Các hạn chế từ khuôn mẫu chung cho việc ghi nhận và trình bày báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong mối liên hệ với môi trường và bảo vệ môi trường

“Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh…” (định nghĩa theo Luật Doanh nghiệp- 2005)

Chúng ta đều biết, các doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của xã hội, đó là: - Giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người lao động - Là yếu tố quyết định đến tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế - Tác động đến chuyển dịch cơ cấu trong nền kinh tế quốc dân và trong nội bộ mỗi ngành. - Phát triển doanh nghiệp tác động đến giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội… Kết quả kinh doanh là mục tiêu và là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, mọi hoạt động của doanh nghiệp đều xoay quanh lợi nhuận, hướng tới lợi nhuận và tất cả vì lợi nhuận, bởi nó có ý nghĩa quyết định đến sự tồn vong, khẳng định khả năng cạnh tranh, bản lĩnh doanh nghiệp. Có lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ có nguồn vốn quan trọng để tái sản xuất mở rộng, đóng góp vào ngân sách nhà nước thông qua các loại thuế. Đồng thời một phần lợi nhuận sẽ được dùng để trả cổ tức cho cổ đông, cho các thành viên góp vốn và để trích lập các quỹ bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp không còn sự lựa chọn nào khác là phải đạt được kết quả kinh doanh tốt với mức độ tăng trưởng ngày càng tăng qua các năm. Quan điểm về kết quả kinh doanh trên không chỉ tồn tại trong suy nghĩ của các nhà quản trị, điều hành doanh nghiệp mà cũng chính là quan điểm của các cơ quan quản lí nhà nước, các cơ quan ban ngành khi nhìn nhận, đánh giá về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nói chung. Sau sự kiện công ty Vedan xả nước thải ra môi trường làm chết sông Thị Vải, đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận lại vấn đề: liệu lợi nhuận hằng năm mà doanh nghiệp tạo ra đã tính đủ các khoản chi phí hay có đủ để bù đắp nổi hao hụt về tài nguyên, tổn thất về môi trường mà doanh nghiệp đã tạo ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của cộng đồng trước mắt cũng như về lâu dài. Theo quy định hiện hành thì việc xác định kết quả kinh doanh và trình bày thông tin của báo cáo ở các doanh nghiệp được thực hiện theo các chuẩn mực sau: - Chuẩn mực kế toán 14 “ Doanh thu và thu nhập khác “ - Chuẩn mực chung 01 “ Chuẩn mực chung “ - Chuẩn mực kế toán 21 “ Trình bày báo cáo tài chính “ Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp trong mối liên hệ với môi trường, qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy phát sinh một số hạn chế từ chính các khái niệm, các giả định của kế toán hiện nay, đã làm cho doanh nghiệp có quyền phớt lờ mọi vấn đề liên quan đến môi trường.Cụ thể: Hạn chế thứ nhất: xuất phát từ mục đích cung cấp thông tin của kế toán tài chính : Theo những quy định chung của chuẩn mực kế toán thì mục đích của Báo cáo tài chính là: “Báo cáo tài chính được lập nhằm cung cấp các thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và các thay đổi trong tình hình tài chính của doanh nghiệp, giúp cho những người đọc báo cáo tài chính đưa ra các quyết định phù hợp”. Như vậy, mục đích chung của Báo cáo tài chính là cung cấp thông tin cho người đọc về tài chính, kinh tế và có khuynh hướng tập trung vào các thông tin cần thiết cho cổ đông với các lợi ích tài chính. Điều này làm hạn chế với những người có quan tâm tiếp cận những thông tin không thuộc về tài chính như xã hội, môi trường… Hạn chế thứ 2: xuất phát từ khái niệm “trọng yếu”: Tính “trọng yếu” là một vấn đề có liên quan lớn đến nghề nghiệp của kế toán, trọng yếu được quy định ở các nước khác nhau. Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 01: “Thông tin được coi là trọng yếu trong trường hợp nếu thiếu thông tin hoặc thiếu chính xác của thông tin đó có thể làm sai lệch đáng kể các báo cáo tài chính, làm ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính”. “Tính trọng yếu phụ thuộc vào độ lớn và tính chất của thông tin hoặc các sai sót được đánh giá trong hoàn cảnh cụ thể. Tính trọng yếu của thông tin phải được xem xét trên cả phương diện định lượng và định tính”. Như vậy trong trường hợp các thông tin như những vấn đề môi trường , xã hội không được coi là trọng yếu thì việc ghi nhận và được phân tích trong một báo cáo riêng sẽ không được thực hiện. Hạn chế thứ 3: về khái niệm đơn vị kế toán: Theo Luật Kế toán Việt Nam, đơn vị kế toán là đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 2 của Luật này có lập Báo cáo tài chính. Gồm: a. Cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước. b. Đơn vị sự nghiệp, tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước. c. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam: chi nhánh, văn phòng đại diện cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. d. Hợp tác xã. đ. Hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác xã. Theo khái niệm về dơn vị kế toán thì một tổ chức phải được xử lý như một pháp nhân, phải tách rời với chủ sở hữu. Do đó, nếu một nghiệp vụ hay một sự kiện mà không ảnh hưởng trực tiếp đến công ty thì sẽ không được ghi nhận và do đó các vấn đề về môi trường cũng sẽ không được đề cập đến. Ví dụ như tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ của người tiêu dùng, tác động của khói, bụi, tiếng ồn… sẽ không được đề cập đến trong báo cáo tài chính vì nó không phải là sự kiện tác động trực tiếp. Hạn chế thứ tư: về chi phí không bao gồm các chi phí ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên: Theo chuẩn mực chung: “Chi phí là tổng giá trị các khoản làm giảm lợi ích kinh tế trong kì kế toán dưới hình thức các khoản tiền chi ra, các khoản khấu trừ tài sản hoặc phát sinh các khoản nợ dẫn đến làm giảm vốn chủ sở hữu, không bao gồm khoản phân phối cho cổ đông hoặc chủ sở hữu”. Với định nghĩa trên ta có thể hiểu chi phí là sự giảm trừ của tài sản trong kì kế toán, mà tài sản thì được định nghĩa là một nguồn lực được kiểm soát bởi pháp nhân. Việc ghi nhận các tài sản do đó phải dựa vào sự kiểm soát. Tài nguyên môi trường như là nước và không khí thì được chia sẻ và không được kiểm soát bởi doanh nghiệp và do đó nó không được ghi nhận như tài sản do đó việc sử dụng hoặc lạm dụng các nguồn tài nguyên này không được xem xét như một khoản chi phí. Và đó là điều cần được nhấn mạnh rằng đây là giới hạn đáng kể của kế toán tài chính. Để có thể minh họa cho lập luận trên, chúng ta có thể hình dung rằng một doanh nghiệp tuồn chất thải chưa xử lí ra sông phá hủy chất lượng nước trong phạm vi nhà máy của họ, hành vi này đã dẫn đến một loạt các hậu quả như giết chết các thủy sinh, phá hủy sản xuất của cộng đồng dân cư nơi mà có dòng chảy của sông đi qua và các loài thực vật ở môi trường xung quanh. Theo kế toán tài chính truyền thống, nếu công ty không bị phát hiện khoản phạt từ nguyên nhân nêu trên thì lợi nhuận sẽ được tính toán bởi việc áp dụng những nguyên tắc chung của kế toán sẽ không bị ảnh hưởng và hơn nữa việc sử dụng dòng sông để thải những chất thải cũng không được ghi nhận như là một khoản chi phí bởi dòng sông không thuộc quyền kiểm soát của doanh nghiệp, do đó, các chi phí cũng không được ghi nhận tương ứng và nó cũng không được ghi nhận và trình bày trong bất kì báo cáo nào vì tính trọng yếu, vì khái niệm thực thể, vì mục đích của việc cung cấp thông tin của báo cáo tài chính… Qua việc nghiên cứu kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong mối liên hệ giữa môi trường với kế toán tài chính, chúng tôi nhận thấy khuôn mẫu chung cho việc ghi nhận và trình bày báo cáo tài chính của doanh nghiệp hiện nay có một số điểm hạn chế như đã nêu trên. Chính điều này đã tạo lỗ hổng trong việc nhận biết, ghi nhận các khoản chi phí và nợ tiềm tàng mà lẽ ra doanh nghiệp phải chịu liên quan đến việc bảo vệ và khôi phục môi trường hoạt động. Đây chính là nguyên nhân cho các doanh nghiệp chỉ biết lợi nhuận của mình mà cố tình quên trách nhiệm của mình với môi trường, với xã hội./.
Tài liệu tham khảo
1. Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam – Bộ tài chính – NXB Tài chính
2. Kế toán tài chính –Bộ môn kế toán tài chính – NXB Giao thông vận tải.
3. Kinh tế môi trường – Ms. Lê Thị Hường.
4. Luật bảo vệ môi trường - 2005
5. Luật doanh nghiệp -2005
6. Luật kế toán - 2003
7. Master of International Accounting – Dr.Nicholas A Mroczkowski.
8. Môi trường và con người – PGS.Văn Thái, PTS. Trần Văn Thông, ThS. Lê Thị Hường, ThS. Trương Thị Thanh Xuân, GV. Đỗ Thị Toàn – Lê Minh Dung – Ngô Văn Phong- NXB Thành phố Hồ Chí Minh 1998.
9. Tài liệu khác về môi trường trên các báo VietNam net, tuổi trẻ, thanh niên.
PGS.TS Võ Văn Nhị - TS. Nguyễn Ngọc Dung
Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh