New Zealand: Lực lượng cảnh sát thiếu minh bạch trong mua sắm, quản lý tài sản  

Mới đây, tờ nhật báo New Zealand Herald đã đăng tải thông tin và nhấn mạnh rằng, một cuộc kiểm toán vừa được hoàn thành đã lên án lực lượng cảnh sát New Zealand hiện đang sở hữu hàng chục công cụ công nghệ thông tin mới một cách mờ ám. Công tác quản lý, sử dụng những công cụ này rất tùy tiện và không được báo cáo công khai. 

Lỏng lẻo trong giám sát

Cuộc kiểm toán kho công cụ kỹ thuật số của lực lượng cảnh sát được thực hiện từ giữa năm 2020 sau khi có thông tin cho biết, lực lượng cảnh sát đã thử nghiệm một công cụ tìm kiếm sử dụng công nghệ Clearview AI mà không báo cho Chính phủ để bí mật lấy dữ liệu sinh trắc học của nhiều người từ các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội. Công nghệ này do một công ty tại Hoa Kỳ cung cấp, hiện vẫn đang gây nhiều tranh cãi.

New Zealand Herald đưa tin, trong kho công cụ công nghệ thông tin, nhiều công cụ mới được lực lượng cảnh sát mua để bổ sung vào hệ thống các công cụ kỹ thuật số nhằm tăng cường việc áp dụng các công nghệ hiện đại hỗ trợ công tác hành chính, hỗ trợ đắc lực quá trình điều tra và phát hiện tội phạm.

Tuy nhiên, nhiều công cụ trong số đó đã được sử dụng trong một thời gian dài nhưng vẫn không được báo cáo về tình hình sử dụng, về hiệu quả hoạt động. Nhiều cá nhân có thể tùy tiện sử dụng các công cụ mới cũng như dùng những thông tin, hình ảnh thu được vào những mục đích khác nhau, không được giám sát chặt chẽ. Đặc biệt, những công cụ công nghệ thông tin đều rất hiện đại, đắt giá, đáng chú ý như máy bay không người lái được điều khiển từ xa - một công cụ rất hữu ích trong các cuộc điều tra bởi chúng có thể giám sát, chụp và gửi những hình ảnh trực tiếp về phòng điều khiển, giúp phát hiện nghi phạm nhanh chóng, giúp bổ sung những hình ảnh, dữ liệu mà con người hay hệ thống camera an ninh khó có thể cung cấp được trong trường hợp camera được lắp đặt ở những góc khuất.

Một số công nghệ mới khác phải kể đến là: công cụ Cellebrite với chức năng tìm kiếm, khai thác thông tin trong điện thoại, các thiết bị di động và trích xuất hình ảnh phục vụ công tác nhận dạng khuôn mặt, điều tra số; BriefCam - công nghệ xử lý hình ảnh giúp xem lại video nhanh và đưa về hình ảnh gốc chỉ trong một lần nhấp chuột, trung bình với đoạn video kéo dài một giờ, việc xem lại có thể được giảm xuống còn một phút, với khả năng nhằm vào các khuôn mặt, chuyển động, sự kiện khả nghi...
 
Cần minh bạch trong công tác quản lý

Với những tính năng vô cùng hữu ích, không thể phủ nhận những công cụ mới trên rất cần thiết trong hoạt động chuyên môn của lực lượng cảnh sát. Song nhiều năm qua, việc quản lý và sử dụng các công nghệ mới không được sát sao, nhiều công cụ mới được phát hiện trong kho công cụ kỹ thuật số không có thông tin đầy đủ về tính năng, hướng dẫn, quy định bảo mật...

Theo báo cáo của New Zealand Herald, lực lượng cảnh sát đã cố gắng xóa bỏ các công cụ trong kho vũ khí kỹ thuật số không được quản lý, sử dụng chặt chẽ trước khi cuộc kiểm toán diễn ra nhưng không thành công.

Một số nhà cung cấp các phần mềm, công nghệ cao cho biết, lực lượng cảnh sát New Zealand đã đặt mua một số công cụ số. Tuy nhiên, đại diện lực lượng cảnh sát lại không thông báo với các kiểm toán viên về điều này mà chỉ cho biết, việc sử dụng các hệ thống máy bay không người lái được điều khiển từ xa... đã được chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 12/6/2019, ngoài ra không cung cấp thêm thông tin nào.

Nếu công tác giám sát các công cụ tác nghiệp lỏng lẻo, yêu cầu truy cập vào hệ thống dữ liệu không được giám sát chặt chẽ, kho thông tin, hình ảnh bí mật có thể bị sử dụng sai mục đích hoặc bị lạm dụng. Vì vậy, lực lượng cảnh sát cần củng cố công tác quản lý, sử dụng các công cụ này để tăng hiệu quả, hạn chế tiêu cực và cần báo cáo minh bạch lên Chính phủ.

(Theo rnz.co.nz và biometricupdate.com)
(Báo Kiểm toán số 47/2020)