Nam Phi: Gói tín dụng doanh nghiệp không phát huy hiệu quả

Gói hỗ trợ tín dụng dành cho các DN bị tổn thương bởi đại dịch Covid-19 trị giá 200 tỷ Rand (11,6 tỷ USD) của Chính phủ Nam Phi mới đây bị chỉ trích là thiếu hiệu quả và không minh bạch. Thông tin này được đưa ra trong bản Báo cáo kiểm toán gần đây nhất của Tổ chức Nghiên cứu thị trường tài chính Intellidex.

Doanh nghiệp ngần ngại tiếp cận khoản vay

Ngày 21/4/2020, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã công bố chương trình hỗ trợ tài chính trị giá 500 tỷ Rand (26 tỷ USD) nhằm giúp giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế cũng như đời sống người dân tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này.

Gói hỗ trợ 200 tỷ Rand nằm trong chương trình hỗ trợ tín dụng toàn diện này, cho phép các ngân hàng cung cấp khoản vay cho những DN chịu ảnh hưởng từ suy thoái liên quan đến Covid-19. Những thỏa thuận và chi tiết của gói hỗ trợ này đã được thông qua bởi Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Dự trữ Nam Phi cùng 7 ngân hàng khác vào ngày 11/5/2020. Theo đó, các ngân hàng bắt đầu cung cấp các khoản vay cho khách hàng DN có doanh thu dưới 300 triệu Rand và khoản vay có thể được sử dụng để chi trả các chi phí hoạt động như: chi phí thuê đất, tiền lương nhân viên và các chi phí cố định khác.

Tuy nhiên, theo Báo cáo kiểm toán của Intellidex, cho tới nay, mới chỉ có 1% của gói cho vay tín dụng này là đã được sử dụng. Điều này có nghĩa là mục tiêu của gói hỗ trợ đã không được hiện thực hóa và gói hỗ trợ đã không phát huy hiệu quả như dự kiến ban đầu.

Các kiểm toán viên cho biết, nhiều DN tỏ ra ngần ngại khi tiếp nhận khoản vay, do những điều kiện khắt khe liên quan đến thời hạn trả nợ vay, yêu cầu hồ sơ phức tạp của khoản vay. Báo cáo cũng ghi nhận một thực tế là những khoản vay này được cung cấp chậm 2 tháng so với nhu cầu thực tế.

Về phía cung, Intellidex nhận thấy các ngân hàng không được khuyến khích để cung cấp các khoản vay. Những chính sách liên quan đến khoản vay được thiết kế để hòa vốn, do đó không tạo động lực về lợi nhuận cho các ngân hàng. Các kiểm toán viên cho rằng, gói tín dụng này cần phải được nới lỏng về một số điều kiện ràng buộc, tăng tính linh hoạt trong cách thức tiếp cận và tạo động lực về lợi nhuận cho các ngân hàng cho vay.

Theo ông Stuart Theobald - Chủ tịch Intellidex, gói hỗ trợ cho vay của ngân hàng cấu thành một hợp phần quan trọng trong các biện pháp phản ứng của Chính phủ trước suy thoái do đại dịch, giúp giải cứu các DN và hỗ trợ việc làm. “Chúng tôi hối thúc các bên liên quan hãy cùng phối hợp chặt chẽ trên tinh thần hợp tác và đổi mới vì lợi ích chung. Các ngân hàng và Chính phủ phải cùng nhau tìm cách để thúc đẩy hiệu quả của gói tính dụng 200 tỷ Rand này” - ông Theobald cho biết. 
 
Nam Phi tiếp tục kêu gọi cứu trợ tài chính

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, nền kinh tế Nam Phi đã rơi vào khủng hoảng triền miên trong nhiều năm liền, do năng lực quản lý yếu kém cùng tình trạng tham nhũng tràn lan. Ngân hàng Dự trữ Nam Phi (SARB) vừa qua đã dự đoán kinh tế nước này sẽ giảm 7% - mức giảm sâu nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi những năm 1930. SARB dự báo thâm hụt ngân sách của Nam Phi có thể ở mức 6,8% GDP trong năm tài chính hiện tại.

Đại dịch Covid-19 có thể gây ra cú sốc kinh tế vĩ mô, thâm hụt ngân sách năm 2020-2021 của nước này có thể sẽ cao hơn 10% GDP - mức cao nhất trong lịch sử Nam Phi. Theo các chuyên gia kinh tế hàng đầu của SARB, cú sốc Covid-19 có thể gây thiệt hại đối với sản lượng kinh tế của Nam Phi trong khoảng 5 năm. SARB cho rằng, nếu nợ công tiếp tục tăng và không được kiểm soát kịp thời, Chính phủ Nam Phi có thể phải đối mặt với những thách thức về chi phí nợ, điều này có tác động nghiêm trọng đến sự ổn định tài chính.

Kể từ khi Nam Phi ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào tháng 3/2020, đến nay, nước này đã ghi nhận hơn 87.000 ca mắc và gần 2.000 trường hợp tử vong. Mới đây, Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đã phê chuẩn gói tín dụng khẩn cấp trị giá 1 tỷ USD cho Nam Phi, nhằm hỗ trợ nước này giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đối với đời sống kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nam Phi Tito Mboweni cho biết, gói tín dụng khẩn cấp này sẽ giúp Nam Phi nhanh chóng giải quyết những nhu cầu cấp bách của đất nước.

(Theo Reuters Africa và Business Tech)
(Báo Kiểm toán số 25/2020)