New Zealand: Điều tra gian lận trong sử dụng ngân sách hỗ trợ phòng, chống Covid-19    

Chính phủ New Zealand vừa chi thêm 52 tỷ USD để kịp thời hỗ trợ cho các công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, mới đây, Văn phòng Tổng Kiểm toán và Kiểm soát (OAG) đã phát hiện những sai phạm trong việc sử dụng số tiền trên tại nhiều DN.  

Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch bệnh

Đây là số tiền lớn nhất từ trước tới nay Chính phủ New Zealand quyết định chi để đối phó với dịch bệnh, bởi những hậu quả Covid-19 mang lại vô cùng nặng nề. Những khoản ngân sách trước đó Chính phủ đã giải ngân cho quỹ phòng, chống dịch bệnh, thiên tai trong năm tài chính 2019-2020 không thể đảm bảo chi trả cho công tác phòng, chống và giải quyết hậu quả dịch bệnh gây ra. 

Trong số 52 tỷ USD, Chính phủ đồng ý chi hơn 10,3 tỷ USD hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh vay vốn. Số tiền này đã giúp các DN dù nhiều tháng qua hoạt động kinh doanh bị đình trệ vẫn có thể chi trả lương cho người lao động, giúp các DN tồn tại, cầm cự vượt qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng và tiếp tục lên kế hoạch hoạt động khi dịch bệnh qua đi.

Hiện, 1,6 triệu dân New Zealand đang được nhận hỗ trợ từ chương trình trợ cấp thất nghiệp. Các chương trình hỗ trợ kịp thời của Chính phủ đã giúp người lao động vượt qua được giai đoạn khủng hoảng trầm trọng và cứu sống nhiều DN trên cả nước.

OAG chịu trách nhiệm giám sát việc phân bổ, sử dụng số tiền trên và phải kịp thời báo cáo lên Quốc hội để có những điều chỉnh cần thiết cũng như có những biện pháp xử phạt nếu có sai phạm xảy ra.

Ngày 24/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính New Zealand Grant Robertson đã tham dự một cuộc họp báo và đưa ra nhiều ý kiến, trong đó, ông nhấn mạnh những tác động nặng nề của dịch bệnh đối với các DN trong nước và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại quốc gia này, sau 11h59 tối 20/4, New Zealand phải ban bố tình trạng cảnh báo từ cấp 4 lên cấp 3. Theo dữ liệu mới từ Bộ Phát triển xã hội (MSD), số lượng đơn xin việc làm đã tăng tới 30.000 trường hợp kể từ ngày 20/3...

Trước tình hình trên, các DN trong nước đã đề xuất Chính phủ tiếp tục gia hạn chương trình hỗ trợ tài chính cho DN, đồng thời, bổ sung một số chính sách toàn diện hơn giúp hỗ trợ tích cực, thiết thực nhất cho người lao động và các DN bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh.
 
Xử phạt các trường hợp lạm dụng quỹ hỗ trợ

Để đảm bảo ngân sách được sử dụng đúng mục đích, OAG đã tiến hành một cuộc kiểm toán, bước đầu chỉ ra một số sai phạm đáng lên án trong việc lạm dụng ngân sách hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại nhiều DN. Một đội ngũ gồm hơn 100 kiểm toán viên và điều tra viên đã được huy động bắt tay vào việc tìm kiếm những bằng chứng gian lận.  

Cuộc kiểm toán của OAG đã phát hiện một số DN không thuộc diện được hưởng trợ cấp vẫn cố tình lợi dụng chương trình và tìm cách để được nhận tiền cho vay, tiền hỗ trợ. OAG cho rằng, có thể nhiều DN khác sẽ bị phanh phui trong thời gian tới và đang tiếp tục thực hiện cuộc kiểm toán mở rộng. Các DN này đã được yêu cầu hoàn trả tất cả các khoản cho vay và trợ cấp được nhận. Trong số 10,3 tỷ USD được giải ngân cho đến nay, hơn 17 triệu USD đã được hoàn trả cho Chính phủ.
Bộ trưởng Grant Robertson cho biết, những cá nhân bị phát hiện có hành vi sai phạm có thể phải đối mặt với việc truy tố hình sự và đối mặt với án tù từ 3 đến 7 năm. Ông Robertson khẳng định, các kiểm toán viên sẽ xem xét từng chi tiết để tìm ra những đối tượng có hành vi biển thủ ngân sách phòng, chống đại dịch.

Theo số liệu của MSD, gần 1.300 người lao động đã tự nguyện trả lại tiền trợ cấp, tổng cộng 16,2 triệu USD. Cuộc kiểm toán phát hiện 56 trường hợp khác cố tình khai báo thông tin sai lệch để lấy tiền trợ cấp. MSD đã yêu cầu những người này trả lại 1,25 triệu USD và hiện đang xem xét khởi tố các đối tượng này. Tuy nhiên, ông Grant Robertson cho rằng, đây có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi tính đến nay, Chính phủ đã phê duyệt hơn 410.000 đơn xin trợ thất nghiệp.

Dự kiến ngày 14/5, Chính phủ sẽ đưa ra một chương trình hỗ trợ giúp các DN củng cố nhân lực, cơ sở vật chất, đồng thời thiết lập và xây dựng những kế hoạch mới nhằm khôi phục hoạt động sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Trao đổi với trang tin Bloomberg chiều 24/4, ông Grant Robertson đã chia sẻ một số thông tin về các chương trình hỗ trợ tiếp theo của Chính phủ dành cho những người lao động và các DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ các gia đình, DN vượt qua khủng hoảng và sẽ xem xét thời điểm đưa ra các chương trình hỗ trợ mới phù hợp nhất.n

(Theo nzherald.co.nz và oag.parliament.nz)
(Báo Kiểm toán số 19/2020)