Earthsight là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Anh, được thành lập vào năm 2007, với sứ mệnh thực hiện các cuộc nghiên cứu, điều tra và báo cáo về các vấn đề bất cập, cấp bách, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến môi trường và nhân quyền.
Vừa qua, một cuộc kiểm toán độc lập do Tổ chức Earthsight tiến hành đã chỉ ra những mối nguy hiểm cho quần thể rừng tại Indonesia nói riêng và môi trường nói chung.
Nhiều diện tích rừng đã bị san phẳng
Cuộc kiểm toán xem xét hoạt động, tiến độ của dự án trồng cây cọ dầu lớn nhất thế giới tại Indonesia Tanah Merah. Báo cáo kiểm toán của Earthsight cho biết, Tập đoàn Hayel Saeed Anam (HSA) cùng Công ty thành viên Pacific Inter-Link (PIL) là những đơn vị có mối liên quan mật thiết với Dự án trên. Chính 2 công ty này đã góp phần đẩy những cánh rừng quốc gia rơi vào cảnh bị tàn phá nặng nề.
HSA là một tập đoàn đa quốc gia, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: đầu tư, sản xuất, tài chính, kinh doanh, thương mại, dịch vụ… Những năm qua, Tập đoàn này đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dầu cọ bất chấp việc tạo ra những tác động xấu lên môi trường, do lĩnh vực kinh doanh dầu cọ mang lại lợi nhuận quá lớn cho các công ty.
Báo cáo kiểm toán của Earthsight bao gồm nhiều hình ảnh được chụp qua vệ tinh cho thấy, những khu rừng khổng lồ đang tiếp tục bị chặt phá bừa bãi. Earthsight đã phát hiện ra rằng, từ tháng 5/2019 đến nay, hơn 3 km2 rừng đã bị san phẳng nhằm phục vụ công tác giải phóng mặt bằng cho Dự án trên.
Dự án Tanah Merah với sự tham gia của HSA và PIL được chính thức khởi công vào năm 2015. Đến cuối năm 2018, sau khi nhiều tổ chức trong và ngoài nước phản đối gay gắt việc thực hiện Dự án vì lo ngại môi trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Dự án đã tạm ngừng hoạt động trong vài tháng. Tuy nhiên, đến nay, Dự án lại tiếp tục được tiến hành bất chấp sự phản đối của công chúng.
Earthsight cho biết, Dự án này đang được các bên bí mật thực hiện để phục vụ lợi ích kinh tế bất chấp việc hủy hoại môi trường. Một số quan chức cấp cao bị nghi ngờ đứng đằng sau, ủng hộ việc thực hiện Dự án, khi các giấy phép hoạt động của Dự án đều được cấp một cách dễ dàng, nhiều chủ sở hữu đất phản đối Dự án đã bị đánh đập dã man...
Sau khi Báo cáo kiểm toán trên được công bố, Tập đoàn HSA đã phủ nhận có liên quan đến siêu Dự án khổng lồ nhằm xóa sổ 2.800 km2 rừng nhiệt đới của Indonesia để phục vụ mục đích trồng cây cọ dầu. Dự án hiện vẫn đang gây tranh cãi gay gắt và vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dân Indonesia cũng như cộng đồng quốc tế.
Cần làm rõ trách nhiệm của PIL và HSA
Trước đây, cả Tập đoàn HSA và Công ty PIL đã nhiều lần phủ nhận việc có liên quan đến Dự án Tanah Merah trong hồ sơ gửi tới Tổ chức RSPO (Hội nghị Bàn tròn về phát triển dầu cọ bền vững). RSPO được thành lập với nhiệm vụ vạch ra các tiêu chí giúp bảo vệ môi trường và phát triển xã hội. Các công ty trồng, sản xuất, kinh doanh cọ dầu phải tuân thủ những tiêu chí này để giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực lên môi trường cũng như cuộc sống của con người và để có thể xin cấp chứng nhận của RSPO. Hiện, PIL đang là một thành viên của RSPO.
Tháng 4/2019, PT Megakarya Jaya Raya (PT MJR), 1 trong 7 đồn điền cọ dầu rộng 400 km2 của Dự án Tanah Merah, đã được một công ty kiểm toán của Indonesia tiến hành kiểm tra hoạt động. Đây là đồn điền cọ dầu lớn nhất trong Dự án Tanah Merah, dự định sẽ phá bỏ 2.800 km2 rừng nhiệt đới ở quận Boven Digoel thuộc tỉnh Papua. Kết quả kiểm toán đã chỉ ra rằng, một số lãnh đạo cấp cao và nhân viên đang làm việc tại PT MJR cũng đồng thời là nhân viên của HSA và một công ty con của HSA.
Năm 2018, một cuộc kiểm toán PT.Pacific Indomas Group - công ty thành viên của PIL, từng lên án những hành vi phá rừng và hủy hoại môi trường của Công ty này tại 4 đồn điền cọ dầu do Tập đoàn HSA quản lý.
Tháng 10/2018, Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) tại Canada và Cơ quan Điều tra môi trường (EIA) tại Anh, Hoa Kỳ đã gửi cho RSPO những hồ sơ, bằng chứng cho thấy, 4 trong số các đồn điền cọ dầu, bao gồm PT MJR, thuộc sở hữu của Công ty PIL thuộc Tập đoàn HSA.
RSPO cho biết, Tổ chức đang tiến hành điều tra các bằng chứng của EIA và Greenpeace, tuy nhiên, đến nay, tiến độ vẫn rất chậm và chưa có kết luận chính thức nào được đưa ra. Nếu cáo buộc về PIL có tham gia vào việc phá rừng tại Papua được xác nhận, Công ty sẽ bị tước chứng chỉ và bị khai trừ khỏi Tổ chức RSPO cũng như bị nhiều đối tác mua dầu cọ lớn nhất thế giới đưa vào danh sách đen. Trước những bằng chứng xác thực trên, Công ty PIL và Tập đoàn HSA khó có thể chối bỏ vai trò của mình trong Dự án Tanah Merah và cũng cần nghiêm túc xem xét trách nhiệm của mình với cộng đồng.
(Theo Bad-ag.info và Ran.org)
(Báo Kiểm toán số 34/2019)