Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng thông tin tài chính của Công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Ths .Lê Hoàng Phúc

Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, báo cáo tài chính (BCTC) có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp thông tin đối với nhà đầu tư, các tổ chức quản lý, điều hành thị trường, là điều kiện thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển hiệu quả và lành mạnh. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) còn khá non trẻ ở Việt Nam, những quy định và thực tế nội dung thông tin và công bố thông tin định kỳ trên BCTC và báo cáo thường niên (sau đây gọi tắt là “thông tin định kỳ về BCTC”) của các công ty niêm yết gần đây bộc lộ một số vấn đề có ảnh hưởng quan trọng đến tính hữu ích của thông tin và tính minh bạch của thị trường. Bài viết này phân tích làm rõ thực trạng trình bày và công bố thông tin định kỳ về BCTC của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam hiện nay, trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp định hướng việc nâng cao chất lượng thông tin và công bố thông tin  của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam.

1. Thực trạng công bố thông tin định kỳ về BCTC của công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam
Thị trường chứng khoán Việt Nam sau hơn 10 năm đi vào hoạt động đã có những bước phát triển đáng kể. Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), số lượng các tổ chức trung gian trên TTCK đã tăng từ 7 công ty chứng khoán và 1 công ty quản lý quỹ lên 105 công ty chứng khoán và 46 công ty quản lý quỹ. Từ 5 công ty năm 2000 đến nay đã có gần 600 công ty và tổ chức niêm yết, giá trị vốn hóa thị trường chiếm 42 GDP. Bên cạnh đó, các ngân hàng, công ty tài chính, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ đầu tư tham gia thị trường đã góp phần hình thành một hệ thống các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Sự phát triển của TTCK Việt Nam đòi hỏi sự phát triển đồng bộ nhiều yếu tố, trong đó, nổi lên vấn đề có ảnh hưởng tới tính minh bạch, công khai và sự phát triển bền vững của thị trường. Đó là việc công bố thông tin của các công ty niêm yết trên TTCK. Hiện nay, việc công bố thông tin của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam được thực hiện theo Luật Chứng khoán và Thông tư số 09/2010/TT-BTC ngày 15 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính. Xét về quy định lẫn thực tiễn, việc trình bày và công bố thông tin của các công ty niêm yết hiện nay tồn tại một số bất cập làm ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến tính minh bạch, công khai và sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam. Điều này thể hiện qua một số biểu hiện cụ thể sau :

(i) Về Nội dung thông tin theo quy định hiện hành

Thứ nhất, Báo cáo biến động vốn chủ sở hữu chưa được trình bày thành một báo cáo riêng biệt theo thông lệ quốc tế.

Thứ hai, việc trình bày BCTC cho số liệu của 2 năm như quy định hiện nay làm hạn chế về thông tin để nhà đầu tư có thể có đánh giá xác thực hơn về khả năng và xu hướng phát triển của công ty. Hiện nay, đa phần các BCTC của các công ty trên TTCK quốc tế (Unilever hay P&G chẳng hạn) trình bày 3 năm liên tục cho năm hiện tại và 2 năm liền trước đó.

Thứ ba, việc gộp doanh thu và chi phí tài chính vào lãi/lỗ hoạt động kinh doanh trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh vừa không phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa tạo ra sự nhập nhằng và thiếu minh bạch về thông tin, thậm chí hiểu nhầm cho nhà đầu tư, khi các khoản lãi/lỗ bán cổ phiếu vốn không phải của hoạt động mang tính thường xuyên của công ty lại được hiểu là kết quả hoạt động kinh doanh chủ yếu của công ty.

Thứ tư, phương pháp lập chỉ tiêu lãi trên cổ phiếu (EPS) chưa phản ánh đúng nội dung của chỉ tiêu này trong trường hợp công ty trích lập các quỹ khen thưởng phúc lợi. Theo cách tính hiện tại thì lãi dùng để tính EPS bao gồm cả các khoản trích quỹ khen thưởng phúc lợi không thuộc cổ đông. Theo quy định của IAS 33 - Lãi trên cổ phiếu – thì lãi dùng để tính EPS phải trừ các khoản lãi không dành cho cổ đông phổ thông (phần phân phối lợi nhuận vào các quỹ doanh nghiệp). Những khoản thưởng này sẽ được tính vào chi phí để trừ ra khỏi lãi cho việc tính EPS.

Thứ năm, một số chỉ tiêu hữu ích cho nhà đầu tư chưa được thuyết minh đầy đủ trên Bản thuyết minh BCTC. Chẳng hạn :
- Các khoản đầu tư tài chính được các công ty niêm yết thuyết minh khá sơ sài theo yêu cầu thuyết minh tại Chỉ tiêu V.02 và V.13 trên Bản thuyết minh BCTC.
- Các thông tin về trái phiếu chuyển đổi của các công ty niêm yết chưa được yêu cầu thuyết minh tại Mục V.20 trên Bản thuyết minh BCTC…

Thứ sáu, trên báo cáo thường niên, các số liệu tài chính quan trọng chỉ trình bày 2 hoặc 3 năm là rất hạn chế về ý nghĩa so sánh. Để đánh giá đầy đủ về một công ty, các nhà đầu tư cần đánh giá các số liệu thuận tiện nhất cho việc so sánh của ít nhất là 4-5 năm gần nhất, thậm chí là 10 năm. Báo cáo thường niên 2009 của P&G trình bày 11 năm từ năm 2009 đến năm 1999. Ngoài ra, vấn đề quản trị rủi ro cũng chưa được xem như là một nội dung trình bày trên báo cáo thường niên

(ii) Về nội dung và chất lượng thông tin công bố thực tế

Trong thực tế, tồn tại một khoảng cách không nhỏ giữa nội dung thông tin phải công bố theo quy định và nội dung thông tin mà các công ty niêm yết thực tế công bố. Điều này dẫn đến những hệ quả không mong muốn cho mục tiêu minh bạch hóa thông tin trên TTCK Việt Nam

Nhiều công ty coi nhẹ việc công bố thông tin. Đó là nhận định của các chuyên gia khi đề cấp đến vấn đề công bố thông tin của các doanh nghiệp Việt Nam tại hội thảo “Những bước chuẩn bị IPO thành công cho doanh nghiệp” do UBCKNN phối hợp cùng Truyền thông Mileage (Singapore) và Hãng tin Bloomberg tổ chức ngày 23/9/2010. Có công ty niêm yết, trên website chỉ lơ thơ những thông tin cũ, ít cập nhật như website Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC), Công ty Cổ phần Phân bón Hóa Sinh (HIS)…

Sự chênh lệch đáng kể số liệu tài chính trước và sau kiểm toán của các công ty niêm yết cũng đang trở thành một vấn đề nóng trên TTCK hiện nay.

Trong số các công ty bị giảm lợi nhuận chóng mặt sau kiểm toán năm 2010, Công ty cổ phần tập đoàn Sara (SRB) đứng đầu, với tỷ lệ hơn 60. Lợi nhuận sau thuế của SRB chỉ còn 1,4 tỷ đồng so với trên 3,7 tỷ đồng trước đó. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới chênh lệch được kiểm toán đưa ra là việc trích lập dự phòng các khoản đầu tư dài hạn; công nợ chưa được đối chiếu đầy đủ...Thậm chí, có trường hợp chuyển từ lãi thành lỗ không thể tin nổi như trường hợp Công ty cổ phần hàng hải Đông Đô lợi nhuận sau thuế năm 2010 trước kiểm toán là 473,6 triệu nhưng theo BCTC sau kiểm toán bị lỗ đến 74,3 tỉ đồng…

Chênh lệch số liệu lợi nhuận trước và sau kiểm toán là điều vẫn thường diễn ra. Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều công ty bị giảm doanh thu, giảm lợi nhuận đến trên 50 sau kiểm toán đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đồng vốn của nhà đầu tư,  khiến môi trường đầu tư chứng khoán rủi ro hơn, ít nhiều làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư

Thậm chí có công ty chỉ trích lập dự phòng ngắn hạn mà không trích lập dự phòng dài hạn. Việc làm lơ đi các khoản mục quan trọng này đã khiến nhiều nhà đầu tư tưởng rằng công ty làm ăn có lãi nhưng rất có thể đây là “lời ảo, lỗ thật”.

Về  Báo cáo bộ phận, VAS 28 đã yêu cầu chi tiết về báo cáo các bộ phận, giống như IAS 14, tuy nhiên nhiều công ty niêm yết làm báo cáo bộ phận sơ sài, chưa đáp ứng được các yêu cầu của VAS cũng như yêu cầu của các nhà đầu tư. Chẳng hạn, báo cáo bộ phận của Vinamilk chỉ đưa ra báo cáo kết quả ngắn gọn của bộ phận xuất khấu và bán nội địa. Thiết nghĩ Vinamilk nên báo cáo bộ phận theo lĩnh vực kinh doanh hay ngành hàng cũng như nhìn thấy được sự rủi ro của chúng.

(iii) Về việc tuân thủ phương tiện, hình thức và thời gian công bố thông tin

Năm 2011, hàng loạt công ty xin gia hạn thời gian công bố BCTC. Công ty chứng khoán Mê Kông xin dời đến 29/4 vì nguyên nhân công ty nâng cấp hệ thống, sai sót số liệu kế toán. Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1 (HT1) gia hạn thời gian công bố BCTC năm 2010 đến 25/4/2011 với lý do tương tự. Thậm chí có công ty niêm yết xin gia hạn thời gian công bố BCTC đã kiểm toán năm 2010 chậm đến 1 tháng như Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long (DCL) gia hạn thời gian công bố BCTC đến 13/5/2011 với lý do “ phần mềm kế toán của công ty đang bị lỗi”…

Theo quy chế công bố thông tin, Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) sẽ nhắc nhở và nếu vẫn tiếp tục vi phạm sẽ cảnh cáo trên toàn thị trường, đưa chứng khoán vào diện cảnh báo, kiểm soát, tạm ngừng giao dịch, báo cáo vụ việc lên thanh tra UBCKNN để xử phạt theo quy định.

Về phương tiện công bố thông tin, một số công ty niêm yết vì lý do này kia chưa công bố thông tin đầy đủ và kịp thời theo quy định.

Ngoài ra, hiện nay các công ty dường như khá vô tư trong việc công bố thông tin bất thường như trường hợp mới đây của Công ty cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC) đã vi phạm quy định về công bố thông tin bất thường theo kết luận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Tóm lại, qua khảo sát và đánh giá thực trạng về quy định và thực tế nội dung thông tin và công bố thông tin định kỳ về BCTC của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam hiện nay, có thể thấy nổi lên mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, nội dung thông tin định kỳ về BCTC phải công bố theo quy định còn một số bất cập như: hệ thống báo cáo chưa theo thông lệ quốc tế; thông tin so sánh trên báo cáo còn giới hạn; trình bày và tính toán một số chỉ tiêu trên báo cáo chưa phù hợp với thông lệ; một số thông tin cần thiết chưa được yêu cầu công bố.

Thứ hai, đó là lổ hổng về tính trung thực của thông tin công bố, khi sự có chênh lệch đáng kể số liệu tài chính trước và sau kiểm toán cùng với việc công bố lập lờ, thậm chí là không công bố các thông tin bất thường của các công ty niêm

Thứ ba, ngày càng có nhiều công ty niêm yết chưa tuân thủ các quy định về phương tiện, hình thức và thời điểm công bố thông tin.

2. Một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng thông tin định kỳ về BCTC của công ty niêm yết

(i) Đối với nội dung thông tin định kỳ về  BCTC

Thứ nhất, sửa đổi chế độ kế toán doanh nghiệp, quy định trình bày và công bố Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu (Statement of changes in equity) như là một báo cáo riêng biệt trong hệ thống BCTC.

Thứ hai, quy định BCTC công bố của công ty niêm yết  trình bày số liệu của 3 năm gần nhất (thay vì chỉ có 2 năm như hiện nay). Điều này vừa giúp nhà đầu tư có cơ sở đánh giá xác thực hơn về khả năng và xu hướng phát triển của công ty, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ ba, tách doanh thu và chi phí tài chính ra khỏi nội dung của lợi nhuận hoạt động kinh doanh, đồng thời bổ sung chỉ tiêu Lợi nhuận hoạt động tài chính trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Từ “thuần” cũng cần phải được xem xét lại, theo hướng cắt bỏ đi, vì nó rất dễ gây nhầm lẫn là đã trừ thuế thu nhập.

Thứ tư, điều chỉnh hướng dẫn để tính đúng chỉ tiêu lãi trên cổ phiếu (EPS). Theo đó, lãi dùng để tính EPS phải trừ các khoản lãi không dành cho cổ đông phổ thông (phần phân phối lợi nhuận vào các quỹ doanh nghiệp). Những khoản thưởng này sẽ được tính vào chi phí để trừ ra khỏi lãi cho việc tính EPS. Ngoài ra cũng cần xem xét việc yêu cầu trình bày chỉ tiêu EPS pha loãng trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (hoặc thuyết minh BCTC). Điều này vừa tạo điều kiện cho nhà đầu tư có thông tin để dự đoán EPS trong tương lai trong trường hợp công ty có phát hành trái phiếu chuyển đổi, vừa phù hợp với IAS 33- Lãi trên cổ phiếu.

Thứ năm, quy định việc trình bày bắt buộc một số thông tin thực sự rất hữu ích cho việc ra quyết định của nhà đầu tư. Cụ thể: Thuyết minh các khoản đầu tư tài chính tại Chỉ tiêu V.02 và V.13 trên Bản thuyết minh BCTC và việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính; công bố các thông tin về trái phiếu chuyển đổi của các công ty niêm yết tại Mục V.20 trên Bản thuyết minh BCTC. Những thông tin này là cơ sở rất quan trọng để đánh giá khả năng thanh toán, cũng như dự đoán EPS của  công ty.

Thứ sáu, quy định công bố một số nội dung trên báo cáo thường niên như: Các số liệu tài chính quan trọng phải được trình bày trong ít nhất là 4 năm (hiện nay hầu hết các công ty niêm yết chỉ trình bày 2 hoặc nhiều nhất là 3 năm; Báo cáo thường niên 2009 của P&G trình bày 11 năm). Công bố về quản trị rủi ro trên báo cáo thường niên của công ty niêm yết cũng cần được xem là nội dung bắt buộc.

(ii) Đối với việc công bố thông tin 

Thứ nhất, khuyến khích tiến tới quy định công bố BCTC bằng tiếng Anh.

Thứ hai, việc công bố các thông tin bất thường phải được hiểu và thực thi thống nhất.
Theo quy định tại Thông tư 09/2010/TT-BTC, tổ chức niêm yết phải công bố thông tin trong thời hạn hai mươi bốn (24) giờ kể khi có các sự kiện có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc tình hình quản trị của tổ chức niêm yết. Nhưng thế nào là có ảnh hưởng lớn thì chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu và quan điểm khác nhau. Công ty được cấp một dự án lớn có quy mô đầu tư hàng trăm tỷ đồng, công ty bán một tòa nhà thu lợi nhuận bằng 1/4 vốn điều lệ, công ty bị truy thu thuế hơn chục tỷ đồng…, thông tin nào là sự kiện lớn? Chính vì vậy, các thông tin bất thường thường được công bố chậm hoặc không được công bố, là điều kiện cho sự phát triển của tin đồn, của thông tin không chính thức, làm giảm tính minh bạch của thông tin trên thị trường. Như trường hợp của SQC ( Công ty cổ phần khoáng sản Sài Gòn-Quy Nhơn), lãnh đạo công ty viện dẫn rằng, họ chỉ ngưng một công đoạn sản xuất trong 5 công đoạn, chứ chưa dừng hẳn hoạt động sản xuất - kinh doanh, nên không công bố thông tin (dù công đoạn này mang lại trên 90 doanh thu, lợi nhuận của công ty).

Do vậy, việc hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí của sự kiện có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh mà công ty phải công bố trong 24 giờ là cần thiết. Chẳng hạn: sự kiện làm thay đổi lợi nhuận từ 30 vốn điều lệ ; ngưng hoạt động của một bộ phận chiếm trên 50 doanh số…

Thứ ba, có chế tài xử phạt nghiêm khắc với những vi phạm về công bố thông tin định kỳ về BCTC của công ty niêm yết.

Đối với vi phạm chậm công bố thông tin của các công ty niêm yết, mà nó có thể dẫn đến sự thiếu minh bạch của thị trường, hay nguy hại hơn là sự sụt giảm niềm tin của nhà đầu tư, chế tài xử phạt vi phạm cần phải nặng tay hơn, vừa mang tính cảnh báo, vừa mang tính răn đe và nâng cao ý thức của công ty niêm yết  trong việc công bố các thông tin. Tùy theo mức độ vi phạm trong việc chậm công bố thông tin, UBCKNN có thể phạt tiền hành chính từ 100 triệu đến 200 triệu (thay vì mức phạt tối đa 70 triệu như hiện nay), đồng thời đưa ra tín hiệu cảnh báo cho nhà đầu tư. Cần có quy định, trong một số trường hợp đặc biệt, vì những lý do khách quan, các công ty niêm yết có thể xin lùi thời hạn công bố thông tin BCTC quý hoặc năm nhưng quy định thời hạn tối đa không quá 5 ngày đối với BCTC quý và 10 ngày đối với BCTC năm, để đảm bảo sự khách quan và công bằng giữa các công ty và tính kịp thời của thông tin cho nhà đầu tư.

Thiết nghĩ, trong trường hợp chưa có những quy định về xử phạt hành chính đối với các trường hợp phải giải trình BCTC với những sai sót nghiêm trọng, cơ quan quản lý thị trường vẫn có thể áp dụng biện pháp như công bố rộng rãi danh sách các công ty thường xuyên có hiện tượng bất nhất số liệu trong BCTC trước và sau kiểm toán, công ty thường xuyên lặp lại các lỗi đã từng bị nhắc nhở... Có như vậy, nhà đầu tư mới có thể tránh rơi vào “bẫy” có thể có của các công ty, bản thân các công ty cũng ý thức hơn, cẩn trọng hơn khi xây dựng và công bố BCTC.

Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường mức xử phạt và triển khai thực hiện một cách đồng bộ thì việc thực thi nghiêm minh trong xử lý vi phạm, xử lý đúng người, đúng tội cũng là một vấn đề mà UBCKNN phải thực hiện triệt để để duy trì kỹ cương cho hoạt động của thị trường.

Thứ tư, Hoàn thiện quy trình tiếp nhận, xử lý và công bố thông tin của SGDCK.

Để đảm bảo thông tin được chuyển tải đến nhà đầu tư đầy đủ, kịp thời, SGDCK cần phải tiếp tục cải tiến quy trình tiếp nhận, xử lý và công bố thông tin. Việc sử dụng hệ thống công bố thông tin điện tử là một giải pháp hữu hiệu. Theo đó, mỗi doanh nghiệp niêm yết sẽ được cấp một mã số để gửi thông tin BCTC cần công bố theo quy định đến Sở Giao dịch qua Internet. Khi đó, Sở giao dịch sẽ kiểm tra về mặt hình thức của BCTC (về mẫu biểu, về các chỉ tiêu trên BCTC,…) rồi gửi cho các Công ty chứng khoán thành viên và đưa lên website của Sở. Việc áp dụng hệ thống thông tin điện tử sẽ vừa đảm bảo tính bảo mật, tính pháp lý của thông tin được công bố, đồng thời rút ngắn thời gian công bố thông tin. 

Song song với những giải pháp nêu trên, một số vấn đề liên quan đến  việc minh bạch hóa thông tin công bố trên TTCK Việt Nam cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc, như: tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả, chất lượng của kiểm toán độc lập; tiếp tục hoàn thiện hệ thống kế toán doanh nghiệp nói chung và hệ thống BCTC nói riêng; nâng cao vai trò của UBCKNN trong tham mưu cho Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung các văn bản pháp lý, trong giám sát, quản lý việc thực hiện các quy định trong lĩnh vực chứng khoán, đặc biệt là việc phát hành chứng khoán của các công ty niêm yết; có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ trong mối quan hệ giữa các cơ quan điều hành và các tổ chức cung ứng các dịch vụ công bố thông tin trên thị trường như: Hiệp hội kế toán, kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Hiệp hội chứng khoán Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Tài chính, Hướng dẫn về việc công bố thông tin trên TTCK, theo thông tư số 09/2010/TT-BTC ngày 15/01/2010;
2. Chính phủ,  Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, theo nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 02/08/2010
3. Trần Xuân Nam, Báo cáo thường niên và những điều nên hoàn thiện ;
 http://ketoan.org/bao-cao-thuong-nien-va-nhung-dieu-nen-hoan-thien467.html
4. Võ Văn Nhị, Vai trò của thông tin kế toán trên TTCK và Kế toán công ty cổ phần, NXB Tài chính,  2010;
5. Thông tin trên một một số trang web tài chính, kế toán năm 2010, 2011
6. International Accounting Standards Board, IAS 1: Presentation of Financial Statements, 2007-revised version, effective date of 1 January 2009, includes amendments resulting from IFRSs issued up to 31 December 2009
      http://eifrs.iasb.org/eifrs/bnstandards/en/ias1.pdf,  2011 ;
7. Financial crisis advisory group, Report of financial crisis advisory group, July, 28, 2009.
http://www.iasb.org/NR/rdonlyres/2D2862CC-BEFC-4A1E-8DDC-F159B78C2AA6/0/FCAGReportJuly2009.pdf, 2011.

Theo Tạp chí Kiểm toán số 3/2012