Thuế đối với lĩnh vực khoa học công nghệ - Một số vấn đề đặt ra và cần điều chỉnh

THS. NGUYỄN BÁ PHÚ

Lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN) là lĩnh vực đặc biệt bởi các yếu tố: tính mới của dịch vụ; ảnh hưởng rộng và hàm lượng tri thức kết tinh lớn. Tại Việt Nam, với quan điểm phát triển mạnh kinh tế tri thức, nên về cơ bản, các dịch vụ liên quan đến khoa học, công nghệ  được khuyến khích phát triển. Chính sách thuế đối với lĩnh vực này, cũng đã quán triệt quan điểm chủ đạo đó. Tuy nhiên hiện nay, chính sách thuế hiện hành còn những vấn đề rất cần trao đổi, nhằm điều chỉnh, tạo môi trường pháp lý tốt hơn cho hoạt động khoa học công nghệ.

Thứ nhất, về cơ chế chung
Hiện tại, có nhiều cách tổ chức làm dịch vụ KHCN nhưng tựu chung có 2 nhóm chủ yếu:

Một là, nhóm các cơ sở sự nghiệp công lập (các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp…) tham gia nghiên cứu, phát triển hoặc cung cấp các dịch vụ KHCN…

Hai là, nhóm các tổ chức (cá nhân) có tư cách pháp nhân hay không có tư cách pháp nhân làm dịch vụ KHCN hoạt động  theo các qui định về đăng ký kinh doanh.

Nếu như nhóm thứ nhất phát sinh các dịch vụ khoa học công nghệ trên cơ sở (hay thông qua) các hoạt động đào tạo hoặc dạy nghề thì nhóm thứ hai làm dịch vụ KHCN một cách chuyên nghiệp hơn. Điều tất nhiên là, trong các cơ sở sự nghiệp cũng có thể thành lập các tổ chức KHCN trực thuộc chuyên cung cấp các dịch vụ KHCN theo yêu cầu của xã hội.

Tương ứng với hai nhóm hoạt động KHCN nêu trên có các cơ chế tài chính điều chỉnh khác nhau. Các dịch vụ KHCN trong các cơ sở sự nghiệp công lập thực hiện theo cơ chế các đơn vị sự nghiệp có thu (Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ); còn các tổ chức chuyên hoạt động KHCN thành lập có đăng ký kinh doanh theo qui định thì thực hiện theo cơ chế tài chính khác: Với các doanh nghiệp nói chung thì theo Luật doanh nghiệp hoặc đối với các tổ chức KHCN công lập thì theo qui định tại Nghị định 
           
Thứ hai, về Thuế Giá trị gia tăng (GTGT)
Điều 10 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/04/2006 của Chính phủ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, quy định: ''Đơn vị sự nghiệp có các hoạt động dịch vụ phải đăng ký,  kê khai, nộp đủ các loại thuế và các khoản khác (nếu có), được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật”.

Điểm 2.15, Mục II, Phần B Thông tư 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính  Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) thì: “Dịch vụ khoa học và công nghệ là các hoạt động phục vụ việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ” thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5. Như vậy, các đơn vị sự nghiệp có phát sinh các dịch vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ thì các dịch vụ này sẽ chịu thuế với suất thuế GTGT là 5.

Mặt khác, Khoản 21, Mục II, Phần A Thông tư số 129/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính lại qui định dịch vụ “chuyển giao công nghệ” (theo Luật chuyển giao công nghệ) thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Như vậy có 2 loại hình chịu điều tiết về thuế GTGT khác nhau. Có thể thấy, xét về mặt qui trình thì mảng dịch vụ “nghiên cứu và phát triển khoa học” đứng vai trò khâu trước, “đầu tầu” và “khắc khổ” hơn, thế nhưng nó lại là đối tượng chịu thuế GTGT, trong khi việc “chuyển giao công nghệ” chỉ là khâu sau thì không chịu thuế. Qua thực tiễn quản lý thuế, đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Theo chúng tôi nếu có thể, nên qui định điều tiết thuế GTGT thống nhất cho 2 loại dịch vụ này, có như vậy vừa đảm bảo tính logic về điều tiết thuế nói chung, vừa tránh việc so sánh về sự thiếu công bằng. 

Thứ ba, về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc đối tượng ưu đãi thuế. Tuy nhiên, với qui định hiện hành về thuế TNDN thì chỉ những tổ chức KHCN hoặc các doanh nghiệp mới thành lập thuộc các loại hình này, các cơ sở nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (hoặc đặc biệt khó khăn) thì mới được ưu đãi về thuế TNDN. Ngoài ra, các dự án hay hoạt động KHCN từ các cơ sở khác thì không thuộc phạm vi được ưu đãi thuế (Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi  hành một số điều của Luật thuế TNDN và Thông tư 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 Hướng dẫn thi hành Nghị định 124/2008/NĐ-CP). Như vậy có thể thấy là: với các dự án KHCN có tính chất như nhau thậm chí giống hệt nhau nhưng do các cơ sở thực hiện khác nhau thì sẽ được hưởng ưu đãi thuế TNDN khác nhau.

Một vài đề xuất

Một
, như trên đã đề cập, về thuế GTGT cần qui định nhất quán hơn với các loại hình này: Về đối tượng chịu thuế và thuế suất. Hoạt động KHCN (nghiên cứu, phát triển hay chuyển giao công nghệ) nên qui định là đều thuộc diện chịu thuế GTGT với thuế suất thấp nhất. Điều này còn tạo thuận lợi cho việc kê khai và nộp thuế đầu vào, đầu ra phát sinh liên quan đến hoạt động đó (một nguyên tắc của thuế GTGT là hoạt động chịu thuế thì mới được khấu trừ thuế đầu vào).  

Hai
, về thuế TNDN, do là loại hình đặc biệt, vì vậy nên chăng cần có qui định là các cơ sở có liên quan, nếu tách riêng được phần thu nhập chịu thuế từ dịch vụ KHCN thì sẽ được hưởng ưu đãi riêng về thuế TNDN.

Ba
, có thể thấy, hiện nay hành lang pháp lý về thuế đối với lĩnh vực KHCN còn nhiều văn bản pháp lý điều chỉnh (như đã nêu ở trên). Việc điều chỉnh chính sách qua các giai đoạn phù hợp yêu cầu phát triển khác nhau và phù hợp với các luật liên quan là điều dễ hiểu, tuy nhiên để tạo thuận lợi hơn cho lĩnh vực này nên chăng đến lúc cần rà soát, hệ thống lại các căn cứ pháp lý và qui định tại một văn bản thích hợp.

Nhìn rộng ra, việc thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển KHCN. Với ý nghĩa đó, chính sách về KHCN đang được áp dụng là rất quan trọng. Việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chính sách thuế đối với lĩnh vực KHCN cũng nhằm để thực hiện các mục tiêu và yêu cầu phát triển đó./.

Theo Tạp chí Kiểm toán số 7/2011