Uganda: Báo cáo kiểm toán thường niên 2018 chỉ ra nhiều vấn đề nổi cộm

YLP là một chương trình được Chính phủ Uganda thiết lập nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các thanh niên nghèo và thất nghiệp trong cả nước. Chính phủ giao Bộ Phát triển giới, lao động và xã hội Uganda quản lý chương trình. Ngân sách hỗ trợ cho Chương trình được giao cho các đơn vị đảm bảo lợi ích thanh niên, các đơn vị này có nhiệm vụ tìm hiểu, tiếp cận đúng đối tượng và đưa ra các biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của Chương trình.

 Ngân sách hỗ trợ Chương trình YLP thất thoát gần 7,7 triệu USD

Từ khi bắt đầu dự án vào năm tài chính 2013-2014, khoảng 1.595 thanh niên (1.030 nam, 565 nữ) đã được hỗ trợ vay vốn với tổng số tiền 670 triệu Shilling Uganda (UGX), tương đương 180.000 USD.

Tuy nhiên, Báo cáo kiểm toán mới nhất của OAG đã lên án tình trạng quản lý, điều hành Chương trình YLP yếu kém, tắc trách khiến gần 28,4 tỷ UGX (gần 7,7 triệu USD), tiền chi cho Chương trình có thể đã mất trắng vì gần 64% các dự án trong Chương trình chỉ tồn tại trên giấy mà không được thực hiện.
Trong hai năm tài chính 2013-2014 và 2014-2015, khoảng 5.505 đơn vị đảm bảo lợi ích thanh niên trên toàn quốc đã được giải ngân tổng số 38,8 tỷ UGX để hỗ trợ cho các thanh niên có nhu cầu vay vốn, tuy nhiên, đến nay, chỉ có 26,7% số tiền trên được hoàn trả lại cho ngân sách của Chính phủ.

Báo cáo cho biết thêm, từ năm tài chính 2015-2016 đến 2017-2018, tỷ lệ ngân sách được thu hồi đã có sự cải thiện đáng kể, từ 24% tăng lên 60%. Tuy nhiên, con số 40% còn lại cũng rất lớn và cần sớm được thu về cho ngân sách quốc gia. Tính đến năm 2018, hơn 83 tỷ UGX đã được giải ngân cho Chương trình. Các vấn đề trên đã được đại diện các tổ chức xã hội dân sự trên cả nước và Văn phòng OAG thảo luận trong một cuộc họp quan trọng được tổ chức vào đầu tháng 4.

Tại buổi làm việc với OAG, Giám đốc Điều hành Liên minh Phòng, chống tham nhũng khu vực Trung Tây Bbiir Kiwanuka Nassa đã kêu gọi OAG cần hỗ trợ công tác tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội dân sự để những tổ chức này ngày càng đóng vai trò tích cực hơn trong việc hỗ trợ các hoạt động kiểm toán. Trong khi đó, Giám đốc Quan hệ DN tại OAG Maxwell Ogentho đã kêu gọi mỗi công dân cần có những hành động thiết thực nhằm giải quyết tình trạng nan giải trên. OAG cũng cần tăng cường nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; tăng cường trách nhiệm của mình trong việc giám sát tình hình quản lý, sử dụng ngân sách của các cấp chính quyền và từng người dân.
 
Chi tiêu ngân sách, nợ công… vẫn đáng lo ngại

Năm 2018, OAG đã thực hiện tổng cộng 1.919 cuộc kiểm toán, tiêu biểu là các cuộc kiểm toán tài chính, kiểm toán pháp lý, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán các lĩnh vực kỹ thuật chuyên sâu…

Báo cáo mới nhất của OAG đã đưa ra đánh giá tổng quan về tình hình hoạt động của các địa phương trên cả nước. Trong năm 2018, công tác báo cáo tài chính tại các địa phương đã được cải thiện, tuy nhiên, có những vấn đề lớn hơn đã phát sinh. Cụ thể: ngân sách của nhiều quỹ không được hạch toán minh bạch, công khai; nhiều khoản thanh toán sai và tình trạng chi tiêu ngân sách lãng phí vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại tại nhiều chính quyền.

Báo cáo dẫn chứng một cuộc kiểm toán xem xét tình hình quản lý các vùng đất ngập nước của Bộ Nước và Môi trường. Chính phủ Uganda đã có chủ trương lấy lại một số vùng đất ngập nước do nhân dân đang sử dụng và thỏa thuận trả tiền bồi thường cho người dân, tuy nhiên, Bộ Tài chính đã không hợp tác thanh toán cho cư dân, gây cản trở việc thực hiện chủ trương, kế hoạch của Chính phủ.

Chính phủ Uganda đưa ra mục tiêu tăng độ che phủ tại các vùng đất ngập nước lên 12% vào năm 2020, tuy nhiên, trong 4 năm qua (2015-2018), chỉ có 0,3% diện tích đất được che phủ, còn lại tới 99,7% diện tích đất đang cần được cải tạo. Do đó, Chính phủ sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn để có thể hoàn thành mục tiêu đưa ra.

Tình hình quản lý nợ công cũng được OAG nhấn mạnh trong Báo cáo kiểm toán mới được công bố. Nợ quốc gia đã tăng 22% từ 33.990 tỷ UGX vào thời điểm tháng 6/2017 lên 41.510 tỷ UGX tính đến 30/6/2018. Tổng Kiểm toán Uganda John Muwanga cho rằng, tỷ lệ vay nợ trên của Uganda đang rất đáng lo ngại.  

Ông Muwanga chỉ ra rằng, tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện tại của Uganda ở mức 41%, vẫn thấp hơn ngưỡng rủi ro mà Quỹ Tiền tệ quốc tế đưa ra là 50%. So sánh với các nước Đông Phi khác, tỷ lệ này của Uganda vẫn thấp hơn, tuy nhiên, ông cảnh báo rằng, con số này cũng đã đáng báo động khi so sánh nợ với thu ngân sách quốc gia.

OAG lấy ví dụ, một số khoản vay trị giá 3.980 tỷ UGX sẽ đến hạn thanh toán vào năm 2020, nếu Chính phủ thực hiện thanh toán hết các khoản vay trong 2 năm tài chính tiếp theo (2018-2019 và 2019-2020), Uganda sẽ phải sử dụng hơn 65% tổng số doanh thu của đất nước. Điều này thực sự là một mối nguy hiểm cho nền kinh tế của đất nước. Báo cáo kiểm toán trên đã được Văn phòng OAG trình lên Quốc hội để xem xét thêm.

(Theo Independent.co.ug và Monitor.co.ug)
(Báo Kiểm toán số 17 + 18/2019)