Hiện nay, kiểm toán nội bộ đã được triển khai rộng rãi tại các ngân hàng thương mại, một số ngân hàng đã thực hiện tốt công tác kiểm toán nội bộ, đáp ứng được yêu cầu của các nhà quản trị, tuy nhiên, kiểm toán hoạt động tại nhiều đơn vị vẫn chưa thực sự hiệu quả do nhận thức của các nhà quản lý về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của kiểm toán hoạt động còn chưa đúng đắn, dẫn đến bất cập trong kiểm toán hoạt động, còn mang nặng tính hình thức, thiếu tính chuyên nghiệp, hiệu quả thu được rất hạn chế hoặc có đơn vị chưa hề thực hiện loại hình kiểm toán này.
Kiểm toán hoạt động là một công cụ hữu hiệu để kiểm tra, đánh giá tính phù hợp, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng. Việc sử dụng kiểm toán hoạt động của kiểm toán nội bộ để nâng cao hiệu quả quản lý đã trở thành xu hướng tất yếu của các tổ chức tín dụng ở Việt Nam.
Thời gian qua, những biến động của thị trường tài chính đã làm gia tăng những rủi ro tài chính trong các ngân hàng thương mại. Xuất phát từ thực tế đó, các ngân hàng thương mại cần có một công cụ hữu hiệu để có thể đánh giá được tính hiệu quả, hiệu năng của các nguồn lực cũng như các dự án trong nội bộ tổ chức. Thực hiện công tác kiểm toán hoạt động nội bộ hiệu quả là giải pháp tối ưu mang tính chiến lược và cấp thiết trong điều kiện hiện nay đối với các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, thực tế hoạt động kiểm toán hoạt động của kiểm toán nội bộ tại ngân hàng mới được đề cập và áp dụng trong vài năm gần đây và quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng, thiếu kinh nghiệm về cả lý luận lẫn thực tiễn.
Thực trạng kiểm toán hoạt động tại các ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay
Những mặt đã đạt được
Qua khảo sát một số ngân hàng như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV, Ngân hàng CP Ngoại thương Việt Nam – VIETCOMBANK, Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình - ABBANK, kiểm toán hoạt động là một trong các chức năng của kiểm toán nội bộ. Trong các chương trình kiểm toán nội bộ tại các ngân hàng này, mục tiêu của kiểm toán hoạt động luôn được đặt trong phần căn bản của mục tiêu cuộc kiểm toán nội bộ: Soát xét và đánh giá tính kinh tế và hiệu quả của các hoạt động; tính kinh tế và hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực; mức độ phù hợp giữa kết quả hoạt động đạt được với mục tiêu hoạt động.
Tại đa số các ngân hàng được khảo sát, kiểm toán nội bộ chỉ xây dựng chương trình kiểm toán với nội dung chủ yếu là kiểm toán tuân thủ mà chưa nhằm kiểm tra hiệu suất và hiệu quả hoạt động kinh doanh. Do đó, các vấn đề ghi nhận trong quá trình kiểm toán mới chỉ dừng lại ở mức độ phản ánh, chưa đánh giá xác thực tổng thể về hoạt động kinh doanh nói chung và kết quả tài chính nói riêng. Điều này có nguy cơ dẫn đến rủi ro kiểm soát - tức là báo cáo kiểm toán hoặc không đủ, không đúng, không kịp thời hoặc không đưa ra được biện pháp ngăn chặn và xử lý rủi ro phù hợp.
Trong các ngân hàng trên, kiểm toán hoạt động được thực hiện chủ yếu ở những nghiệp vụ như hoạt động tín dụng (chú trọng nhất), hoạt động huy động vốn. Các hoạt động khác như hoạt động xây dựng cơ bản, kinh doanh tiền tệ, kho quĩ...chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Kiểm toán hoạt động nhằm mục tiêu chủ yếu là đưa ra mức độ an toàn cho Ban lãnh đạo ngân hàng liên quan đến công tác quản lý rủi ro và hiệu quả của hệ thống ngân hàng; tìm kiếm những bất ổn và thiếu sót trong hoạt động của ngân hàng để đưa ra các biện pháp chấn chỉnh nhằm bảo vệ tài sản; giám sát và đánh giá tính hiệu quả của công tác quản lý rủi ro của ngân hàng, đồng thời báo cáo những phát hiện cho ban lãnh đạo ngân hàng.
Bộ phận kiểm toán nội bộ đã phát huy tính tự lực, tích cực, chủ động trong kiểm toán hoạt động để có thể dễ dàng phát hiện những sai phạm, những bất hợp lý, chỉnh sửa kịp thời, tránh những rủi ro có thể xảy ra. Tuy nhiên, nhân sự của bộ máy kiểm toán nội bộ các ngân hàng thương mại được khảo sát chưa đồng đều về chuyên môn nghiệp vụ ngân hàng nên chưa có đủ kỹ năng cần thiết trên tất cả các mặt nghiệp vụ để hoàn thành tốt công tác được giao.
Các bước, qui trình kiểm toán nội bộ trong đó có kiểm toán hoạt động được thực hiện đúng qui định của Hội sở ngân hàng.
Kiểm toán hoạt động tại các ngân hàng về cơ bản đã thực hiện một cách sát sao chặt chẽ trên cơ sở đó đưa ra được các biện pháp hữu hiệu, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trong hoạt động tín dụng và các hoạt động khác của ngân hàng thương mại.
Những mặt tồn tại
Việc tập hợp thông tin của kiểm toán hoạt động tại một số ngân hàng được khảo sát thường không trọng tâm, không tập trung vào các hoạt động có rủi ro cao. Điều này do đặc điểm khối lượng tài liệu kiểm toán nhiều, địa điểm phát sinh trải khắp các chi nhánh ngân hàng.
Khi thực hiện kiểm toán hoạt động, kiểm toán viên nội bộ chưa có sự hợp tác nhiệt tình từ phía các chi nhánh ngân hàng trong việc cung cấp số liệu thông tin. Vấn đề này do hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ chưa được độc lập. Vai trò người người kiểm soát, kiểm toán viên nội bộ chưa được nhìn nhận và đánh giá đúng mức, dẫn đến có hiện tượng xem nhẹ vai trò công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ, nhất là đối với việc kiểm toán hoạt động của kiểm toán nội bộ.
Chương trình kiểm toán nội bộ chưa ghi rõ ràng phần việc cũng như chương trình của kiểm toán hoạt động, dẫn đến việc kiểm toán hoạt động trên thực tế không đạt hiệu quả như mong muốn, mất nhiều thời gian khi thực hiện các nghiệp vụ kiểm toán.
Kiểm toán hoạt động tại một số ngân hàng thương mại như Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình - ABBANK, Ngân hàng cổ phần hàng hải - SEABANK, Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam - TECHCOMBANK chưa có các thủ tục kiểm toán hợp lý để đảm bảo an toàn tài sản và hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Những qui trình về cấp tín dụng, về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, về theo dõi, quản lý nhóm khách hàng, về quy trình phát hành thẻ tại đơn vị, về kiểm soát sau chứng từ, về quản lý cấp phát quyền truy cập hệ thống mạng hệ thống Globus ....đều chưa có thủ tục kiểm toán hữu hiệu.
Do đặc điểm về nhân sự, phòng Kiểm toán nội bộ của các ngân hàng chủ yếu là các nhân viên kế toán và kiểm soát viên. Tuy nhiên, kiểm toán hoạt động đòi hỏi sự hiểu biết của kiểm toán viên nội bộ phải rộng và nắm chắc các khâu công việc trong ngân hàng. Vì vậy, kiểm toán hoạt động tại các ngân hàng được khảo sát còn hạn chế do trình độ của kiểm toán viên nội bộ còn thiếu các kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ ngân hàng.
Hình thức và phương thức kiểm toán hoạt động còn đơn điệu, đơn thuần sử dụng phương pháp định tính để thực hiện kiểm toán hoạt động trong ngân hàng. Phương pháp định lượng bằng cách tính toán các chỉ số hầu hết còn chưa được áp dụng trong các ngân hàng thương mại hiện nay. Các ngân hàng chưa có hệ thống chỉ tiêu đánh giá chất lượng của kiểm toán hoạt động.
Quy trình và phương thức tổ chức thực hiện kiểm toán hoạt động trong các ngân hàng thương mại được khảo sát còn chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện, một số khâu trong qui trình bị bỏ sót. Kiểm toán viên nội bộ chưa tách báo cáo kiểm toán hoạt động thành báo cáo riêng mà vẫn để trên cùng một báo cáo kiểm toán nội bộ.
Một số ngân hàng thương mại được khảo sát, trong phần báo cáo kiểm toán hoạt động không nêu rõ rủi ro của những phát hiện kiểm toán đối với từng phần hành được kiểm toán. Cũng như vậy, sau khi kiểm toán hoạt động, nhóm kiểm toán không ghi đầy đủ các rủi ro có thể xảy ra sau phần "Phát hiện" nên đối tượng kiểm toán không rút kinh nghiệm sửa chữa, không thấy hết ảnh hưởng của sai sót, vi phạm. Do vậy, vẫn còn nhiều hiện tượng các hồ sơ được kiểm toán đều có dấu hiệu tẩy xoá các nội dung quan trọng như: số tiền, ngày tháng, tên khách hàng…Điều này làm yếu tính hiệu lực pháp lý, thậm chí dẫn đến vô hiệu nếu có tranh chấp. Điều này chưa thể hiện được vai trò thực sự của kiểm toán hoạt động là tư vấn, cảnh báo cho đối tượng kiểm toán thấy được các nguy cơ xuất hiện các rủi ro, nhận diện rủi ro cho hoạt động của ngân hàng thương mại.
Phương pháp tiếp cận kiểm toán hoạt động trong các ngân hàng thương mại được khảo sát đều thực hiện theo chức năng của kiểm toán nội bộ, theo từng loại hoạt động của ngân hàng như hoạt động tín dụng, hoạt động huy động vốn… mà chưa tiếp cận theo 3E (tính kinh tế, tính hiệu quả, tính hữu hiệu).
Hiện nay hầu hết các ngân hàng thương mại đều thực hiện giao dịch một cửa. Tuy nhiên, phương thức này cho phép khách hàng chỉ giao dịch với một giao dịch viên duy nhất, người này vừa đảm nhiệm chức năng kế toán và thủ quĩ. Do đó, giao dịch một cửa dễ gây biển thủ, lạm dụng quĩ tiền mặt làm giảm hiệu quả hoạt động của hoạt động ngân hàng. Chính vì vậy, kiểm toán hoạt động đối với giao dịch một cửa là việc làm vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, phần lớn tại các ngân hàng thương mại được khảo sát, vấn đề này vẫn chưa đưa vào chương trình trọng tâm và thường xuyên của kiểm toán hoạt động.
Vì giới hạn về trình độ tin học nên việc kiểm toán hoạt động đối với User hệ thống còn chưa được thực hiện nên còn nhiều ngân hàng còn có sự kiêm nhiệm, có tình trạng một nhân viên sử dụng đồng thời hai USER ID. Điều này dẫn đến không đảm bảo chất lượng, tiến độ công việc, tiềm ẩn rủi ro hoạt động khi một nhân viên vừa thực hiện chức năng Inputer, vừa thực hiện chức năng Authorize, nguyên tắc kiểm soát kép bị vi phạm. Hiện tượng các nhân viên nghỉ chế độ, nghỉ không lương trong thời gian dài mà ID không được tạm khoá, nhân viên thôi việc nhưng không cắt ID kịp thời… vẫn còn tồn tại.
Bên cạnh đó, tại một số ngân hàng, kiểm toán hoạt động chưa giám sát chặt chẽ việc điều chỉnh lãi suất dẫn đến thiệt hại lớn về thu nhập tiền lãi trong xu hướng tăng không ngừng của lãi suất thị trường kể từ đầu năm 2008 đến nay.
Một số kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước
Các qui định, nguyên tắc kiểm toán hoạt động tại các ngân hàng thương mại
Ngân hàng nhà nước với vai trò là cơ quan ban hành các quy chế, chính sách cho các tổ chức tín dụng, liên quan đến kiểm toán hoạt động trong các ngân hàng thương mại, cần quan tâm đến một số vấn đề sau:
- Ngân hàng Nhà nước nên có biện pháp chế tài nghiêm túc đối với các tổ chức tín dụng không tuân thủ các quy định về kiểm toán tính hiệu quả, hiệu lực, tính kinh tế và quản lý rủi ro; nâng cao vai trò và trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Ban điều hành tổ chức tín dụng đối với Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp tổ chức tín dụng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước.
- Ngân hàng Nhà nước cần có một quy định chung về quản trị ngân hàng cho hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, đặc biệt là các ngân hàng thương mại trên cơ sở từng bước thực hiện các chuẩn mực quản lý rủi ro theo Hiệp ước Basel II, xây dựng cơ chế giám sát có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Tổ chức bảo hiểm tiền gửi (DIV) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
- Xây dựng các tiêu chuẩn 3E cho các ngân hàng thương mại để giám sát rủi ro trong hoạt động ngân hàng theo hướng đảm bảo khả năng cảnh báo sớm đối với các ngân hàng thương mại “có vấn đề” và cảnh báo về các rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Ban hành quy định đánh giá, xếp hạng các ngân hàng thương mại theo các tiêu chí 3E.
- Tăng cường quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ cho công tác kiểm toán hoạt động của các ngân hàng thương mại thông qua việc cập nhật phổ biến kinh nghiệm của các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước.
Các giải pháp hỗ trợ công tác kiểm toán hoạt động tại các ngân hàng thương mại
Để trợ giúp cho các ngân hàng thương mại trong việc thực hiện kiểm toán hoạt động, Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm đến việc hoàn thiện qui chế về kiểm toán hoạt động và các quy định nghiệp vụ của kiểm toán hoạt động trong các ngân hàng thương mại.
Hoạt động của kiểm toán nội bộ nói chung và của kiểm toán hoạt động nói riêng trong các ngân hàng thương mại phải dựa trên những quy định của pháp luật và quy định nghiệp vụ của Ngân hàng nhà nước. Các quy định này đã được hình thành và đang trong quá trình bổ sung, hoàn thiện. Trong phạm vi những vấn đề liên quan trực tiếp đến kiểm toán hoạt động, các quy định này cần tiếp tục đ-ợc hoàn thiện ở một số nội dung chủ yếu sau:
- Qua quá trình kiểm toán nội bộ của các ngân hàng thương mại vừa qua, ý kiến của kiểm toán cho rằng, có khá nhiều giao dịch giữa ngân hàng thương mại Nhà nước và công ty con không mang tính thương mại thực sự. Điều này, được một số kiểm toán viên nội bộ giải thích, “theo các giao dịch phi thương mại đó (non-armslenght transactions) thì rõ ràng, tài sản nhà nước đang không được quản lý chặt chẽ và minh bạch”. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần nhấn mạnh hơn nữa vai trò và tính bắt buộc của kiểm toán hoạt động trong Quy chế Kiểm toán nội bộ của Tổ chức tín dụng (Ban hành kèm theo Quyết định số37/2006/QĐ-NHNN). Đây là điều kiện để tiến hành gia tăng hơn nữa kiểm toán hoạt động tại các ngân hàng thương mại Nhà nước.
- Để tiến hành kiểm toán hoạt động được thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng thông qua việc hình thành đồng bộ khuôn khổ pháp lý và áp dụng đầy đủ hơn các thiết chế và chuẩn mực tài chính quốc tế về an toàn kinh doanh tiền tệ ngân hàng. Ban hành và cập nhật Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng theo hướng tăng cường hiệu lực những chế tài pháp lý, kinh tế và hành chính bảo đảm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của người đi vay và bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngân hàng thương mại.
- Đẩy mạnh kiểm toán hoạt động trong các ngân hàng thương mại cũng đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước được hiện đại hóa để thông tin nhận được kịp thời, nhanh chóng và chính xác, trên cơ sở đó đổi mới và nâng cao hiệu quả phương pháp giám sát ngân hàng cho phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ ngân hàng, đồng thời áp dụng các nguyên tắc cơ bản về giám sát ngân hàng theo Basel I và từng bước tiến tới thực hiện các nguyên tắc, chuẩn mực cơ bản của Basel II sau năm 2010.
Tài liệu tham khảo
1. Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Kiểm soát ban hành theo Quyết định số 143/2005/QĐ-HĐQT ngày 27/10/2005 của Hội đồng Quản trị NHTM.
2. Kết quả tư vấn của Dự án tư vấn hỗ trợ thực hiện kế hoạch tái cơ cấu NHTM do IFG-Development Initives Ltd thực hiện trong khuôn khổ khoản tài trợ ASEM do ngân hàng thế giới quản lý.
3. Kiểm toán – Lý thuyết và thực hành, John Dunn, Nhà xuất bản Thống kê 4. Auditing and Assurance Services, Jack C.Robertson – Thimothy J. Louwers.
5. Modern Auditing, Australia, 1996
Theo Tạp chí Kiểm toán số 7/2011