Tiến hành kiểm toán hoạt động - Sự phát triển trong thực thi quyền năng của Kiểm toán Nhà nước

NCS. TRẦN THỊ NGỌC HÂN - Khoa Kế toán - Học viện Tài chính.

Sự kiện ra đời Kiểm toán Nhà Nước (KTNN) năm 1994 đã đánh dấu một bước hoàn thiện dần bộ máy công quyền của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa(XHCN) ở Việt Nam. Nhà nước đã có thêm một công cụ mạnh để thực thi quyền kiểm tra, kiểm soát vĩ mô đối với các hoạt động tài chính công. KTNN ra đời cùng với kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập đã làm cho hệ thống kiểm toán Việt Nam được đầy đủ xét về mặt chủ thể kiểm toán. Ngoài ra với chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của mình, cơ quan kiểm toán tối cao của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có thể góp phần to lớn trong việc lành mạnh hóa các quan hệ tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả việc sử dụng và chi dùng ngân sách nhà nước.

KTNN cũng như các chủ thể kiểm toán khác có 3 chức năng cơ bản: Kiểm tra, thẩm định các thông tin về tài chính, xác nhận tính trung thực, khách quan, tính đầy đủ, kịp thời, tính hợp pháp hợp lý, hợp thủ tục của các thông tin đó và qua kiểm toán, KTNN sẽ tư vấn cho khách thể kiểm toán, cho các chủ thể quản lý, cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong quá trình lành mạnh hóa và hiệu quả hóa các hoạt động tài chính công. Muốn làm được điều đó, KTNN sẽ phải tiến hành cả 3 loại hình kiểm toán: Kiểm toán tài chính, Kiểm toán tuân thủ và Kiểm toán hoạt động. Tuy nhiên, để thực thi hết thẩm quyền và trách nhiệm của mình, KTNN phải có một quá trình phát triển, cần thời gian để hoàn thiện tổ chức, phát triển nhân lực kiểm toán và hoàn thiện các giải pháp nghiệp vụ của mình. Ví như, trong thời gian hơn 16 năm qua, KTNN chưa thể thực hiện đầy đủ hàng năm việc kiểm toán quyết toán NSNN của tất cả các tỉnh, thành phố, bộ, ban ngành trước khi HĐND và Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN. Hoặc như, nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia, nhiều DN nhà nước có tầm ảnh hưởng to lớn trong nền kinh tế quốc dân, đôi khi vẫn chưa thường xuyên được kiểm toán. Ngoài ra, từ ngày thành lập đến nay, KTNN vẫn chưa đủ điều kiện để thực thi các cuộc kiểm toán hoạt động một cách độc lập và phổ biến.. Tuy vậy, từ nhiều cách tiếp cận và với sự nỗ lực to lớn của mình, suốt thời gian qua, KTNN đã và đang tích lũy những điều kiện tiềm năng để thực thi kiểm toán hoạt động.

Những cuộc kiểm toán đầu tư, dự án, những cuộc kiểm toán doanh nghiệp nhà nước, kiểm toán quyết toán NSNN trong hơn 16 năm qua nếu đọc kỹ các báo cáo kiểm toán sẽ thấy rõ nhiều đánh giá, kết luận đã có thiên hướng chuyển qua cách nhìn, cách xem xét và đo lường những yếu tố mang tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả của việc chi tiêu dòng tiền ngân sách. Đặc biệt, những cuộc kiểm toán đối với công trình giao thông  Bắc Thăng Long-Nội Bài,  Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn, quyết toán giai đoạn I đường Hồ Chí Minh, Công trình nước sạch nông thôn, Dự án tiêm chủng mở rộng…đã có rất nhiều nội dung tiếp cận theo cách của kiểm toán hoạt động. Nói như vậy để thấy, khi triển khai kiểm toán hoạt động, KTNN đã có được những sự chuẩn bị ban đầu khá quan trọng.

Nhìn về nhận thức, chúng ta thấy ngay trong nghị định của Chính phủ về việc thiết lập cơ quan KTNN, thì nội dung kiểm toán hoạt động hầu như chưa được đề cập trực tiếp và rõ ràng. Sau đó, KTNN đã nghiên cứu về kiểm toán hoạt động qua các đề tài Cấp Bộ, Cấp Nhà nước. Dự thảo pháp luật KTNN đã chú trọng đến nội dung này và đến dự thảo Luật KTNN, phản ánh tư tưởng của đề tài chiến lược phát triển KTNN và đề tài Cấp Nhà nước về hoàn thiện hệ thống kiểm toán Việt Nam đã ghi rất rõ: KTNN thực hiện cả 3 loại hình kiểm toán. Năm 2005, Quốc hội đã luật hóa tư tưởng này trong Luật KTNN có hiệu lực từ 1-1-2006. Đây là một thành tựu của sự phát triển tư tưởng về KTNN và cũng phản ánh bước phát triển đi lên của cơ quan KTNN xét về các phương diện: nhận thức, hoàn thiện tư tưởng và quan điểm, tổ chức và hoạt động kiểm toán. Từ đó, việc tiến hành kiểm toán hoạt động trở thành quyền và nghĩa vụ bắt buộc của KTNN.

Mục tiêu cơ bản của Kiểm toán hoạt động do KTNN thực hiện là việc đánh giá theo 4 tiêu chí:
- Tính kinh tế
- Tính hiệu lực
- Tính hiệu quả của các hoạt động kinh tế, tài chính có sử dụng nguồn lực NSNN và tài sản công.
- Ngoài ra, kiểm toán hoạt động công còn chú trọng đánh giá hiệu năng quản lý, tức năng lực chức trách bổn phận được giao của các chủ thể quản lý. Những tiêu chí đánh giá này có nội hàm sâu xa hy vọng sẽ có dịp đề cập trở lại ở các bài viết sau. Ở đây, chỉ xin nhấn mạnh: 4 tiêu chí này có quan hệ hữu cơ khi đánh giá quá trình chi dùng, sử dụng vốn, tài sản công cho các hoạt động có mục tiêu quốc gia. Điều này sẽ ngày càng đặc biệt quan trọng khi Nhà nước, Nhân dân và các chủ thể kiểm toán ngày càng chú trọng vào việc đánh giá chất lượng các hoạt động của các cơ quan, tổ chức được thụ hưởng NSNN.

Ở các quốc gia tiên tiến, những nơi mà KTNN đã có hàng trăm năm phát triển, khi mà các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp có ý thức và thói quen tôn trọng và thực thi pháp luật, khi bộ máy giám sát, kiểm tra đã đủ mạnh thì tỷ lệ các cuộc kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ giảm dần, tỷ lệ các cuộc kiểm toán hoạt động tăng lên đáng kể là một thực tế. Tại tuyên bố LIMA (1977) và tuyên bố TOKYO (1985), INTOSAI đều có qui định các cơ quan KTNN ( Kiểm toán tối cao) phải tiến hành kiểm toán hoạt động, không chỉ tính đến các khía cạnh quản lý tài chính mà còn bao hàm các hoạt động toàn diện về quản lý, về hệ thống tổ chức và hành chính nhằm thúc đẩy việc gia tăng trách nhiệm của hệ thống này.

Muốn thực thi kiểm toán hoạt động, KTNN cần chuẩn bị từng bước các điều kiện cần và đủ để đảm bảo cho kết quả kiểm toán . Có thể chỉ ra các điều kiện sau:

- Qui định pháp lý và môi trường pháp lý cần thiết để đảm bảo quyền năng cho KTNN tiến hành kiểm toán hoạt động. Trong đó các qui định cụ thể về kiểm toán hoạt động, hệ thống chuẩn mực kiểm toán và các chỉ dẫn về kiểm toán hoạt động phải được chú trọng đặc biệt.

- Nhà nước trong hoạt động của mình, phải hình thành một môi trường kiểm soát và kiểm toán hướng sự chú ý của mọi chủ thể quản lý và nhân dân vào việc chi dùng cho hiệu quả nguồn tài lực luôn có hạn của NSNN cũng như đánh giá trách nhiệm của tổ chức và người quản lý.

- Nhà nước phải ban hành hoặc định hướng  cho chính bản thân các chủ thể quản lý ban hành được đầy đủ, toàn diện các thước đo cơ bản để đo lường tính kinh tế, tính hiệu lực, hiệu quả và hiệu năng quản lý cho từng ngành, lĩnh vực, dự án sử dụng nguồn vốn công thông qua hệ thống định mức, tiêu chuẩn về kinh tế, kỹ thuật, hoặc về xã hội phải rõ và có thể đo lường, so sánh được.

- Cơ quan KTNN phải có đủ cơ cấu, tổ chức, lực lượng kiểm toán viên có đủ phẩm chất trình độ, nghiệp vụ được chuyên nghiệp hóa về các lĩnh vực mà kiểm toán hoạt động có thể tham gia, để họ có thể am tường và đánh giá được các đối tượng kiểm toán ngày càng phức tạp.

- Cơ quan KTNN, các đoàn, các tổ kiểm toán và các kiểm toán viên phải có đầy đủ các điều kiện : được cung cấp thông tin, có công cụ mạnh về phần cứng, phần mềm kiểm toán, được đãi ngộ xứng đáng để họ chú tâm thực thi nhiệm vụ kiểm toán.

- Xã hội từng bước phải tiếp nhận trân trọng và sử dụng kết quả kiểm toán như một nguồn lực quan trọng trong quản lý nhà nước, quản trị cơ quan, doanh nghiệp và trong các quyết định liên quan như quyết định hợp tác, đầu tư…

KTNN không thể chờ phải hội đủ các điều kiện trên mới tiến hành kiểm toán hoạt động, trái lại phải tiến hành càng sớm càng tốt các cuộc kiểm toán hoạt động để từ đó tích lũy nhận thức, kinh nghiệm và điều kiện. Kiểm toán hoạt động được triển khai tốt sẽ là sự thể hiện  bước đường thực thi quyền năng của KTNN  trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.

Theo Tạp chí Kiểm toán số 8/2011