Tháng 2 vừa qua, Liên Hợp Quốc (UN) đã thực hiện một cuộc kiểm toán nội bộ sau khi có một số đơn thư cáo buộc nạn phân biệt chủng tộc đã và đang xảy ra trong chính cơ quan này.
UN được thành lập với vai trò là tổ chức liên chính phủ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia... Tuy nhiên, một số cán bộ của cơ quan này, trong đó có một cựu quan chức cấp cao của Quỹ Dân số UN đã lên tiếng cáo buộc: “UN với tư cách là một tổ chức được thành lập trên cơ sở bình đẳng và nhân quyền cần xem xét lại văn hóa làm việc khi để tồn tại nạn phân biệt đối xử”.
Vào cuối tháng 5 đầu tháng 6/2020, một người Mỹ gốc Phi bị một cảnh sát ở TP. Minneapolis (Hoa Kỳ) sát hại. Vụ giết người này đã gây ra một làn sóng phản đối kịch liệt trong công chúng và ngấm sâu hơn vào khắp các cơ quan của UN. Cũng vào tháng 6/2020, Tổ chức Người dân gốc Phi tại UN đã thực hiện một cuộc khảo sát đầu tiên nhằm đánh giá nhận thức của nhân viên về nạn phân biệt chủng tộc trong UN. Kết quả, 52% trong tổng số 2.857 người được khảo sát cho biết, họ đã từng là nạn nhân của vấn nạn này. Cuộc khảo sát đã giúp nhiều người dũng cảm tiếp tục lên tiếng đấu tranh.
Các đại sứ châu Phi và đại diện thường trực châu Phi tại UN rất ủng hộ ý kiến của Tổng Thư ký UN về việc sớm thực hiện một kế hoạch hành động và một cuộc đối thoại mở về những vấn đề này. Ngày 30/12/2020, họ đã soạn thảo một bản kêu gọi hành động có tiêu đề “Hợp nhất để chống lại nạn phân biệt chủng tộc, kỳ thị chủng tộc và các hành vi liên quan”.
Ngày 04/01/2021, Tổng Thư ký UN đã nhận bản kêu gọi trên và cho biết sẽ sớm công bố kết quả cụ thể của cuộc kiểm toán nội bộ, đồng thời cam kết nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức.
(Theo theafricareport)
(Báo Kiểm toán số 10/2021)