Giải pháp nâng cao chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán về xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể khi để xảy ra sai phạm

THS. HOÀNG VĂN CHƯƠNG

Kết luận, kiến nghị kiểm toán là phần cuối cùng của Báo cáo kiểm toán do Kiểm toán Nhà nước phát hành, đây là một nội dung hết sức quan trọng, làm cơ sở để các đơn vị được kiểm toán chỉ đạo việc thực hiện kiến nghị của các đơn vị trực thuộc, đồng thời cung cấp một lượng thông tin khái quát nhất cho các tổ chức, cá nhân quan tâm khai thác. Vì vậy, để báo cáo kiểm toán có giá trị pháp lý cao thì phải nâng cao chất lượng công tác kiểm toán nói chung và các kết luận, kiến nghị kiểm toán nói riêng phải đảm bảo đúng pháp luật và khả thi.

Kết luận kiểm toán là phần tóm tắt các kết quả kiểm toán do kiểm toán viên nhà nước đưa ra. Đây là nơi trả lời các nội dung và mục tiêu kiểm toán đề ra cho mỗi kiểm toán viên khi thực hiện kiểm toán. Kiểm toán viên đưa ra một tuyên bố cho dù dữ liệu đó có hỗ trợ cho giả thuyết của kiểm toán viên hay không cũng phải  thu thập đầy đủ chứng cứ để chứng minh một phần hoặc phản bác toàn bộ giả thuyết của mình. Trong trường hợp này, kiểm toán viên có thể giải thích tại sao có các kết quả khác nhau đó.

Kiến nghị kiểm toán là trên cơ sở các kết luận kiểm toán, căn cứ vào các quy định của pháp luật, kiểm toán viên nhà nước đưa ra ý kiến về một vấn đề, một công việc để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tìm ra giải pháp xử lý.
 
Thực trạng về kết luận, kiến nghị kiểm toán và việc thực hiện của các đơn vị được kiểm toán
Trong những năm qua, các kết luận và kiến nghị của KTNN trong các báo cáo kiểm toán đã ngày càng được nâng cao về chất lượng, như: các kết luận kiểm toán đã cụ thể theo từng nội dung kiểm toán, do đó đã giúp cho các đơn vị được kiểm toán làm căn cứ để thực hiện; các kiến nghị kiểm toán đã kiến nghị cụ thể theo từng nội dung sai phạm để các cấp có thẩm quyền làm căn cứ để chỉ đạo thực hiện và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, trong các báo cáo kiểm toán còn không ít các kết luận chung chung, thiếu khả thi, dẫn đến việc thực hiện thiếu đầy đủ và nghiêm túc, thậm trí có đơn vị không thực hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân kiến nghị xa rời thực tế; còn nhiều hạn chế khi đưa ra các kết luận và kiến nghị xử lý về trách nhiệm cá nhân và tập thể trong việc để xảy ra sai phạm, tham nhũng thuộc lĩnh vực phụ trách; đặc biệt là việc chuyển hồ sơ sang các cơ quan truy tố xét xử còn rất hạn chế, tổng hợp kết quả kiểm toán trong hai năm (2007, 2008) Kiểm toán Nhà nước mới chuyển 10 hồ sơ cho các cơ quan chức năng xem xét, xử lý (trong đó chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra 03 hồ sơ). Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do khi phát hiện dấu hiệu gian lận, tham nhũng kiểm toán viên không tiếp tục đi đến cùng để xác minh, củng cố đầy đủ chứng cứ để có kết luận cụ thể hơn về mức độ của hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm pháp luật về hành chính hay đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Theo báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2008 của KTNN cho biết, qua kiểm tra kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN, hầu hết các bộ ngành địa phương đã chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc về thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN về chấn chỉnh công tác quản lý tài chính. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện xử lý tài chính năm 2007 vẫn còn thấp, chỉ đạt 67,3 trên tổng số kiến nghị. Trong đó, các kiến nghị của KTNN về việc thu hồi do chi sai chế độ và tăng thu ngân sách Nhà nước đạt thấp nhất, lần lượt là 56,6 và 67,3. Địa phương thực hiện đạt 69,6, các Bộ Ngành Trung ương thực hiện được 52,9, các doanh nghiệp thực hiện đạt 96,5 và các dự án đầu tư xây dựng đạt 54,3. Một trong những nguyên nhân vì sao các kiến nghị của KTNN về xử lý tài chính năm 2007 được thực hiện với tỷ lệ thấp là do cơ chế, quy định của pháp luật chưa đầy đủ và rõ ràng; kiểm toán viên kết luận chưa thuyết phục, đặc biệt là các kết luận và kiến nghị về trách nhiệm kinh tế của cá nhân, tập thể do KTV không tiến hành kiểm toán điều tra để thu thập đầy đủ chứng cứ.

Các giải pháp
Từ những thực trạng trên, để nâng cao chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán, trong thời gian tới Kiểm toán Nhà nước cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, cập nhật kiến thức về pháp luật cho kiểm toán viên nhà nước. Hiện nay do hành lang pháp lý nói chung và các quy định của pháp luật về hoạt động kiểm toán còn chưa đầy đủ nên việc cập nhật kiến thức về pháp luật gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để giúp kiểm toán viên nhà nước hiểu và vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy định của pháp luật phục vụ kịp thời cho hoạt động kiểm toán, cần phải quan tâm cập nhật kiếm thức thường xuyên hàng năm, thậm chí hàng tháng, hàng ngày cho kiểm toán viên nhà nước và đội ngũ công chức của Kiểm toán Nhà nước.

Hai là, mở các khóa đào tạo chuyên sâu về kiểm toán sai phạm, gian lận, tham nhũng và kiểm toán trách nhiệm kinh tế, điều tra trong hoạt động kiểm toán. Kiểm toán sai phạm, gian lận, tham nhũng và kiểm toán điều tra sơ bộ là những nghiệp vụ chuyên môn sâu đòi hỏi kiểm toán viên một mặt phải tinh thông nghiệp vụ kiểm toán, mặt khác phải có rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực điều tra các gian lận và tham nhũng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay tham nhũng đang là vấn nạn mang tính chất toàn cầu. Ở Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới có nguy cơ tham nhũng cao, việc phát hiện tham nhũng là một công việc hết sức khó khăn, có ý chí chống tham nhũng mới chỉ là điều kiện cần, quan trọng hơn cả là các cơ quan công quyền, trong đó có KTNN phải chứng minh được câu hỏi “chứng cứ đâu” do chính nghi phạm đặt ra. Đây là một việc làm hết sức khó khăn trong phát hiện và kết luận có hay không hành vi tham nhũng đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Ba là, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm toán nói chung và kết luận, kiến nghị về xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể khi để xảy ra sai phạm, tham nhũng nói riêng. Có thể nói hiện nay các quy định này là tương đối đầy đủ nhưng không tập trung mà rải rác ở nhiều văn bản luật hoặc dưới luật nên rất khó thực hiện và vận dụng. Đặc biệt là quy định về trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra sai phạm, tham nhũng thuộc lĩnh vực phụ trách. Kiểm toán Nhà nước cũng đã ban hành Hướng dẫn số 165/HD-KTNN ngày 6 tháng 3 năm 2008 hướng dẫn kết luận về trách nhiệm và kiến nghị xử lý vi phạm theo kết quả kiểm toán, song văn bản này hiện nay cũng đã bộc lộ một số bất cập do một loạt các quy định của pháp luật liên quan đã được sửa đổi, bổ sung như: Bộ luật hình sự, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Cán bộ công chức…Vì vậy, cần được sửa  đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bốn là, hàng năm có hướng dẫn cụ thể mục tiêu và nội dung kiểm toán liên quan đến kết luận, kiến nghị xem xét xử lý về trách nhiệm cá nhân, tập thể vi phạm pháp luật. Trong những năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chú trọng công tác hướng dẫn về mục tiêu kiểm toán, song đối với mục tiêu về kết luận, kiến nghị kiểm toán liên quan đến trách nhiệm kinh tế của cá nhân người đứng đầu vẫn chưa cụ thể nên việc thực hiện chưa được hiệu quả.

Năm là, nâng cao trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước khi phát hiện các dấu hiệu gian lận, tham nhũng trong hoạt động kiểm toán. Luật Kiểm toán nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng đã quy định đầy đủ về trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước khi thực hiện kiểm toán. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những quy định về trách nhiệm chung, thiếu hướng dẫn cụ thể về các nghiệp vụ mang tính chuyên sâu về kỹ năng phát hiện và phương pháp thu thập bằng chứng nhằm hoàn thiện hồ sơ để kiến nghị xử lý; chưa có quy định chế tài xử lý kiểm toán viên không phát hiện hoặc kết luận sai về các hành vi gian lận, tham nhũng.

Sáu là, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, điều tra và kiểm toán trong việc phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật và cung cấp các thông tin liên quan. Quy định của pháp luật nước ta hiện nay đã trao cho mỗi cơ quan của Nhà nước một thẩm quyền nhất định liên quan đến lĩnh vực phụ trách, bởi vậy để mỗi cơ quan công quyền thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình cần phải tăng cường sự phối hợp trong công tác, đặc biệt là trong việc trao đổi và cung cấp các thông tin có liên quan đến việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Kiểm toán Nhà nước cũng đã thực hiện ký quy chế phối hợp công tác với nhiều cơ quan trong bộ máy nhà nước, việc này đã từng bước khắc phục được những khó khăn trong hoạt động kiểm toán, tạo những điều kiện thuận lợi nhằm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bảy là, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định các chế tài xử lý các hành vi vi phạm Luật Kiểm toán nhà nước, đặc biệt là hành vi không thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị của KTNN. Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật, Luật KTNN cần quy định  các chế tài xử lý khi các chủ thể tham gia các quan hệ pháp luật về KTNN có những hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán nhà nước. Trong thực tiễn hoạt động kiểm toán đã xảy ra nhiều hành vi vi phạm Luật Kiểm toán nhà nước, nhưng chưa có văn bản pháp luật nào quy định về các chế tài để áp dụng đối với hành vi vi phạm của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan. Đây là vấn đề phức tạp, có liên quan đến nguyên tắc xử lý, thẩm quyền xử lý, hình thức xử lý, thi hành quyết định xử lý... Do vậy, trên cơ sở các quy định về xử lý vi phạm mang tính nguyên tắc của Luật Kiểm toán nhà nước (Điều 73), Kiểm toán Nhà nước sớm nghiên cứu xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý các hành vi vi phạm Luật Kiểm toán nhà nước./.

Theo Tạp chí Kiểm toán số 7/2011