Luật Kiểm toán Nhà nước được Quốc hội khóa 11, kì họp thứ 7 thông qua, có hiệu lực thi hành từ năm 2006. Luật Kiểm toán Nhà nước ra đời, khẳng định vị thế của KTNN trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước, tăng cường năng lực tổ chức, hoạt động của KTNN..., điều đó thể hiện qua gần 6 năm thực hiện Luật, kết quả kiểm toán đã phát hiện nhiều vi phạm trong thực hiện chính sách, chế độ quản lý kinh tế; kiến nghị tăng thu, tiết kiệm chi, đưa vào quản lý qua NSNN hàng chục nghìn tỷ đồng. Giúp các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố và các đơn vị được kiểm toán đánh giá đúng thực trạng tài chính, khắc phục những yếu kém, sơ hở trong quản lý kinh tế và quản trị doanh nghiệp. Các đơn vị được kiểm toán và xã hội nhận thức rõ hơn về chức năng, vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong cơ chế kinh tế thị trường trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay. Với chức năng là cơ quan kiểm tra tài chính độc lập của Nhà nuớc, hoạt động của KTNN đồng thời phục vụ cho cả cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong các hoạt động quản lý kinh tế, tài chính và bảo vệ pháp luật ở nước ta. Tuy nhiên, trong quá trình vận động của cơ chế kinh tế thị trường, làm nảy sinh những vấn đề mới, Luật cần được tiếp tục bổ sung sửa đổi phù hợp với diễn biến thực tiễn khách quan. Do đó cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện địa vị pháp lí và tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước, đây là những đặc trưng cơ bản có mối quan hệ, tác động lẫn nhau, đảm cho Kiểm toán Nhà nước hoạt động có hiệu quả.
1. Địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước
Địa vị pháp lý của một cơ quan, đơn vị là những quy định về cơ cấu tổ chức, nhân sự; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi hoạt động... được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy địa vị pháp lý luôn phụ thuộc vào hình thức văn bản pháp luật. Trong các văn bản pháp luật cũng có những qui định khác nhau về địa vị pháp lí của các cơ quan kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên để bảo đảm một cách có hiệu lực vững chắc cho công tác kiểm tra tài chính nhà nước độc lập, cần phải qui định rõ địa vị pháp lí của cơ quan KTNN trong đạo luật cao nhất của từng nước (Hiến pháp) và cụ thể hoá về tổ chức và hoạt động của KTNN bằng Luật Kiểm toán.
Đối với nước ta, do KTNN mới ra đời, do đó chưa có quy định về KTNN trong Hiến pháp; để tăng cường năng lực hoạt động cho KTNN, cần sớm bổ sung vào Hiến pháp các điều khoản qui định về KTNN, để xác định rõ địa vị pháp lý của kiểm toán nước với tư cách là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước độc lập.
Trên thế giới có nhiều mô hình tổ chức KTNN, có thể KTNN là cơ quan trong ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp hoặc độc lập với cả lập pháp và hành pháp. Mối quan hệ này không chỉ phục vụ cho Quốc hội, Chính phủ mà có tác dụng kiểm tra tài chính mang tính phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật kinh tế, tài chính. Đối với nước ta, Điều 14, Điều 15 của Luật KTNN quy định chức năng, nhiệm vụ KTNN. Nhưng Điều 13 chưa quy định cụ thể địa vị pháp lý của KTNN, mới chỉ quy định “Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập…”. Như vậy, quy định này chưa xác định cụ thể địa vị pháp lí của Kiểm toán Nhà nước. Mới quy định KTNN là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, quy định này chưa phù hợp với tổ chức bộ máy Nhà nước của nước ta hiện nay. Như đã nêu trên, đối với nước ta mặc dù đặt KTNN là cơ quan thuộc Quốc hội hoặc Chính phủ thì mục tiêu hoạt động của của KTNN đều không thay đổi, xong để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phát triển phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, nên đặt KTNN là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước độc lập. Tuy nhiên với hình thức tổ chức này, cơ quan KTNN độc lập với ngành lập pháp và tư pháp, nhưng phải bảo đảm tính độc lập cho cơ quan KTNN và các mối quan hệ, hợp tác đặt biệt chặt chẽ, như chế độ báo cáo kết quả kiểm toán, tư vấn của KTNN với Quốc hội và Chính phủ. Mối quan hệ này không chỉ phục vụ cho Quốc hội, Chính phủ mà có tác dụng kiểm tra tài chính mang tính phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật kinh tế, tài chính.
Địa vị pháp lí và tính độc lập trong tổ chức, hoạt động của KTNN có mối quan hệ chi phối, quyết định lẫn nhau, tính độc lập của cơ quan kiểm toán là tiền đề cơ bản bảo đảm cho công tác kiểm tra tài chính công có hiệu lực và hiệu quả. Kết quả kiểm tra tài chính đối với tất cả các cơ quan, đơn vị, các tổ chức nói chung, nhất là các cơ quan đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước nói riêng đều chịu sự tác động về mặt chính trị... Vì vậy tính độc lập đầy đủ của cơ quan kiểm toán, cũng như kiểm toán viên phải được bảo đảm về mặt pháp lý, nhất là cơ quan KTNN nhằm xác định địa vị của KTNN trong hệ thống cơ cấu tổ chức Nhà nước, bảo đảm cho nó có đủ quyền hạn thực thi công việc. Tính độc lập đầy đủ của cơ quan KTNN, cũng như kiểm toán viên nhà nước là yếu tố quan trọng trực tiếp tác động đến chất lượng kiểm toán, bởi vì trong hoạt động kiểm toán mọi ý kiến đánh giá, nhận xét và kết luận của kiểm toán viên đều dựa vào bằng chứng kiểm toán, không chịu sự tác động của bất kỳ sức ép nào, nhất là sức ép về chính trị, do đó cần bảo đảm tính độc lập của KTNN.
2. Tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước
Một số nước trên thế giới, tính độc lập của KTNN được qui định cụ thể trong Luật Kiểm toán, nhưng cũng có một số nước, tính độc lập được xác định ngay trong Hiến pháp, như Cộng hoà Liên bang Đức, tại khoản 2 Điều 114 của Hiến pháp xác định: "KTNN Liên bang, mà các uỷ viên độc lập như thẩm phán, kiểm tra hoạt động kế toán cũng như tính kinh tế và tính tuân thủ của việc quản lý ngân sách và kinh tế...". Hay, Điều 97 của Hiến pháp Cộng hoà Séc: "KTNN là một cơ quan độc lập, có nhiệm vụ kiểm toán điều hành kinh tế với tài sản nhà nước và chấp hành ngân sách nhà nước”. Tính độc lập đầy đủ của KTNN thể hiện các nội dung cơ bản sau:
2.1. Độc lập về tổ chức: Một số nước, KTNN được xây dựng như những cơ quan nhà nước độc lập, bằng việc tách KTNN ra khỏi ngành lập pháp, hành pháp về mặt tổ chức; thiết chế như vậy sẽ bảo đảm cho cơ quan kiểm toán và đối tượng kiểm toán không đồng nhất với nhau về quyền lợi, do đó giữ được một khoảng cách tối thiểu nhất định giữa các bên, hình thức này được áp dụng đối với KTNN Liên bang Đức, Cộng hoà Séc, Hàn Quốc. Hình thức này có ưu điểm đặc biệt bảo đảm tính độc lập về nghiệp vụ và thiết chế. Đối với nước ta, Điều 21 Luật KTNN quy định “KTNN được quản lí tập trung thống nhất gồm bộ máy điều hành, KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực và các đơn vị sự nghiệp”. Quy định này phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên Điều 21 chưa quy định cụ thể vị trí của KTNN trong hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước, là cơ quan ngang Bộ hay Ủy ban... Điều 17 quy định lương và các chế độ khác của Tổng KTNN như lương và các chế độ khác của Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.. Quy định này có thể ngầm hiểu theo suy luận bắc cầu là Tổng KTNN như Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, do đó cơ quan KTNN có vị trí như một Ủy ban của Quốc hội.
Theo chúng tôi, không nên xây dựng luật theo kiểu suy luận, mà luật phải cụ thể, ràng mạch, rõ ràng. Do đó cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung vào Luật KTNN về vị trí của KTNN.
2.2. Độc lập về bổ nhiệm nhân sự: Cơ chế bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cao cấp của cơ quan KTNN, đặc biệt là Tổng KTNN có tác động quan trọng đến những quyết định do họ đưa ra, bởi vì Tổng KTNN là người phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình, do đó tính độc lập chỉ được thực hiện khi có quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm được qui định cụ thể bằng pháp luật. Hầu hết các nước, để tránh nguy cơ cơ quan lập pháp (nếu cơ quan KTNN trực thuộc Quốc hội) hoặc hành pháp (nếu cơ quan KTNN trực thuộc Chính phủ) có quyền sa thải người lãnh đạo cơ quan KTNN bằng cách quy định cụ thể qui chế bổ nhiệm, miễn nhiệm người lãnh đạo cơ quan KTNN trong Luật KTNN. Vấn đề này được quy định tại Điều 17 Luật KTNN, theo chúng tôi, các quy định trong Luật KTNN về bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm Tổng KTNN phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của nước ta hiện nay.
Đồng thời Luật KTNN qui định chức danh KTV (Điều 27), thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm KTV (Điều 28), nhưng Luật chưa quy định cụ thể về việc sa thải kiểm toán viên, điều động KTV đi làm nhiệm vụ khác không thuộc công việc kiểm toán. Do đó cần bổ sung các điều luật về điều động kiểm toán viên làm nhiệm vụ khác không thuộc công việc kiểm toán.
2.3. Độc lập về ngân sách: Độc lập về mặt tài chính là tiền đề cơ bản bảo đảm tính tự chủ trong công việc. Nếu bị hạn chế về mặt tài chính đối với cơ quan KTNN sẽ dẫn đến sự hạn chế trong hoạt động của nó, phạm vi kiểm toán có thể bị thu hẹp, hoặc với sự lệ thuộc về tài chính với đối tượng kiểm toán thì đó là sự ràng buộc không thành văn để đổi lại lợi ích gấp nhiều lần cho đơn vị được kiểm toán so với chi phí mà họ phải chi cho kiểm toán viên, gây nên những tác động tiêu cực về kết quả kiểm toán. Trên thế giới, hầu hết các nước đều quy định việc cấp phát ngân sách cho cơ quan KTNN được thể chế hoá trong Luật Kiểm toán, như KTNN Vương quốc Anh "Do uỷ ban kiểm toán riêng biệt trước khi ngân sách này được trình lên Hạ nghị Viện". Hay Luật Kiểm toán của Hàn Quốc lưu ý: Phải tôn trọng tối đa tính độc lập của kiểm toán nhà nước trong khi thiết lập ngân sách. Đối với Việt Nam, kinh phí hoạt động của KTNN quy định tại Điều 67, Luật KTNN “…Kinh phí hoạt động của KTNN do KTNN lập dự toán và đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định.” Như vậy việc ấn định số cấp phát ngân sách cho hoạt động của KTNN không phải do cơ quan lập pháp quyết định mà lại do cơ quan hành pháp quyết định như các bộ, ngành thuộc ngân sách trung ương, điều này dễ dẫn đến sự lệ thuộc về hoạt động của KTNN đối với các cơ quan quản lý nhà nước, trong khi các cơ quan này là đối tượng của KTNN. Do đó dự toán ngân sách của KTNN nên giao cho Ủy ban Quốc hội thẩm định trình Quốc hội quyết định.
2.4. Độc lập về hoạt động kiểm toán
- Về mục đích kiểm toán: Điều 3, Luật KTNN quy định: “Hoạt động KTNN phục vụ kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước...”. Theo chúng tôi, quy định này mới tập trung chủ yếu vào mục đích kiểm toán sử dụng ngân sách, tiền và tài sản, có nghĩa chỉ mới tập trung kiểm toán chi ngân sách, chưa đi sâu đến công tác quản lí, điều hành chi ngân sách của một cấp ngân sách. Đặc biệt chưa quy định cụ thể về kiểm toán thu NSNN. Trong khi kiểm toán một cấp ngân sách, thì nội dung cơ bản là kiểm toán thu và kiểm toán chi NSNN. Do đó cần nghiên cứu để quy định cụ thể nhiệm vụ kiểm toán thu-chi NSNN. Trong thực tế từ khi được thành lập đến nay KTNN, đã và đang thực hiện kiểm toán thu-chi ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương theo đúng mục tiêu này.
- Đối tượng kiểm toán: Điều 5 của Luật quy định: “Đối tượng kiểm toán của KTNN là hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước”. Luật hiện nay quy định về đối tượng KTNN là “...hoạt động có liên quan..”, quy định này là quá rộng, khó nhận diện đâu là hoạt động có liên quan đến toàn bộ công tác thu - chi của một cấp ngân sách, một đơn vị có chức năng thu - chi ngân sách hay đối tượng có nghĩa vụ nộp NSNN, thiếu cụ thể, tạo nên nhiều cách hiểu khác nhau. Vì vậy trong quá trình thực hiện Luật thiếu thống nhất, người thi hành công vụ dễ lợi dụng. Do đó cần quy định cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu về đối tượng KTNN. Đồng thời Luật mới quy định đối tượng kiểm toán là... sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước chưa quy định rõ đối tượng kiểm toán thu NSNN, đặc biệt là chưa quy định kiểm toán thu thuế của các tổ chức cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có nghĩa vụ thu- nộp ngân sách nhà nước. Thực tiễn trong các năm vừa qua, các đối tượng có nghĩa vụ nộp NSNN là các công ty tư nhân, TNHH, kinh doanh cá thể... (không thuộc thành phần kinh tế nhà nước) theo quy định này, KTNN không được kiểm toán việc thực hiện nghĩa vụ thu nộp NSNN của các đối tượng này, trong khi tình trạng gian lận, trốn thuế làm thất thu NSNN chủ yếu vẫn tập trung vào các đối tượng này và xu hướng trong thời gian tới tỉ trọng thu ngân sách nhà nước của các thành phần kinh tế này ngày càng gia tăng. Nếu không được khắc phục thì tình trạng thất thu NSNN khó được ngăn chặn và khắc phục. Do đó cần bổ sung thêm vào đối tượng kiểm toán là các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thu - nộp NSNN.
- Độc lập trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán: Tính độc lập đuợc thể hiện qua việc tự chủ trong xây dựng kế hoạch kiểm toán, không để các cơ quan nhà nước khác chi phối, tác động đến việc xây dựng kế hoạch kiểm toán, hoặc thay đổi, bỏ qua những chương trình kiểm toán đã đuợc xây dựng. Để bảo đảm vấn đề này, cần phải có những cơ sở pháp lý rõ ràng về tính độc lập trong xây dựng kế hoạch kiểm toán, Nhà nước giao cho KTNN tự xây dựng chương trình kế hoạch kiểm toán hàng năm của mình. Đối với nước ta, Điều 33 Luật KTNN quy định về căn cứ quyết định kiểm toán năm đã bảo đảm tính độc lập của KTNN và đáp ứng yêu cầu giám sát tối cao của Quốc hội và công tác quản lí điều hành của Chính phủ.
2.5. Độc lập xây dựng chuẩn mực, quy trình kiểm toán: Tính độc lập phải được bảo đảm cho KTNN xây dựng và thực hiện kiểm toán theo một qui trình nghiệp vụ phù hợp. Do đó Nhà nước trao quyền cho KTNN xây dựng và tổ chức thực hiện chuẩn mực kiểm toán, qui trình kiểm toán và các phương pháp chuyên môn nghiệp vụ áp dụng trong hoạt động KTNN. Tuy nhiên, không thể trao cho KTNN trách nhiệm vô giới hạn, bởi vì hoạt động của KTNN chỉ tuân thủ pháp luật, do đó việc xây dựng và ban hành các văn bản nghiệp vụ cũng phải phù hợp với các văn bản pháp luật của Việt Nam. Nguyên tắc này được quy định đầy đủ tại Điều 8 Luật KTNN.
2.6. Độc lập trong điều tra: Quyền điều tra là một biện pháp nghiệp vụ không thể thiếu được trong công việc kiểm toán, nhất là các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đa số Luật Kiểm toán của các nước đều nhấn mạnh ý nghĩa các quyền điều tra, thông qua việc này để ngăn chặn hành động cản trở kiểm toán viên thực hiện các quyền hạn theo luật định. Điều khoản này nhằm tăng cường vị trí của KTNN với các đơn vị được kiểm toán và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của kiểm toán viên. Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, Đảng - Nhà nước đang tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí, để hoạt động KTNN thực sự là công cụ hữu hiệu trên mặt trận phòng chống tham nhũng, lãng phí cần bổ sung vào Luật KTNN về thẩm quyền điều tra của kiểm toán viên nhà nước.
2.7. Bảo đảm quyền thực thi: Đa số Luật Kiểm toán của các nước qui định việc thực thi kết luận kiểm toán, tuỳ thuộc vào mức độ sai sót đã được kết luận, để đưa ra kiến nghị xử lý, đồng thời KTNN có quyền đưa ra kiến nghị các biện pháp khắc phục các sai sót đã được kết luận. Các đơn vị được kiểm toán phải trình bày những biện pháp khắc phục và thời hạn để khắc phục các sai sót đó. Nếu đơn vị được kiểm toán không thực hiện, KTNN có quyền thông báo cho cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đơn vị đó hoặc cơ quan nhà nư-ớc có thẩm quyền Xử lý theo qui định của pháp luật. Đối với nước ta, Điều 65 Luật KTNN quy định nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán “...Thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị của KTNN về sai phạm trong báo cáo tài chính và sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật; thực hiện biện pháp để khắc phục yếu kém trong hoạt động theo kết luận, kiến nghị của KTNN...” Điều 73 cũng quy định “cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân có trách nhiệm xem xét kiến nghị của KTNN để xử lí vi phạm pháp luật theo thẩm quyền”. Như vậy, Luật KTNN đã quy định đầy đủ các điều kiện để thực thi kết quả KTNN.
3. Nghĩa vụ của cơ quan KTNN
Bên cạnh việc xác định quyền hạn KTNN, cũng đồng thời phải xác định rõ các nghĩa vụ của KTNN, như:
3.1. Công bố kết quả kiểm toán: KTNN có nghĩa vụ báo cáo kết quả kiểm toán và tự chịu trách nhiệm về kết quả báo cáo kiểm toán của mình. KTNN thực hiện nghĩa vụ này trước Quốc hội, hoặc Chính phủ để Chính phủ chuyển tiếp cho Quốc hội. Để thực thi được các kết luận kiểm toán cần phải có ý kiến kết luận cần thiết của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là các Uỷ ban của Quốc hội, các bộ, ngành của Chính phủ và UBND các cấp, buộc các đơn vị phải thực hiện kiến nghị kiểm toán. Bên cạnh việc báo cáo cho các cơ quan lập pháp và hành pháp, việc công bố công khai kết quả kiểm toán hàng năm là hết sức cần thiết, để thực hiện qui định này cần qui định cụ thể về nội dung, phạm vi, thời hạn và hình thức công bố kết quả kiểm toán trong luật, để bảo đảm tính pháp lý của các thông tin tài liệu được công bố. Đối với nước ta, nghĩa vụ lập và gửi báo cáo kiểm toán được quy định tại các Điều 54, Điều 55, Điều 56 và công khai báo cáo kiểm toán được quy định tại Điều 59 Luật KTNN.
3.2. Thẩm định các dự án luật kinh tế, tài chính: Thông qua kinh nghiệm kiểm toán, KTNN giúp Quốc hội, Chính phủ thẩm định các dự án luật kinh tế, tài chính, dự toán ngân sách và các vấn đề liên quan đến kinh tế, tài chính tr-ước khi các cơ quan này phê chuẩn. Hoạt động này là sự hỗ trợ của KTNN đối với cả cơ quan lập pháp và hành pháp. Hiện nay, tại Điều 15 quy định nhiệm vụ của KTNN: Trình bày ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN. Kiểm toán dự toán NSNN là loại hình kiểm toán hoạt động, đây là hình thức kiểm toán được coi là có hiệu quả nhất, ý kiến của KTNN, giúp Quốc hội, HĐND xây dựng dự toán phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khai thác triệt để nguồn thu, động viên nguồn thu vào NSNN, tránh thất thu NSNN. Đồng thời xây dựng dự toán chi ngân sách trên cơ sở tiết kiệm, hiệu quả để phục vụ tốt nhất chức năng, nhiệm vụ cho các cơ quan hành chính, sự nghiệp của Nhà nước. Trong thực tế, đại biểu Quốc hội và các cơ quan chuyên môn giúp việc cho Quốc hội do hạn chế về số lượng nhân sự nên không thể kiểm tra, thẩm định được toàn bộ thông tin, tài liệu làm cơ sở cho việc xây dựng dự toán ngân sách. Trong khi KTNN là cơ quan chuyên môn, có kinh nghiệm về kiểm toán NSNN, vì vậy nhà nước giao nhiệm vụ cho KTNN, kiểm toán dự toán NSNN và dự toán ngân sách của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của KTNN để phục vụ cho Quốc hội, HĐND tỉnh, TP trực thuộc trung ương quyết định dự toán ngân sách hàng năm. Hiện nay Luật KTNN chưa quy định nhiệm vụ này, do đó nên bổ sung vào Luật KTNN nhiệm vụ kiểm toán dự toán NSNN và kiểm toán dự toán ngân sách các tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Đồng thời bổ sung thêm nhiệm vụ thẩm định các dự án Luật kinh tế, luật tài chính, ngân sách giúp Quốc hội trước khi phê chuẩn.
Những vấn đề nêu trên là những nội dung cơ bản cần đuợc tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện nhằm tăng cường địa vị pháp pháp lý và bảo đảm tính độc lập cho KTNN Việt Nam./.
Theo Tạp chí Kiểm toán số 6/2011