Trung Quốc: Gian lận báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp lớn

Mới đây, tại Trung Quốc, hai vụ bê bối kế toán của DN đã bị phát hiện trong vòng chưa đầy một tuần làm dấy lên mối lo ngại về công tác quản trị DN lỏng lẻo tại một số công ty, tập đoàn lớn phát triển nhanh nhất ở quốc gia này.

Đầu tháng 4 vừa qua, Hãng kiểm toán EY cho biết, sau khi tiến hành kiểm toán các báo cáo tài chính của Tập đoàn bán lẻ cà phê Lucking Coffee - được mệnh danh là “Starbucks Trung Quốc”, Hãng đã phát hiện rằng, Giám đốc Điều hành của Lucking đã khai khống hơn 310 triệu USD doanh thu trong năm 2019. Ngay sau đó, giá cổ phiếu của Lucking đã giảm tới 85%.

Trong khi vụ bê bối khai khống doanh số trên còn đang khiến giới đầu tư xáo động, ngày 07/4, Tập đoàn Giáo dục TAL - dịch vụ gia sư đưa nhà sáng lập Zhang Bangxin vào danh sách những người giàu nhất Trung Quốc - lại gây chấn động khi thừa nhận một nhân viên đã khai khống doanh thu Công ty và công bố dữ liệu tài chính giả mạo.

Sự thật trên bị phát hiện sau khi một cuộc kiểm toán nội bộ xem xét tình hình tài chính của TAL phát hiện ra rằng, nhân viên này đã cấu kết với một số đối tác bên ngoài để khai khống doanh thu của một dịch vụ giáo dục. Hiện, nhân viên này đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ. Ngay lập tức, giá cổ phiếu của TAL đã sụt giảm hơn 20% tại Sàn giao dịch New York (Hoa Kỳ). Tài sản của tỷ phú Zhang Bangxin đã “bốc hơi” 1,9 tỷ USD chỉ trong một ngày sau khi thông tin trên được công bố. Trước đó, tài sản của CEO TAL Zhang Bangxin được xác định là 9,6 tỷ USD.

Trong những năm gần đây, khá nhiều công ty Trung Quốc bị phát hiện giả mạo dữ liệu tài chính. Ngoài Lucking và TAL, còn phải kể đến các DN như: Sino Forest, Longwei Petroleum, China Media Express và Puda Coal.

Các vụ bê bối tài chính liên tiếp bị phát hiện thời gian gần đây khiến các nhà đầu tư quốc tế lo ngại về tình hình tài chính của các công ty Trung Quốc, đặc biệt trong thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang lao đao vì dịch bệnh Covid-19.

(Theo accountingtoday.com)
(Báo Kiểm toán số 16/2020)