Với chức năng đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả và sự hữu hiệu của các hoạt động trong đơn vị, để cải tiến hệ thống quản lý và hoạt động của đơn vị, kiểm toán hoạt động ngày càng có vai trò quan trọng và trong tương lai có thể sẽ là loại hình kiểm toán được thực hiện chủ yếu cả ở khu vực công và các doanh nghiệp, tổ chức khác. Với đối tượng kiểm toán đa dạng, không có chuẩn mực thống nhất, kiểm toán hoạt động phải sử dụng nhiều phương pháp nghiệp vụ, kỹ năng phân tích, đánh giá khác nhau. Một trong những phương pháp kiểm toán hiện đại được nhiều quốc gia phát triển áp dụng trong kiểm toán hoạt động là phương pháp phân tích vấn đề.
1. Tại sao áp dụng phương pháp phân tích vấn đề trong kiểm toán
Phương pháp phân tích vấn đề được sử dụng để xác định và xây dựng một bức tranh toàn cảnh về cấu trúc của một vấn đề đang được nghiên cứu, xem xét. Phương pháp phân tích vấn đề được sử dụng trong nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực kiểm toán, phương pháp này được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu áp dụng. Tại Vương quốc Anh, phương pháp phân tích vấn đề là một cách tiếp cận kiểm toán do cơ quan Kiểm toán Nhà nước xây dựng từ năm 1993. Trong Cẩm nang hướng dẫn về kiểm toán hoạt động năm 2009, cơ quan Tổng kiểm toán Cộng hòa Kosovo cũng nhấn mạnh đến phương pháp này. Phân tích vấn đề giúp xây dựng hoạt động kiểm toán được cấu trúc tốt theo thời gian và kinh phí trong mọi giai đoạn của cuộc kiểm toán. Ở giai đoạn lập kế hoạch, phân tích vấn đề giúp trả lời câu hỏi: Nội dung của nghiên cứu đó là gì? Chúng ta cần thu thập bằng chứng gì? Trong giai đoạn thực hiện kiểm toán, phương pháp phân tích vấn đề hỗ trợ các kiểm toán viên (KTV) trong việc xác định nguồn và cách thức thu thập các bằng chứng kiểm toán (đã được phân tích tại kế hoạch kiểm toán). Ở giai đoạn lập báo cáo kiểm toán, phân tích vấn đề giúp trả lời câu hỏi: Các bằng chứng chỉ ra điều gì? Báo cáo kiểm toán nên trình bày những nội dung gì?
Mặc dù phân tích vấn đề hữu dụng đối với mọi cuộc kiểm toán, nhưng phương pháp này phát huy hiệu quả nhất đối với loại hình kiểm toán hoạt động (KTHĐ). Bởi lẽ, đối với các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ, đối tượng kiểm toán là tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, đối tượng kiểm toán của một cuộc KTHĐ lại hết sức đa dạng. Nhiều cuộc KTHĐ gặp phải vấn đề là khi KTV đến đơn vị và thực hiện kiểm toán thì phát hiện ra nhiều vấn đề, trong đó một số vấn đề có liên quan đến cuộc kiểm toán, một số vấn đề khác lại không liên quan nhiều. Có những trường hợp KTV gặp khó khăn trong việc quyết định vấn đề có liên quan, vì vậy họ cần có cách để phát hiện ra thông điệp chính và tránh các thông tin không cần thiết. Vấn đề này cũng lặp lại trong giai đoạn thực hiện kiểm toán và trình bày báo cáo kiểm toán. Báo cáo kiểm toán có thể chứa đựng nhiều thông tin rất hữu ích, nhưng người đọc thì thấy rất khó để tìm ra thông điệp chính, dẫn đến hiểu nhầm hoặc mất đi sự chú ý. Như vậy, chúng ta cần có cách để xác định thông điệp chính và tránh các thông tin không cần thiết. Bằng cách thực hiện phân tích vấn đề, chúng ta xác định (lựa chọn) được các vấn đề (câu hỏi) chính mà một cuộc KTHĐ phải trả lời. Từ đó, khi xây dựng kế hoạch kiểm toán phải chọn lựa được các phương pháp kiểm toán để trả lời được các vấn đề kiểm toán chính đó bằng cách thu thập và phân tích bằng chứng.
2. Lựa chọn vấn đề kiểm toán
Thông thường, các tình huống hoặc sự kiện trong các tổ chức hoặc các chương trình mà việc thực hiện không thỏa đáng có thể được xem như những vấn đề. Một vấn đề kiểm toán là một vấn đề được thiết lập và thực tế có thể kiểm toán. Nó có thể liên kết với một hoặc nhiều hơn trong 3 nội dung về tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả. Về lý thuyết, KTHĐ có thể tập trung vào hàng loạt những vấn đề khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, KTHĐ đưa ra sự ưu tiên đối với những vấn đề thích đáng cho số đông hoặc một nhóm đối tượng chứ không riêng cho một vài cá nhân và là những vấn đề dài hạn và có tính chất cấu trúc. Các vấn đề được xem xét từ các khía cạnh khác nhau. Chẳng hạn: Điều được xem như một vấn đề đối với hiệu trưởng một trường tiểu học có thể không được coi là vấn đề đối với các giáo viên hoặc các học sinh, các phụ huynh, các nhà quản lý, các nhân viên vệ sinh và các nhà chính trị. Vì vậy, KTV nên tạo ra sự đánh giá độc lập và công bằng, tiếp cận vấn đề từ các khía cạnh khác nhau.
Các vấn đề kiểm toán khả thi xuất phát từ kết quả của công tác khảo sát trước kiểm toán. Trong suốt quá trình khảo sát và thu thập thông tin, KTV nên (i) nhận biết và phân tích các đặc điểm của các vấn đề được phát hiện. Sau đó, (ii) xác định vấn đề có thể kiểm toán từ những vấn đề được phát hiện bằng câu hỏi: Tại sao phải kiểm toán? Kết quả của hai bước này sẽ đưa ra vấn đề kiểm toán chính. Khi có một số vấn đề được nhận diện, cần phải giới hạn phạm vi bằng việc lựa chọn vấn đề kiểm toán được xét đoán là quan trọng nhất để kiểm toán, vì chúng ta không đủ khả năng để kiểm toán tất cả các vấn đề được nhận diện qua khảo sát. Vấn đề kiểm toán quan trọng nhất có thể được xác định bằng việc sử dụng tiêu chuẩn lựa chọn trong mối liên hệ với cây vấn đề và/hoặc với mô hình đầu vào/đầu ra. Sau khi xác định vấn đề kiểm toán chính, việc xây dựng cây vấn đề (được mô tả ở mục 3 dưới đây) sẽ cung cấp cấu trúc cho việc khảo sát, đảm bảo cách tiếp cận vấn đề theo cấu trúc nghiêm ngặt. Câu hỏi được chi tiết ở mức độ nhất định chính là các nhiệm vụ (phần việc/phần hành) kiểm toán và cần thu thập các bằng chứng kiểm toán để đưa ra nhận định.
3. Kỹ thuật phân tích cây vấn đề
Phương pháp phân tích vấn đề được thực hiện qua việc xây dựng cây vấn đề. Sở dĩ gọi là “cây vấn đề” bởi vấn đề đã nhận diện (còn gọi là vấn đề cốt lõi) được phân tích dưới hình thức của một cái “cây”. Cây vấn đề minh họa cấu trúc của vấn đề cốt lõi và các “nguyên nhân”, “hậu quả” của nó. Phần rễ cây minh họa các nguyên nhân và phần cành cây minh họa các hậu quả. Một vấn đề được thể hiện trong Cây vấn đề là một trong các nguyên nhân của vấn đề đặt ở tầng trên cũng như là hậu quả của vấn đề được đặt ở tầng dưới. Các nguyên nhân và hậu quả được xác định qua việc trả lời cặp câu hỏi - trả lời: “Tại sao - Vì” cho mỗi vấn đề trong cây vấn đề. Như vậy, một cây vấn đề sẽ có các vấn đề được sắp xếp theo trật tự trên dưới và gắn bó với nhau theo trình tự logic hết sức chặt chẽ nhằm mục đích xác lập một cái nhìn tổng thể về vấn đề thông qua liên kết các vấn đề với nhau thành “cây vấn đề”.
Có thể thấy: Việc phân tích cây vấn đề được sử dụng để thuật lại và liên kết những vấn đề liên quan một cách có thứ bậc theo cách thức chúng ảnh hưởng thế nào đến những vấn đề khác. Bất cứ một hộp nào trong cây đều được coi như một vấn đề. Các nguyên nhân của vấn đề đó sẽ được tìm thấy khi bạn dịch chuyển về phía dưới cây vấn đề và các hậu quả là những hộp khi bạn dịch chuyển về phía trên. Mục đích chính là để xác định/nhận diện những vấn đề kiểm toán khả thi từ kết quả khảo sát.
Trước khi đến được bản cuối cùng của cây vấn đề, đội ngũ kiểm toán sẽ phải trình bày lại nhiều vấn đề và loại bỏ bớt đi những vấn đề khác. Những vấn đề có mối tương quan với nhau mà có cùng những nguyên nhân và những hậu quả giống nhau phải được hợp nhất. Trong ví dụ này, các vấn đề như thái độ kém hoặc sự nghèo túng được bỏ ra vì chúng nằm ngoài những gì có thể kiểm toán trong trường hợp này. Những vấn đề khác có thể được loại trừ một cách đơn giản vì các KTV đã đánh giá chúng là không quá quan trọng.
Khi lựa chọn vấn đề kiểm toán, có thể xảy ra hai chiều hướng sau:
- Nếu KTV lựa chọn vấn đề kiểm toán ở mức rất cao - có nghĩa là cây vấn đề bao gồm nhiều vấn đề nhỏ (chẳng hạn vấn đề: Nhiều học sinh bỏ học trong ví dụ trên): Trong trường hợp này, cuộc kiểm toán sẽ là mối quan tâm lớn đối với các bên liên quan, nhưng nó có thể không khả thi để giải quyết một cách toàn diện vì có rủi ro là KTV sẽ thiếu năng lực hoặc đòi hỏi các nguồn lực lớn một cách bất hợp lý để bao quát tất cả các khía cạnh quan trọng của vấn đề kiểm toán.
- Trong trường hợp vấn đề kiểm toán được lựa chọn ở mức rất thấp (có nghĩa là chỉ bao gồm rất ít vấn đề nhỏ) thì sẽ có khả năng để khảo sát kỹ lưỡng, nhưng sẽ nhận được ít sự quan tâm của các bên liên quan.
Do vậy, việc lựa chọn vấn đề để kiểm toán luôn là bài toán cân nhắc cẩn thận với nguồn lực kiểm toán hiện có. Trong ví dụ trên, phương án lựa chọn vấn đề kiểm toán “trường học không hấp dẫn học sinh”, hoặc hẹp hơn là “sự triển khai thiếu hiệu quả của các giáo viên” được coi là tương đối hợp lý. Khi có sự phân vân thì lựa chọn một vấn đề kiểm toán ở cấp thấp hơn thông thường sẽ tốt hơn là cấp cao hơn. Các vấn đề trong thực tế thường phức tạp và rắc rối hơn dự tính ban đầu. Với những luận cứ tốt, đoàn khảo sát có thể giải thích cho các bên liên quan một vấn đề được lựa chọn ở mức độ thấp có quan hệ thế nào với những vấn đề ở cấp cao hơn. Do vậy, chúng ta cũng có thể lựa chọn cách tiến hành các cuộc kiểm toán song song, trong đó mỗi cuộc đề cập đến những vấn đề có liên quan ở mức thấp hơn. Kết quả của những cuộc kiểm toán riêng biệt (nhưng phối hợp) này sau đó có thể được sử dụng trong một báo cáo tổng hợp nhằm giải quyết các vấn đề ở cấp độ cao hơn.
Có một lưu ý là việc tổ chức các ý tưởng theo cách thức của cây vấn đề có thể sẽ tốn thời gian, vì cây vấn đề sẽ phải được chỉnh sửa vài lần trước khi Đoàn khảo sát, Đoàn/Tổ kiểm toán thống nhất với kết quả. Việc phân tích cây vấn đề bao gồm các giai đoạn khác nhau. Trước hết, những ý tưởng mới và sáng tạo được đưa ra, sau đó, các ý tưởng đưa ra được nhận xét, đánh giá. Việc phản hồi, đánh giá về cây vấn đề có thể tham vấn ý kiến của các KTV khác tại đơn vị chủ trì và các đơn vị có liên quan. Điều này rất có thể sẽ cung cấp những quan điểm mới và tạo ra hiểu biết tốt hơn về cây vấn đề đang có.
4. Kết luận
Phân tích vấn đề là phương pháp hữu ích hỗ trợ việc lập kế hoạch kiểm toán và trong suốt quá trình thực hiện cuộc kiểm toán nói chung, KTHĐ nói riêng. Có thể tóm tắt những lợi ích của phương pháp này như sau:
- Chi tiết mục tiêu kiểm toán (các vấn đề/câu hỏi cấp cao) thành những nhiệm vụ kiểm toán cụ thể logic và chặt chẽ, phối hợp với các phương pháp kiểm toán và nguồn thu thập bằng chứng chi tiết;
- Tạo ra một bức tranh tổng thể về cuộc kiểm toán và các nội dung kiểm toán một cách đầy đủ và logic;
- Cách tiếp cận dựa vào nhóm, nhờ vậy tạo được sự thống nhất cao trong cách hiểu và thực hiện kiểm toán;
- Tập trung nguồn lực kiểm toán một cách hiệu quả nhất;
- Cung cấp kế hoạch cho công việc kiểm toán tại hiện trường một cách chặt chẽ và sát thực;
- Cung cấp cấu trúc báo cáo kiểm toán rõ ràng, nêu bật những vấn đề chính, giảm đi các thông tin không cần thiết;
- Tiết kiệm thời gian kiểm toán.
Tóm lại, với những lợi ích nêu trên, việc tiếp cận phương pháp phân tích vấn đề trong KTHĐ mang lại hiệu quả vượt trội, cho dù cần phải có thời gian nhất định cho việc xây dựng một cây vấn đề logic và chặt chẽ.
Tài liệu tham khảo:
1. Performance Audit Guide, August 2009, Office of the Auditor General, Republic of Kosovo.
2. Kiểm toán hoạt động, 2006, Tài liệu đào tạo, Dự án EU/KTNN.
Theo Tạp chí Kiểm toán số 1/2012