Tháng 9/2010, Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) công bố dự thảo và đến tháng 5/2011, phát hành IFRS 13 (Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 13) - Đo lường giá trị hợp lý (Fair Value Measurement) - có hiệu lực từ 01/01/2013. Hội đồng chuẩn mực kế toán tài chính Mỹ (FASB) cũng đã cập nhật chủ đề số 820 (báo cáo số 157 – đo lường giá trị hợp lý - ban hành năm 2006 trước đây của FASB) về giá trị hợp lý, hoàn thành một dự án lớn cải thiện IFRS (chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế) và US GAAP (các nguyên tắc kế toán được thừa nhận của Mỹ) để mang lại sự hội tụ giữa chúng. Trong khi đó, ở Việt Nam, giá gốc được quy định là một nguyên tắc kế toán cơ bản, vai trò và việc sử dụng giá trị hợp lý trong định giá còn khá mờ nhạt. Bài viết này trình bày khái quát về giá trị hợp lý và xu hướng sử dụng giá trị hợp lý để định giá trong kế toán trên thế giới hiện nay, sơ lược về thực trạng sử dụng giá trị hợp lý ở Việt Nam, từ đó đề xuất nguyên tắc và định hướng việc sử dụng giá trị hợp lý trong hệ thống kế toán Việt Nam.
1. Khái quát về giá trị hợp lý và xu hướng sử dụng giá trị hợp lý để định giá trong kế toán trên thế giới
Giá trị hợp lý (Fair value) lần đầu tiên được IASB đề cập trong IAS 16 (Chuẩn mực kế toán quốc tế số 16) - Tài sản, nhà cửa và thiết bị - như sau : “ giá trị hợp lý là giá trị tài sản có thể đem trao đổi giữa các bên có hiểu biết, có thiện chí trong một giao dịch trao đổi ngang giá”
Tháng 5 năm 2009, IASB công bố “Dự thảo chuẩn mực về đo lường giá trị hợp lý”, theo đó, giá trị hợp lý được hiểu là “giá trị sẽ nhận được khi bán một tài sản hay giá trị thanh toán để chuyển giao một khoản nợ phải trả trong một giao dịch có tổ chức giữa các bên tham gia thị trường tại ngày đo lường”. Định nghĩa về giá trị hợp lý trong dự thảo này tương tự như định nghĩa giá trị hợp lý được đưa ra trong báo cáo số 157 “Đo lường giá trị hợp lý” của Hội đồng Kế toán tài chính Mỹ (FASB) ban hành năm 2006. Tháng 9/2010, IASB công bố dự thảo IFRS 13 về giá trị hợp lý và tháng 5/2011, IASB phát hành IFRS 13 - Đo lường giá trị hợp lý (Fair Value Measurement) - có hiệu lực từ 01/01/2013 [5]
Theo IFRS 13, giá trị hợp lý được IASB xác định là giá trị sẽ nhận được khi bán một tài sản hay giá trị thanh toán để chuyển giao một khoản nợ phải trả trong một giao dịch có tổ chức giữa các bên tham gia thị trường tại ngày đo lường [5]. IFRS 13 cũng đưa ra 3 cấp độ xác định giá trị hợp lý, bao gồm :
- Cấp độ 1: Các dữ liệu tham chiếu là giá niêm yết của các tài sản hay nợ phải trả đồng nhất trong các thị trường hoạt động (active market) mà tổ chức có thể thu thập tại ngày đo lường;
- Cấp độ 2: Các dữ liệu tham chiếu có thể thu thập cho tài sản hay nợ phải trả, trực tiếp (giá thị trường) hay gián tiếp (xuất phát từ giá thị trường), khác giá niêm yết của cấp độ 1;
- Cấp độ 3: dữ liệu tham chiếu không sẳn có tại ngày đo lường, doanh nghiệp phát triển các dữ liệu tham chiếu bằng cách sử dụng các thông tin tốt nhất đã có, mà có thể bao gồm dữ liệu riêng của doanh nghiệp.
Như vậy, IFRS 13 đã “ phát triển tính nhất quán và giảm thiểu độ phức tạp bằng cách cung cấp, lần đầu tiên, một định nghĩa chính thức về giá trị hợp lý, thống nhất phương pháp đo lường giá trị hợp lý và yêu cầu công bố thông tin để sử dụng trong hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế “ [7]
Thực ra, cho đến nay, vẫn còn không ít những tranh luận xung quanh việc sử dụng giá trị hợp lý (vấn đề được tranh luận nhiều nhất là tính đáng tin cậy và phương pháp xác định giá trị hợp lý). Song, những ưu điểm của giá trị hợp lý và lợi ích của sử dụng giá trị hợp lý là không thể phủ nhận. Điều này thể hiện qua một số khía cạnh sau : (i) giá trị hợp lý phản ánh được những thay đổi của thị trường ; (ii) những giả định dùng để ước tính giá trị hợp lý có thể được xác định và kiểm chứng, ngày càng mang tính khách quan hơn với sự phát triển của hệ thống thông tin và sự phát triển của các thị trường chuyên ngành, nó cũng được yêu cầu công bố, vì vậy khả năng lạm dụng giá trị hợp lý được hạn chế đáng kể; (iii) các mô hình định giá cho những trường hợp không có giá thị trường hiện đang phát triển và từng bước hoàn thiện.
Về xu hướng sử dụng giá trị hợp lý, các hướng dẫn được quy định trong IFRS 13 và những cập nhật tại chủ đề số 820 (báo cáo số 157 trước đây của FASB) vào tháng 5/2011 đã hoàn thành một dự án lớn cải thiện IFRS và US GAAP để mang lại sự hội tụ giữa chúng. Leslie F Seidman, Chủ tịch của FASB, cho biết: “ Cập nhật này đại diện cho một bước tiến tích cực hướng tới mục tiêu chia sẻ trên toàn thế giới hội tụ các chuẩn mực kế toán. Việc thống nhất ý nghĩa của giá trị hợp lý sẽ cải thiện tính nhất quán của thông tin tài chính trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng đáp ứng yêu cầu tăng cường công bố về các giả định được sử dụng trong các phương pháp đo lường giá trị hợp lý” [7].
Như vậy, những ưu điểm nổi bật của giá trị hợp lý đã được bộc lộ về lý thuyết lẫn thực tiễn. Cùng với những nỗ lực của IASB và FASB và một số quốc gia trong việc thúc đẩy việc tạo lập cơ sở và ứng dụng giá trị hợp lý, có thể khẳng định, việc sử dụng giá trị hợp lý để định giá trong kế toán đang trở thành một xu hướng tất yếu hiện nay.
2. Sơ lược thực trạng sử dụng giá trị hợp lý trong hệ thống kế toán Việt Nam
Ở Việt Nam, giá gốc được quy định là một nguyên tắc cơ bản của kế toán Việt Nam. Vai trò của giá trị hợp lý còn khá mờ nhạt.
Thực ra, ở Việt Nam, giá trị hợp lý đã được đề cập đến từ hơn 10 năm nay, và đầu tiên được định nghĩa trong chuẩn mực kế toán số 14 - Doanh thu và thu nhập khác : “giá trị hợp lý là giá trị tài sản có thể trao đổi hoặc giá trị một khoản nợ được thanh toán một cách tự nguyện giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong trao đổi ngang giá”. Trong kế toán Việt Nam, giá trị hợp lý được sử dụng chủ yếu trong ghi nhận ban đầu, chẳng hạn : ghi nhận ban đầu tài sản cố định, doanh thu, thu nhập khác, ghi nhận ban đầu và báo cáo các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ, xác định giá phí hợp nhất kinh doanh…
Về phương pháp xác định giá trị hợp lý, ngoại trừ đoạn 24 của chuẩn mực kế toán số 4- Tài sản cố định vô hình- có đề cập đến phương pháp xác định giá trị hợp lý của tài sản cố định vô hình, và thông tư 21/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006 của Bộ tài chính có hướng dẫn việc xác định giá trị hợp lý trong xác định giá phí hợp nhất kinh doanh, đến nay chưa có hướng dẫn chính thức và thống nhất về phương pháp xác định giá trị hợp lý trong kế toán. Thực ra, ngày 13/03/2006, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 17/TT/BTC hướng dẫn Nghị định 101/2005/NĐ-CP về thẩm định giá, trong đó có quy định khá cụ thể các phương pháp định giá. Tuy nhiên, việc áp dụng các phương pháp này như thế nào trong kế toán vẫn còn bỏ ngõ.
Sức ép của yêu cầu hội nhập và cả sức ép của yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam chỉ ra rằng, trong một tương lai không xa, giá trị hợp lý phải là cơ sở định giá chủ yếu trong hệ thống kế toán Việt Nam. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, giá trị hợp lý và việc sử dụng giá trị hợp lý ở Việt Nam tuy đã có những bước khởi đầu nhất định song vẫn mang tính chấp vá, chưa có một định hướng rõ ràng về việc sử dụng giá trị hợp lý. Điều này thể hiện qua các điểm chủ yếu sau :
- Chưa xác định một cách rõ ràng và nhất quán về tính tất yếu của việc sử dụng giá trị hợp lý là cơ sở định giá chủ yếu trong kế toán;
- Định nghĩa giá trị hợp lý chưa rõ ràng, chưa đầy đủ;
- Các quy định về giá trị hợp lý và sử dụng giá trị hợp lý trong kế toán nằm rải rác trong các chuẩn mực, mang tính chấp vá, thiếu tính hệ thống;
- Chưa có hướng dẫn chính thức và thống nhất về phương pháp xác định giá trị hợp lý trong kế toán ;
- Giá trị hợp lý sử dụng chủ yếu cho ghi nhận ban đầu, chưa sử dụng để trình bày các khoản mục sau ghi nhận ban đầu, do đó chưa đạt được mục đích ghi nhận và trình bày các khoản mục theo những thay đổi của thị trường.
Cũng cần lưu ý thêm rằng, bên cạnh sự chưa hoàn chỉnh một hệ thống thị trường hoạt động (active market) ở Việt Nam, cũng như sự thiếu vắng các quy định và hướng dẫn về giá trị hợp lý và sử dụng giá trị hợp lý, thì vấn đề đang là một rào cản đáng kể ngăn cản sự phát triển và sử dụng giá trị hợp lý chính là vấn đề về nhận thức, đó là niềm tin vào tính đáng tin cậy của giá trị hợp lý.
3. Định hướng sử dụng giá trị hợp lý trong hệ thống kế toán Việt Nam
(i) Về nguyên tắc
Sử dụng giá trị hợp lý phải phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam ; việc tiến tới sử dụng giá trị hợp lý như là một cơ sở định giá chủ yếu trong kế toán cần phải có lộ trình hợp lý.
Việc sử dụng giá trị hợp lý phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế nhằm : đáp ứng yêu cầu hội nhập, các tiêu chuẩn đánh giá của Việt Nam sẽ tương đồng với các tiêu chuẩn đánh giá của quốc tế; đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống kế toán, theo đó, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện nay xây dựng dựa trên chuẩn mực kế toán quốc tế, và việc định giá cũng không thể khác được.
Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá non trẻ, nhiều dữ liệu tham chiếu chưa có, nếu áp dụng ngay toàn bộ theo chuẩn mực quốc tế sẽ ảnh hưởng đến tính đáng tin cậy của thông tin được định giá theo giá trị hợp lý. Do vậy, việc sử dụng giá trị hợp lý cần tính toán phù hợp với đặc điểm kinh tế của từng giai đoạn. Theo đó, việc xác định một lộ trình hợp lý là cần thiết. Lộ trình này có thể bao gồm 2 giai đoạn chính, liên quan đến các giải pháp ngắn hạn và dài hạn.
(ii) Về giải pháp
- Trong ngắn hạn :
Thứ nhất, thực hiện các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tăng cường các hội thảo… nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận về việc phát triển và sử dụng giá trị hợp lý trong định giá, từ cơ quan chức năng, người làm công tác kế toán, cho đến các đối tượng sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính (BCTC).
Thứ hai, điều chỉnh Luật kế toán, chuẩn mực chung (VAS 1) ; ban hành hướng dẫn áp dụng giá trị hợp lý, chuẩn hóa định nghĩa giá trị hợp lý, giải thích các cấp độ, phương pháp xác định giá trị hợp lý, quy định sự cân đối giữa các đặc tính chất lượng và các tiêu chuẩn đánh giá.
Trên cơ sở Luật kế toán và VAS1, Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn áp dụng giá trị hợp lý, chuẩn hóa định nghĩa giá trị hợp lý, giải thích các cấp độ, phương pháp xác định giá trị hợp lý, quy định sự cân đối giữa các đặc tính chất lượng và các tiêu chuẩn đánh giá khi có hạn chế thông tin giữa tính thích hợp và tính đáng tin cậy, cũng như nội dung và phạm vi các thông tin cần công bố trong thuyết minh BCTC. Những hướng dẫn và giải thích này sẽ là cơ sở quan trọng để từng bước tạo lập hành lang pháp lý cho việc áp dụng giá trị hợp lý trong kế toán, trước khi có một chuẩn mực chính thức về đo lường giá trị hợp lý trong kế toán Việt Nam.
Thứ ba, bổ sung, cập nhật, nội dung các chuẩn mực kế toán hiện hành có liên quan đến giá trị hợp lý.
Trong quá trình rà soát và điều chỉnh các chuẩn mực kế toán đã ban hành, cần bổ sung các quy định về định giá theo hướng tiếp cận các chuẩn mực kế toán quốc tế. Các quy định bổ sung cần hướng đến việc tạo lập sự thống nhất, theo đó, cần quy định trong chuẩn mực các yêu cầu trình bày thông tin về giá trị hợp lý.
Trước mắt, giá trị hợp lý nhất thiết phải được sử dụng sau ghi nhận ban đầu đối với : bất động sản đầu tư, công cụ tài chính, hợp nhất kinh doanh; các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, đầu tư vào công ty con, bởi lẻ, nếu phản ánh theo giá gốc sẽ không phản ánh được những thay đổi của thị trường, không phản ánh được lãi - lỗ chưa thực hiện vào đúng kỳ mà nó phát sinh.
- Trong dài hạn
Thứ nhất, Ban hành chuẩn mực Đo lường giá trị hợp lý
Trong vòng 5 năm tới, Việt Nam cần nghiên cứu ban hành chuẩn mực Đo lường giá trị hợp lý. Chuẩn mực này được xây dựng theo hướng tiếp cận và phù hợp với IFRS 13.
Thứ hai, Hoàn chỉnh hệ thống chuẩn mực kế toán áp dụng giá trị hợp lý làm cơ sở đo lường chủ yếu.
Bên cạnh việc bổ sung, cập nhật các chuẩn mực kế toán đã ban hành phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế, trong những năm tiếp theo, Việt Nam cần tiếp tục ban hành các chuẩn mực còn thiếu. Nội dung của các chuẩn mực được xây dựng theo hướng cập nhật chuẩn mực kế toán quốc tế, đặc biệt là phù hợp với điều kiện áp dụng giá trị hợp lý trong định giá và IFRS 13. Kết quả là, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam không chỉ phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế mà còn là hệ thống chuẩn mực kế toán áp dụng giá trị hợp lý làm cơ sở định giá chủ yếu, phù hợp với thông lệ và xu hướng quốc tế.
Thứ ba, từng bước hoàn chỉnh một hệ thống thị trường hoạt động (active market); đồng bộ và minh bạch hóa hành lang pháp lý về kinh doanh. Thị trường hàng hóa và thị trường tài chính Việt Nam phải được xây dựng ngày càng “ hoạt động” để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm các dữ liệu tham chiếu trong đo lường giá trị hợp lý./.
Kết luận
Giá trị hợp lý đang dần khẳng định những ưu thế của mình trong định giá, việc sử dụng giá trị hợp lý được IASB, FASB ủng hộ và đang chuẩn bị những cơ sở quan trọng cho việc áp dụng rộng rãi tại các quốc gia. Quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế và kế toán tạo ra sức ép đáng kể về việc nghiên cứu và sử dụng giá trị hợp lý trong hệ thống kế toán Việt Nam. Tuy nhiên, việc tiến tới sử dụng giá trị hợp lý như là một cơ sở định giá chủ yếu trong kế toán cần phải có lộ trình hợp lý. Với những giải pháp thích hợp được thực đồng bộ, hiệu quả trong từng giai đoạn cụ thể, hy vọng trong một tương lai không xa, giá trị hợp lý sẽ trở thành cơ sở định giá chủ yếu trong hệ thống kế toán Việt Nam, đáp ứng hiệu quả yêu cầu hội nhập quốc tế về kinh tế và kế toán.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài Chính, 26 chuẩn mực kế toán , ban hành từ năm 2001 đến 2005;
2. Bộ tài chính , Hướng dẫn kế toán thực hiện bốn chuẩn mực kế toán,ban hành theo thông tư số 21/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006;
3. Lê Vũ Ngọc Thanh, Định hướng về việc sử dụng giá trị hợp lý trong hệ thống kế toán doanh nghiệp Việt Nam, Luận văn thạc sĩ kinh tế, ĐH Kinh tế TP.HCM, 2005.
4. Nguyễn Thế Lộc, Tính hợp lý của“ Giá trị hợp lý” trong hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, Tạp chí Kiểm toán số 11, năm 2010;
5. Deloitte, IFRS 13 Fair value measurement, http://www.iasplus.com/standard/ifrs13.htm
6. IASB, IAS 16: Property, Plant and Equipment, http://eifrs.iasb.org/eifrs/bnstandards/en/ias16.pdf
7. IFRS, IASB and FASB issue common fair value measurement and disclosure requirements, http://www.ifrs.org/News/Press+Releases/IFRS+13+FVM+May+2011.htm
Theo Tạp chí Kiểm toán số 1/2012