu Chính phủ, tinh giản 17.000 công chức nhà nước, cắt giảm chi tiêu tại các cơ quan Chính phủ và giảm các khoản phụ cấp, trợ cấp cho công chức.
Được biết, Báo cáo kiểm toán đối với Bộ Quốc phòng đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước trình lên Quốc hội ngay sau đó và dự kiến sẽ được chuyển tiếp tới Cơ quan Cảnh sát liên bang, Ủy ban Phòng chống tham nhũng Malaysia (MACC) và các cơ quan liên quan để tiếp tục điều tra và đưa ra những chế tài cần thiết theo quy định của pháp luật. Văn phòng Thủ tướng Mahathir Mohamad cũng đã thông báo thành lập lực lượng đặc trách để điều tra sai phạm của những cá nhân trong việc quản lý tài sản công, tài chính công và thu hồi các tài sản liên quan.
(Theo Free Malaysia Today và News Strait Times)
(Báo Kiểm toán số 9/2019)