Văn phòng Kiểm toán quốc gia Anh (NAO) vừa qua đã lên tiếng chỉ trích nặng nề Sáng kiến Tài chính tư nhân của Chính phủ Anh, vì cho rằng Chính phủ đã không đưa ra biện pháp khả thi trong thực tế, không dự trù kinh phí dài hạn phù hợp, cũng như các cơ chế tài chính áp dụng còn thiếu và bất cập.
Nhiều kế hoạch phát triển hạ tầng bị thất bại
Sáng kiến Tài chính tư nhân của Chính phủ Anh đề ra phương thức thu hút đầu tư tài chính tư nhân vào các dự án công. Theo đó, các công ty, tổ chức tư nhân cho Chính phủ vay tiền thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng công và duy trì tài sản trong suốt dòng đời sử dụng theo mô hình hợp tác công - tư (PPP). Với Sáng kiến này, Chính phủ Anh khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực dưới hình thức khoán gọn cho tư nhân đầu tư toàn bộ cơ sở vật chất của công trình rồi Nhà nước thuê lại. Những dự án chứng tỏ có giá trị gia tăng cao sẽ nhận được cam kết tài trợ dưới dạng tín dụng và NAO được trao quyền giám sát độc lập các dự án này.
Trong Báo cáo, NAO cho biết, hiện có 716 dự án đang hoạt động theo Sáng kiến Tài chính tư nhân trong các lĩnh vực quốc phòng, giáo dục, y tế và giao thông với giá trị vốn khoảng gần 60 tỷ Bảng (80 tỷ USD) và Chính phủ ước tính người nộp thuế sẽ phải đóng 199 tỷ Bảng đến năm 2040. Điều này có thể là nguồn gốc cho những rủi ro tài chính nghiêm trọng đối với Chính phủ Anh trong tương lai.
Các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển hạ tầng và Đảng Lao động Anh cũng đồng quan điểm với NAO. Ông John McDonnell - thành viên Đảng Lao động - cho rằng, Chính phủ Anh đã thất bại trong việc đưa ra hành động thực tế khi liên tiếp công bố các kế hoạch phát triển hạ tầng quốc gia song lại không phân tích đánh giá về cơ chế tài chính áp dụng để đảm bảo các kế hoạch thực sự mang lại giá trị cao.
Còn ông Noble Francis - Giám đốc Kinh tế tại Hiệp hội Sản phẩm xây dựng Anh - lên tiếng: “Trong khi Chính phủ không ngừng “tung hô” về các kế hoạch hạ tầng mang lại giá trị gia tăng lớn, hầu hết các hoạt động của một số dự án đã bị gián đoạn, đình trệ trong 3 quý gần đây, tiêu biểu như: Dự án Bệnh viện Đại học Hoàng gia Liverpool và Dự án Bệnh viện Metropolitan Midland”.
Cần ngừng việc phê duyệt các dự án
Sự chỉ trích đối với Sáng kiến Tài chính tư nhân ngày càng gia tăng kể từ sau vụ sụp đổ hồi năm ngoái của Carillion - gã khổng lồ trong ngành công nghiệp xây dựng của Anh. Tập đoàn Carillion tuyên bố phá sản do tình trạng nợ nần chồng chất và không nhận được sự trợ giúp tài chính từ Chính phủ cũng như các ngân hàng ở Anh. Khoản nợ mà Carillion không có khả năng thanh toán là 1,5 tỷ Bảng. Sự sụp đổ của Carillion kéo theo sự gián đoạn của các dịch vụ công ở Anh, bởi Công ty này nắm giữ khoảng 450 hợp đồng xây dựng, quản lý, bảo trì dự án với Chính phủ.
Ngoài ra, còn có 3 vụ bê bối khác cũng được coi là sự thất bại của mô hình Sáng kiến Tài chính tư nhân, bao gồm: Dự án Xây dựng các trường học tại Scotland, Dự án Nâng cấp mạng lưới tàu điện ngầm London và Chương trình Phòng cháy học đường.
Trong cả 4 trường hợp, các kiểm toán viên của NAO đều phát hiện nhiều vấn đề bất cập như: chậm trễ kéo dài, sai sót kỹ thuật nghiêm trọng, gian lận tài chính…
Qua kết quả kiểm toán, NAO khuyến nghị Chính phủ Anh nên ngừng việc ký duyệt các dự án thực hiện theo Sáng kiến Tài chính tư nhân và đưa một số hợp đồng quay trở về dưới sự kiểm soát của Nhà nước, đồng thời thiết lập một Trung tâm Thực hành tốt (CoE) để đảm bảo quản lý hiệu quả các dự án Sáng kiến Tài chính tư nhân còn lại.
Bộ trưởng Philip Hammond cho biết, Chính phủ hiện đang tìm kiếm tham vấn về một mô hình tài chính mới để thay thế Sáng kiến Tài chính tư nhân hiện đang chịu nhiều sự chỉ trích này. Ông Jason Millett - Giám đốc tư vấn Tập đoàn Tư vấn xây dựng Mace - cho biết: “Đề xuất tạm ngừng phê duyệt các dự án theo Sáng kiến Tài chính tư nhân cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt sự tham gia của các công ty tư nhân vào việc cung cấp các dịch vụ công và thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm của Nhà nước”. “Tìm kiếm một kế hoạch thay thế cho Sáng kiến Tài chính tư nhân nên là ưu tiên cấp bách của Chính phủ Anh hiện nay”.
(Theo Financial Times và The Guardian)
(Báo Kiểm toán số 13/2019)