Xác định thi đua lập thành tích, thực hiện tốt chức trách được giao là minh chứng rõ nét nhất khẳng định tình yêu Ngành, yêu nghề hướng đến kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN, KTV Nguyễn Đức Giang (Phòng Kiểm toán đầu tư - dự án, KTNN khu vực V) đã chia sẻ về nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ với những yêu cầu ngày càng cao trong tình hình mới.
Thời gian qua, Ban cán sự Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước luôn quán triệt thực hiện yêu cầu, giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vậy KTV cần làm gì để đáp ứng được yêu cầu này?
Kiểm toán là ngành liên quan đến nhiều lĩnh vực, đòi hỏi cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, các phần mềm, khả năng giao tiếp, ứng xử… Do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán, đòi hỏi KTV phải thực hiện tốt các yêu cầu đặt ra, bắt đầu từ khâu chuẩn bị kiểm toán. Đây là bước công việc đầu tiên của công tác kiểm toán nhằm tạo ra tất cả tiền đề và điều kiện cụ thể trước khi tiến hành kiểm toán và có ý nghĩa quyết định chất lượng kiểm toán. Do đó, KTV cần phải trang bị kiến thức chuyên môn vững chắc về lĩnh vực được phân công tham gia kiểm toán; nghiên cứu kỹ các văn bản bản quy phạm pháp luật để có cơ cở đưa ra các nhận xét, kiến nghị chính xác và ứng dụng thành thạo các phần mềm công nghệ thông tin để áp dụng hiệu quả vào công tác kiểm toán theo lĩnh vực được phân công.
Bên cạnh việc chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm toán, KTV còn phải thực hiện nghiêm các quy định, chuẩn mực kiểm toán, đặc biệt là kỷ luật công vụ gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán. Theo đó, KTV cần thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất trung thực của KTV. Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi; đưa, nhận, môi giới hối lộ, nhận tiền hỗ trợ dưới mọi hình thức; cố tình bỏ sót thông tin hoặc không báo cáo đầy đủ kết quả kiểm toán; nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với đơn vị được kiểm toán; dùng phương tiện, tài sản của đơn vị được kiểm toán để đáp ứng nhu cầu cá nhân; tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán.
Đặc biệt, KTV cần ý thức rõ để thực hiện nghiêm quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham ngũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Chỉ thị số 1346/CT-KTNN về việc “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ”.
Hiện nay, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang đặt ra yêu cầu ngày càng bức thiết trong việc đổi mới, ứng dụng công nghệ vào hoạt động kiểm toán. Là một KTV, anh ý thức như thế nào về trách nhiệm của mình đối với Ngành, với nghề để có thể hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao?
Cả nước đang chuyển mình theo làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ. các đơn vị được kiểm toán cũng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới vào quản trị, kinh doanh đòi hỏi KTNN cần phải đi trước trong vấn đề này để đáp ứng yêu cầu kiểm toán trong môi trường công nghệ. Ý thức rõ điều này, KTNN đã ban hành Chiến lược phát triển và Kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030 với từng giai đoạn cụ thể, coi việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán là yêu cầu bắt buộc.
Với vai trò là KTV, mỗi người cần phải chủ động nâng cao ý thức, năng lực khai thác, phân tích dữ liệu thông qua việc áp dụng các công cụ công nghệ thông tin. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các KTV trong giai đoạn này là phải thành thạo các công nghệ đang được áp dụng vào trong hoạt động kiểm toán của KTNN, biết sử dụng các công cụ xử lý, tính toán dựa trên công nghệ số và khai thác tính năng ưu việt mà các công cụ này mang lại vào hoạt động kiểm toán một cách hiệu quả.
Đặc biệt, việc kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi ý thức, trách nhiệm và sự thận trọng trong thực hiện nhiệm vụ. Do đó, trong công tác kiểm toán KTV phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về bảo mật thông tin, cũng như các quy định về tiếp cận, xử lý thông tin trên nền tảng số; thực hiện nhiệm vụ với trách nhiệm nghề nghiệp cao; chủ động trước mọi tình huống, cũng như thực hiện nghiêm chế độ báo cáo thông tin theo quy chế của Ngành và quy định pháp luật.
Trải qua 30 năm thành lập và phát triển, KTNN ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong công tác kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Đây là động lực quan trọng, là điểm tựa niềm tin để KTNN nỗ lực, tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới và giữ vững giá trị cốt lõi “Độc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Chất lượng”. |