Toà thẩm kế châu Âu – ECA công bố báo cáo rà soát về đóng góp tài chính của các nước không thuộc Liên minh châu Âu (EU) đối với EU và các quốc gia thành viên giai đoạn 2014-2019

(Toà thẩm kế châu Âu - ECA) - Ngày 27/4/2021 công bố báo cáo rà soát số 3/2021 về đóng góp tài chính của các nước không thuộc Liên minh châu Âu (EU) đối với EU và các quốc gia thành viên giai đoạn 2014-2019.

Những đóng góp tài chính này cho phép các nước không thuộc EU tham gia vào các chương trình, hoạt động của EU và tiếp cận thị trường chung nội bộ của EU. Báo cáo nhấn mạnh các thách thức chính, trong đó có tác động của việc Anh rời khỏi EU đến đóng góp từ các nước không thuộc EU và việc tận dụng lợi thế thị trường chung nội bộ EU để thu hút các khoản đóng góp tài chính từ thành viên của Hiệp hội tự do thương mại châu Âu (EFTA). Cụ thể, mục tiêu của đánh giá nhằm đưa ra một cái nhìn tổng thể và toàn diện về những đóng góp này và quy tắc quản lý chúng. Ủy ban châu Âu và các cơ quan quản lý các khoản đóng góp theo cách phi tập trung và không có một cơ quan chủ quản nào có một cái nhìn chi tiết về những khoản đóng góp. Quá trình quản lý rất phức tạp. Việc đầu tiên để tính số tiền đóng góp, trong hầu hết các trường hợp, là tính quy mô tương đối của tổng sản lượng quốc nội so với tổng sản lượng quốc nội EU, sau đó khoản đóng góp được điều chỉnh theo từng trường hợp cụ thể. Các Kiểm toán viên đã chỉ ra thách thức về mặt đảm bảo và thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình vì lợi ích của các cơ quan công quyền và ngân sách có liên quan, thông qua các báo cáo thường xuyên và chi tiết cho thấy đóng góp của từng quốc gia không thuộc EU cho từng chương trình/hoạt động của EU.

Trong thời gian ngắn hạn, một thách thức quan trọng khác là ứng phó với tác động của Brexit (Anh rời khỏi EU) đối với các khoản đóng góp từ các nước không thuộc EU. Brexit sẽ dẫn đến việc tăng các khoản đóng góp do các nước không thuộc EU cung cấp. Ngoài ra, các Kiểm toán viên cũng chỉ rõ những thách thức liên quan đến các khoản đóng góp do EFTA trực tiếp chi trả đối với một số quốc gia thành viên EU (tức là không nộp vào ngân sách EU), do đó các tổ chức EU không thể giám sát trực tiếp khoản đóng góp. Do số tiền đóng góp này dựa trên thoả thuận chính trị và không có một phương pháp cụ thể đánh giá, EU gặp khó khăn trong việc đảm bảo những đóng góp tài chính này tương xứng với lợi ích mà các nước EFTA nhận được khi tiếp cận thị trường chung nội bộ EU. Liên quan đến việc giám sát các khoản đóng góp trực tiếp tới một số quốc gia thành viên EU, hai khuôn khổ lập pháp riêng biệt được áp dụng để báo cáo, kiểm soát nội bộ và kiểm toán các thoả thuận (tương ứng cho các khoản tài trợ của Na-uy/các nước thuộc khu vực kinh tế châu Âu-EEA và sự đóng góp của Thuỵ Sỹ). Hai khuôn khổ này bổ trợ và củng cố chính sách gắn kết của EU - được xây dựng bởi một bên thứ ba với các quy định và thủ tục khác. Do đó, có 3 khung quản lý khác nhau cùng tồn tại ở một số nước thành viên EU cùng hướng tới mục tiêu chính sách giống nhau. Thách thức chính từ 3 khung quản lý này là việc đảm bảo sự phối hợp hiệu quả và hạn chế rủi ro về chồng chéo./.
 
(Bản tin quốc tế của KTNN số 100, ra ngày 4/5/2021)