Hoa Kỳ: Kiểm toán tài chính Bộ Quốc phòng lần thứ hai    

Bộ Quốc phòng (DoD) Hoa Kỳ vừa trải qua cuộc kiểm toán tài chính đầy đủ lần thứ hai. Cuộc kiểm toán đã chỉ ra những cải thiện của Bộ so với năm trước, song cũng phát hiện nhiều thiếu sót mới trong các hoạt động trọng yếu.

Một số kết quả đáng ghi nhận trong năm 2019

DoD là cơ quan lớn nhất thế giới với tổng số nhân viên đạt trên 3,2 triệu quân nhân và nhân viên. DoD gồm: Lục quân, Hải quân và Không quân, là cơ quan có ngân sách cao nhất trong số các cơ quan của Liên bang Hoa Kỳ; do đó, số lượng kiểm toán viên độc lập được huy động để thực hiện cuộc kiểm toán tài chính của Bộ lên tới hơn 1.400 kiểm toán viên và chuyên gia.

Năm 2018, DoD đã trải qua cuộc kiểm toán tài chính lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động. Cuộc kiểm toán đó đã chỉ ra tới 2.410 phát hiện, thiếu sót, sai phạm và đưa ra nhiều khuyến nghị, đề xuất nhằm cải thiện các hoạt động của Bộ. Tuy nhiên, kết quả cuộc kiểm toán mới nhất đối với DoD đã cho thấy một số cải thiện đáng kể trong công tác quản lý tài chính của Bộ trong năm vừa qua.

Trong Báo cáo tổng kết năm 2019, DoD và Văn phòng Tổng Thanh tra của Bộ cũng chỉ ra các lĩnh vực hoạt động có sự cải thiện, tiến bộ rõ rệt. Điển hình là Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã nhận được kết quả kiểm toán tích cực, góp phần tăng số lượng các cơ quan, đơn vị và dự án hoạt động của DoD có kết quả kiểm toán tích cực lên con số 7.

Lục quân Hoa Kỳ đã cải thiện một số quy trình giúp hỗ trợ các giao dịch thanh toán quân sự được nhanh chóng, thuận tiện hơn; Không quân đã và đang cải thiện các biện pháp kiểm soát hoạt động, cải thiện các quy trình hoạt động đơn giản và hiệu quả hơn; Hải quân đã cải thiện công tác quản lý tài sản, việc thống kê tài sản trong các sổ sách, báo cáo cũng rõ ràng, công khai, minh bạch hơn.
 
Nhiều thiếu sót mới được chỉ ra

Ngày 15/11/2019, DoD đã công bố Báo cáo tài chính năm 2019 của Bộ. Các lãnh đạo Bộ cho biết, DoD đã giải quyết được 556/2.410 vấn đề được chỉ ra trong cuộc kiểm toán năm 2018; tuy nhiên, còn hơn 1.800 vấn đề khác vẫn chưa được giải quyết. Thêm vào đó, cuộc kiểm toán lần thứ hai đã chỉ ra hơn 1.300 vấn đề, thiếu sót mới rất đáng lo ngại.

Các kiểm toán viên nhận định, đa số các vấn đề, thiếu sót liên quan đến công tác quản lý các hoạt động mang tầm vĩ mô, nhiều vấn đề trong số đó rất nghiêm trọng và cần thời gian dài để giải quyết. Sau cuộc kiểm toán năm 2018, có 20 vấn đề kiểm toán trọng yếu được xác định; con số này trong cuộc kiểm toán năm 2019 đã tăng lên tới 25. Các lĩnh vực chứa nhiều vấn đề, rủi ro có liên quan đến các dịch vụ quân sự, các chương trình nhà ở quân sự được tư nhân hóa và dự án phát triển các loại máy bay quân sự siêu hiện đại.

Cuộc kiểm toán tài chính của Bộ được đánh giá là rất cần thiết, góp phần chỉ ra những sai phạm, thiếu sót và làm cơ sở cung cấp những khuyến nghị mới, thiết thực nhất cho từng cơ quan của Bộ. Các kiểm toán viên đã tiến hành đánh giá đầy đủ, chính xác khối lượng dữ liệu tài chính khổng lồ của Bộ cũng như đánh giá tình trạng của các tài sản công và đưa ra những biện pháp khắc phục để giải quyết các vấn đề tồn đọng. Những phát hiện và khuyến nghị kiểm toán đã mang lại nhiều lợi ích to lớn cho DoD, giúp Bộ xác định các lỗ hổng trong công tác an ninh mạng; từ đó giúp cải thiện công tác quản lý tài sản và cung cấp các cơ sở vững chắc hỗ trợ lãnh đạo Bộ đưa ra những kế hoạch hành động mang tính quyết định trong tương lai...

Theo Văn phòng Tổng Thanh tra của Bộ, DoD cần nỗ lực rất nhiều và lâu dài để cải thiện công tác quản lý tài chính, hướng tới mục tiêu ngày càng nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc nhận được các kết quả kiểm toán tích cực. Một trong những việc Bộ cần sớm thực hiện là DoD và các cơ quan trực thuộc phải tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu nhằm cải thiện, phát triển các quy trình hoạt động hiệu quả và bền vững hơn.

Đại diện DoD cho biết, do có khối lượng ngân sách lớn nhất trong các Bộ, cuộc kiểm toán tài chính của DoD mất khá nhiều thời gian. Các báo cáo tài chính năm 2019 của một số cơ quan trực thuộc Bộ vẫn đang trong quá trình được kiểm toán.

(Theo Federalnewsnetwork và Contractingacademy)
(Báo Kiểm toán số 2/2020)