Tham nhũng tràn lan trong ngành thép Philippines

Ủy ban Chống tham nhũng Philippines (PACC) đang tiến hành điều tra hậu kiểm toán nhằm tìm ra bằng chứng đầy đủ để buộc tội những người chịu trách nhiệm về vụ buôn lậu phôi thép và thép không gỉ trị giá hàng tỷ Peso của các nhà nhập khẩu có thông đồng với nhân viên của Cục Hải quan.

Kiểm toán phát hiện cán bộ hải quan không tuân thủ pháp luật

Trước đó, Ủy ban Kiểm toán Philippines (COA) đã cáo buộc một số quan chức của Cục Hải quan nhận hối lộ tại các Cảng Manila và Cảng container quốc tế Manila để giải phóng trái phép các lô hàng phôi thép và thép không gỉ. Trong bản báo cáo cuối cùng, COA cho biết, những quan chức này của Cục Hải quan đã không tuân thủ các quy tắc và quy định hiện hành. COA đã đệ trình 23 khiếu nại hành chính và 25 khiếu nại hình sự lên PACC để tiếp tục điều tra làm rõ.

Người đứng đầu PACC - ông Manuelito Luna - cho biết, cuộc điều tra vẫn đang trong quá trình thực hiện và PACC đã tìm thấy một số bằng chứng ban đầu làm cơ sở để khởi động một cuộc điều tra sâu hơn. Tuy nhiên, ông từ chối thảo luận chi tiết cụ thể về bằng chứng để không làm phương hại đến cuộc điều tra, đồng thời cho biết PACC đang thu thập đầy đủ thông tin trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Người đứng đầu PACC khẳng định với công chúng rằng: “Sự việc sẽ được làm sáng tỏ và sẽ không bỏ sót bất kỳ cá nhân vi phạm nào cả trong và ngoài Cục Hải quan”.

Phát ngôn viên của Cục Hải quan - ông Vincent Philip Maronilla - cho biết, Ban Lãnh đạo của Cơ quan này đang hợp tác chặt chẽ với PACC và đã cung cấp một số tài liệu cho PACC nhằm phục vụ quá trình đánh giá và điều tra. “Sự hợp tác này với PACC là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng liên tục của chúng tôi, là một trong những ưu tiên mà ông Rey Leonardo Guerrero đã nhấn mạnh kể từ khi nhậm chức và hoàn toàn tuân thủ theo lệnh chống tham nhũng của Tổng thống Rodrigo Duterte” - ông Maronilla khẳng định.
Được biết, hơn 100 cán bộ hải quan đã được triệu tập để phục vụ điều tra kể từ hồi tháng 7/2019.
 
Sản xuất, kinh doanh, sử dụng thép không đạt chuẩn

Trong một diễn biến liên quan, có đến 5 công ty thép lớn tại Philippines hiện đang bị COA “sờ gáy” để xác định việc tuân thủ theo các nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ cam kết, tuyên bố chất lượng sản phẩm, gồm: Cathay Pacific Steel Corp, Koktai Metal Inc, Continental Steel Manufacturing Corp, Metrodragon Corp và Real Steel Manufacturing Corp. COA cho biết, có tình trạng thép không đạt tiêu chuẩn đang được sử dụng trong các công trình khác nhau, điển hình là việc xây dựng lại các tòa nhà dân cư và thương mại bị sập ở các tỉnh bị tàn phá bởi bão lốc như Leyte và Samar.

Viện Sắt thép Philippines (PISI) đã báo cáo với Bộ Thương mại nước này và Hội Bảo vệ người tiêu dùng Philippines về việc mua thử nghiệm tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão lốc ở tỉnh Leyte và Samar, đồng thời khẳng định rằng thép không đạt tiêu chuẩn vẫn được bán tại nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng. PISI tiết lộ rằng, các thanh thép không đạt tiêu chuẩn và thép không chắc chắn đã được sử dụng tại các tòa nhà bị hư hại trong trận động đất năm 2013 ở Cebu và Bohol.

Hội Bảo vệ người tiêu dùng Philippines bày tỏ quan ngại rằng các sản phẩm dưới tiêu chuẩn có thể gây ra tác động tiêu cực lâu dài đối với ngành xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng của Philippines. Trong khi Philippines là một quốc gia nằm trong vùng động đất và bão lốc, hay còn gọi là Vành đai lửa châu Á, khiến Philippines trở thành một trong những quốc gia dễ bị thiên tai nhất trên thế giới.

Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Philippines - ông Roberto M. Cola - kêu gọi Chính phủ cần có các biện pháp tức thì nhằm giám sát thị trường thép, đặc biệt là tại miền Nam tỉnh Luzon, đồng thời xử lý nghiêm các nhà sản xuất các thanh thép dưới chuẩn. Ông Roberto M. Cola cũng kêu gọi Chính phủ ngừng nhập khẩu phôi thép từ Trung Quốc do chất lượng dưới chuẩn và gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường cho nước này.

Dựa trên số liệu thống kê, lượng tiêu thụ thép của Philippines dự kiến sẽ tăng 5 - 6%, đạt khoảng 11 triệu tấn vào năm 2019. Tiêu thụ thép tăng theo tăng trưởng GDP và nhu cầu thép trong nước chắc chắn dựa vào các dự án cơ sở hạ tầng của Chính phủ và các dự án xây dựng khác. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của tiêu thụ thép có thể bị ảnh hưởng bởi năng lực thép trong nước không đủ, vấn đề an toàn môi trường và các vấn đề về cơ sở sản xuất thép. Bên cạnh đó, Tập đoàn Sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc HBIS tiếp tục đầu tư 4,4 tỷ USD vào xây dựng nhà máy thép mới tại Philippines với công suất thiết kế xấp xỉ 8 triệu tấn…

(Theo Manila Times và Manila Bulletin)
(Báo Kiểm toán số 47/2019)