Kiểm toán nội bộ (KTNB) là một chức năng thẩm định độc lập được thiết lập bên trong một đơn vị để xem xét và đánh giá các hoạt động của đơn vị với tư cách là một sự trợ giúp đối với nhà quản trị đơn vị. KTNB được hiểu là một bộ phận được đặt ra bên trong một đơn vị để thực hiện chức năng kiểm tra, đánh giá và xác minh độc lập thông tin về các hoạt động diễn ra bên trong đơn vị đó.
KTNB được đánh giá là công cụ quản lý có hiệu quả và là sự bổ sung cần thiết cho công việc ngoại kiểm của hoạt động kiểm toán từ bên ngoài. KTNB là kiểm toán đặt tại đơn vị cơ sở nên có tác dụng rất to lớn trong việc sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi tiêu cực, gian lận sai sót trong quản lý và điều hành các hoạt động, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong đơn vị. Đó là quá trình hoạt động một cách độc lập của những người có thẩm quyền thuộc bộ phận KTNB trong một đơn vị nhằm thu thập các bằng chứng để kiểm tra, đánh giá các thông tin kinh tế, tài chính và thông tin khác về hoạt động của đơn vị; về sự tuân thủ luật pháp của Nhà nước và các quy định của đơn vị; về tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động trong đơn vị đó. Qua đó xác nhận và báo cáo Ban lãnh đạo đơn vị về chất lượng và độ tin cậy của các thông tin được kiểm toán đồng thời đưa ra những khuyến nghị về giải pháp để chỉnh sửa, khắc phục và ngăn ngừa tái diễn những sai sót, vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ và quản trị điều hành của đơn vị, giúp đơn vị đạt được mục tiêu đã đặt ra.
Kiểm toán viên (KTV) nội bộ phải chịu trách nhiệm về ý kiến xác nhận và đánh giá của mình (là ý kiến của bên trung gian giữa lãnh đạo đơn vị và bộ phận được kiểm toán). Các ý kiến và phát hiện của KTV nội bộ trong mọi trường hợp chỉ mang tính chất xác nhận độ trung thực hợp lý của thông tin hay tham vấn chứ không mang tính truyền tải bất kỳ quyền hạn trực tiếp nào nhằm đưa đến một hành động cụ thể. Do vậy, công việc của KTV nội bộ phải tách rời các hoạt động được kiểm toán. Nếu hoạt động KTNB tạm ngừng thì các hoạt động nghiệp vụ của từng cá nhân, từng bộ phận và toàn đơn vị vẫn cứ tiếp tục theo cách đang làm. Tuy nhiên, nếu không có KTNB thì có thể xảy ra rủi ro lớn trong quá trình hoạt động của đơn vị do không được chỉ ra khả năng rủi ro và đảm bảo độ tin cậy của thông tin bởi KTNB nên Ban lãnh đạo đơn vị đã có quyết định sai lầm... Do vậy, đơn vị nên tổ chức và duy trì hoạt động của KTNB để tăng cường hiệu quả của kiểm soát, quản lý trong đơn vị và đặc biệt góp phần đảm bảo thông tin tin cậy để phục vụ cho việc ra quyết định của lãnh đạo đơn vị.
Nhiệm vụ của KTNB trong đơn vị là:
- Kiểm tra, đánh giá độ tin cậy, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, của công tác quản lý rủi ro, các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản và sử dụng nguồn lực của đơn vị;
- Kiểm tra, thẩm định tính xác thực, độ tin cậy của các thông tin trong đơn vị;
- Kiểm tra, đánh giá tính tuân thủ luật pháp và quy định nội bộ của đơn vị;
- Kiểm tra, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của các hoạt động trong đơn vị;
- Kiến nghị các biện pháp sửa chữa, khắc phục sai sót, tồn tại; xử lý các sai phạm; đề xuất các biện pháp hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ, hệ thống quản lý rủi ro trong đon vị.
Để KTNB thực hiện tốt các nhiệm vụ nói trên, cần phải qui định rõ quyền hạn của KTNB.
KTNB có các quyền hạn sau:
- Chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình theo kế hoạch kiểm toán đã được cấp có thẩm quyền trong đơn vị phê duyệt;
- Được yêu cầu các đối tượng được kiểm toán cung cấp, giải trình các thông tin, tài liệu hồ sơ cần thiết cho công tác KTNB;
- Tiếp cận, phỏng vấn các cán bộ, nhân viên của tổ chức, đơn vị thành viên thuộc đối tượng được kiểm toán liên quan đến nội dung kiểm toán;
- Tham dự và được nhận các biên bản họp của Ban lãnh đạo đơn vị có liên quan đến công việc của KTNB;
- Độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, không bị chi phối hoặc can thiệp khi thực hiện kiểm toán và trình bày ý kiến trong báo cáo kiểm toán;
- Tiếp nhận không hạn chế các thông tin liên quan đến hoạt động của đơn vị (như được tham dự và cung cấp đầy đủ các biên bản cuộc họp của Ban lãnh đạo và các văn bản pháp luật của Nhà nước, các chiến lược, quy chế, quy trình, hướng dẫn nghiệp vụ…) và được trang bị đầy đủ nguồn lực về nhân lực, tài chính và các điều kiện vật chất khác phục vụ cho hoạt động kiểm toán;
- Ký xác nhận trên Biên bản, Báo cáo KTNB và chịu trách nhiệm theo nhiệm vụ quyền hạn kiểm toán được giao; Báo cáo kết quả kiểm toán lên Ban lãnh đạo đơn vị theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của đơn vị; Bảo lưu ý kiến đã trình bày trong Biên bản, Báo cáo KTNB;
- Nêu các khuyến nghị và đề xuất các ý kiến tư vấn cho Ban lãnh đạo đơn vị trong việc cải tiến, hoàn thiện công tác quản lý điều hành hoạt động của đơn vị, ngăn ngừa các sai sót, gian lận trong đơn vị. Giám sát, đánh giá và theo dõi các hoạt động sửa chữa, khắc phục, hoàn thiện của lãnh đạo các đơn vị, bộ phận đối với các vấn đề mà KTNB đã ghi nhận và có khuyến nghị;
- Từ chối thực hiện các công việc không thuộc phạm vi nghiệp vụ KTNB.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn và chức năng của mình, bộ phận KTNB phải độc lập đối với Ban lãnh đạo đơn vị và các bộ phận chức năng, các bộ phận được kiểm toán nhằm đảm bảo việc kiểm tra và đánh giá độc lập các hoạt động của đơn vị, phù hợp với điều lệ đơn vị đã đề ra.
Hiện nay đã có không ít các đơn vị, như là các Tập đoàn, các Tổng công ty, các ngân hàng thương mại... đã và đang ngày càng coi trọng vai trò của KTNB. Nhưng thực trạng hoạt động của KTNB trong các đơn vị thường chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Trong nhiều đơn vị, KTNB chưa có được sự cộng tác của các bộ phận được kiểm toán, không ít trường hợp công việc KTNB còn chịu sự chi phối, can thiệp của cán bộ quản lý các cấp. Thậm chí có trường hợp còn xảy ra việc phản ứng của người quản lý cấp cao của bộ phận được kiểm toán đối với sự đánh giá của KTV nội bộ, gây trở ngại cho KTNB. Những người này cho rằng hoạt động KTNB đã gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách của họ. Cũng không ít trường hợp KTV nội bộ không được phép tiếp cận sổ sách, nhân viên và tài sản hiện vật có liên quan đến công việc kiểm toán dẫn đến phạm vi kiểm toán bị hạn chế. Hoặc có đơn vị, KTV nội bộ kiêm nhiệm các cương vị, các công việc chuyên môn khác trong bộ máy điều hành của đơn vị nên dẫn đến KTV nội bộ lâm vào tình trạng không có khả năng nhận định nghề nghiệp một cách khách quan trong quá trình hoạt động kiểm toán cũng như trong việc đánh giá và trình bày ý kiến trong báo cáo kiểm toán. Thực trạng đó dẫn đến KTNB trong các đơn vị này còn mang tính hình thức, chưa thực sự trở thành công cụ quản lý có hiệu quả, chưa thực hiện tốt việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi tiêu cực, gian lận sai sót trong quản lý và điều hành các hoạt động kinh tế tài chính trong đơn vị. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do KTNB trong đơn vị chưa đảm bảo tính độc lập.
Độc lập là nguyên tắc quan trọng trong hoạt động của kiểm toán. KTV nội bộ phải đảm bảo độc lập ở mức độ cần thiết, đủ để họ có thể thực hiện công việc kiểm toán một cách độc lập và đưa ra những kết luận khách quan.
Để đảm bảo và nâng cao tính độc lập của KTNB trong đơn vị, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, về tổ chức: Bộ phận KTNB phải đảm bảo tách biệt và độc lập với các đơn vị, các bộ phận điều hành, tác nghiệp của đơn vị. Ban KTNB của đơn vị phải có địa vị thỏa đáng trong bộ máy tổ chức của đơn vị để có thể hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán. Điều đó thể hiện:
- KTNB phải được sự ủng hộ của Ban lãnh đạo đơn vị để họ có được sự cộng tác của các bộ phận được kiểm toán và để công việc của họ không bị can thiệp của cán bộ quản lý các cấp trong đơn vị cũng như trong bộ phận được kiểm toán;
- Trưởng bộ phận KTNB phải là người có đủ quyền hạn để giữ được tính độc lập và bảo đảm bao quát về mặt kiểm toán chung, xem xét đầy đủ các báo cáo kiểm toán và có hành động thích hợp với các kiến nghị kiểm toán;
- Trưởng bộ phận KTNB phải được phép liên lạc trực tiếp, thường xuyên với Ban lãnh đạo cao cấp của đơn vị, tạo điều kiện để Trưởng bộ phận KTNB và Ban lãnh đạo cao cấp của đơn vị có thể trao đổi thông tin về những vấn đề phát sinh trong đơn vị mà cần có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời. Cần phải quy định rõ Trưởng bộ phận KTNB phải báo cáo trực tiếp lên Ban lãnh đạo;
- Mục đích, quyền hạn và trách nhiệm của bộ phận KTNB phải được nêu rõ trong văn bản chính thức (như quy chế hoạt động KTNB chẳng hạn). Trong quy chế hoạt động của KTNB phải xác định rõ địa vị của bộ phận KTNB; cho phép bộ phận KTNB được phép tiếp cận sổ sách, nhân viên và tài sản hiện vật có liên quan đến công việc kiểm toán và quy định rõ phạm vi hoạt động của KTNB ( để không bị hạn chế phạm vi kiểm toán). Bộ phận KTNB chỉ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ban lãnh đạo đơn vị chứ không chịu sự lãnh đạo của bộ phận chức năng nào khác trong đơn vị. Hàng năm, Trưởng bộ phận KTNB phải trình bản tóm tắt về chương trình kiểm toán, kế hoạch nhân sự và kinh phí để Ban lãnh đạo đơn vị duyệt. Định kỳ (hoặc đột xuất), Trưởng bộ phận KTNB phải báo cáo cho Ban lãnh đạo đơn vị về những phát hiện kiểm toán quan trọng cùng với những kiến nghị về sự thay đổi, bổ sung kế hoạch, chương trình kiểm toán (nếu có) để được Ban lãnh đạo đơn vị phê duyệt, tránh sự phản ứng của các bộ phận được kiểm toán đột xuất…Trong trường hợp có sự phản ứng của nhà quản lý bộ phận được kiểm toán đối với KTV nội bộ thì Ban lãnh đạo đơn vị cần thẩm tra kỹ để có quyết định đúng đắn, kịp thời, đảm bảo không gây trở ngại cho hoạt động của KTNB;
- KTV nội bộ không được kiêm nhiệm các cương vị, các công việc chuyên môn khác trong bộ máy điều hành của đơn vị.
Thứ hai, về hoạt động: Bộ phận KTNB phải đảm bảo độc lập với các hoạt động điều hành hàng ngày của đơn vị, độc lập với các nghiệp vụ được kiểm toán. Bộ phận KTNB và KTV nội bộ được độc lập đánh giá và trình bày ý kiến trong báo cáo kiểm toán. KTV nội bộ không được để mình lâm vào tình trạng không có khả năng nhận định nghề nghiệp một cách khách quan trong quá trình hoạt động kiểm toán, cụ thể:
- KTV nội bộ phải có thái độ công bằng, không định kiến và tránh mọi xung đột lợi ích. KTV nội bộ có quyền và nghĩa vụ báo cáo với Trưởng bộ phận KTNB về mọi vấn đề có ảnh hưởng đến tính độc lập và khách quan của mình trước và trong khi thực hiện công việc KTNB;
- Trưởng bộ phận KTNB phải nắm vững, theo dõi và đảm bảo tính độc lập và khách quan của các KTV nội bộ. Trường hợp tính độc lập hoặc khách quan của KTV nội bộ bị ảnh hưởng hoặc có thể bị ảnh hưởng, Trưởng bộ phận KTNB phải báo cáo và đề xuất xử lý lên Ban lãnh đạo đơn vị để xin ý kiến xử lý cho phù hợp;
- KTV nội bộ không tham gia kiểm toán các hoạt động mà mình chịu trách nhiệm thực hiện hoặc quản lý trước đây;
- KTV nội bộ không được kiểm toán một đơn vị, bộ phận trong vòng ba (03) năm liên tiếp;
- Có biện pháp kiểm tra nhằm đảm bảo tính độc lập và khách quan của KTNB ngay trong quá trình thực hiện kiểm toán tại đơn vị, bộ phận được kiểm toán và trong giai đoạn lập, gửi báo cáo kiểm toán;
- Các kết luận kiểm toán trong báo cáo KTNB phải được phân tích cẩn trọng và dựa trên cơ sở các tài liệu, thông tin thu thập được để đảm bảo tính khách quan, trung thực;
- Kết quả thực hiện nhiệm vụ của Trưởng bộ phận KTNB phải được Ban lãnh đạo đơn vị thường xuyên kiểm tra, rà soát và đánh giá. Trên đây là một số giải pháp cơ bản nhằm tăng cường tính độc lập của KTNB trong đơn vị để KTNB hoạt động hiệu quả, không còn mang tính hình thức, thực sự phát huy vai trò trợ giúp đối với nhà quản trị trong kiểm soát, quản lý và điều hành đơn vị./.
TS. Giang Thị Xuyến
Học viện Tài chính