Kenya: Kiểm toán công tác chi trả tiền bản quyền sáng tác, biểu diễn

  Mới đây, Chủ tịch Hội đồng Bản quyền Kenya (Kecobo) Mutuma Mathiu đã công bố một số phát hiện sau khi xem xét công tác thu hộ, chi hộ tiền bản quyền sáng tác, tiền thù lao biểu diễn cho các nghệ sĩ của một số tổ chức hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc từ năm 2017-2019. Báo cáo kiểm toán chỉ ra sự yếu kém và những sai phạm mang tính hệ thống, đã tồn tại từ lâu trong hoạt động của các tổ chức này.

Chi trả những khoản thù lao ít ỏi

Các tổ chức được xem xét gồm: Hiệp hội Bản quyền âm nhạc Kenya (MCSK), Hiệp hội Quyền của người biểu diễn Kenya (Prisk) và Hiệp hội Nhà sản xuất âm nhạc Kenya (Kamp), được gọi chung là các cơ quan quản lý chung lĩnh vực âm nhạc tại Kenya (CMO).

Cuộc kiểm toán do Công ty Kiểm toán Ronalds LLP tiến hành, được thực hiện vài tháng sau khi các CMO đưa ra đề nghị cần xin Chính phủ cấp ngân sách khoảng 100 triệu Shilling Kenya (KES), tương đương 922.000 USD, để hỗ trợ cho các nghệ sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ... trong thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Báo cáo kiểm toán ban đầu của Ronalds LLP chỉ trích các CMO đã cố tình vi phạm các quy định trong công tác nhận và trả tiền bản quyền cho các nhạc sĩ, người biểu diễn. Xem xét các giao dịch tài chính của các tổ chức này, Hãng kiểm toán chỉ ra những hành vi gian lận khiến nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ Kenya chỉ nhận được thù lao là những khoản tiền vô cùng ít ỏi mà họ gọi là “những đồng tiền lẻ”.

Báo cáo kiểm toán đưa ra một ví dụ, vào tháng 8/2019, MCSK đã gửi tiền bản quyền sáng tác cho một nhóm các nghệ sĩ, nhạc sĩ, mỗi người được nhận 2.500 KES, tương đương 23 USD. Số tiền trên thực sự quá ít ỏi, gây bất ngờ xen lẫn những phẫn nộ trong giới nghệ sĩ Kenya.

Bên cạnh đó, công tác quản trị của các cơ quan này rất yếu kém dẫn đến tình trạng các thành viên của CMO, từ nhân viên tới lãnh đạo, đều coi thường các quy định chung, lơ là trong việc lưu trữ, quản lý hồ sơ, tình trạng nhiều đối tượng trùng tên được nhận tiền hoặc có những người thụ hưởng “ảo” nhằm biển thủ tiền vào túi riêng vẫn tồn tại nhiều năm qua.  

Báo cáo kiểm toán cho biết thêm, các CMO đều để xảy ra tình trạng mất các tài liệu, hồ sơ tài chính quan trọng làm dấy lên nghi vấn một số đối tượng cố tình hủy các chứng từ tài chính nhằm xóa dấu vết. Các tổ chức này cũng không nộp các khoản khấu trừ, các khoản thuế theo luật định và để tồn tại những lỗ hổng lớn trong công tác quản lý tài sản công.
 
Yêu cầu CMO giải trình về vụ việc

Các nhóm, hội nhạc sĩ, nghệ sĩ của Kenya cho biết, họ thường xuyên phải chịu đựng sự bất công và cảm thấy vô cùng phẫn nộ, bất bình đối với cách các CMO thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình. Họ thậm chí đã tổ chức một số cuộc biểu tình nhằm lên án, chỉ trích các CMO vì đã có những hành vi mờ ám, gian lận và đánh cắp số tiền lẽ ra phải thuộc về các nghệ sĩ. Hãng kiểm toán xác nhận, nhiều bài hát được phát sóng, biểu diễn trong các chương trình truyền hình, phát thanh, tại các nhà hát, các sự kiện công cộng... nhưng tác giả của những bài hát này hầu như không được nhận tiền bản quyền sáng tác.

Giám đốc Điều hành Kecobo Edward Sigei cho biết sẽ cho các CMO khoảng thời gian 7 ngày để đưa ra báo cáo giải trình, phản hồi đối với những phát hiện kiểm toán đã được chỉ ra. Các CMO sẽ phải trả lời mọi truy vấn từ các cơ quan quản lý có thẩm quyền để làm rõ vụ việc trên. Sau khi tổng hợp các báo cáo liên quan, Ban Giám đốc Kecobo sẽ tổng hợp và công bố Báo cáo kiểm toán chính thức cuối cùng.

Theo Chủ tịch Kecobo Mutuma Mathiu, Hội đồng quản trị Kecobo sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt trong hai tuần tới để thảo luận về những kế hoạch hành động cần thực hiện ngay nhằm mang lại công bằng cho các nghệ sĩ, đồng thời có biện pháp đối với những cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm gây bất bình trong dư luận.

“Kekobo đang tiến hành xem xét các khuyến nghị trong Báo cáo kiểm toán và sẽ ưu tiên thực hiện một số khuyến nghị đặc biệt quan trọng và cần thiết trước. Một trong những việc cần làm là gửi những kết quả kiểm toán tới Cục Điều tra hình sự để thực hiện việc xác minh, thu hồi toàn bộ số tiền bị “đánh cắp” cho những người bị hại. Bên cạnh đó, cần ngay lập tức chấn chỉnh công tác quản lý, chi trả tài chính cũng như việc thực hiện các thủ tục hành chính tại các CMO” - ông Mutuma Mathiu nói.

(Theo nation.africa và standardmedia.co.ke)
(Báo Kiểm toán số 40 + 41/2020)