Tòa Thẩm kế Hà Lan mới đây đã chỉ trích những sai phạm liên quan đến thỏa thuận mua cổ phần tại liên minh hàng không Air France-KLM của Chính phủ Hà Lan, trong đó nhấn mạnh việc vi phạm nguyên tắc báo cáo Nghị viện trước khi triển khai các thỏa thuận, giao dịch nhà nước có giá trị lớn.
Xung đột nguyên tắc giao dịch
Trong nỗ lực nhằm tăng tầm ảnh hưởng tại Công ty con KLM của Air France (Air France-KML), Chính phủ nước này đã thực hiện việc mua lại cổ phần mà không thông báo trước cho Nghị viện. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hà Lan Wopke Hoekstra cho rằng, việc thông báo trước có thể gây cản trở giao dịch với các bên liên quan và khiến giá cổ phần tăng lên.
Song Tòa Thẩm kế Hà Lan khẳng định, theo Hiến pháp quốc gia, các Bộ trưởng phải thông báo trước cho Nghị viện về các giao dịch đó và không được phép trình lên một thỏa thuận đã hoàn thành. “Do đó, theo quan điểm của kiểm toán viên, giao dịch này là trái với các quy định của luật pháp Hà Lan” - báo cáo nhận định.
Quyết định này không liên quan đến các cuộc đàm phán hiện tại về gói viện trợ lên tới 4 tỷ Euro mà Chính phủ Hà Lan dự kiến rót vào Air France-KLM sau những tác động của sự bùng phát dịch Covid-19 trên toàn cầu. Được biết, Pháp và Hà Lan mỗi bên hiện đang sở hữu khoảng 13 - 14% cổ phần tại liên minh Air France-KLM này.
Trước đó, hồi tháng 02/2019, Chính phủ Hà Lan đã thông báo việc mua 12,68% cổ phần trong Air France-KLM để bảo vệ lợi ích của nước này, sau hàng loạt những căng thẳng liên quan đến việc điều hành liên minh hàng không này. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hà Lan Wopke Hoekstra nhấn mạnh, thông qua việc mua lại cổ phần, Chính phủ Hà Lan muốn có thể trực tiếp tác động đến sự phát triển của Air France-KLM để đảm bảo tối đa lợi ích của Hà Lan.
Ông Hoekstra cho hay, mục đích cuối cùng của việc này là để duy trì thế cân bằng với Pháp - quốc gia đang nắm giữ 14,3% cổ phần trong liên minh hàng không. Trước đó, Chính phủ Hà Lan nắm giữ 5,9% cổ phần trong Air France-KLM, song đã mua thêm cổ phần trị giá 680 triệu Euro sau đó. Động thái trên đã khiến Chính phủ Pháp bất ngờ và Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp Bruno Le Maire khẳng định Chính phủ Hà Lan đã không thông báo về quyết định này.
Các kết luận của Tòa Thẩm kế không có chức năng nhằm đảo chiều giao dịch, mà chỉ đưa ra một loạt các khuyến nghị cho Chính phủ nước này, trong đó bao gồm cả khuyến nghị về tôn trọng nguyên tắc thực hiện thông báo trước cho Nghị viện.
Phản hồi trước sự chỉ trích của Tòa Thẩm kế, ông Hoekstra cho biết, ông đã phải đối mặt với một tình thế khó xử giữa việc mâu thuẫn với các quy định về thông báo trước cho Nghị viện và đồng thời không tiết lộ thông tin để tránh ảnh hưởng tới giá cổ phiếu của Air France-KLM. Ông Hoekstra từng nhấn mạnh Air France-KLM có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế Hà Lan, nên cần được can thiệp phù hợp. Số phận Hãng hàng không này gắn liền với sân bay Schiphol ở Thủ đô Amsterdam, một trong những sân bay đông đúc nhất của châu Âu và là đầu tàu kinh tế quan trọng của Hà Lan.
Cứu trợ khẩn cấp
Tòa Thẩm kế Hà Lan cũng cảnh báo, Air France-KLM sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch thế giới. Do dịch bệnh và lệnh phong tỏa, Hãng duy trì chưa tới 5% công suất hoạt động. Các biện pháp hạn chế đi lại được Pháp và nhiều quốc gia áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã khiến Air France đối mặt với sự sụt giảm mạnh trong hoạt động kinh doanh thời gian qua. Ngày 07/5 vừa qua, Air France-KLM đã thông báo Hãng thua lỗ hơn 1,8 tỷ Euro trong quý I/2020, cao gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Giám đốc điều hành của Air France-KLM - ông Benjamin Smith - cho biết, Hãng đang thực hiện việc cải tổ bộ máy và có thể phải cắt giảm nhiều nhân sự. Triển vọng kinh doanh của Air France-KLM trong quý II/2020 được dự đoán có thể còn tồi tệ hơn khi phần lớn máy bay, chuyên cơ của Hãng đều ngừng hoạt động.
Trước tình hình trên, Chính phủ Pháp đã tung ra gói hỗ trợ tài chính khoảng 7 tỷ Euro để cùng góp chung trong gói cứu trợ dự kiến 4 tỷ Euro từ Chính phủ Hà Lan để giúp Air France-KLM vượt qua khủng hoảng. Nếu không được hỗ trợ, Air France có thể đối mặt với nguy cơ phá sản do hoạt động kinh doanh sụt giảm mạnh và điều này có thể đe dọa nền kinh tế Pháp cũng như việc làm của 350.000 lao động tại Hãng này.
Ủy viên phụ trách cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) Margrethe Vestager cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) ủng hộ cho kế hoạch cứu trợ Air France-KLM của hai Chính phủ Pháp và Hà Lan. Đổi lại, Air France-KLM phải thực hiện những cam kết đảm bảo về lợi nhuận và cải thiện môi trường. Theo đó, Air France-KLM sẽ phải trình kế hoạch gia tăng lợi nhuận và chuyển đổi đội tàu bay nhằm giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính. Kể từ tháng 3/2020, EC đã bắt đầu nới lỏng các quy định đối với các khoản trợ cấp chính phủ nhằm tạo điều kiện cho các thành viên của EU cung cấp hỗ trợ cho các công ty gặp khó khăn tài chính do đại dịch Covid-19.
(Theo Reuters và NL Times)
(Báo Kiểm toán số 20/2020)